Nhà văn trẻ - bình đẳng trước lịch sử
Khái niệm “nhà văn trẻ” là không hoàn toàn chặt chẽ khi đặt vào câu chuyện sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tác văn học về đề tài lịch sử nói riêng. Sự bình đẳng trước đề tài lịch sử liên quan tới cách nhìn nhận vấn đề. Thứ nhất: Thế nào là bình đẳng? Thứ hai: Lịch sử nào? Trả lời những câu hỏi đó phần nào đưa chúng ta đến gần hơn với thực tại viết về đề tài lịch sử của các nhà văn trẻ.
Có thể điểm ra những nhà văn trẻ từng viết về đề tài lịch sử. Trẻ - độ tuổi dưới 35 (như quy ước của Hội Nhà văn Việt Nam), hoặc cũng có thể mở rộng đến dưới 40 tuổi như nhiều diễn đàn văn nghệ thường linh hoạt khi điểm danh “nhà văn trẻ”, có thể kể đến Nguyễn Thị Kim Hòa với Hương thôn dã, Con chim phụng cuối cùng, Trần Tú Ngọc với Chiều Cổ Loa nổi gió, Giấc mơ xa xứ, Đêm An Kinh mây phủ, Nguyệt Chu với Người canh giữ phù dung, Hà Thủy Nguyên với Điệu nhạc trần gian, Thiên địa phong trần, Đinh Phương với Hoa gạo đỏ kinh thành,Chiều ký ức phủ gai, Chuyến trở về của cỏ, Lau lách chiều trắng xóa, Phạm Thúy Quỳnh với Trăng trong cõi, Đặng Hằng với Nhân gian nằm nghiêng, Hoàng Yến với Săn mộ - Thông Thiên La Thành... Có thể là tiểu thuyết hoặc truyện dài, truyện ngắn, có thể là chính sử hay dã sử, hoặc chỉ là một gợi tứ từ lịch sử, các tác phẩm này cho thấy hướng đi đầy hứa hẹn của tác giả trẻ. Sự thành công của họ, ít nhiều có thể cảm nhận được qua các giải thưởng, sự đánh giá của các nhà phê bình, hội đồng xét giải hay quan trọng hơn cả là từ công chúng văn học.
Nếu những truyện ngắn lịch sử của Nguyễn Thị Kim Hòa, Trần Tú Ngọc hay Nguyệt Chu mang đậm dấu ấn của một trái tim phụ nữ khi họ hướng đến những số phận đàn bà khác từ sâu trong lịch sử thì truyện ngắn lịch sử của Đinh Phương lại gợi lên cảm giác xa xôi, buôn buốt hoặc day dứt về thân phận con người trong cát bụi thời gian. Điều này cũng có thể cảm nhận được từ Thiên địa phong trần của Hà Thủy Nguyên khi tác giả đề cập đến một giai đoạn tao loạn và cuộc đời những con người tài hoa bị khuất chìm trong dâu bể. Lịch sử khuất mờ hay sáng tỏ, chính xác hay sai lệch, biết bao con người, sự kiện đã chìm vào thăm thẳm thời gian mà có lẽ vẫn còn chưa thôi gợi lên trong suy tư của người đời sau về lý lẽ tồn tại của họ. Có phải là họ đấy không? Hay là một hình dung xa xôi, lạc nẻo của giấy mực vô tình. Phạm Thúy Quỳnh có lẽ cũng đã nghĩ đến điều đó khi viết Trăng trong cõi. Trong khi Phan Cuồng lại chọn lối đi với dòng truyện mang nhiều yếu tố ma quái, kỳ, dị, bùa ngải, pháp sư, phù thủy... Thông qua câu chuyện kinh dị - dã sử, nhiều chi tiết của lịch sử được hé lộ hoặc được gợi ý một cách mô tả, lý giải khác.
Khi nói về văn học viết về lịch sử, đa số sẽ hiểu đó là lịch sử xa với các triều đại, nhân vật, sự kiện, biến cố từ rất lâu, được ghi chép trong chính sử, được truyền tụng trong dân gian, trong dã sử, huyền sử với những góc mờ tỏ... Ít người nghĩ đến quá khứ gần cũng chính là lịch sử (thậm chí, trong quan niệm của các nhà nghiên cứu chuyên sâu, các nhà triết học, hiện tại cũng chính là quá khứ). Quá khứ gần, lịch sử gần có thể là chiến tranh, là những sự kiện mới diễn ra, với những nhân chứng sống hoặc tư liệu có thể kiểm chứng... Viết về lịch sử xa, các thế hệ nhà văn khá bình đẳng với nhau. Bởi lẽ, trước sự dài rộng của năm tháng, sự khuất tỏ của quá khứ, một hay vài ba thế hệ kế tiếp nhau, chênh lệch không quá hai mươi năm, thường không nói lên nhiều điều về sự khác biệt. Thậm chí, giới trẻ hiện nay còn có thuận lợi hơn bởi có môi trường, công nghệ, tư liệu hỗ trợ một cách đắc lực.
Tôi hoàn toàn không tán đồng với quan điểm cho rằng “Tiểu thuyết lịch sử không phải là cuộc chơi của người trẻ”. Có lập luận cho rằng, cần có thời gian để thu thập tư liệu, có kinh nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa để suy tư về lịch sử... Lập luận này không sai, nhưng mới chạm đến bề nổi của sáng tạo nghệ thuật, chạm đến cái khó căn bản đầu tiên đã vội nản lòng. Hãy nhìn vào sáng tác của thế hệ trẻ về lịch sử, để thấy một đề xuất khác về lối tiếp cận lịch sử.
Nếu cần đọc sử, hãy tìm những bộ chính sử, còn văn học viết về lịch sử khác lịch sử ở chính biên độ đặc thù nghệ thuật. Đó không chỉ là lịch sử, mà là “chân lý trong trái tim con người”, là các khả năng của quá khứ qua tấm màn thời gian. Nhà văn trẻ cần phải học nhiều, từ sách vở, từ các thế hệ đi trước, và sống sâu sắc hơn với cuộc đời, nhưng trẻ không có nghĩa là nông cạn, hời hợt, yếu đuối hay không được phép tham gia vào sân chơi chung là nghệ thuật. Ai có thể khẳng định rằng, một sự kiện, nhân vật, biến cố của ngàn vạn năm trước thì một người 80 tuổi sẽ hiểu biết hơn một chàng sinh viên 20 tuổi? Quá khứ quá dài, quá mờ mịt, đến nỗi trăm năm chỉ là một mảnh rất khiêm tốn giữa dòng thời gian. Bác Hồ nói rằng: “Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên”, chẳng phải là cách hình dung rất chính xác về một đời người trước thiên thu vạn đại hay sao! Bởi thế, như đã nói, trước đề tài lịch sử xa, các nhà văn hoàn toàn bình đẳng với nhau.
Trao cho tác giả trẻ những điều kiện về không gian sáng tạo - sự bình đẳng, dân chủ, đồng thời đặt vào họ niềm tin, chính là hướng đi đầy hy vọng của sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm văn học có giá trị là thành quả đến sau của một bầu không khí văn chương mang đầy tính khích lệ như thế.
Theo HNM NoneBình luận