Văn hóa và hoạt động văn hóa

Theo từ điển, cụm từ hoạt động là đề cập những việc làm khác nhau với mục đích nhất định trong đời sống xã hội. Với nội hàm đó, ta có thể vận dụng vào lĩnh vực văn hóa để hình dung rõ những hoạt động của con người tác động vào văn hóa để đạt được những mục đích cụ thể trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Văn hóa và hoạt động văn hóa - 1

Ảnh minh họa

Các nhà triết học duy vật lịch sử đã chỉ rõ rằng, giá trị cao cả của triết học Mác là ở chỗ: nó không chỉ giúp con người nhận thức đúng bản chất vận động của thực tại, mà còn hướng con người tham gia cải tạo tự nhiên và cải tạo xã hội để phục vụ lợi ích của cộng đồng, quốc gia và nhân loại. Sau cuộc cách mạng Tháng Mười ở Nga năm 1917, một loạt chính đảng cách mạng chân chính đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân lật đổ ách thống trị của giai cấp phong kiến, tư bản, giành quyền độc lập dân tộc và lần lượt thực hiện sứ mệnh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Theo hướng đó, từ ngày lập nước (2/9/1945) dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, để thực hiện ba mục tiêu cao đẹp nói trên, Đảng ta, Nhà nước ta đã đồng thời tập trung sức lực và trí tuệ chỉ đạo bốn hoạt động chủ yếu: chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa - mà như Bác Hồ đã nhiều lần khẳng định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa(1). Như vậy, từ luận điểm căn cốt đó, kể từ khi có Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đến lúc Đảng ta giành chính quyền mới hơn một năm, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân chủ trì Hội nghị văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/1946 trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn gian nan, cùng lúc phải đối phó với thù trong, giặc ngoài liên kết nhau đe dọa trực tiếp nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Tại Hội nghị quan trọng này, Bác Hồ đã chỉ rõ vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng của văn hóa, nêu lên phương châm “kháng chiến hoá văn hóa” và “văn hóa hóa kháng chiến”. Bác nhấn mạnh các hoạt động văn hóa phải thiết thực, cụ thể, hiệu quả, phải làm cho văn hóa soi đường cho quốc dân đi.

Thực hiện tư tưởng, chỉ đạo nêu trên của Người, các hoạt động văn hóa đã tích cực giáo dục lòng yêu nước, khơi gợi ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm, sáng tạo vượt lên mọi gian nan, thách đố của các tầng lớp nhân dân, góp sức quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ ngày Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cùng với nhiều văn bản, chỉ thị về văn hóa, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 03 về Xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; tiếp đến Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, lại ra Nghị quyết số 33 về “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Quá trình thực hiện hai nghị quyết quan trọng này, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu, nhưng đi liền đó là sự tồn tại quá lâu những hạn chế, bất cập, mà trong phạm vi bài này, người viết muốn tập trung phân tích, lý giải nguyên nhân cơ bản về những mặt chưa được đó; đồng thời mạnh dạn đề xuất một số giải pháp trọng tâm.

Chúng ta đều biết, các công việc triển khai bất cứ nghị quyết nào đều bao gồm các hoạt động cơ bản: triển khai nghiên cứu, học tập nghị quyết (để thống nhất nhận thức); xây dựng Chương trình hành động (để biến Nghị quyết thành hiện thực cuộc sống); giám sát, kiểm tra (để biểu dương cách làm tốt hoặc uốn nắn nhưng lệch lạc); và khâu cuối cùng là sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm (để nhân rộng điển hình cá nhân, tập thể thực hiện tốt Nghị quyết, làm cơ sở triển khai có hiệu quả cho các đợt học Nghị quyết tiếp theo). Theo hướng đó, tôi mạnh dạn nêu lên 5 khía cạnh cần quan tâm:

Trước hết, chúng ta chưa thật mạnh dạn đổi mới việc học tập, triển khai Nghị quyết, trong đó có nghị quyết về văn hoá. Cần thừa nhận một thay đổi đáng hoan nghênh là ở cấp trung ương, nhiều bộ, ban, ngành đã chọn đúng một số chuyên gia từng nghiên cứu, am hiểu sâu về văn hóa, nhiều vị đã tham gia xây dựng Nghị quyết để truyền đạt nội dung, phân tích sâu những điểm mới, những giải pháp trọng tâm, đột phá. Song, việc làm này chỉ phát huy tác dụng tích cực ở bình diện chung, chủ yếu phù hợp với cán bộ chủ chốt các cấp. Nhưng văn hoá là nội dung lớn, rất đa dạng, liên quan rất nhiều đối tượng xã hội thì chưa được quan tâm đúng mực đối với đặc thù của văn hoá. Những năm gần đây, chúng ta áp dụng hình thức học trực tuyến, vừa tiết kiệm thời gian, vừa sử dụng được đội ngũ chuyên gia, nhưng trực tuyến không thể đáp ứng hết yêu cầu các đối tượng, các giai tầng, nhất là trình độ nhận thức không tương đồng giữa các đối tượng tiếp nhận văn hoá, chưa kể khi xuất hiện những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc, đối ngoại… Như vậy, từ lý do khái quát này, buộc chúng ta phải tiếp tục cải tiến, đổi mới cách tổ chức quán triệt những nội dung căn cốt của Nghị quyết 33 cũng như kết luận quan trọng của Hội nghị văn hoá tới đây.

Thứ hai, như đã thành thông lệ, sau khi quán triệt nghị quyết, các cơ sở đều xây dựng, thảo luận Chương trình hành động phù hợp từng đơn vị, địa phương. Về mặt này có thể nói rằng, nhiều nơi làm còn mang tính hình thức, rập khuôn, chưa thật bám sát thực tiễn; trong khi đó rất nhiều nơi cấp ủy, chính quyền do tập trung lo về kinh tế, xã hội nên đã chưa dành công sức và trí tuệ thoả đáng chỉ đạo lĩnh vực văn hoá. Do đó, nói là Chương trình hành động, nhưng trên thực chất là “làm cho xong chuyện”, hoặc không phù hợp thực tiễn cuộc sống của từng cơ sở thì kết quả thực hiện bị hạn chế, là lẽ tất nhiên.

Thứ ba, theo các nhà khoa học, văn hóa có nội hàm rất rộng. Hiện nay theo thống kê, trên thế giới có khoảng trên dưới 300 định nghĩa về văn hóa. Qua thời gian và sự phát triển cuộc sống loài người, văn hóa luôn luôn biến đổi theo hướng cả tích cực và tiêu cực. Văn hóa phát triển tích cực khi con người sáng tạo các giá trị văn hóa góp phần vun đắp CHÂN - THIỆN - MỸ; xây dựng mối quan hệ bình đẳng, nhân ái giữa người với người, tăng cường sự hợp tác, hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc, quốc gia. Mỗi dân tộc, một mặt, cần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa các dân tộc tiên tiến khác để làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc mình. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt kết quả tốt khi ngành Văn hóa và các cơ quan chức năng xây dựng được chương trình, kế hoạch, bước đi cụ thể với những điều kiện cụ thể. Nhưng ở bình diện này, có rất nhiều vấn đề cần được nhìn nhận lại để rút kinh nghiệm, mà nét rõ nhất là thiếu sự phối hợp đồng bộ, “mạnh ai nấy làm”; “bệnh thành tích” vẫn tồn tại; hiện tượng đổ lỗi cho nhau khi gặp “sự cố”, thiếu sót vẫn diễn ra. Ở một số đơn vị một khi thay người đứng đầu thì lại diễn ra hiện tượng “tân quan, tân chính sách”…

Văn hóa và hoạt động văn hóa - 2

Ảnh minh họa

Thứ tư, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 33, nhiều nơi coi nhẹ công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hóa, đặc biệt là chưa chú trọng bám sát thực tiễn nên không phát hiện và lý giải nguyên nhân những hiện tượng phức tạp xuất hiện, để trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị các biện pháp khắc phục kịp thời, phù hợp. Không phải cho đến những năm gần đây mới có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về chủ nghĩa “vọng ngoại”; về núp bóng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan; về nạn ma túy xâm nhập học đường; về sự xuống cấp nghiêm trọng ở một số di tích văn hóa vật thể; về hiện tượng đồng tiền làm tha hoá một số người được giao cầm cán cân công lý; về những lệch lạc trong hoạt động báo chí, xuất bản… Công tâm mà nói, không phải các cơ quan chức năng “không biết”, nhưng “biết mà không làm”, hoặc “biết mà không thể làm dứt điểm” vì vướng vào cơ chế, chính sách, chế tài lạc hậu, chậm thay đổi.

Thứ năm, công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện hai nghị quyết về văn hóa chưa được coi trọng. Tôi còn nhớ khi triển khai Nghị quyết chuyên đề số 23 của Bộ Chính trị khóa X về Xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, các văn nghệ sĩ rất phấn chấn và hi vọng khi thấy Trung ương lập một Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết do đồng chí Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng ban; đồng chí Phó Thủ tướng làm Phó Trưởng ban; các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng trong khối Tư tưởng - Văn hóa là Ủy viên. Ban Chỉ đạo hoạt động có mục tiêu, phương thức rõ ràng; sau nhiều lần bàn thảo đã xây dựng 36 chương trình cụ thể, bao quát tất cả các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; trong đó có chương trình đào tạo nguồn nhân lực; chương trình xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài văn nghệ… Nhưng đến nay qua nhiều năm rồi, các chương trình ấy thực hiện đến đâu, kết quả ra sao, vẫn chưa được các cơ quan, hữu quan nhắc đến. Phải chăng, sau Hội nghị tới đây, chúng ta cần tổng rà soát các chương trình này và nhiều Đề án khác nữa, đặc biệt là Chiến lược phát triển văn hoá để làm cơ sở xây dựng chương trình hành động mới, tạo nên bước chuyển tích cực, đáp ứng đòi hỏi của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân?!

Tóm lại, có rất nhiều việc cần làm và phải làm quyết liệt để văn hóa thật sự là “nền tảng tinh thần xã hội”, góp sức đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế thành công./.

Nguồn tuyengiao.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Bài ca thống nhất

Bài ca thống nhất

Trong quá khứ, đấu tranh thống nhất nước nhà đã từng là đề tài lớn của nền văn nghệ nước ta một thời khiến trái tim giới văn nghệ sĩ có nhiều tư duy, trăn trở. Bao bài thơ, bài hát, tập truyện, vở kịch, bộ phim đã in đậm dấu ấn giai đoạn này.