Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23: Khơi gợi trách nhiệm, khát vọng của nhà thơ
Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23, ngày 12/2, tại Khách sạn Hoàng Sơn, TP. Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”.
Tham dự tọa đàm có đồng chí Tống Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng các nhà văn, nhà thơ tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 đã tham dự buổi tọa đàm.
Tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, thơ ca có giá trị đối với đời sống ở chỗ, con người biết “vịn” vào sự tử tế do thơ ca mang đến. Thơ ca tạo ra khát vọng để con người vươn tới. Khát vọng đó gắn chặt với trách nhiệm của nghệ sĩ.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương phát biểu
Tại tọa đàm, 11 tham luận đã được trình bày tập trung lí giải và luận bàn xoay quanh chủ đề trách nhiệm và khát vọng, thiết thực với đời sống xã hội, với môi trường sống chúng ta đang hít thở, tạo nên suy tưởng của nhà thơ về thời đại.
Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, trách nhiệm và khát vọng là hai yếu tố quan trọng, bổ sung cho nhau trong sự nghiệp của người cầm bút: “Trách nhiệm và khát vọng, về định tính, chúng như nhau, đều là những đòi hỏi tích cực của cuộc đời mà mỗi chúng ta nên hoàn thiện, cần hoàn thiện, phải hoàn thiện. Nhưng về định lương thì có khác nhau. Trách nhiệm có tính cách bắt buộc, như bổn phận, không hoàn thành là thiếu sót, nhưng cái đích ngắn hơn, cụ thể hơn, nhiều khi như việc của thường ngày. Khát vọng thì không bắt buộc ai cũng phải có, phải trưng ra, cái đích đến của khát vọng cũng cao hơn, cũng xa hơn, nhiều khi là cả đời người”.
Trách nhiệm thể hiện qua việc nhà văn phải phản ánh hiện thực cuộc sống, đấu tranh cho những giá trị tốt đẹp. Lớp lớp các nhà thơ đã làm tròn trách nhiệm với vận mệnh của đất hước và hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên, trách nhiệm không có nghĩa là từ bỏ khát vọng sáng tạo. Nguyễn Đình Thi là một ví dụ cho thấy sự dung hòa giữa trách nhiệm và khát vọng. Ông sẵn sàng sửa chữa những tác phẩm chưa phù hợp với công chúng để “thực thi trách nhiệm nhà văn trước đòi hỏi của cuộc đời”, nhưng đồng thời vẫn theo đuổi khát vọng cách tân thơ.
Nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ lý giải chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động, với sự thay đổi đến chóng mặt của các hệ giá trị, với sự đấu tranh không khoan nhượng của cái mới và cái cũ, của những cách tân và thủ cựu trong mọi mặt của đời sống xã hội. Trách nhiệm lớn nhất của nhà thơ, theo nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ là phải đánh thức được ý thức cá nhân độc lập trong mỗi con người. Khi và chỉ khi cái ý thức độc lập ấy trở thành ý thức chung của cộng đồng, của cả dân tộc, thì đấy là lúc chúng ta thật sự lớn mạnh, mới thật sự bước vào kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ở một góc nhìn nhà thơ Hà Phạm Phú thì khẳng định trách nhiệm xã hội của thơ có nền tảng rộng rãi. Và như thế trách nhiệm xã hội của nhà thơ là rất lớn. Ông cho rằng: “Các nhà thơ lớn trong lịch sử đều là những người tiên phong của thời đại, là những con người sẵn sàng ghé vai gánh vác trách nhiệm xã hội”. Đó là thơ có thể phàn nàn về các vấn đề chính trị, phê bình những tệ nạn hiện tại và quan tâm đến sinh kế của con người. Thơ có thể trau dồi gu thẩm mỹ của con người và trau dồi tư cách đạo đức của họ. Nó cũng có thể đóng vai trò giao tiếp, kế thừa hoặc tiếp nối văn hóa. Thơ là một mô hình thu nhỏ của xã hội. Sứ mệnh xã hội của thơ là quay trở lại với xã hội, cảm nhận và mô tả nỗi đau của xã hội, quan tâm đến mọi đối tượng có thể quan tâm. Trách nhiệm của nhà thơ là đi “tiên phong” và “dự báo” nó”. Muốn vậy thì tác phẩm mà nhà thơ công bố ra công chúng phải hay.
Tuy nhiên, theo nhà thơ Đặng Huy Giang: “Thơ của ta hiện nay có diện nhưng không có đỉnh”. Tìm ra được một gương mặt mới, một hiện tượng thơ mới, bây giờ thật là khó. Những bài thơ mang giá trị hữu ích, giá trị tư tưởng, có ảnh hưởng tốt về mặt mỹ cảm cũng như những bài thơ có ý, có tứ cũng rất hiếm.
Một bài thơ hay theo lý giải của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, tứ thơ làm nên sự khác biệt độc đáo của mỗi một văn bản thơ vì bài thơ hay thường xuất phát từ những tứ thơ hay và độc đáo: “Với tôi, tứ thơ chính là sự kết hợp hài hòa của các trạng thái hưng phấn trong sáng tạo thi ca như: cảm xúc, nghĩ suy và trí tưởng tượng”. Nếu coi mỗi bài thơ là một sinh thể thi ca, ta sẽ nhận thấy: Cảm xúc chính là phần da thịt tươi mới, màu mỡ, sống động của sinh thể thơ; ý tưởng là phần xương cốt tư duy vững chắc của sinh thể thơ; còn Tứ thơ chính là cái hồn của sinh thể thơ ấy. Nếu một bài thơ chỉ có da thịt của cảm xúc thơ mà không có xương cốt của ý tưởng thơ và cái hồn của tứ thơ (hoặc ngược lại chỉ có xương cốt của ý tưởng mà thiếu phần da thịt của cảm xúc) thì bài thơ ấy là một sinh thể thơ mờ nhạt, lỏng lẻo, èo uột, hời hợt và thiếu sức sống thi ca. Vì thế, chí ít một bài thơ đích thực, trước tiên phải có đủ 3 yếu tố: cảm xúc, ý tưởng và tứ thơ theo tam-giác-thơ nói trên.
Là một tác giả trẻ, nhà thơ Nguyễn Như cũng đề cập đến vấn đề tại sao thơ ca nước nhà chưa thể vươn tầm, thậm chí độc giả nước nhà cũng chưa mấy mặn mà và quan tâm? Anh cho biết, qua khảo sát qua nhiều bạn đọc ngẫu nhiên, có những người không quan tâm gì về thơ, bởi thơ không giải tỏa, bồi đắp được tinh thần, tâm trạng của họ và bày tỏ: “Có lẽ điều cần thiết nhất để thơ Việt được nâng tầm và vươn xa là các nhà thơ cần phải đối xử với thơ bằng cả tâm hồn mình, mỗi cá nhân, tổ chức văn chương cần xây dựng chiến dịch, đội ngũ dịch thuật và truyền thông chất lượng nhằm tinh lọc, chọn lựa tác phẩm và một cách nào đó đưa tác phẩm tới nhiều độc giả nước ngoài hơn” – nhà thơ chia sẻ.
Bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhà thơ Khuất Bình Nguyên khẳng định thi ca cần rũ bỏ cái gì và đứng dậy bằng cái gì trên đường đi tìm tín hiệu rung chuyển của thời cuộc.
Thi ca đứng dậy bằng cái gì trong kỷ nguyên mới? Nhà thơ Khuất Bình Nguyên lý giải: “Thế giới hiện nay là sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nền văn hóa đang cắm cờ lên đất của nhau và trên những lá cờ ấy đều có ngôi sao hình con chíp. Bởi lẽ đó, phải chăng thi ca phải đứng dậy từ truyền thống để làm nên truyền thống mới – truyền thống của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân văn thấm đậm tình non nước trong sự vươn mình của dân tộc. Có lẽ chủ nghĩa lãng mạn cách mạng sẽ đi tiên phong trong sáng tạo thi ca ở giai đoạn này”.
Bình luận