Trần Duy Hưng – Khuất Duy Tiến: hai vị Chủ tịch Hà Nội đầu tiên và đặc biệt
(Arttimes) - Nhớ lại những ngày đầu độc lập, những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ người dân thủ đô nhất là lớp người xưa luôn tự hào, ngưỡng mộ hai trí thức lớn: cụ Trần Duy Hưng, cụ Khuất Duy Tiến, hai trí thức tài ba, đức độ, hai vị chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội, những công bộc trọn đời vì nước, vì dân, vì sự phát triển của Hà Nội hào hoa và phồn thịnh.
Năm 2020, Thăng Long - Hà Nội vừa tròn 1010 tuổi, lạ thay trùng khớp với con số 10/10 - ngày Thủ đô giải phóng. Và lâu lắm rồi, có đến hàng thế kỷ, giao thừa năm nay lại có cơn mưa rào thật to, sấm chớp đùng đùng. Bờ hồ Hoàn Kiếm sạch sẽ, vắng người, nhưng phong quang, trong lành và yên ả đến kỳ ảo sau cơn mưa. Năm 2020 là năm Canh Thân, năm bản lề của Đại hội Đảng lần thứ 13, năm mà cả nhân loại đang chống trả quyết liệt với thảm họa thiên nhiên chưa từng có – Đại dịch Covid - 19. Với quy luật của muôn đời: Thịnh - Suy, tất cả như báo hiệu một giai đoạn phát triển rực rỡ mới của nhân loại, của Việt Nam và thủ đô yêu dấu của chúng ta. Nhớ lại những ngày đầu độc lập, những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ người dân thủ đô nhất là lớp người xưa luôn tự hào, ngưỡng mộ hai trí thức lớn: cụ Trần Duy Hưng, cụ Khuất Duy Tiến, hai trí thức tài ba, đức độ, hai vị chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội, những công bộc trọn đời vì nước, vì dân, vì sự phát triển của Hà Nội hào hoa và phồn thịnh.
Từ thuở thiếu thời, cụ Tiến và cụ Hưng đều là học sinh trường Bưởi - trường Quốc Học. Xứ Đông Dương thuộc Pháp. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, chỉ có hai trường trung học: trường Bưởi ở Hà Nội, Pe Tơ Ruýt Ký ở Sài Gòn. Tốt nghiệp xong, cụ Hưng học Đại học Y khoa Hà Nội, cụ Tiến học Cao đẳng Thương mại Đông Dương. Tuy vậy hai cụ có điểm chung đều là lớp trí thức Hà Nội, đều có tấm lòng thương dân yêu nước, khát khao góp phần nhỏ bé của mình để giành độc lập cho đất nước, dành áo cơm tự do cho dân tộc.
Cụ Tiến từ thuở là học sinh trường Bưởi đã tham gia bãi khoá, phản đối thực dân Pháp bắt giam cụ Phan Bội Châu, rồi để tang nhà chí sỹ Phan Chu Trinh nên bị đuổi học. Từ đó cụ dấn thân vào hoạt động tìm con đường cách mạng. Gia nhập tổ chức Việt Nam Cách Mạng Đồng chí Hội, vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Thương mại Đông Dương, Cụ đi Vô sản hoá – trở thành nhà cách mạng. Lăn lộn trong phong trào ở Nam Định, Hải Phòng, những nơi tập trung nhiều công nhân, để tuyên truyền, xây dựng các cơ sở Đảng. Năm 1931, cụ bị thực dân Pháp bắt và đầy ra Côn Đảo. Năm 1936, nhờ Mặt trận Bình dân bên Pháp lên cầm quyền, họ thả tù chính trị. Năm 1936, cụ được thả, về làm báo chí công khai tại Hà Nội và cụ đã gặp lại bạn học cũ, là cụ Trần Duy Hưng.
Cụ Hưng trong thời gian học sinh, cụ tham gia chấn hưng Phật giáo, đặc biệt hoạt động sôi nổi trong phong trào Hướng Đạo sinh, cụ phụ trách Bắc Kỳ, do huynh trưởng Hoàng Đạo Thuý dẫn đầu. Với cây đàn violon trong tay, cụ đi khắp chợ quê biểu diễn các bài ca cách mạng, tuyên truyền lòng yêu nước. Tốt nghiệp bác sỹ, cụ cùng các bạn đồng nghiệp mở bệnh viện tư ở số 8 Hàng Bông Thợ Nhuộm, vừa để sinh sống làm nghề, vừa cứu giúp các bệnh nhân nghèo, vừa có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, yêu nước. Cũng chính từ đó, cụ đến với Mặt trận Dân chủ Đông Dương và gặp lại cụ Khuất Duy Tiến năm 1936.
Sát cánh bên nhau hoạt động sôi nổi trong thời kỳ Mặt trận Bình dân 1936-1938 ở Hà Nội. Lúc này cụ Tiến đã là Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, còn cụ Hưng là trí thức yêu nước, chưa gia nhập Đảng. Cụ Tiến làm các báo Tra vai, Tin Tức, Dân chúng… cụ Hưng hoạt động trong Mặt trận Dân Chủ, trong Hướng đạo.
Năm 1939, chiến tranh Thế giới bùng nổ, bọn thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, đàn áp Đảng Cộng sản, Cụ Tiến bị bắt, bị đầy lên Căng Bắc Mê Hà Giang, rồi nhà tù Sơn La. Khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, cụ vượt ngục về Hà Nội, hoạt động chuẩn bị giành chính quyền.
Cụ Hưng ở Hà Nội, vẫn mở bệnh viện để sinh sống và hoạt động cách mạng trong tổ chức Mặt trận Phản đế, mặt trận Việt Minh. Bệnh viện của cụ là nơi gặp gỡ bí mật của Việt Minh, nơi che dấu cán bộ Việt Minh.
Về hoạt động tại Hà Nội, cụ Tiến tham gia thành ủy Hà Nội (Phó bí thư) và phụ trách Viêt Minh thành phố Hà Nội (Thành bộ Việt Minh) để chuẩn bị cùng nhân dân Hà Nội tiến hành khởi nghĩa ở Hà Nội, hai cụ lại hoạt động bên nhau.
Bác sỹ Trần Duy Hưng (người đứng trên xe) trong đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh: Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam/Đào TrìnhSau khi dự Đại hội Quốc dân Tân Trào (16/8/1945), Cụ Tiến nhanh chóng về Hà Nội cùng Thành ủy Hà Nội, nhân dân Hà Nội chớp thời cơ, giành chính quyền và chuẩn bị đón Bác về Hà Nội. Ngày 23/8, Bác về đến Chèm, ngày 25 Thành ủy thu xếp Bác về ở 48 Hàng Ngang, nhà cụ Trịnh Văn Bô - bạn thân, cơ sở tin cẩn của cụ Tiến. Tại đây Bác và Thường vụ Trung ương, Xứ ủy, Thành ủy đã họp để: thống nhất nhân sự của Chính phủ, Chính quyền Hà Nội, để làm lễ tuyên bố Độc lập, chính thức ra mắt Chính phủ vào ngày 2/9; sau khi vua Bảo Đại thoái vị, Sài Gòn, Nam Bộ cũng đã giành được chính quyền, và đặc biệt mở rộng thành phần chính phủ cho các nhân sỹ, trí thức của chế độ cũ, có uy tín XÃ HỘI tham gia, nhất là ở Hà Nội, Sài Gòn. Ở Hà Nội, cụ Nguyễn Khang và cụ Tiến đã giới thiệu cụ Hưng để Bác giao cho cụ Hưng làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, cụ Tiến (phó bí thư Thành ủy) phó Chủ tịch. Bởi vậy ngày 30/8/1945, Bác đã thân chinh đến tận nhà cụ Hưng thăm và giao cụ làm Chủ tịch, Thị trưởng Hà Nội khi mới 33 tuổi, chưa là Đảng viên.
Các cụ từ đây chính thức làm việc sát cánh bên nhau trong 2 năm 45 và 46 đầy gian khó và biến động, những năm tháng vận nước nghìn cân treo sợi tóc, cực kỳ sóng gió của nền Dân chủ Cộng hoà. Những tháng năm không thể nào quên: Khi nạn đói, nạn dốt, bệnh tật, ngân quỹ chính phủ trống rỗng, 20 vạn quân Tưởng hoành hành, nhũng nhiễu, quân Tưởng rút, 15 vạn quân Pháp tràn vào, bọn phản động mưu lật đổ chính quyền… cụ Hưng, cụ Tiến sát cánh bên nhau, cùng nhân dân Hà Nội diệt giặc đói, giặc dốt, mở Tuần lễ Vàng, đối phó với thù trong giặc ngoài, ổn định cuộc sống cho người dân Hà Nội, tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Cuối năm 1945, cụ Khang và cụ Tiến giới thiệu cụ Hưng gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, và đứng liên danh với chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia Quốc hội khóa 1. Từ đây hai cụ là bạn chiến đấu, là đồng chí của nhau. Hai chàng trai Hà Nội tài hoa năm nào dấn bước cho lý tưởng Độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho toàn dân. Nhưng rồi những nỗ lực gìn giữ nền Hòa bình mong manh những năm 45, 46 không thành công. Cụ Hưng và cụ Tiến, cùng nhân dân Hà Nội rút lui an toàn lên chiến khu. Kháng chiến và hẹn ngày trở về.
Lại nói về chính sách mở rộng thành phần Chính phủ. Ở Sài Gòn, ta đã vận động và đưa cụ Phạm Văn Bạch, luật sư, dân Tây, đào tạo ở Pháp, lấy vợ Pháp, chưa là Đảng viên vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nam Bộ (8/9/1945 ). Vận động cả Vua Bảo Đại sáng 2/9/1945, rời cung An Định ra Hà Nội làm cố vấn tối cao cho chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi tiến hành chuyến công tác kiểm tra và ổn định tổ chức miền Nam sau khi Việt Minh ra lệnh khởi nghĩa, Quốc dân Đại hội bế mạc, cụ Hoàng Quốc Việt khi qua Quảng Ngãi (tháng 8/1945), khi thấy Ngô Đình Diệm và 4 binh sĩ Nhật bị trói ở gốc dừa, chờ xử bắn. Cụ Việt đã hạ lệnh tha, đưa ra Bắc, sau khi ra Hà Nội là cố vấn cho Bảo Đại. Bởi vậy sau này khi trở thành Tổng thống, Ngô Đình Diệm luôn biết ơn và kính trọng Hồ Chủ tịch, dù ở bên kia chiến tuyến. Công tác tổ chức, hay chính sách dùng người của Bác Hồ và Đảng ta ngày ấy thật diệu kỳ, trong đó có cụ Hưng và cụ Tiến.
Ngày 19/12/1946 toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Cụ Hưng và cụ Tiến, cùng toàn quân, toàn dân rút lên chiến khu. Mỗi người mỗi công tác khác nhau. Cụ Hưng được phân công làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, rồi Thứ trưởng Bộ Y tế. Cụ Tiến đảm nhiệm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội, bao gồm cả Hà Đông. Vừa lãnh đạo kháng chiến, vừa quản lý hành chính, đó là cơ chế đặc thù khi Hà Nội bị Pháp tạm chiếm cho đến ngày 10/10/1954. Khi ta tiếp quản Thủ đô. Cũng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, cụ Tiến còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ: Đổng lý sự vụ Bộ Nội vụ , Cục trưởng Cục Dân quán - Bộ Tổng Tham mưu, Cục trưởng Cục Ngoại thương - Bộ Kinh tế, Cục phó Cục Chính trị - Bộ Quốc phòng, Chủ tịch ủy ban Nghiên cứu đình chiến và tham gia cấp ủy, lãnh đạo của Thành ủy và Uỷ ban Thành phố Hà Nội.
Trần Duy Hưng và Khuất Duy Tiến ở chiến khu Việt BắcSau ngày 10/10/1954, cụ Hưng và cụ Tiến vẫn công tác bên nhau một thời gian ngắn nữa ở Hà Nội, nhưng do những năm tháng bị lao tù khổ ải: 2 tuần bị tù đầy (Côn Đảo 6 năm, Bắc Mê - Sơn La 5 năm), rồi lăn lộn hoạt động bí mật trong chiến đấu, công tác cách mạng, trong kháng chiến, cụ bị lâm bệnh và nghỉ công tác sớm năm 1957. Cụ Hưng sau khi về tiếp quản Hà Nội tiếp tục 24 năm Chủ tịch Hà Nội, lãnh đạo nhân dân Hà Nội hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển Thủ đô. Đặc biêt là xây dựng miền Bắc, trong đó Hà Nội là hậu phương vững chắc, là pháo đài, là chiến trường chôn vùi thần tượng B52, sức mạnh bất khả xâm phạm của Mỹ. Góp phần quyết đình thắng lợi ở Hội nghị Paris 1973, khiến cho Mỹ cút, năm 1975 Ngụy nhào. Thống nhất đất nước.
Những khi được rảnh rỗi việc thành phố, cụ Hưng tự lái xe đến thăm cụ Tiến và rước bạn đi thăm bạn bè cũ. Đôi khi hai cụ còn thả bộ quanh hồ Ha-le tâm sự chuyện đời.
Năm 1984, cụ Tiến qua đời ở tuổi 75, tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi nghe tin dữ, cụ Hưng vội đến Thành ủy Hà Nội, xin được vào Sài Gòn đón cụ Tiến ra Hà Nội đón cụ Tiến về Hà Nội, về với quê hương, bạn bè đồng chí và nhân dân Hà Nội. Cán bộ Thành ủy còn chưa biết, chưa hiểu cụ Tiến như thế nào nữa! Cụ Hưng đã cương quyết vào Sài Gòn đưa cụ Tiến về Hà Nội. Thật cảm động, hai người bạn thân, người đồng chí, gắn bó với nhau hơn nửa thế kỷ, lúc ấy cụ Hưng 72 tuổi, còn lặn lội vào Sài Gòn đưa người anh, người bạn của mình chu tất về Hà Nội yên nghỉ.
Thủ đô Hà Nội có được như ngày hôm nay, là Thành phố vì hòa bình và sẽ trở thành Thành phố Sáng tạo của Thế giới. Hồ Gươm mãi xanh, bầu trời Hà Nội mãi ngát xanh. Màu xanh hy vọng. Hà Nội luôn nhớ, biết ơn hai cụ, cụ Trần Duy Hưng và cụ Khuất Duy Tiến , những người xây nền, đắp móng cho Thủ đô Hà Nội từ những ngày đầu và những tháng năm gian khổ của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Tên tuổi hai cụ, hai vị chủ tịch đầu tiên của Hà Nội, được người dân Hà Nội tôn vinh, đặt tên cho hai tuyến đường lớn, đường hướng tâm - Trần Duy Hưng . Đường bao bọc bao quanh thành phố - Khuất Duy Tiến. Hai tuyến đường ấy giao nhau ở quận Thanh Xuân. Hai cụ mãi bên nhau trong Thủ đô 1010 tuổi, tràn đầy sức THANH XUÂN.
NoneBình luận