Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo

Báo chí là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hoá. Toàn bộ hoạt động của báo chí, truyền thông tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng trên các lĩnh vực của đất nước, là chủ thể phản ánh đời sống xã hội; khơi nguồn, phổ cập những điều tốt đẹp, đồng thời đấu tranh chống cái xấu. Trong hoạt động báo chí, yếu tố nhân văn là tiêu chí quan trọng hàng đầu, tạo ra hiệu ứng tích cực, lan toả, thổi lên ngọn lửa của lòng nhân ái, lối sống tốt đẹp trong xã hội. Từ đó. đẩy mạnh “xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo” nhằm tạo môi trường thân thiện, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đề cao giá trị nhân văn…

Chặng đường 99 năm qua (1925-2024), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quản lí của Nhà nước, hệ thống báo chí cả nước luôn quán triệt, thực hiện nghiêm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, phát triển mạnh mẽ, ngày càng đổi mới, khởi sắc về chất lượng, hiệu quả cả về nội dung, hình thức, phương tiện kĩ thuật, công nghệ làm báo và từng bước chuyển đổi số trong thời đại “số hoá”.

Báo chí luôn luôn được coi là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, tạo sự thống nhất và liên kết trong xã hội nhằm giải quyết các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn đặt ra. Báo chí còn là diễn đàn để người dân dãi bày tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình.

Nhà báo là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, với trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, không chỉ có nhiệm vụ tuyên truyền, lan tỏa giá trị tốt đẹp mà tự thân phải phấn đấu là những người xây dựng, thực thi đường lối, nhiệm vụ. Nhà báo có sứ mệnh cao cả là giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, làm lay động lòng người để hun đúc ý chí cách mạng và khát vọng đất nước phồn vinh, Nhân dân ấm no, hạnh phúc. 

Đảng ta chủ trương: “Xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Mục tiêu là kiến tạo không gian, môi trường văn hoá trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo. Xây dựng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất chính trị, tư tưởng, bản lĩnh, năng lực, trình độ chuyên môn cao để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự Nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại” như Bác Hồ dạy. Đồng thời, chấn chỉnh những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn. Báo chí phải biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực, truyền cảm hứng, lan toả niềm tin trong xã hội; đồng thời làm tốt vai trò giám sát, phản biện, cung cấp thông tin chính xác, trung thực, kịp thời, minh bạch, kiên quyết bảo vệ lẽ phải, lên án cái xấu xa, tham nhũng, tiêu cực. Đó chính là nền móng xây dựng cơ quan báo chí và “nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn vì lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo - 1

Ảnh minh họa

Bên cạnh mặt tích cực, thành tựu thì báo chí hiện còn bộc lộ mặt hạn chế, tiêu cực trong một số cơ quan báo chí và nhiều nhà báo “lệch chuẩn”, vi phạm 10 điều “Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”. Về vấn đề này, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế, một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hoá, quản lí mạng xã hội còn bất cập”. Có nguyên nhân hiện đang bộc lộ những hạn chế của quy hoạch báo chí, nhiều cơ quan, địa phương có sự lúng túng, thiếu kiên quyết thực hiện quy hoạch, quy hoạch chưa gắn với thực tiễn cuộc sống. Trong hoạt động, một số tòa soạn buông lỏng quản lí, thành lập tràn lan trung tâm, văn phòng đại diện, tuyển dụng phóng viên kém chất lượng, hoạt động tự phát, nhũng nhiễu doanh nghiệp, cơ quan, địa phương. Tình trạng thương mại hoá, khoán “nộp doanh thu” đối với văn phòng đại diện, khoán chỉ tiêu tài chính cho phóng viên dẫn đến tình trạng “trấn lột” người dân, doanh nghiệp, lừa đảo, ép buộc chi tiền, thường xảy ra ở một tạp chí điện tử thuộc đơn vị ngoài công lập. Trên thực tế, hầu như tháng nào cơ quan công an các cấp cũng xử lí pháp luật một vài phóng viên, khởi tố hình sự cả nhà báo từng là cựu tổng biên tập oanh liệt một thời.

Hội Nhà báo Việt Nam từng phát động phong trào “Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí”, đề ra 12 điểm “tiêu chí”, bao gồm 6 tiêu chí “Cơ quan báo chí văn hoá”, 6 tiêu chí “Người làm báo văn hoá”. Nếu mọi cơ quan báo chí,  nhà báo nào cũng triệt để thực hiện các tiêu chí đề ra thì nền báo chí cách mạng sẽ là toà nhà trong sáng như pha lê, không gợn lên chút tạp bẩn. Song, trong hoạt động những tiêu chí đó chưa thấm vào từng cơ quan, từng con người hành nghề. Hiện tượng “lệch chuẩn” vẫn đang phổ biến trong hoạt động báo chí.

“Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá, văn hoá của người làm báo” trước hết là từ phẩm cách của người đứng đầu - vị trí tổng biên tập. Thực tiễn cho thấy, cơ quan báo chí nào hoạt động có hiệu quả, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, tòa soạn và phóng viên không vi phạm pháp luật, là ở đó có người đứng đầu nêu gương, có đạo đức tốt, chuyên môn sâu, biết tổ chức đội hình tác nghiệp, sáng tạo trong đổi mới,v.v…hiệu quả là cơ quan báo chí ấy thật sự có văn hoá, lan tỏa ảnh hưởng trong xã hội, uy tín cao. Ngược lại, những cơ quan báo chí đì đẹt, đông người nhưng không mạnh vì chất lượng đội ngũ phóng viên hỗn tạp, người đứng đầu buông lỏng quản lí, vụ lợi thường dẫn đến tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật.

Vai trò tổng biên tập phải xứng tầm, thao lược trong điều hành, chỉ đạo đội quân tác nghiệp. Muốn vậy, người đứng đầu phải tạo lập một cơ quan với thế “kiềng ba chân”. Một là, tổ chức bộ máy tinh, gọn, hiệu quả. Phòng, ban, cấp phó, đơn vị, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú cần hợp lí, chọn lọc bởi mọi thành bại do con người quyết định. Đi đôi với nó là ban hành quy chế, nội quy minh bạch trong nội bộ, phân công đúng người, đúng việc; duy trì nếp sinh hoạt, giao ban; xây dựng tổ chức đảng, chi hội nhà báo, công đoàn vững mạnh. Hai là, thực hiện nghiêm túc tôn chỉ mục đích, Luật Báo chí và các quy định của pháp luật liên quan, biết dựa vào chủ quản. Luôn đổi mới nội dung, hình thức, đổi mới sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ. Ba là, quản lí, sử dụng nghiêm ngặt, minh bạch về tài chính, thúc đẩy kinh tế báo chí thông qua phát hành và các dịch vụ truyền thông, làm tốt nghĩa vụ với Nhà nước, thực hiện phương châm 5 không nợ (nhà in, thuế, lương, bảo hiểm xã hội và nhuận bút). Tựu trung lại, người đứng đầu cơ quan báo chí cần tài năng, trí tuệ, đạo đức nghề nghiệp, gương mẫu, dám chịu trách nhiệm, dám xả thân và biết phụng sự Nhân dân, trong đó có những cán bộ, nhân viên dưới quyền.

Người đứng đầu vững vàng, trong sáng không chỉ là điểm tựa mà còn là cực nam châm thu hút nhân tâm, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, mọi người ứng xử văn hoá, thân ái, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, khiêm tốn, văn minh trong công sở, chuẩn mực thân thiện với người dân, doanh nghiệp,v.v…

Mục tiêu chung là xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước, bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, chất lượng phóng viên, biên tập viên,v.v… 

Trong giai đoạn bùng nổ của cuộc cách mạng lần thứ tư (4.0), chuyển đổi số trong hoạt động báo chí là một tất yếu, nhân tố quan trọng để xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá người làm báo. Công nghệ số và nền tảng truyền thông kĩ thuât số là yếu tố làm thay đổi, cải tiến và tối ưu hoá hoạt động của cơ quan báo chí. Đó là giải pháp hàng đầu để chuyển đổi từ hình thức truyền thông truyền thống sang các phiên bản số báo chí, phát triển các dịch vụ và nền tảng trực tuyến để cung cấp thông tin và tương tác với công chúng. Chuyển đối số giúp cải thiện tốc độ, tác động và tiếp cận của thông tin, tăng cường hiệu quả, khả năng phổ cập, giảm chi phí. Chuyển đổi số giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện mô hình truyền thống sang phương pháp số hoá theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, tạo nguồn thu, thúc đẩy đầu tư công nghệ, thay đổi kĩ năng làm báo. 

Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, tạo môi trường số và xã hội số góp phần đẩy lùi tiêu cực, loại trừ tuyên truyền sai sự thật, phản ánh không đúng bản chất hiện thực đất nước. Đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng internet, mạng xã hội lan truyền thông tin xấu độc, xuyên tạc, kích động hòng chống phá về chính trị, tư tưởng, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Đó là những giải pháp hữu hiệu để xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá người làm báo. 

“Hệ thống báo chí cả nước luôn quán triệt, thực hiện nghiêm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, phát triển mạnh mẽ, ngày càng đổi mới, khởi sắc về chất lượng, hiệu quả cả về nội dung, hình thức, phương tiện kĩ thuật, công nghệ làm báo và từng bước chuyển đổi số trong thời đại “số hoá”.

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất

Dấu ấn Hà Nội qua góc nhìn của những nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng

Dấu ấn Hà Nội qua góc nhìn của những nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng

Những tác phẩm nhiếp ảnh về Hà Nội của các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng như: Trịnh Hải, Hoàng Kim Đáng, Trần Hồng, Hoàng Như Thính, Khắc Hường, Phạm Công Thắng, Trần Hải, Đăng Khoa... được trưng bày trong triển lãm “Hà Nội trong tôi” là lời tri ân, thể hiện tình yêu Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).