8x chi cả trăm triệu để thoả mãn thú chơi làm món ăn nhỏ như cúc áo
Các món ăn này chỉ nhỏ như cúc áo và làm bằng nguyên liệu không ăn được mà vẫn được rất nhiều người hỏi mua.
Cách đây khoảng 10 năm, chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (SN 1988), trú tại Gia Lâm, Hà Nội, vô tình đọc biết đến sản phẩm chiếc kẹo mút làm từ đất sét. “Tự nhiên, tôi được thổi nguồn cảm hứng mạnh mẽ và tôi bắt đầu tìm hiểu về đồ ăn bằng đất sét”, chị chia sẻ.
Xuất phát điểm của chị không phải là người theo ngành mỹ thuật hay thiết kế nên bộ môn này rất mới mẻ với chị. Nhưng nó lại có sức hút kỳ lạ khiến chị muốn làm bằng được các sản phẩm từ đất sét.
Thời đó, mô hình đồ ăn bằng đất sét chưa phổ biến trên thị trường nước ta nên việc tìm nguyên liệu cũng không hề đơn giản, chị phải đặt mua từ nước ngoài với giá khá cao và mất nhiều thời gian.
Việc học làm các sản phẩm này cũng khá khó khăn bởi trên mạng cũng chưa có nhiều thông tin. Chị phải tự mày mò, nghiên cứu các món ăn thực rồi mô tả lại, làm ra các món ăn từ đất sét.
Các sản phẩm món ăn, rau củ quả mini làm từ đất sét lần lượt ra đời, kích thước chỉ bằng 1/12 sản phẩm thực, thậm chí có những sản phẩm còn nhỏ hơn.
Sở dĩ chị làm các sản phẩm đồ ăn bằng đất sét với kích thước mini là bởi bản thân chị luôn có cảm hứng đặc biệt với những thứ tí hon, đặc biệt là đồ ăn mini.
Trung bình mỗi mô hình chị làm trong vòng 4-5 tiếng, có sản phẩm mất vài ngày để có thể hoàn thiện.
Để tạo ra một sản phẩm thể hiện được hết nét chân thực của nó, chị luôn phải nghiên cứu đọc và quan sát rất kỹ về sản phẩm đó. Trong khi làm, chị luôn có 1 mẫu vật thật để song song, như vậy sẽ thể hiện được chuẩn tỉ lệ cũng như hình dáng, màu sắc của sản phẩm.
Theo chị, mô hình đồ ăn đất sét đòi hỏi kỹ thuật khá tỉ mỉ để có thể miêu tả được độ chính xác của sản phẩm. Vì vậy, chị mất rất nhiều công sức mới có được như ngày hôm nay.
Nguyên liệu làm những món ăn mini này là đất sét và resin (1 dạng nhựa thường tạo hiệu ứng nước sốt, nước dùng cho sản phẩm), gỗ balsa, bìa mô hình, mica.
Tính đến nay, chị làm được khoảng 1.000 sản phẩm. Ngoài ra, chị còn làm nhà búp bê được khoảng hơn 10 căn. Chi phí cho thú chơi này của chị đã vào khoảng cả trăm triệu đồng.
Thời gian trước, chị làm các sản phẩm này có bán cho một số khách hàng, giá chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm, tuỳ thuộc vào độ phức tạp của sản phẩm.
Gần đây, chị bận rộn nhiều việc nên không có thời gian để làm sản phẩm bán dù khách hàng hỏi mua rất nhiều.
Chị chủ yếu làm ra để thoả mãn đam mê và dành tặng cho những người có cùng sở thích.
Theo chị, người chơi bộ môn này yêu cầu độ tỉ mỉ rất cao bên cạnh đó là sự kiên nhẫn cũng như khả năng quan sát và mô tả sản phẩm.
Bởi chị cho biết sản phẩm tí hon về kích thước đồng nghĩa với việc bạn phải lột tả mọi thứ đều phải nhỏ theo kích thước bạn muốn thể hiện nhưng vẫn luôn phải đạt chuẩn cả về hình dáng và màu sắc như thật nên sẽ khó hơn khi bạn mô tả đồ 1:1 rất nhiều.
Bình luận