Mẹ bầu Bình Thuận da chuyển sang màu vàng, bác sĩ cảnh báo điều đơn giản nhưng nhiều chị em lơ là
Lúc mang thai, chị Mai thấy da mình chuyển sang màu vàng và ngày càng nặng nhưng không đi khám. Khi đến bệnh viện sinh, chị được chẩn đoán mắc hội chứng rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Trong quá trình mang thai, chị Hoàng Tuyết Mai (26 tuổi, ở Bình Thuận) không đi khám thai định kỳ. Khi thai ở tuần thai 37, chị mới đến khám tại cơ sở y tế địa phương thì được chẩn đoán chuyển dạ sinh kèm theo dõi viêm gan cấp. Do tình trạng nguy cấp, chị Mai được chuyển đến một bệnh viện ở TP.HCM sinh và theo dõi sức khỏe.
Em bé của chị chào đời khỏe mạnh. Tuy nhiên, chị Mai được chẩn đoán mắc hội chứng HELLP khi vừa sinh con xong. Đây là hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu ở thai phụ, thường xảy ra ở giai đoạn cuối của thai kỳ, đôi khi xảy ra sau sinh.
BS.CKII Võ Thúy Vân, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, cho biết khi thai ở những tháng cuối thai kỳ, chị Mai phát hiện da chuyển sang màu vàng và ngày càng tăng dần. Tuy nhiên, chị không đi khám.Sau khi sinh con, sản phụ được hội chẩn liên viện với khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM). Từ các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ xác định chị Mai bị tổn thương gan cấp, tổn thương thận cấp, hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa và được chẩn đoán hội chứng HELLP.
Chị Tuyết Mai đang được các y bác sĩ chăm sóc sau khi bệnh dần cải thiện. (Ảnh: BVCC)
Bác sĩ Vân cho biết, chị Mai được điều trị tích cực với biện pháp thay huyết tương kết hợp lọc máu hấp phụ. Sau 4 ngày điều trị, sản phụ dần phục hồi, tình trạng vàng da cải thiện, chức năng thận ổn định, thực hiện được các y lệnh, sinh hiệu ổn, các xét nghiệm cải thiện theo chiều hướng tốt.
Theo bác sĩ Vân, Hội chứng HELLP là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm của bệnh lý tiền sản giật, tỷ lệ tử vong mẹ và bé cao. Đây là một trong những yếu tố gây tử vong nhiều nhất là suy đa cơ quan. Việc áp dụng phương pháp thay huyết tương và lọc máu liên tục sẽ giúp thay thế các yếu tố đông máu, loại bỏ các nội độc tố, yếu tố gây viêm, cytokine, bilirubin khỏi tuần hoàn. Qua đó cải thiện được chức năng gan, chức năng thận của người bệnh.
Biểu hiện của hội chứng này thường gặp là phù chân, tăng huyết áp, thai 20 tuần ngoài ra còn có các triệu chứng đi kèm như đau thượng vị, đau đầu, mờ mắt, dễ bị kích thích, tăng phản xạ, buồn nôn, nôn, vàng da, xuất huyết dưới da. “Hội chứng HELLP xảy ra ở khoảng 4 - 12% bệnh nhân tiền sản giật, khoảng 30% trường hợp xuất hiện trong những tuần đầu sau sinh”, bác sĩ Vân chia sẻ. Tuy nhiên, hội chứng này dễ nhầm lẫn với các bệnh lý nội khoa như bệnh lý tiêu hóa gan mật, bệnh lý thận, bệnh lý tim mạch… Để phát hiện cần phối hợp lâm sàng và cận lâm sàng.
Bác sĩ Vân khuyến cáo, thai phụ nên đi khám thai định kỳ để sớm phát hiện các biện chứng. Khi gặp các triệu chứng trên cần đến bác sĩ chuyên khoa sản để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
"Việc khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ sản phụ cần được làm xét nghiệm tầm soát nguy cơ tiền sản giật nhằm phát hiện những trường hợp có nguy cơ tiền sản giật để theo dõi, xử trí kịp thời và đúng cách, giúp bảo vệ an toàn mẹ và con”, bác sĩ Vân khuyến cáo.
* Tên thai phụ đã thay đổi.
Bình luận