Một nửa thế giới là... Phụ nữ

(Ấn tượng đọc "Một đời tiết hạnh", tiểu thuyết của Nguyễn Thiện Luân, Nxb Hội Nhà văn, 2022)

“Một đời tiết hạnh” là cuốn tiểu thuyết dài hơn 500 trang của tác giả Nguyễn Thiện Luân nằm trong số hơn 20 cuốn tiểu thuyết đã xuất bản từ khi ông nghỉ hưu (năm 2008). Một con số không nhỏ.

Không thể không viết tiểu thuyết

Người ta nói, thể loại chọn nhà văn (nhà văn không chọn thể loại), theo lối “chọn mặt gửi vàng”. Ý kiến này suy cho cùng ứng vào trường hợp tác giả Nguyễn Thiện Luân, rất sát hợp, là cây bút  đối với tôi “Văn kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Lại nói, câu “Văn là người” cũng trùng khít với cây bút giàu nội lực tiểu thuyết này, nếu được trao kỷ lục thì cũng hoàn toàn xứng đáng. Ông cùng với đồng nghiệp Ma Văn Kháng, Nguyễn Hiếu, Chu Lai, Bùi Anh Tấn... đều là những kiện tướng viết tiểu thuyết vốn được coi là thể loại chủ lực (“cỗ máy cái”) của bất kỳ nền văn chương phát triển nào từ trước tới nay.

Trong số hơn 20 cuốn tiểu thuyết đã in có ba tiểu thuyết lịch sử (“Hoàng hậu nhị triều”, “Đinh Tiên Hoàng Đế”, “Lê Đại Hành Hoàng Đế”) ra mắt nhân dịp chào mừng Lễ kỷ niệm 1050 năm thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình (968-2018). Chúng thuộc dòng chảy văn học/văn xuôi ghi nhận sự trở lại của đề tài lịch sử trên văn đàn Việt Nam hiện nay, theo động hướng tinh thần xã hội tích cực “ôn cố tri tân”.

Trong hình dung của tôi, từ ngày rời quan trường, cây bút (giờ là máy tính, nếu nhà văn dùng) và con chữ là “nơi chốn” quen thuộc, “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” với Nguyễn Thiện Luân. Vốn sống đầy ắp, tâm tư chứa chất, đời sống hối thúc và mời gọi, nên phải cầm bút viết, không thể nào khác. Có khi, viết để phóng chiếu, thăng hoa năng lượng dự trữ đến độ ứ trào, dư thừa, viên mãn. Thêm vào, viết là kết quả của một tư duy mạnh mẽ và tình cảm chín đến độ lịch lãm.

Khi nhận sách “Một đời tiết hạnh” của tác giả Nguyễn Thiện Luân qua nhạc sỹ Nguyễn Đình San, tôi tự thấy mình còn có đôi điều băn khoăn, vì từ rất lâu có ý chuyên chú nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam hiện đại/ đương đại, thế nhưng đã không có cơ hội tiếp cận một cây bút đã dành nhiều tâm huyết, sức lực và thời gian viết tiểu thuyết, với một công suất và năng suất đáng nể trọng. Tôi cũng tự nhủ, tuy nhiên, đây là chốn “trường văn trận bút” nên có thể tác giả đã náu mình, văn ôn võ luyện, chờ thời cơ. Nhưng, như cổ nhân nói “muộn còn hơn không”. Sự muộn màng của tôi bấy lâu xét cho cùng là do sức người có hạn mà cuộc đời bể dâu và đại dương văn chương lại càng vô tận.

Với tác giả Nguyễn Thiện Luân, tôi nghĩ, ông cầm bút viết văn với tâm thế “Không thành công cũng thành nhân” (như câu nói nổi tiếng của chí sỹ, nhà yêu nước Nguyễn Thái Học). Lại nữa, một lần giao lưu với bạn chữ, Bảo Ninh có nói một câu ngắn nhưng thâm thúy, tôi nhớ mãi: “Làm anh nhà văn, có thân phận thì câu chữ nó mới có chiều sâu”. Đúng thế chăng?!

Một nửa thế giới là... Phụ nữ - 1

Bìa tiểu thuyết “Một đời tiết hạnh”.

Kiếp nữ nhi không... thường tình

“Một đời tiết hạnh” của Nguyễn Thiện Luân, theo tôi, là một cuốn tiểu thuyết tâm lý - xã hội đậm đặc không khí thời đại. Ngày trước, dưới thời phong kiến giá trị truyền thống của người nam, người nữ được gói gọn vào trong câu, như một định đề về nguyên tắc hành xử đời sống: “Trai thì trung hiếu làm đầu/ Gái thì tiết hạnh làm câu trau mình” (Nguyễn Đình Chiểu). Những người phụ nữ có đức hy sinh vì xã hội, gia đình thì được vinh danh “Tiết hạnh khả phong”. Nhưng đấy là chuyện thời xưa. Thời xưa và thời nay là những vòng tròn đồng tâm, nhiều chỗ trùng phùng, song cũng lắm khác biệt.

Một nửa thế giới là... Phụ nữ - 2

Ảnh minh họa

Tiểu thuyết “Một đời tiết hạnh” kể câu chuyện gì? Đó chắc là điều bắt mắt độc giả ngay khi cầm cuốn sách trên tay, song le chưa đọc vào nội dung. Nếu “Tiểu thuyết là một câu chuyện bịa y như thật” (theo cách duy danh định nghĩa truyền thống) thì chỗ nào bịa, chỗ nào thật, khi đọc tác phẩm? Thiết nghĩ, đọc văn tiểu thuyết, cũng không nên so đo xem những gì tác giả viết ra, kể lại có bao nhiêu phần trăm sự thật (lối như xem phim Hàn Quốc và Việt Nam, khán giả ta cứ nắc nỏm “diễn viên đóng như thật!”, đã như thật thì cần chi đến nghệ thuật, báo chí làm tốt hơn nghìn vạn lần).

Đoan Trang (Họ tên đầy đủ: Nông Nguyễn Thị Đoan Trang, dân tộc Tày), nhân vật chính của tiểu thuyết “Một đời tiết hạnh”, có thể coi như là một nam châm cực đại, thu hút vào từ trường nhân sinh nhiều nhân vật khác nhau thuộc nhiều thế hệ, hoàn cảnh, số phận không giống nhau. Đó là Ngọc Lan, người mẹ mang nặng đẻ đau ra Đoan Trang, rồi vô tình đẩy con gái vào con đường loạn luân (quan hệ xác thịt với ông Hoàng, người tình dan díu “già nhân ngãi non vợ chồng” với người mẹ, lại chính là bố đẻ con gái mình).

Khi có con, Đoan Trang phải trốn về quê sinh ra Tiết Hạnh, gửi lại cho một phụ nữ tốt bụng trong làng rồi trở về Hà Nội dấn thân càng ngày càng sâu vào tội lỗi. Cả Ngọc Lan, cả Đoan Trang đều là “vật tế lễ” của ông Hoàng, một người kinh doanh bất động sản, có vẻ mã thượng của đàn ông, cuối cũng cũng xộ khám vì chuyện làm ăn.

Dấn thêm một bước, Đoan Trang bề ngoài là người giúp việc cho giáo sư Thái (có ít nhiều của nả, vợ đang nằm viện điều trị tâm thần, sau mất vì tai nạn), nhưng bên trong là kẻ rút ruột ông già hơn 70 này. Mưu đồ chiếm nhà, chiếm tiền giáo sư Thái đã “đâm chồi này lộc” trong tâm can Đoan Trang, nhưng được che đậy bằng tình thương (và cả sự hòa trộn xác thịt).

Đọc hết tiểu thuyết “Một đời tiết hạnh”, tôi lại liên hệ tới tiểu thuyết “Bỉ vỏ” (1938) của nhà văn Nguyên Hồng viết khi tác giả mới 20 tuổi. Cái cô thôn nữ Tám Bính ngây thơ, hiền lành, có ít nhan sắc những năm 30 thế kỷ XX kia na ná cô Đoan Trang ngày nay (thời đại @). Cả hai đều biến thái từ những thôn nữ trinh nguyên thành những kẻ móc túi (tiếng lóng “bỉ vỏ”) chốn thị thành. “Văn minh đô thị” với đầy những cạm bẫy người gớm ghiếc đã tha hóa con người với tốc độ phi mã là như thế, nhất là với phụ nữ.

Sau khi vợ mất, cảm thấy mình cũng gần đất xa trời, GS Thái đã làm di chúc để lại tài sản nhà cửa cho Đoan Trang. Mục tiêu của Đoan Trang đã cán đích: “Đoan Trang ra cửa hàng mua một chiếc sim khác lắp vào máy của mình, vứt cái sim cũ đi, thế là cô đã cắt đứt các mối liên hệ với người xung quanh, trong đó có cả ông giáo sư” (lúc này đã bị cô đẩy vào nhà dưỡng lão). Thế nhưng trước đó không lâu, Đoan Trang đã thẽ thọt với người tình già: “Em yêu anh, tình yêu lớn đến mức em có thể sống suốt đời với nó. Anh đừng lo ngại gì cả!”.

Đoan Trang, đến đây “bị lộ” bộ mặt kẻ phản bội, nhưng ghê tởm hơn là “phản phúc” (như nhan đề chương 20). Đoan Trang bị lột mặt nạ là “điếm cao cấp”. Cô chia sẻ với mẹ: “Con không phải đi kiếm tiền mà đi cho đỡ nhớ” (!?). Sau khi GS Thái mất, Đoan Trang quảng cáo trên Zalo, rao bán ngôi nhà mình do dùng thân xác và mưu sâu kế cao chiếm đoạt được, ra giá 14 tỷ đồng (sau nâng lên 20 tỷ và đấu thầu). Chưa dừng lại, Đoan Trang sau đó trở thành bà chủ của nhóm Zalo gọi khách,... Có thể nói cuộc đời của Đoan Trang lún sâu vào vết trượt tội lỗi (cũng đã có lúc nhận đòn ghen suýt bỏ mạng vì bị tạt a-xít, hình dong biến dạng xấu xí).

Đứa con gái tội nghiệp tên Tiết Hạnh vẫn được giấu kín, là một bí mật vì “bố nó đi lao động Ăng- gô-la” (giống như mấy chục năm trước đó khi bà Ngọc Lan sinh Đoan Trang thì mọi người cũng chỉ biết thế). Điều ám ảnh Đoan Trang là “hy sinh đời bố củng cố đời con”, vẫn còn le lói chút lương tri tối thiểu - phải cố gắng nuôi dưỡng Tiết Hạnh thành người tử tế. Nhưng người mẹ không có nhiều cơ hội để phục thiện khi bị bắt vì tội lừa đảo ăn cướp tài sản. Kết cục dành cho kẻ lừa đảo - Đoan Trang tự tử trong nhà giam. Sau khi con gái mất, bà Ngọc Lan khăn gói trở về bản cũ, nơi mình từng sinh ra và lớn lên. Hai bà cháu (Ngọc Lan - Tiết Hạnh) lại sớm tối thui thủi bên nhau.

Mỗi khi Tiết Hạnh hỏi về mẹ, thì bà Ngọc Lan lại giở bài cũ: “Mẹ con sang Ăng-gô-la tìm bố con rồi!”. Tiết Hạnh học giỏi, tốt nghiệp phổ thông được cử ra nước ngoài học tập. Bà Ngọc Lan còn lại một niềm hy vọng thiêng liêng: “Khi bà chết sẽ có cháu vuốt mắt và lúc ấy bà sẽ yên tâm nhắm mắt đi xuống suối vàng với tâm nguyện luôn luôn có đứa cháu bên cạnh, đứa cháu của bản làng”. Một cái kết có hậu, theo tâm lý - tình cảm của người Việt. Thiết nghĩ, rất hợp lý hợp tình. Tác giả đã kể một câu chuyện về sự thật như nó vốn có, chẳng tô hồng cũng chẳng bôi đen.

Vĩ thanh

Không có sự vật nào hoàn mỹ theo quy luật của tạo hóa. Tiểu thuyết “Một đời tiết hạnh” của Nguyễn Thiện Luân cũng vậy. Tác giả ham “kể” hơn “tả”, rõ ràng là thiếu tiết chế khi viết, nên độ dài tiểu thuyết hơn 500 trang với độc giả hiện nay là cả một cái ngưỡng khó khăn cần vượt qua khi tiếp nhận, đặc biệt trong bối cảnh “văn hóa đọc” phải cạnh tranh quyết liệt với “văn hóa nghe nhìn”.

Nhưng như cổ nhân nói “nhân tâm tùy mạng mỡ”. Suy ra tạng văn là tùy thuộc tạng người (cá tính, khẩu khí, năng lực). Giá như ngắn gọn, cô đúc hơn thì tác giả sẽ tạo được một “cú đấm nghệ thuật” để chinh phục độc giả hiệu quả cao. Nhưng như người ta nói, vì hai chữ “giá như” có thể lịch sử còn phải thay đổi, huống hồ văn chương. Đành lòng vậy cầm lòng vậy. Thêm nữa, như cổ nhân cũng nói: “Có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ”. Đọc xong “Một đời tiết hạnh” của Nguyễn Thiện Luân, tĩnh trí, riêng tôi nhìn thấy trong đó quả thực có cả hoa, có cả nụ./.

                                                                              

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Người Việt có câu “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ", trong đó tháng 3 âm lịch giỗ Mẹ là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.