Từ Tam Đảo tới Cánh Đồng Chum

Những ngày đầu xuân qua, tôi có dịp bay từ TP Hồ Chí Minh ra Nội Bài rồi Tam Đảo, rủ những người bạn văn chương, báo chí của mình như Đinh Trọng Tuấn - Tổng biên tập một tạp chí… đi dự buổi lễ khởi công dự án “Tổ hợp Vinabeef Tam Đảo” rất hoành tráng tại Tam Đảo, được triển khai trên tổng diện tích 75,6ha, gồm 2 phân khu Trang trại chăn nuôi bò thịt có sức chứa 10 nghìn con và Nhà máy chế biến thịt bò mát với công suất 30 nghìn con/năm (10 nghìn tấn sản phẩm/năm).

Trống giong cờ mở, lòng người hân hoan. Tổng giám đốc Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk Mai Kiều Liên, nụ cười vẫn rất tươi tắn và nồng hậu cho chúng tôi hay: “Đây là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản với thông điệp “Việt - Nhật đồng hành, hướng tới tương lai - vươn tầm thế giới”, đây cũng là dự án đầu tiên trong kế hoạch đầu tư, hợp tác giữa các tập đoàn hàng đầu Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao - chăn nuôi và chế biến bò thịt với tổng giá trị thỏa thuận hợp tác lên đến 500 triệu USD đã được ký từ cuối năm 2021.

Cũng tại Tam Đảo sáng xuân tươi mát và lễ hội trang nghiêm này, tôi được gặp lại đây nhiều người bạn Vinamilk thân thiết, từ vị Tư lệnh Mai Kiều Liên, đến các “thuộc hạ” của chị vốn là những giám đốc của Vinamilk phụ trách các lĩnh vực qua nhiều thời kỳ, và đều là những người bạn thân thiết của tôi: Nguyễn Như Hằng, Trần Minh Văn, Thanh Hòa, Nguyễn Thanh Tú… rồi thế hệ trẻ sau đang phơi phới như mùa xuân vì rất trẻ và năng động, như Bích Ngân, Thu Hồng, Nguyễn Khoa, Nguyễn Phương Nhi…

Giám đốc Điều hành phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk Trịnh Quốc Dũng cho hay: "Quy mô hợp tác về vốn đầu tư giữa Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk - thông qua công ty thành viên là Vilico, với Tập đoàn Sojitz là 3.000 tỷ đồng trong giai đoạn 1, trong đó tổng mức đầu tư xây dựng cho cụm trang trại, nhà máy tại Tam Đảo là 1.670 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024 với sản phẩm thịt bò mát được chế biến theo công nghệ Nhật Bản mang thương hiệu Vinabeef.

Dự án được quy hoạch xây dựng và vận hành theo quy trình 4 trong 1 khép kín: Chăn nuôi - Sản xuất - Chế biến - Phân phối, qua đó sẽ cung cấp các sản phẩm nổi bật là thịt bò mát bảo đảm tươi, ngon, bổ dưỡng và an toàn cho sức khỏe đến người tiêu dùng Việt Nam. Quy trình 4 trong 1 bắt đầu từ mô hình chăn nuôi tự nhiên, đàn bò thịt sẽ được nuôi tại các trang trại sinh thái đạt chuẩn Global G.A.P với chế độ chăm sóc đặc biệt và được ứng dụng công nghệ cao”.

Cũng chính Giám đốc Trịnh Quốc Dũng khẳng định: "Sản phẩm thịt bò mát của Vinabeef được chế biến hoàn toàn sạch trên dây chuyền hiện đại, khép kín, tự động hóa cao, ứng dụng công nghệ hiện đại để bảo đảm tươi ngon và dinh dưỡng cao nhất cho sản phẩm. Quá trình phân phối sẽ tiếp tục được kiểm soát nghiêm ngặt, đáp ứng yêu cầu khắt khe của chuỗi cung ứng lạnh, có khả năng truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng và độ an toàn của từng sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn”.

Một người bạn Nhật Bản mới của chúng tôi, ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch Tập đoàn Sojitz Nhật Bản cho biết : “Đây là dự án tiềm năng và trọng điểm tại Việt Nam của tập đoàn trong ít nhất 5 đến 10 năm tới”.

Xin được giới thiệu thêm, Tập đoàn Sojitz là một tập đoàn kinh tế đa ngành rất lớn của Nhật Bản. Họ đã tìm đến Việt Nam và Vinamilk bởi những nguyên do như lời ông Masayoshi Fujimoto: “Đánh giá thị trường thịt bò tại Việt Nam còn nhiều dư địa, nhu cầu tiêu dùng và sử dụng sản phẩm thịt chất lượng cao còn rất lớn, chúng tôi tin tưởng dự án sẽ tạo được một bước đột phá trên thị trường sau khi bắt đầu đi vào hoạt động. Vinamilk và Vilico là các đối tác lớn, uy tín và có các thế mạnh về nguồn lực, kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi, vận hành, am hiểu về thị trường, chúng tôi sẽ là những đối tác tuyệt vời để đồng hành, bổ trợ cho nhau trong việc triển khai tổ hợp Vinabeef Tam Đảo và nhiều dự án nữa trong tương lai". 

Từ Tam Đảo tới Cánh Đồng Chum - 1

Lễ khởi công - triển khai dự án Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo

*

Từ Tam Đảo hôm nay lại nhớ về những trang trại của Vinamilk ở Tây Ninh, Cánh đồng Chum…

Cũng đã ba năm, ngày ấy tôi được dự một buổi lễ của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) khánh thành Trang trại bò sữa Tây Ninh, thuộc loại trang trại bò sữa hàng đầu nước ta, tọa lạc tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh với tổng diện tích 685 ha, quy mô chăn nuôi 8.000 bò, bê, với tổng kinh phí đầu tư trên 1.200 tỷ đồng (tương đương 50 triệu USD).

Tại buổi lễ ấy, tôi được gặp hai người bạn Lào, từ Viêng Chăn và Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng) bay sang dự lễ. Đó là các ông Thongphath Vongmany, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp Lào, và ông Bountone Chauthavong ne, Tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng. Nghe anh Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành phụ trách vùng nguyên liệu của Vinamilk, trịnh trọng giới thiệu tôi là “người lính năm xưa từng tham gia giải phóng Cánh Đồng Chum”, các bạn Lào xúc động lắm, hai anh ôm chầm lấy tôi và ngỏ ngay lời mời “người lính” là tôi sẽ trở lại Cánh Đồng Chum vào dịp tháng năm này, dự buổi lễ trang trọng của Vinamilk khánh thành trang trại bò sữa ở Cánh Đồng Chum.

Nếu như trang trại Tây Ninh được xem là trang trại bò sữa lớn nhất nước ta, thì trang trại bò sữa Cánh đồng Chum (tôi xin tạm gọi như vậy) thuộc loại hàng đầu thế giới. Thật vui mừng và xúc động vì lời mời này của các bạn.

Lý do gì để nói trang trại Cánh Đồng Chum thuộc loại “hàng đầu thế giới”? Tôi hỏi Giám đốc Trịnh Quốc Dũng, và anh cho hay: “Sau trang trại Tây Ninh, Vinamilk đã tập trung nhân lực, nguồn lực tài chính cho dự án lớn tại Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng). Đây là liên doanh giữa các đối tác Lào - Nhật - Việt trên diện tích 5.000 hécta, trong đó Vinamilk chiếm 51% vốn…”.

Giám đốc Điều hành phát triển vùng nguyên liệu Trịnh Quốc Dũng nói thêm: “Chính phủ Lào đánh giá dự án liên doanh của Vinamilk là trọng điểm, và sẵn sàng cấp thêm 5.000 hécta đất nữa nếu cần thiết. Người Nhật có công nghệ và tiềm lực tài chính. Vinamilk cũng chẳng kém về tài chính với số tiền mặt thường trực hơn 10.000 tỉ đồng gửi sẵn ở ngân hàng. Hơn nữa, Vinamilk với Tổng giám đốc Mai Kiều Liên có tầm quản trị doanh nghiệp và tầm nhìn lâu dài cho tương lai. Liên doanh tại Lào, ngoài cung cấp sản phẩm cho thị trường Lào, còn được định hướng xuất sang Myanmar và Trung Quốc…”.

Từ Tam Đảo tới Cánh Đồng Chum - 2

Tổng giám đốc Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk Mai Kiều Liên

Gắn bó với Vinamilk nhiều năm tháng, tôi hiểu tầm nhìn, ý chí, khát vọng của Tổng giám đốc Mai Kiều Liên và tập thể đội ngũ công ty. Ra đời sau ngày miền Nam giải phóng 1976, trên cơ sở tiếp quản nhà máy sữa Thống Nhất, nhà máy sữa Trường Thọ và nhà máy sữa bột Dielac, ngày ấy nguồn nguyên liệu là hoàn toàn ngoại nhập.

Chị Mai Kiều Liên nhớ lại: "Lúc bấy giờ, động lực lớn nhất mà tất cả nhân viên Vinamilk đã dồn tâm trí và sức lực xây dựng ngành sữa Việt Nam chính là làm sao để tạo nguồn dinh dưỡng phát triển thể lực trí tuệ, tầm vóc thế hệ trẻ. Điều đó đã luôn thôi thúc chúng tôi tiếp tục lao động, sáng tạo trong hơn 43 năm qua.

Rồi để phát triển, ban lãnh đạo Vinamilk nhìn nhận việc chủ động nguyên liệu là một trong những chiến lược then chốt. Cuộc "Cách mạng trắng" năm 1991 là nỗ lực đầu tiên của công ty nhằm xây dựng vùng nguyên liệu nội địa. Giải pháp trọng tâm là hỗ trợ các hộ nuôi bò đầu tư con giống, kỹ thuật chăn nuôi, thú y; thu mua sữa với giá cao; đồng thời đứng ra bảo lãnh cho các hộ vay vốn mua cổ phần nhằm tạo sự gắn bó với công ty...”.

Hành trình xây dựng vùng nguyên liệu sữa bắt đầu từ đó, và đến nay, doanh nghiệp này đã sở hữu hệ thống 18 trang trại chuẩn quốc tế và liên kết với hàng ngàn nông hộ chăn nuôi bò sữa để chủ động hơn về sữa tươi nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp. Tổng đàn bò cung cấp sữa cho Vinamilk đạt xấp xỉ 130.000 con, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu một ngày 950 - 1.000 tấn, đáp ứng năng lực sản xuất khoảng 5,5 triệu hộp sữa tươi mỗi ngày (hộp 180ml).

Trong các trang trại của doanh nghiệp thì có 13 trang trại đạt chuẩn Global G.A.P, với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Australia, Mỹ, New Zealand và 2 trang trại theo chuẩn hữu cơ châu Âu. Vinamilk hiện đang sở hữu hệ thống trang trại bò sữa chuẩn Global G.A.P lớn nhất châu Á về số lượng trang trại!

*

Lại nhớ chuyến trở lại chiến trường xưa của những người lính tình nguyện chúng tôi đã chiến đấu giải phóng Cánh Đồng Chum. Từ những ngày tháng chiến tranh ác liệt trên mảnh đất này, tướng Nguyễn Bình Sơn, người nhiều năm là tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận này đã viết: "Những đồng cỏ bao la của các huyện Nọng Hét, Mường Mộc, Mường Khun, Mường Khăm, Mường Pẹch, Mường Xủi nếu được chăn nuôi trâu, bò đúng kỹ thuật mới, lại được chế biến tốt sẽ tạo một nguồn thịt xuất khẩu lớn, một mũi nhon kinh tế của một tỉnh miền núi…”.

50 năm sau, nghĩa là vào năm 2019, những tiên đoán, những mong ước của tướng Nguyễn Bình Sơn, của những người lính Việt Nam và Lào từng chiến đấu giành giật Cánh Đồng Chum ngày ấy, đã trở thành hiện thực. “Những đồng cỏ bao la của các huyện Nọng Hét, Mường Mộc, Mường Khun, Mường Khăm, Mường Pẹch, Mường Xủi nếu được chăn nuôi trâu, bò đúng kỹ thuật mới, lại được chế biến tốt sẽ tạo một nguồn thịt xuất khẩu lớn, một mũi nhon kinh tế của một tỉnh miền núi”.

Giấc mơ của người lính vì nước Lào mến yêu thế là thành hiện thực. Và còn hơn thế nữa, ở đây mọc lên một trang trại bò sữa lớn với hơn 5.000 hécta, thuộc loại hàng đầu thế giới hiện nay…

Và hôm nay là Tam Đảo trắng mây bay. Cảm ơn Tổng giám đốc Mai Kiều Liên, cảm ơn Vinamilk và các bạn Nhật Tập đoàn Sojitz Nhật Bản… Nơi nào trang trại Vinamilk mọc lên, là nơi đó màu xanh bát ngát, là nơi đó những dòng sữa ngọt ngào tuôn trào và hạnh phúc đến với mỗi con người…

Triệu Phong

#
Hương giang: "Nơi nào trang trại vinamilk mọc lên là nơi đó màu xanh bát ngát, là nơi những dòng sữa ngọt ngào tuôn trào và hp đến với mỗi ngươi" lời chốt của nhà báo Triệu Phong như khẳng định nguồn tiềm năng mang hp đến cho bao người 💕🌸vinamilk tiên phong và chiến thắng mãi trong tim người tiêu dùng khắp mọi miền của tổ quốc 💕🌸

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” là tác phẩm không chỉ dành cho những ai yêu văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về ông và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách đặc biệt hướng đến độc giả trẻ tuổi – những người đang háo hức và băn khoăn, quả quyết và khắc khoải bước vào đời với những khát khao giống như bậc tiền nhân