Người “giữ lửa” cuối cùng của làng tranh Tết vang bóng một thời

Nhắc đến tranh Tết, người ta thường nghĩ ngay đến tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Ít ai biết, Kim Hoàng cũng là một dòng tranh nổi tiếng xứ Kinh Kỳ xưa mỗi dịp Tết đến xuân về. Trải qua năm tháng thăng trầm, dòng tranh ngỡ đã bị thất truyền lại được hồi sinh ngoạn mục, nhưng người giữ nghề thì ngày một hiếm hoi. Hiện chỉ còn nghệ nhân Đào Đình Trung là người con duy nhất của làng Kim Hoàng nối nghiệp cha ông.

Dĩ vãng một thời thịnh trị

Với dân làng Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), ký ức về dòng tranh nổi tiếng một thời này chỉ còn là những hồi ức xưa cũ qua lời kể của những cụ cao niên.

Tương truyền, dòng tranh dân gian Kim Hoàng được hình thành vào nửa sau thế kỷ XVIII. Dân làng Kim Hoàng xưa chủ yếu là những người di cư từ Thanh Hóa ra Bắc năm 1701, gồm hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp nhất lại. Nhận thấy tranh Đông Hồ, Hàng Trống chỉ đủ cung ứng cho địa bàn Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương…, cũng như không thực sự thích ứng với nông dân cả về thẩm mỹ lẫn túi tiền, người làng Kim Hoàng đã quyết tâm tạo ra dòng tranh mới có sự kết hợp kỹ - mỹ thuật từ hai dòng tranh trên.

Người “giữ lửa” cuối cùng của làng tranh Tết vang bóng một thời - 1

Người “giữ lửa” cuối cùng của làng tranh Tết vang bóng một thời - 2 

Sử liệu cũng ghi đi đầu trong việc tổ chức in và vẽ tranh là hai dòng họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thế. Để chuẩn bị bán cho Tết, từ giữa tháng 11 Âm lịch trở đi làng bắt đầu công việc làm tranh. Ngày Tết tranh đỏ Kim Hoàng đi khắp chốn Mỗ La Canh Cót (khu vực trải rộng từ Cầu Giấy tới hai quận Nam - Bắc Từ Liêm ngày nay), được người Kẻ chợ lẫn dân xứ Đoài hết sức mê chuộng.

Một thời thịnh trị, có dấu ấn riêng, nhưng dòng tranh Tết này đã từng biến mất hơn 7 thập kỷ trước khi được làm “sống dậy". Vào năm 1915, một trận lũ lớn làm vỡ đê Liên Mạc khiến các làng mạc từ Phùng tới Cầu Giấy ngập lụt nặng. Nhiều bản khắc gỗ của tranh bị lũ cuốn trôi. Nghề làm tranh Kim Hoàng vì thế mai một dần đi, và tới năm 1945 thì biến mất hoàn toàn. Tranh Kim Hoàng gần như bị xóa sổ dưới lớp bụi thời gian, không còn một nghệ nhân nào theo nghề, cũng không còn chứng tích nào về làng nghề còn sót lại.

Người “giữ lửa” cuối cùng của làng tranh Tết vang bóng một thời - 3

Tranh nghê Kim Hoàng. Treo nghê để trấn trạch, âm dương giao hòa, có xuất xứ từ nơi thiêng liêng, rất hợp cho năm mới. Ảnh: Phạm Hằng 

Những tưởng số phận dòng tranh Kim Hoàng đã bị bỏ quên trong dòng chảy lịch sử, thế nhưng đến năm 1960, Trường Viễn Đông Bác cổ tiến hành sưu tầm tranh thờ và tranh Tết ở Bắc Bộ để tập hợp và giới thiệu trong cuốn sách Tranh dân gian Việt Nam của một học giả người Pháp tên Maurice Durand. Ngoài hai dòng tranh nổi tiếng là Hàng Trống và Đông Hồ, ông Durand còn giới thiệu thêm một số tranh khác mà không nói đến xuất xứ. Sau đó, qua nhiều thời gian lần tìm, Bảo tàng Mỹ thuật mới tìm được gốc gác của các tranh đó ở làng Kim Hoàng, ngay cửa ngõ Thủ đô Hà Nội.

Thế nhưng, không cam tâm để dòng tranh này chỉ còn hiện hữu với vài dòng vỏn vẹn trên trang sách, năm 2015, với sự góp sức của nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hoà (Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội) cùng các nghệ nhân cao tuổi trong làng, dòng tranh Kim Hoàng đã từng ngày hồi sinh. Trải qua thời gian, nghệ nhân cao tuổi cũng “rơi rụng” dần, người trẻ lại không mấy ai mặn mà chuyện nối nghiệp, làng tranh Kim Hoàng đến nay chỉ còn duy nhất một người “giữ lửa”.

Trăn trở giấc mơ mang Kim Hoàng trở lại thời “hoàng kim"

Theo lời giới thiệu của dân làng, tôi tìm đến nhà nghệ nhân trẻ Đào Đình Trung, người con cuối cùng của đất Vân Canh còn “giữ lửa” dòng tranh Kim Hoàng. Anh Trung là người làng, theo như lời anh kể, từ nhỏ đã nghe các cụ nói nhiều về dòng tranh của làng, cũng thấy tiếc. Khi biết được các chuyên gia có ý định khôi phục dòng tranh của làng mình, anh đã tham gia dự án, đã đi học vẽ và luyện tập để vẽ được như yêu cầu của dự án.

“Trước đây, thấy chị Thu Hòa về dựng lại các mẫu tranh để khôi phục, tôi cũng muốn góp phần làm sống lại dòng tranh của quê hương mình. Gia đình tôi không theo nghề, nhưng sống từ nhỏ ở đây, thấy những bức tranh của các cụ để lại, tôi không muốn một di sản quý giá của làng mình bị mai một”, anh Trung chia sẻ.

Người “giữ lửa” cuối cùng của làng tranh Tết vang bóng một thời - 4

Nghệ nhân Đào Đình Trung - người “giữ lửa” cuối cùng của làng tranh Kim Hoàng. Ảnh NVCC

Trong căn phòng nhỏ áng chừng 15 mét vuông treo kín những bức thần kê (tranh gà), các cặp lợn no tròn trên nền giấy đỏ... là nơi người nghệ nhân trẻ ngày ngày cần mẫn giữ lửa nghề cha ông. Tay thoăn thoắt pha mực, phết màu, in tranh, nghệ nhân Đào Đình Trung vừa tỉ mỉ giới thiệu với tôi từng công đoạn làm tranh đỏ Kim Hoàng.

Anh cho biết, nếu đặc trưng của tranh Đông Hồ là giấy điệp, tranh Hàng Trống là giấy dó thì tranh Kim Hoàng sử dụng các sắc hồng điều, đỏ cam, đỏ son, vàng yến… hết sức rực rỡ để làm nền, tạo nên một vẻ tươi thắm rất riêng. Cũng vì màu giấy đỏ ấy mà tranh Kim Hoàng còn được dân gian gọi là tranh đỏ. Trên góc tranh Kim Hoàng còn có thơ đề và bùa trấn tà ma, điều mà tranh Hàng Trống và tranh Đông Hồ không có, nhờ vậy mà phục vụ đa dạng hơn nhu cầu của người dân, từ trang hoàng nhà cửa đầu năm mới, cầu phúc lộc may mắn đến trấn trạch, xua đuổi tà ma.

Người “giữ lửa” cuối cùng của làng tranh Tết vang bóng một thời - 5

Tranh Kim Hoàng sử dụng các sắc hồng điều, đỏ cam, đỏ son, vàng yến… hết sức rực rỡ để làm nền, tạo nên một vẻ tươi thắm rất riêng. Ảnh: Phạm Hằng

Khác với đa số các dòng tranh dân gian cuối thế kỷ XIX - đầu XX, tranh Kim Hoàng không dùng màu phẩm mà dùng chất liệu phổ biến là mực tàu và các loại màu sắc có nguồn gốc tự nhiên, được trộn với chất kết dính là keo da trâu (khác với tranh Đông Hồ là dùng hồ nếp). Màu trắng tạo ra từ thạch cao, màu xanh chàm từ mực tàu hòa với nước chàm, màu đỏ lấy từ đất son, màu đen từ tro rơm rạ, màu xanh từ gỉ đồng, màu vàng từ nước ép của hạt cây dành dành…

Người “giữ lửa” cuối cùng của làng tranh Tết vang bóng một thời - 6

Tranh Kim Hoàng dùng chất liệu phổ biến là mực tàu và các loại màu sắc có nguồn gốc tự nhiên. Ảnh: Phạm Hằng 

Gần những ngày giáp Tết, ngôi nhà của nghệ nhân Đào Đình Trung lại náo nhiệt vì người tới xem tranh, mua tranh khá đông. Công việc ít người làm nên rất bận rộn, một mình anh phải kiêm tất cả các công đoạn, từ quét màu trên giấy, đem phơi đến pha màu, in tranh. Hôm nào thời tiết chuyển nồm ẩm, giấy in mềm thì người làm tranh nhàn hơn, chỉ việc in lên giấy đã cho những tạo hình ưng ý. Còn nếu gặp ngày hanh khô, làm tranh vất vả hơn vì giấy cứng khô, co vào, khó trùng khớp với khuôn in, nên thường phải làm bản nét, sau đó pha màu vẽ lên.

Nghệ nhân Đào Đình Trung chia sẻ, để đưa được tranh Kim Hoàng từ “hóa thạch” ra thành phẩm thương mại, trình diện trước công chúng một diện mạo có sức sống, có hơi thở là công sức không nhỏ của biết bao con người. Trải qua chuỗi ngày chật vật, tranh Kim Hoàng đã bắt đầu in dấu lên ký ức người Hà Nội hôm nay. Khách hàng không chỉ là những nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu, người sành chơi, mà còn cả thường dân dạo phố ông đồ mỗi hội xuân ở Văn Miếu.

Người “giữ lửa” cuối cùng của làng tranh Tết vang bóng một thời - 7

Người “giữ lửa” cuối cùng của làng tranh Tết vang bóng một thời - 8

 Tranh Kim Hoàng. Ảnh: Phạm Hằng 

“Cứ dịp Tết đến xuân về, tôi lại nhận được những cuộc gọi, dòng tin nhắn hỏi năm nay có tranh gì. Riêng tranh nghê làm cho năm Tuất nhưng năm nào người ta cũng hỏi mua để mang về trấn trạch, tạo góc riêng độc đáo nghênh xuân. Có lẽ, yếu tố lạ trong mùa tranh Tết là một trong những lý do khiến người ta tìm mua. Nhưng về lâu dài, nếu chỉ lạ thôi thì tranh không thể đáp ứng được nhu cầu của người chơi tranh hiện đại. Muốn làng nghề phát triển thì phải có nghệ nhân và nghệ nhân phải sống được bằng nghề”, nghệ nhân Trung nói.

Khi được hỏi về việc giữ nghề, nghệ nhân Trung cho biết, anh đã có nhiều đợt truyền dạy cho lớp trẻ trong làng, nhưng lửa nghề không đủ lớn khiến họ dần mất đi sự kiên trì và không còn bám trụ với nghề, trong nhà con cháu cũng đều có những hoài bão, định hướng riêng. Trải qua năm tháng thăng trầm, dòng tranh ngỡ đã bị thất truyền lại được hồi sinh ngoạn mục, nhưng lại đứng trước nỗi lo khi người giữ nghề ngày một hiếm hoi.

Với nghệ nhân trẻ Đào Đình Trung, tranh dân gian không chỉ tồn tại trong không gian nhà tranh vách đất mà còn chứa cả một nền văn hóa dân tộc ẩn giấu phía sau. Nuôi giấc mơ trở thành người giữ lửa, để người đương thời phải nhìn thấy tranh dân gian Kim Hoàng ở mọi nơi, mọi dịp lễ Tết, trở thành tâm thức của họ, khiến họ nhận ra nó đẹp đẽ như thế nào. Giấc mơ đủ lớn nhưng "một cây đơn độc có làm nên non?" vẫn còn là một dấu hỏi đầy trăn trở...

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.