Ném Còn: Khúc hát trái tim ở Mường trời

Những ngày giáp Tết Nguyên đán và kéo dài cả mùa xuân, núi rừng Tây Bắc bừng lên những sắc màu huyền ảo. Bầu trời không u ám như vùng Bắc bộ mà cao xanh có nắng vàng, rét nhẹ vào đêm, ngày trời ấm. Đặc trời hoa ban như những đám mây trắng lững lờ bên sườn núi biếc và âm thanh của trống, của đàn Tính Tẩu réo rắt báo mùa hội tình yêu của người Thái vùng đất cuối trời.

Vượt qua Padin (tiếng Thái gọi là cổng trời), qua Tuần Giáo vượt đèo Tằng Quái (lưng trâu) cả quãng đường dài trên 80 km, một vùng trời mở ra hút tầm mắt đó là lòng chảo Điện Biên với cánh đồng rộng nhất: Mường Thanh (tiếng Thái là Mường Then và Then có nghĩa là ông trời). Đến với Mường Trời giữa ngày xuân không thể quên được âm thanh sắc màu và những ánh nhìn tình tứ của trò chơi ném Còn (người Mông thì ném Pao).

Ném Còn: Khúc hát trái tim ở Mường trời - 1

Theo ông Cầm Long Thủy (nguyên Hiệu trưởng Trường CĐSP Điện Biên) kể, thì tục ném Còn của dân tộc Thái có nét khác với ném Pao của người Mông. Nguồn gốc của trò chơi này có từ ngàn xưa, bắt đầu từ những đám thanh niên nam nữ chơi hát đối đáp, người nữ hát trước và hát xong có quyền cầm chiếc khăn Piêu ném vào đối tượng mình để ý… và cứ thế, những canh hát kéo dài mãi đến hết mùa xuân và kết thúc bằng những đám cưới. Thời gian trôi qua, chiếc khăn đã “co” lại thành trái Còn.

Quả Còn của người Thái bao giờ cũng chỉ to bằng một bàn tay nắm, người Thái tin rằng, nắm tay của một người to đúng bằng trái tim của người ấy, do vậy quả Còn được coi như một trái tim. Với dân tộc Thái, chỉ người con gái mới được làm Còn. Quả Còn bọc nhiều màu sắc tượng trưng cho mọi vật sinh sôi đông đúc và với chuyện đôi lứa thì hàm ý đông con nhiều cháu. Ruột của trái Còn người Thái đặc biệt chỉ nhồi hạt bông, đây là yếu tố quan trọng. Anh Phương Liên (Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Lai Châu) bình luận rằng, hạt bông được nhồi trong ruột quả Còn là tiềm ẩn một hàm ý chuyện gối chăn êm ấm và hạt sẽ nảy thành cây, sản sinh những mùa hạnh phúc.

Ném Còn: Khúc hát trái tim ở Mường trời - 2

Chơi ném Còn của người Thái có hai cách, một giống người Mông, tức là người con trai ném cho người con gái, khi bén duyên thì hẹn hò đính ước và kết thúc là đám cưới. Cách thứ hai người ta chơi trên một sân rộng hai bên ném cho nhau và ngăn cách giữa hai bên là một cây sào tre dài dựng đứng, trên đầu sào tre có gắn một hình vòng tròn có tia sáng mặt trời chiếu ra xung quanh. Mỗi người ném và bắt quả Còn vượt qua vòng tròn đó mới là thắng cuộc và hợp cách. Nhưng điều này thường dành cho các hội thi ném Còn, song những đôi lứa yêu nhau vẫn chọn cách chơi này.

Anh Lường Văn Nhớ, nguyên cán bộ của trường CĐSP Điện Biên khi được hỏi về ý nghĩa của vòng tròn mặt trời nói: “Từ hồi trẻ, tôi được các cụ già trong bản dạy rằng, mọi thứ phải được làm dưới ánh sáng mặt trời. Chuyện chọn vợ cũng vậy”. Cái sâu xa của người Thái cổ có lẽ là vậy, sự bền vững và sinh sôi tất cả được soi chiếu dưới ánh sáng của vừng dương – thứ ánh sáng trung thực và sinh khí nhất của thế gian.

Có thể các nhà dân tộc học, các nhà văn hóa sẽ có những sưu tầm kiến giải đầy đủ hơn về nguồn gốc ý nghĩa của trái Còn; nhưng câu chuyện về quả Còn của dân tộc Thái và quả Pao của dân tộc H’Mông hiện nay có những nét tương đồng và sự khác biệt về cấu tạo và dụng nghĩa. Tây Bắc nói chung và vùng đất Mường trời Điện Biên nói riêng bây giờ đã thay đổi. Thanh niên Thái bây giờ dù đang tiếp cận mạnh mẽ với nhịp sống hiện đại sôi động, tuy nhiên Tây Bắc vẫn rộn ràng sắc màu âm thanh và quả Còn vẫn bay ngang trời hoa ban ngân lên những khát vọng lứa đôi.

Nguyễn Đình Minh

Chuyện Đài Loan
Chuyện Đài Loan

Thu Hồng là một du học sinh Việt Nam quê ở Đoan Hùng - Phú Thọ, vùng đất có giống bưởi quí vào hàng đặc sản tiến vua....

Tin liên quan

Tin mới nhất