Vật vã Cửu Long

Tuần trước tôi có gọi điện trò chuyện với một người bạn văn ở Bến Tre, tiện thể hỏi thêm về tình hình mùa khô hạn năm nay ở tỉnh nhà. Bạn tôi trả lời, vẫn tồi tệ, thậm chí tồi tệ hơn so với năm 2018, cái năm mà các anh đi thực tế trong này.

Như vậy là đã tròn 5 mùa khô qua đi kể từ ngày Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một đoàn hội viên đi thực tế tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chuyến đi kéo dài nửa tháng từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, quãng thời gian khô hạn lên đến đỉnh điểm. Ba địa phương khảo sát là Bến Tre tỉnh hạ nguồn cửa biển, Đồng Tháp khoảng giữa và An Giang tỉnh đầu nguồn nước nội thủy ĐBSCL.

Trong ba tỉnh trên thì Bến Tre được xác định là trọng điểm bởi đó là tỉnh cửa biển cuối nguồn nước ngọt, đầu nguồn nước mặn nên bao giờ cũng là địa phương khô hạn và ngập mặn nặng nhất mỗi khi mùa khô về. Bến Tre vì thế từ lâu đã trở thành điển hình cho những địa phương phải gánh chịu hậu quả nặng nhất của thiên tai, nhân tai và biến đổi khí hậu.

Bến Tre mà vật vã trước mùa khô thế nào thì cả ĐBSCL sẽ vật vã thế ấy. Để hình dung ra sự khốc liệt mỗi ngày mỗi tăng trên mảnh đất Chín Rồng mỗi khi mùa khô về, tôi xin gửi tới bạn đọc bài viết về nỗi nhọc nhằn của Bến Tre trước một mùa khô khó quên 5 năm về trước.

*

Vượt qua biên giới Campuchia vào đất Việt Nam chừng 2km, sông Mekong một dòng đột ngột tách làm hai, đó là dòng Tiền Giang phía trên và Hậu Giang phía dưới. Trong một không gian uốn lượn thênh thang châu thổ, hai dòng Tiền Hậu lại tách thành 9 nhánh mang 9 cái tên khác nhau xuôi về Đông đồng loạt đổ nước vào Biển Đông như 9 con rồng tiếp nước cho Thái Bình Dương. Người Việt Nam đã cải tên cho con sông châu thổ của mình thành sông Cửu Long là thế.

Với điều kiện khí hậu và thiên nhiên đặc thù mà khu vực châu thổ ĐBSCL đã hình thành nên một nhịp sống tự nhiên riêng biệt, đó là sự xuất hiện nhịp nhàng đều đặn hai mùa thời tiết, mùa mưa và mùa khô. Cùng với đó là sự hình thành hai mùa nước nổi và nước hạn tương ứng.

Trải qua ngàn năm tiếp nối, được sự ưu đãi thiên nhiên cùng với bàn tay cải tạo con người, đặc biệt là từ khoảng 5 thế kỷ trở lại đây, khi vùng đất này thuộc quyền khai phá và quản lý của người Đại Việt thì một nền văn minh sông nước mang sắc diện đặc thù Việt Nam đã hình thành và phát triển nhanh trên vùng châu thổ.

Bằng sự lao động kiên gan bền chí và một tố chất thông minh sáng tạo của cộng đồng Việt ngày một đông đảo, họ đã biến một vùng đất hoang lầy rắn rết, cá sấu, dã thú và bệnh tật trở thành một vùng đất trù phú với một nền kinh tế nông nghiệp đa dạng lúa nước, cây trái và thủy sản, để đến hôm nay, ĐBSCL đã là vùng đất phát triển giàu có với trên 20 triệu người sinh sống, là vựa lúa, vựa cây ăn trái, vựa tôm cá lớn nhất nước ta và cũng là nổi tiếng thế giới, đóng góp phần quan trọng vào quá trình phát triển hưng thịnh nước nhà.

Vật vã Cửu Long - 1

Cống đập Ba Lai trên sông Ba Lai, tỉnh Bến Tre là công trình trọng điểm dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre

Nhưng rồi thế gian bãi bể nương dâu, chưa bao giờ chúng ta phải chứng kiến một sự thay đổi thời tiết khí hậu nhanh và mạnh đến thế. Những cơn siêu bão nhiệt đới chỉ thấy trong truyền thuyết nay dồn dập đổ bộ tàn phá ĐBSCL. Bão biển và triều cường hoạt động liên miên với cường độ mạnh mẽ chưa từng thấy dâng nước biển ngập tràn các cửa sông đẩy nước mặn ăn sâu vào đất liền có nơi trên trăm cây số…

Bên cạnh những thiên tai thế kỷ mà ĐBSCL là một trong năm địa danh phải gánh chịu nặng nề nhất thế giới ngày nay, thì nhân tai cũng đem lại những hiểm họa khôn lường. Như mọi người đều biết, sông Mekong chảy qua 6 nước, nguồn nước dòng sông là tài sản chung quý báu của 6 dân tộc. Nhưng từ lâu dòng sông đã bị chia cắt làm nhiều khúc bởi những lợi ích riêng biệt của các quốc gia thượng nguồn.

Hàng chục hồ chứa nước khổng lồ hình thành bởi những con đập thủy điện khổng lồ chặn ngang dòng sông lớn tại các nước đầu nguồn, đã thay đổi hoàn toàn nhịp sống sinh học, kéo theo những hệ lụy bất thường của tình trạng khí tượng thủy văn toàn khu vực. Chưa bao giờ lại có hiện tượng 3 cái biển nước thiên nhiên khổng lồ chứa hàng mấy chục tỷ mét khối nước điều hòa cho ĐBSCL là Biển hồ Tonle Sap Campuchia, Gò Tháp - Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên của Việt Nam lại bị cạn nguồn trơ đáy ngay cả khi mùa nước nổi như nhiều năm gần đây.

Trong quá trình phát triển của mình, ngay từ năm 1990 Trung Quốc đã là nước đầu tiên triển khai chiến lược khai thác dòng Mekong phục vụ lợi ích cho riêng họ, với 14 dự án đập thủy điện bậc thang trên dòng chính, trong đó tới nay đã xây dựng xong 8 nhà máy. Tiếp đến là Lào 9 dự án, Campuchia 2 dự án, trong đó mỗi nước đều có một dự án đã xây dựng. Sự toan tính thiển cận và ích kỷ con người được những thành tựu khoa học kỹ thuật thế kỷ hỗ trợ nhiều khi đã trở thành nhân tai quay lại hủy hoại cuộc sống trái đất. Nhịp sống sinh học nhịp nhàng châu thổ ĐBSCL bị đảo lộn từ đây. Mùa nước nổi chu kỳ thau chua rửa mặn mang phù sa và tôm cá ngập tràn lãnh thổ hàng năm nay xuất hiện thất thường và ngắn ngủi, thậm chí có năm nước nổi không về.

Từ một vùng đất hồng hoang nguyên thủy trở thành văn minh giàu có là nhờ đi lên từ nông nghiệp, nói cách khác là đi lên từ sự nhịp nhàng của hệ sinh thái con nước, nước nổi, nước ròng, nước lên, nước cạn… mà nay nguồn nước nhịp nhàng dồi dào sinh khí ấy bỗng dưng bị chặn lại để tất cả phải đột ngột chuyển sang một nhịp sinh học bất thường mang đầy yếu tố rủi ro.

Bằng sự quan sát trực tiếp người ta cũng có thể nhận ra sự đảo lộn hủy hoại, đó là khi mùa mưa đến, từ thượng nguồn đến hạ du nơi nơi đều đang tràn trề nước nổi thì để bảo vệ đập nước của mình, các quốc gia thượng nguồn lại cho xả nước đồng loạt bỗng chốc gây nên nạn hồng thủy cho vùng hạ du. Và ngược lại khi sắp hết mùa mưa, họ lại nhanh chóng đóng lại tất cả cửa đập để dự trữ nước nguồn cho mùa hạn, và đó chính là nguyên nhân trực tiếp của những trận hạn hán trái mùa và kéo dài vô tận trên toàn vùng châu thổ ĐBSCL.

Không chỉ còn là dự đoán mà thiên tai cùng với nhân tai đã hiện hữu trong đời sống thường nhật của cả vùng châu thổ chúng ta. Hơn ai hết, người dân châu thổ đã ý thức được sự mất còn của nguồn nước ngọt sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển, mất hay còn của cả vùng đất trù mật này. Giữ lấy nguồn nước ngọt cho ĐBSCL, hơn bao giờ hết đã nổi lên như là tiếng kêu khẩn thiết của cuộc sinh tồn.

Trên tầm quốc tế, từ lâu Chính phủ Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế như Ủy hội Sông Mekong Quốc tế, tổ chức Các nước tiểu vùng Sông Mekong… nhằm hợp tác và đấu tranh cùng các nước liên quan để hình thành một hệ thống pháp lý trong việc bảo vệ khai thác sử dụng nguồn nước Mekong cũng như bảo vệ môi trường và hệ sinh thái toàn khu vực.

Dĩ nhiên đây là một công việc đầy khó khăn trắc trở khi nó đụng chạm tới những vấn đề xung đột lợi ích của các quốc gia, bởi vậy sẽ luôn luôn là một cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ. Nhưng sự sống thì vẫn diễn ra hàng ngày, bởi vậy mà trước cuộc mưu sinh mất còn, mỗi con người, mỗi cộng đồng lớn nhỏ làng xã huyện tỉnh ở vùng đất này, vẫn không thể một ngày một giờ ngừng nghỉ tranh đấu để mong giữ lấy cuộc sống bình yên tốt đẹp cho hôm nay và cho ngày mai.

Xin được quay trở lại vùng đất Bến Tre.

Sông Cửu Long 9 nhánh đổ nước vào Biển Đông thì riêng đất Bến Tre đã có 4, đó là các dòng sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Trong đó sông Tiền là ranh giới giữa Bến Tre với tỉnh Tiền Giang, còn Cổ Chiên là ranh giới Bến Tre với Trà Vinh. Bốn dòng sông này đã chia vùng đất nội địa Bến Tre thành 3 cù lao lớn, đó là cù lao Bình Đại, cù lao Bảo và cù lao Minh.

Mỗi cù lao này dài chừng dăm chục cây số lại được phân chia địa giới hành chính thành hai, ba huyện hoặc thành phố, thị xã. Một đôi điều địa lý để thấy Bến Tre là vùng đất cuối nguồn cửa biển ba bề bốn bên sông nước, vùng đất sẽ được hưởng nhiều lộc trời phù sa bồi đắp và tôm cá cây trái đa dạng khi mưa thuận gió hòa, nhưng sẽ là đầu sóng ngọn gió, là nơi đầu tiên phải gánh chịu những tổn thất mỗi khi hiểm họa thiên tai và nhân tai ập tới.

Chúng tôi đã đi qua nhiều địa danh nổi tiếng xứ dừa như Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày, Chợ Lách… những mảnh đất gắn với tên tuổi những con người kiệt hiệt lịch sử nước nhà như Võ Trường Toản, Lãnh binh Thăng, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thị Định, Huỳnh Tấn Phát…

Những sự tích, hình ảnh và hiện vật còn lưu giữ đã để lại trong tôi những xúc động sâu sắc về quá khứ hào hùng mở nước và giữ nước của các bậc tiền nhân. Nhưng về Bến Tre những ngày tháng này, điều mà chúng tôi cảm nhận được rõ nét và trực tiếp nhất lại là những khó khăn bộn bề muôn mặt đời sống con người trong cuộc vật lộn để giữ lấy nguồn nước ngọt quý báu, giữ lấy màu xanh cây trái miền đất gian khó này.

Vật vã Cửu Long - 2

Nhà văn Nguyễn Nhật Nam - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bến Tre cùng tác giả Nguyễn Đắc Như trên cống đập Ba Lai

Giữ lấy nguồn nước ngọt tại ĐBSCL không phải đến nay mới là điều được quan tâm, mà ngay từ những năm tháng cuối thế kỷ 20 Nhà nước ta đã coi là một trong những trọng điểm chiến lược, và ngay từ thời đó Bến Tre cũng đã trở thành tiêu điểm của chiến lược này.

Dự án “Ngọt hóa Bắc Bến Tre” được Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện từ đầu năm 2000. Dự án có mục tiêu ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn nước ngọt, tiêu úng, tiêu chua rửa phèn cho một vùng rộng lớn Bắc Bến Tre gồm các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành, Bình Đại và thành phố Bến Tre; giữ đất và ngọt hóa cho 115.000 ha đất tự nhiên, trong đó có 85.000 ha đất nông nghiệp.

Dự án còn có mục tiêu quan trọng là cung cấp nước sinh hoạt cho gần 1 triệu dân vùng “ngọt hóa”. Dự án gồm 9 hạng mục là cống đập Ba Lai, Âu thuyền Bến Tre và An Hóa, cống tiếp nước Bến Rờ, hệ thống đê bao sông Hàm Luông và sông Cửa Đại… với tổng chi phí là 700 tỷ đồng (thời giá năm 2.000, nay đã trượt lên trên ngàn tỷ). Cống đập Ba Lai là công trình trọng điểm được xây dựng đầu tiên. Khởi công tháng 1/2000, hoàn thành 30/4/2002. Nhưng ngay sau đó, do nhiều lý do khác nhau mà các hạng mục khác của dự án triển khai rất chậm và không đồng bộ. Cho đến nay sau gần hai mươi năm thực hiện, dự án vẫn còn dang dở chưa hoàn thành các mục tiêu thiết kế ban đầu. Thực tế không bình thường của việc triển khai dự án đã dẫn đến một hậu quả bất thường trên thực địa.

Đi dọc một số huyện trong và cả ngoài vùng đất dự án ngọt hóa, chỉ bằng mắt thường ta cũng đã nhận ra sự khác biệt sắc màu và cảnh quan từng nơi. Ở những vùng nước tự nhiên ngoài dự án, chếch về phía Bắc như Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc… những nơi xa biển ít bị ảnh hưởng của nước mặn xâm thực, nếu như những vườn cây hoa trái xanh tươi và những cánh đồng lúa trải rộng tầm mắt là hình ảnh khá phổ biến, thì tại các huyện vùng Đông Nam hạ nguồn giáp biển như Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú… sắc màu cây cối cứ ngả dần sang màu vàng úa. Cho đến mỏm đất cuối cùng cù lao Minh mang tên Cồn Lợi, nơi có đồn biên phòng Cổ Chiên và khu di tích tượng đài Thạnh Phong ở cửa Khâu Băng ghi dấu thành công chuyến đi đầu tiên tàu không số chở vũ khí từ Bắc vào Nam năm 1958 do bà Nguyễn Thị Định chỉ huy, thì cảnh tiêu điều hoang vu đã bao phủ một vùng rộng lớn.

Đi qua một trảng cát ngổn ngang gò đống là một vùng cây cỏ vàng khô và những dòng kênh trơ đáy. Tất cả cảnh quan và sắc màu nơi đây gợi cho ta nghĩ tới một vùng đất đang bị sa mạc hóa. Hình ảnh tương phản tại vùng đất tự nhiên ngoài vùng dự án ngọt hóa Bến Tre là như vậy, Bắc thì xanh Nam thì vàng, trên xanh dưới vàng.

Còn những địa phương nằm trong vùng dự án thì sao? Theo con đường tỉnh lộ 885 chạy dọc cù lao Bảo, tức là đi vào trung tâm vùng dự án ngọt hóa. Càng xuôi về biển, về với vùng xâm thực nước mặn như Giồng Trôm, Ba Tri, cảnh quan xem ra cũng không hơn gì vùng đất tự nhiên vừa nói.

Ở xã Thạnh Trị nơi đặt cống đập Ba Lai và xã Bảo Thạnh kế bên là hai xã chạy dài ven biển, cuộc đối đầu mặn ngọt giữa hai nguồn nước cứ như hiển hiện khắp nơi. Những dòng kênh với những dải bờ đất đắp cao như những con đê quai, vừa để dẫn nước ngọt phía sông cũng là để ngăn nước mặn phía biển, chúng chạy ngoằn ngoèo chia cắt đất đai thành từng vùng mặn ngọt xen kẽ. Kèm theo đó là những cửa đập to nhỏ các cỡ được dựng lên, nhịp nhàng đóng mở chu kỳ để dồn nước mặn ra ngoài và giữ nước ngọt ở lại.

Đất đai chia vùng mặn ngọt thì cây trồng và sinh kế cũng theo đó đổi thay. Nếu như bên phải con đường liên thôn được nước ngọt phủ xanh đồng lúa thì bên trái còn đó những thửa ruộng phơi màu đất xám và những trảng cỏ úa vàng. Vòng sang thôn khác, khi thấy bên kia là những vườn bưởi xanh tán thì bên này lại xen kẽ những ruộng muối đìa tôm. Ở vùng đất ngọt mặn xen kẽ này người dân có nhiều cách để giữ lại nguồn nước ngọt quý báu cho sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt… trong đó đào ao sâu rộng lót đáy tấm nhựa trữ nước sông từ mùa nước nổi là cách phổ biến. Từ ngoài nhìn vào thấy nhà nào nhà nấy cũng hàng chục hàng trăm lu nước mưa lớn nhỏ quanh nhà trữ nước ăn cho ít nhất nửa năm mùa khô.

Nhắc đến cuộc mưu sinh gian khó vùng đất này mà quên nói đến một nghề mới xuất hiện thì sẽ là một khiếm khuyết, đó là nghề nuôi tôm. Quốc lộ 57 là trục đường chính chạy dọc cù lao Minh xuôi về cuối huyện Thạnh Phú. Ngay bên ngoài phố huyện đã thấy xuất hiện những đầm nước vuông vắn đầu tiên rồi sau đó là chi chít những ao hồ tiếp nối chạy sâu về hai phía cánh đồng. Đây là địa phương nằm trong vùng nước mặn tự nhiên nên nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, một loại tôm nước mặn mới du nhập về Việt Nam, phát triển rất mạnh.

Nghề nuôi tôm thẻ đem lại hiệu quả kinh tế to lớn làm đổi đời nhiều gia đình nông dân sống trong vùng nước mặn ven biển khu vực ĐBSCL. Sức hấp dẫn của nghề mới này đã lan tới cả vùng đất nằm trong dự án ngọt hóa, vậy nên cảnh ruộng lúa với đìa tôm nước mặn nằm kế bên nhau đã không phải là hiện tượng hiếm thấy tại các xã vùng ngọt hóa. Chúng tôi đã đi qua nhiều nơi thuộc huyện Châu Thành và Bình Đại như các xã Bình Thới, Thới Lai, Lộc Thuận, Đinh Trung…, những địa phương nằm trong vùng dự án ngọt hóa, hàng trăm đìa tôm nước mặn nối đuôi nhau xuất hiện. Cứ theo con lộ chạy dọc cù lao là thấy hàng trăm kênh rạch được đào lên để dẫn nước mặn vào ao tôm khi nước sông ngập mặn, rồi khi mùa mưa tới nước sông hết mặn, người ta liền khóa kênh dẫn nước, hút nước mặn từ các giếng ngầm khoan sâu hàng vài chục mét trong lòng đất bơm vào ao hồ tiếp tục nuôi tôm thẻ.

Như thế là giữa vùng ngọt hóa, người dân ở đây đã thực hiện một quy trình canh tác ngược lại, đó là “tái mặn vùng ngọt hóa”. Quy trình này trên thực tế đã đem lại lợi ích kinh tế nhất thời cho một số hộ nông dân có vốn đầu tư lớn, nhưng lại đem đến thiệt hại không nhỏ cho những hộ nông dân sống và canh tác bằng nước ngọt khu vực kế bên. Có lẽ đây là hình ảnh điển hình nhất cho cuộc xung đột lợi ích mặn ngọt giữa các bộ phận dân cư trong vùng dự án, và cũng là hình ảnh nói lên sự dang dở ngổn ngang của dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre, một dự án lớn muốn biến một vùng đất quan trọng nhất của tỉnh trở thành một pháo đài khép kín chống chọi với nước biển dâng.

Qua những diễn biến bất cập của một dự án ngăn mặn giữ ngọt, tuy mới chỉ thực hiện trên phạm vi một vài huyện cửa sông ở Bến Tre mà đã thấy quá nhiều điều đáng phải suy ngẫm về ý tưởng, về thiết kế, về kỹ thuật, về nguồn lực, về điều hành, về chất lượng…, thì nhìn rộng ra cho tới chín cửa sông của cả vùng đất Chín Rồng trong hoàn cảnh hiện nay, ta sẽ hình dung ra quy mô của sự bộn bề công việc phải giải quyết. Sự đảo lộn môi trường ngày nay diễn ra không phải chỉ trên phạm vi một vài huyện mà thực tế đã bao trùm trên quy mô vùng miền, quy mô quốc gia, thậm chí liên quan đến nhiều quốc gia.

Thực tế đó nói lên một điều, những dự án môi trường và khí hậu nếu chỉ gói gọn trong quy mô hẹp một vài huyện, thậm chí một vài tỉnh là không thể giải quyết được triệt để vấn đề, đôi khi còn để lại những hậu quả nghiêm trọng về mặt môi trường, đời sống, tài chính, an ninh… Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có một chương trình quy hoạch tổng thể ĐBSCL tiến tới một giải pháp toàn diện nhằm mục tiêu cuối cùng là giữ lấy nguồn nước ngọt tự nhiên trên phạm vi toàn vùng châu thổ, chủ động điều chỉnh nhịp sống sinh học toàn khu vực nương theo những biến động khôn lường của hoàn cảnh và môi trường đổi thay.

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi

Khởi nguyên của vũ trụ: Lịch sử 14 tỉ năm tiến hóa

Khởi nguyên của vũ trụ: Lịch sử 14 tỉ năm tiến hóa

Từ ngàn xưa, con người vẫn thường tự đặt câu hỏi về nguồn gốc của mình trong vũ trụ: "Ta đến từ đâu?" hay "Ta là ai trong vũ trụ này?". Bởi chủ đề khởi nguyên vẫn luôn mê hoặc con người bởi nhiều lý do, cả lý trí và cảm xúc. Chúng ta khó có thể hiểu được bản chất của bất kỳ điều gì nếu không biết nó đến từ đâu. Trong tất cả những câu chuyện được nghe, câu chuyện về