Trẻ có EQ cao xuất thân từ 4 kiểu gia đình, nhất là điều cuối con lớn lên dễ thành công
Gia đình hạnh phúc là nền tảng giúp trẻ phát triển toàn diện về nhân cách, tâm lý và chỉ số EQ.
Một chuyên gia nhận định rằng, đứa trẻ có EQ cao như mùa xuân khí hậu ôn hòa, ánh nắng ấm áp mang lại sự dễ chịu cho mọi người dù đi đến đâu.
Trẻ có thể đặt mình vào vị trí của người khác, hòa đồng nên thường được yêu mến hơn. Trẻ cũng giỏi điều tiết cảm xúc, ngay cả khi thất bại, có thể nhanh chóng thoát ra khỏi vòng xoáy cảm xúc, chủ động tối ưu hóa kế hoạch để đạt được mục tiêu.
Như nhà tâm lý học Goleman của Đại học Harvard đã nói, một người có thể thành công hay không thì IQ chiếm 20%, trong khi đó EQ chiếm tới 80%.
Thực tế, trí tuệ cảm xúc không phải là khí chất hay tính cách mà một kỹ năng. Nó có thể được trau dồi thông qua sự tương tác giữa bố mẹ và con cái, và trẻ có EQ cao thường xuất thân từ 4 kiểu gia đình.
Bố mẹ thể hiện tình yêu thương, gắn kết với con
Điều trẻ cần nhất là cảm giác an toàn, nhận được tình yêu thương tràn đầy, từ đó dần xây dựng được nền tảng tâm lý vững chắc, trưởng thành với cốt lõi ổn định. Sự an toàn đến từ quá trình chăm sóc tinh thần, nơi trẻ được yêu thương và chấp nhận.
Bố mẹ không nhất định phải thể hiện tình yêu hàng ngày, nhưng hãy khéo léo đưa vào các chi tiết trong cuộc sống để trẻ nhận biết được tình cảm đó.
Chẳng hạn, khi trẻ còn nhỏ, việc thỏa mãn nhu cầu gần gũi về mặt thể chất là vô cùng quan trọng. Những cái hôn lên má, vuốt ve nhẹ nhàng trên đầu, hay việc giao tiếp bằng mắt ấm áp giúp trẻ cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu thương.
Ngay cả khi mẹ đang bận rộn với công việc hay các trách nhiệm khác, việc dành ra vài phút để nói chuyện, an ủi khi con khóc sẽ tạo hình ảnh vững chắc trong tâm trí trẻ về sự yêu thương và chăm sóc.
Khi trẻ lớn dần không còn thích tiếp xúc cơ thể quá nhiều, mẹ vẫn nên duy trì sự kết nối bằng những cử chỉ nhỏ. Vỗ nhẹ vào vai con khi trò chuyện, cù con khi chơi đùa, hay thỉnh thoảng nắm tay con khi nói chuyện, trẻ cảm thấy rằng tình yêu vẫn luôn hiện hữu, dù có thể không biểu hiện ra ngoài một cách rõ ràng như trước đây.
Ngoài ra, sử dụng những từ ngữ như “Mẹ yêu con”, “Sự ra đời của con đã thắp sáng cuộc đời mẹ” là cách để nhấn mạnh tầm quan trọng của trẻ trong cuộc sống của mình. Những câu nói này sẽ khắc sâu vào tâm trí trẻ, nhận ra bản thân luôn được yêu thương, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Gia đình thích trò chuyện cùng nhau
Giao tiếp giữa bố mẹ và con rất quan trọng cho sự phát triển trí tuệ cảm xúc. Môi trường giao tiếp cởi mở giúp trẻ thoải mái chia sẻ cảm xúc, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhân cách của trẻ trong tương lai. Khi trẻ cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng, EQ dần phát triển, trở nên nhạy bén hơn với cảm xúc của bản thân và người khác.
Để tạo ra môi trường này, bố mẹ nên sắp xếp thời gian hàng ngày để trò chuyện với con. Việc dành ra một khoảng thời gian ngắn mỗi ngày cho các cuộc trò chuyện thân mật, giúp trẻ cảm thấy rằng luôn có một không gian an toàn để bộc lộ bản thân.
Mẹ có thể chọn một hoặc hai chủ đề để thảo luận, như những điều vui vẻ hoặc khó khăn trong ngày của trẻ. Ví dụ: “Hôm nay có điều gì đặc biệt hạnh phúc không? Mẹ muốn chia sẻ niềm hạnh phúc từ con.” Hoặc “Gần đây có điều gì khiến con cảm thấy vui vẻ hay tức giận không?” Những câu hỏi này khuyến khích trẻ mở lòng, nhận diện và phân tích cảm xúc.
Gia đình thích trò chuyện cùng nhau.
Khi trẻ nói, việc đáp lại một cách tử tế và thể hiện sự chú ý bằng cách gật đầu, sử dụng những câu từ khích lệ sẽ tạo ra cảm giác an tâm cho trẻ. Ngay cả khi những gì trẻ chia sẻ không hoàn toàn phù hợp, hãy cố gắng kiên nhẫn lắng nghe trước khi đưa ra phản hồi.
Điều này cho thấy sự tôn trọng, giúp trẻ cảm thấy rằng ý kiến của mình có giá trị. Sau khi lắng nghe, mẹcó thể đưa ra nhận xét hoặc phản biện một cách nhẹ nhàng, để trẻ học hỏi từ trải nghiệm này.
Có thể lúc đầu trẻ chưa thể diễn đạt tốt những suy nghĩ và cảm xúc của mình, nhưng khi số lần được lắng nghe tăng lên, khả năng thể hiện bản thân sẽ dần cải thiện. Trẻ sẽ học cách sử dụng từ ngữ, xây dựng câu chuyện và thậm chí là phân tích cảm xúc của chính mình tốt hơn. Qua thời gian, điều này giúp trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc, củng cố mối quan hệ với bố mẹ, tạo ra sự gắn bó sâu sắc và tin cậy.
Bố mẹ thường xuyên khen ngợi con chân thành
Khen ngợi hiệu quả có thể phát triển tính độc lập và tự chủ của trẻ, sau đó cải thiện trí tuệ cảm xúc. Khi trẻ nhận được lời khen ngợi chân thành, không chỉ cảm thấy vui mừng mà còn cảm nhận được sự công nhận và giá trị bản thân. Điều này tạo ra động lực mạnh mẽ để trẻ tiếp tục nỗ lực và khám phá khả năng.
Khi trẻ được khen ngợi vì những nỗ lực cá nhân, chẳng hạn hoàn thành bài tập khó, sẽ phát triển sự tự tin vào khả năng của bản thân.
Sự tự tin này rất quan trọng trong việc hình thành tính độc lập, vì trẻ tin tưởng vào khả năng của mình, sẽ dám thử nghiệm, khám phá và đối mặt với những khó khăn. Một đứa trẻ tự tin sẽ có xu hướng tự lập hơn trong việc quyết định và hành động, từ đó xây dựng được nền tảng cho sự trưởng thành.
Bên cạnh đó, khen ngợi đúng cách giúp trẻ hiểu rõ hơn về cảm xúc, khả năng nhận diện và diễn đạt cảm xúc tốt hơn. Đồng thời, khi trẻ học được cách hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác, trí tuệ cảm xúc dần được cải thiện.
Bố mẹ thường xuyên khen ngợi con chân thành.
Dưới đây là một số gợi ý câu khen ngợi mà bố mẹ có thể sử dụng để khuyến khích và động viên trẻ:
Khen ngợi sự nỗ lực
"Mẹ rất tự hào về con vì đã cố gắng học bài chăm chỉ"
"Con đã làm rất tốt trong việc hoàn thành bài tập này, mẹ thấy con đã cố gắng hết sức!"
Khen ngợi hành vi tích cực
"Con thật lịch sự khi giúp đỡ bạn. Hành động đó đáng khen ngợi!"
"Mẹ rất thích cách con chia sẻ đồ chơi với bạn. Đó là một hành động rất tốt!"
Khen ngợi tính kiên nhẫn
"Mẹ thấy con rất kiên nhẫn khi chờ đợi đến lượt mình. Điều đó thật đáng quý!"
"Con đã không bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Mẹ tự hào về sự kiên trì của con!"
Khen ngợi sự độc lập
"Mẹ rất vui khi thấy con tự làm điều đó một mình. Con đang lớn lên rất nhanh!"
"Con biết tự chuẩn bị đồ dùng cho mình. Con của mẹ đang dần trưởng thành rồi!"
Khen ngợi sự dũng cảm
"Mẹ thấy con rất can đảm khi đứng lên trước lớp. Điều đó thật tuyệt vời!"
Bố mẹ không phàn nàn, kiểm soát tốt cảm xúc
Bố mẹ thông minh sẽ không mang quá nhiều cảm xúc tiêu cực hay trút giận lên con. Thay vào đó, sẽ thảo luận và giải quyết các vấn đề bình tĩnh và hợp lý.
Trên thực tế, trẻ thường sẽ chỉ nhớ mình bị mắng và không hiểu tại sao. Nếu mẹ tiếp tục nhắc lại những lỗi cũ trong quá trình phê bình, trẻ không hiểu vấn đề nằm ở đâu. Điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn và cảm giác bất an. Thay vì chỉ tập trung vào việc chỉ trích hành vi không đúng, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ cách cải thiện và khắc phục tình huống, nhằm nhận thức rõ ràng hơn về hành vi của mình.
Khi bố mẹ kiểm soát tốt cảm xúc và tránh phàn nàn, đang tạo ra một môi trường an toàn cho trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc (EQ) cao.
Bố mẹ không phàn nàn, kiểm soát tốt cảm xúc.
Trẻ học được rằng việc thảo luận về vấn đề là một phần quan trọng trong việc giải quyết xung đột và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp.
Bên cạnh đó, việc bố mẹ thể hiện sự bình tĩnh và kiên nhẫn, dạy trẻ đối diện với khó khăn không nhất thiết phải đi kèm với sự tức giận hay thất vọng. Trẻ học được rằng việc lắng nghe và thấu hiểu người khác cũng quan trọng như việc bày tỏ quan điểm cá nhân.
Bình luận