Tài năng hội họa trẻ tỉnh Thanh Bùi Thị Ngoan và đề tài người lính

Tôi được gặp nữ họa sĩ tỉnh Thanh Bùi Thị Ngoan cuối tháng tư vừa qua trong Trại sáng tác mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng” năm 2023, tại Nhà sáng tác Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đây là Trại sáng tác mỹ thuật do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức.

16 họa sĩ trong và ngoài quân đội là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam được mời tham gia, trong đó có nữ họa sĩ Bùi Thị Ngoan. Chị là một tên tuổi của làng mỹ thuật tỉnh Thanh, giảng viên hội họa trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, và là phó Ban Mỹ thuật của Hội văn nghệ tỉnh Thanh.

Họa sĩ Bùi Thị Ngoan tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2006, năm 2010 chị về công tác tại Khoa Mỹ thuật, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh. Tiếp sau đó, tài năng hội họa trẻ này là một trong số ít những người được nhận học bổng thực tập sinh đi đào tạo ở nước ngoài. Một năm (2015) học tập ở Ba Lan, “đó là năm giá trị vì tôi được làm tranh và được trau dồi kiến thức. Tôi thoải mái làm theo cách của mình và làm điều mình muốn”.

Ngày nào cũng làm việc nên khi kết thúc chương trình thực tập sinh, chị đã có triển lãm cá nhân với hơn 30 bức tranh. Đây là nền móng vững chắc để chị tự tin bước đi trên con đường nghệ thuật. Năm 2021, Bùi Thị Ngoan xuất sắc đoạt giải B của Giải thưởng mỹ thuật khu vực với bộ tranh “Khoảng giữa của sự bất an”. Tác phẩm được làm bằng chất liệu khắc khô, một kỹ thuật tranh đồ họa sử dụng dao hay vật nhọn khắc lên trên bề mặt của mika... cho hiệu quả thị giác khác lạ.

Tài năng hội họa trẻ tỉnh Thanh Bùi Thị Ngoan và đề tài người lính - 1

Họa sĩ Bùi Thị Ngoan

Nhiều người am hiểu hội họa ghi nhận là: “Xem “Khoảng giữa của sự bất an”, cảm thấy sự bất an vây xung quanh mình, kể cả khi ta đang sống trong thế giới hiện thực sôi động. Không chỉ là cảm giác bất an mà còn như một nỗi lo sợ mơ hồ. Nó không cụ thể mà trừu tượng, sự bất an ấy hiện hữu nhưng ta lại không biết nó đến từ đâu. Tất cả mọi vật, mọi thứ như trò chơi mèo vờn chuột. Với sắc màu sặc sỡ, từng nét vẽ khắc của Bùi Thị Ngoan khiến người xem vừa tò mò, vừa muốn khám phá...”.

Nhà báo Kiều Thu Huyền, nguyên Trưởng Ban Nghệ thuật của báo Văn Nghệ viết về Bùi Thị Ngoan: “Nhắc lại lần đầu tiên được nhận giải Tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 2017) với bức tranh “9h sáng - 9h tối” (chất liệu in đá), chị nói: “Tôi vốn chỉ vẽ những cái mình thích. Tôi đặc biệt thích cỏ cây hoa lá, động vật hay côn trùng. “9h sáng - 9h tối” là sự ngưỡng mộ của tôi với thiên nhiên. Một cái cây có thể không có lá nhưng vẫn sống qua mùa đông lạnh giá để sang mùa xuân lại đâm chồi nảy lộc. Ngoài ấn tượng thị giác, người xem còn hiểu thêm sức mạnh của thiên nhiên”. Cũng nhờ giải thưởng này mà năm 2018 chị lại tiếp tục nhận được học bổng đào tạo ở Ba Lan 6 tháng.

“Tranh của Bùi Thị Ngoan không chỉ đẹp về màu sắc mà còn có sự ấm nồng ý tưởng. Mặc dù vẽ thiên nhiên nhưng không đơn thuần là sự miêu tả thiên nhiên tươi đẹp hay khắc nghiệt, điều chị muốn gửi gắm chính là mối quan hệ với con người. Xem tranh “Hẹn ước”, chỉ với hình ảnh cây đa và bát hương cũng đủ gợi lên sự mất mát. Lời hẹn gặp lại năm nào của những người ra chiến trường có thể không thực hiện được, nhưng người thân nơi hậu phương vẫn luôn khắc khoải chờ đợi.

“Hôm qua - hôm nay - ngày mai” là tranh kể câu chuyện đời cây, đời người. Hôm qua tôi là chồi non nho nhỏ, nhưng hôm nay đã trưởng thành và là một cái cây khỏe mạnh, có nhiều con, nhiều cháu. Ngày mai cái cây có thể cằn cỗi, già nua nhưng vẫn là chỗ dựa để con cháu vươn lên. Một ý tưởng được biểu đạt rất đơn giản, và ngay lập tức nhận được nhiều lời khen trong Triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2018.

Còn “Khoảng giữa của sự bất an” ra đời đúng thời điểm đại dịch COVID-19, khi mọi thứ đang biến đổi từng ngày và con người luôn có cảm giác bất an, hoang mang. Có những sự bất bình thường như con mèo cuộn tròn trong lòng con cá, cái cốc chông chênh không đứng vững, và con chuột vốn xưa nay thích đục khoét thì lại trở nên rụt rè, nhưng rồi chúng ta vẫn phải chấp nhận và sống chung với tất cả những điều đó”.

Trở lại trại sáng tác đề tài người lính tại Đà Lạt vừa qua. Theo đánh giá của Ban tổ chức, thì trong trại, các họa sĩ đã sáng tác có chất lượng 31 tác phẩm mỹ thuật với các chất liệu sơn dầu, acrylic và khắc gỗ mộc bản. Các tác phẩm bám sát chủ đề, nội dung định hướng của Ban tổ chức, giàu ý tưởng sáng tạo nghệ thuật, có ngôn ngữ biểu đạt phong phú.

Một số tác phẩm thể hiện đậm nét tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến, như tác phẩm “Binh trạm Trường Sơn” của họa sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, “Đặc công Rừng Sác” của họa sĩ Trịnh Bá Quát, “Căn cứ rừng tràm An Giang” của họa sĩ Đinh Công Khải, “Đường tới Dinh Độc lập” của họa sĩ Nguyễn Hải Nghiêm...

Một số tác phẩm tái hiện khoảnh khắc của thời chiến tranh, như “Ký ức của họa sĩ” của họa sĩ Bùi Thị Ngoan, “Người đẹp thời chiến” của họa sĩ Nguyễn Hải Nghiêm. Về phản ánh hoạt động của bộ đội trên các lĩnh vực công tác, tiêu biểu như tác phẩm “Những người lính canh trời” của họa sĩ Vũ Quý, “Đảo chìm” của họa sĩ Đào Hoa Vinh, “Dáng núi” của họa sĩ Nguyễn Tuấn Long, “Nắng biên cương” của họa sĩ Nguyễn Việt Anh.

Cũng theo Ban tổ chức, 31 tác phẩm này có thể tham dự các triển lãm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Mỹ thuật Việt Nam và các triển lãm trong khu vực; tiến tới tham dự Triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng” giai đoạn 2019 - 2024; tham gia xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật và báo chí 5 năm của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2021 - 2025; xét, trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023.

Đây được kể như một thành công mới của các họa sĩ hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam vẽ về đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng” năm 2023, trong đó có nữ họa sĩ xuất sắc của tỉnh Thanh Bùi Thị Ngoan...

Chúc mừng Bùi Thị Ngoan và các họa sĩ hôm nay vẫn say mê về đề tài người lính và cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Trương Nguyên Việt

Vũ Cao Đàm với hội họa
Vũ Cao Đàm với hội họa

Soi chiếu từ khía cạnh du nhập, phản tư và giao thoa văn hóa với Tây phương, các sáng tác của Vũ Cao Đàm là sự nối dài...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Khúc bi tráng của người chiến sĩ trong chiến hào Đồi A1, Điện Biên Phủ

Khúc bi tráng của người chiến sĩ trong chiến hào Đồi A1, Điện Biên Phủ

Đã bước sang tuổi 92, nhưng nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn, giáo viên Nga văn Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Vốn là học sinh Trường Hàn thuyên Bắc Ninh, có bằng Tú tài, tình nguyện nhập ngũ năm 1949 khi mới 17 tuổi, lúc chiến đấu ở Điện Biên Phủ, chiến sĩ Ca Sơn 22 tuổi, là Trung đội trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316.