Chuyện về nữ "anh hùng đầu tiên" của ngành xiếc Việt

Sinh ra ở một làng quê nghèo tỉnh Thanh Hóa, NSND Tâm Chính khi còn ở tuổi trăng tròn là một cô thiếu nữ chưa biết đến xiếc, gia đình cũng không có truyền thống theo nghề, chỉ biết đến việc sáng ra đồng, tối về nhà. Nhưng âu cũng là cái duyên, cái số, nghề đã chọn người, cho nên cô gái thôn quê vốn chẳng thạo những động tác uốn dẻo, lại chưa một lần nghĩ mình sẽ rời khỏi công việc đồng áng của gia đình bỗng một ngày rẽ lối theo sự sắp xếp tài tình của số phận.

Nửa thế kỷ thăng trầm với xiếc

NSND Tâm Chính kể, một ngày nọ, tin có Đoàn xiếc Trung ương (thuở ban đầu gọi là Đoàn xiếc Tạ Duy Hiển) về thị xã Thanh Hóa biểu diễn bay về tận xóm Đầm, làng Xuân Thiên (quê hương của NSND Tâm Chính), Tâm Chính đã cùng các bạn dành dụm tiền trốn gia đình đạp xe 60 cây số từ nhà ra thị xã xem. Thiên duyên trời định thế nào, đoàn xiếc lúc ấy đang chiêu sinh và Tâm Chính trúng tuyển, trở thành học viên khóa đầu tiên của đoàn.

“Nhớ hôm xem xiếc trên thị xã, lúc ra về thấy mọi người đang xô đẩy, chen lấn nhau, túm tụm rất đông. Nghĩ bụng chắc có trò gì lạ lắm nên tôi cứ lách bừa, chen bừa, toát cả mồ hôi, mới chui được vào giữa. Thì ra họ đang ghi tên tuyển diễn viên. Tôi cố len vào tận sát vòng dây gần chiếc bàn có hai chị đầu phi rê rất đẹp đang ngồi viết. Bỗng một chú người thấp béo, đầu hói như trái trứng, đeo kính trắng trễ xuống tận mắt bước đến vỗ vỗ vào vai tôi tươi cười:“Cháu có thích làm xiếc không?”. “Có ạ”. “Thế thì vào đây ghi tên rồi chú đưa đến phòng tuyển”.

Từ hôm ấy, Tâm Chính bắt đầu sống những ngày thấp thỏm, chờ đợi. Đêm nào cũng vậy, trước khi ngủ Chính nằm nghĩ ngợi lung tung, ước ao đủ thứ. Cho đến một ngày “chú đầu hói” tới nhà báo tin trúng tuyển và làm hồ sơ cho Tâm Chính ra ga về Hà Nội học xiếc: “Chiều hôm ấy tôi vẫn đi gánh phân, đòn gánh đè trĩu vai mà chân cứ bước tâng tâng, lòng dạ để tận đâu đâu tít mây xanh, tâm hồn dào dạt, xốn xang. Lạ lắm”, NSND Tâm Chính bồi hồi nhớ lại.

Chuyện về nữ "anh hùng đầu tiên" của ngành xiếc Việt - 1

NSND Tâm Chính ở tuổi 78. Ảnh: Phạm Hằng 

Cuộc đời của mỗi người đều có những ngã rẽ định mệnh, và rời quê hương, đến với xiếc là quyết định đầy táo bạo và quyết tâm của cô gái trẻ. Dẫu vậy, gắn bó với một nghề đòi hỏi tố chất và khổ luyện như xiếc không phải là điều đơn giản. Đến với xiếc khi 16 tuổi đã là hơi muộn, hơn thế đôi chân, đôi tay vốn xưa nay chỉ quen với những công việc cấy hái, gánh gồng… nay phải vào khuôn khổ để thực hiện những động tác mềm dẻo, xoạc chân, thăng bằng, tung hứng… nên việc tập luyện của nghệ sĩ Tâm Chính lúc đầu gặp nhiều khó khăn hơn các bạn.

Riêng với động tác xoạc chân, đã không biết bao lần nghệ sĩ Tâm Chính phải chịu đau đến rơi nước mắt trên sàn tập, rơi nước mắt vì cảm giác thất bại. NSND Tâm Chính tâm sự, đã có lúc bà định bỏ cuộc để… về làm ruộng theo lời khuyên của mẹ. Thế nhưng, những lời động viên của thầy Tạ Duy Hiển đã khiến bà quyết tâm theo nghề.

Ngày ấy, các tiết mục diễn xiếc vẫn còn khá đơn điệu, chủ yếu chỉ tập trung vào kỹ thuật mà chưa thực sự tạo nên nội dung của những buổi diễn. Nghệ sĩ Tâm Chính bắt đầu bằng kỹ thuật đi thăng bằng trên con lăn rồi tiếp tục chồng thêm những hàng ly thuỷ tinh lên. Lúc đầu tập với ly thuỷ tinh, Tâm Chính bị ngã liên tục. Có những hôm tập với tiết mục này, trượt chân, ly vỡ, Tâm Chính bị lao vào đống đổ vỡ và úp mặt xuống sàn, máu chảy đầm đìa.

Bà bảo: “Không ngã, không phải là nghệ sĩ xiếc!”. Sau 5 năm rèn luyện vất vả, nghệ sĩ Tâm Chính tốt nghiệp xuất sắc với tiết mục "Chồng người trên con lăn", bắt đầu con đường lao động sáng tạo đầy gian nan, thử thách với bao mồ hôi nước mắt nhưng cũng thật nhiều hoa hồng. Với các tiết mục để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả như "Thang đưa", "Hình tượng bốn nữ", "Thăng bằng trên con lăn"... và đặc biệt là "Cô hàng giải khát" đã đưa cái tên Tâm Chính nổi lên như một tài năng mới xuất hiện của nghệ thuật xiếc trong những năm 1960, 1970.

Một biệt danh hiện diện với đời

NSND Tâm Chính cho biết, ý tưởng tiết mục “Cô hàng giải khát” được kế thừa, phát triển từ tiết mục “Thăng bằng trên con lăn” của nghệ sĩ Hoa Vinh, cũng là cô giáo của bà. Nghệ sĩ Tâm Chính kiên trì tập luyện trong một thời gian dài, biết bao mồ hôi đã đổ, bao lần ngã rồi lại làm lại nhưng quyết không bỏ cuộc. Đến khi tiết mục được đem ra công diễn đã gây tiếng vang lớn bởi sự điêu luyện của nghệ sĩ, lại rất lạ mắt và mang tính thời sự. Hình ảnh cô gái đứng trên 8 tầng cốc đặt trên con lăn có trụ là 4 chai rượu, đã để lại ấn tượng sâu đậm trong công chúng.

Năm 1969, tiết mục "Cô hàng giải khát" là một trong 3 tiết mục của Đoàn xiếc Việt Nam tham dự Hội diễn Xiếc châu Á và đã giành được giải nhất, được tặng "Huân chương Sao đỏ hữu nghị Mông Cổ". Từ đó trở đi, đi đâu người ta cũng gọi nghệ sĩ Tâm Chính bằng cái tên thân mật, đáng yêu là "Cô hàng giải khát". Đó cũng là niềm hạnh phúc lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của bà.

Đi qua hơn nửa cuộc đời nhưng đến nay, NSND Tâm Chính vẫn còn nhớ như in ấn tượng, niềm tự hào về những lần biểu diễn phục vụ vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Bà nói, ngày đó cứ mỗi khi tiếp các đoàn khách quốc tế đến thăm là Bác lại gọi Đoàn xiếc Trung ương vào biểu diễn.

Lần đầu tiên được biểu diễn cho Bác xem, nghệ sĩ Tâm Chính mừng khôn xiết: “Chiều hôm ấy chúng tôi được vào biểu diễn trong Phủ Chủ tịch. Nhà khách rộng thoáng, sạch bóng, xung quanh tường toàn gương lớn, căn phòng tràn ngập ánh sáng. Bác ngồi ngay hàng ghế đầu gương mặt hồng hào rạng rỡ, râu tóc bạc phơ như cước. Bác tươi cười nhìn chăm chú. Mặc đã dù biểu diễn nhiều nhưng chưa bao giờ tôi thấy hồi hộp như lần ấy. Hồi hộp vì sung sướng, vì xúc động…”.

Đêm hôm ấy, nghệ sĩ Tâm Chính về phòng và viết ngay một bức thư về quê: “Thầy ơi, mẹ ơi! Thế là con đã được gặp Bác rồi. Con đã được gặp Người bằng xương, bằng thịt...”.

Chuyện về nữ "anh hùng đầu tiên" của ngành xiếc Việt - 2

Tiết mục "Cô hàng giải khát" đã đưa cái tên Tâm Chính nổi lên như một tài năng mới xuất hiện của nghệ thuật xiếc trong những năm 1960, 1970

Lại có lần, vừa nhìn thấy nghệ sĩ Tâm Chính, Bác đã cười: “A, cô hàng giải khát đây rồi! Cho Bác xin một cốc nước nào”. Sau những lần như thế, nghệ sĩ Tâm Chính càng thêm yêu kính Người cha già hồn hậu, gần gũi và giản dị. Bà vẫn nhớ mãi lời Bác dặn: “Cháu phải cố gắng truyền lại tiết mục của mình cho nhiều người khác cùng diễn nhé”.

Mấy mươi năm tận tụy với nghề, NSND Tâm Chính từng kinh qua chức vụ Trưởng Đoàn Xiếc II, rồi Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho tới khi nghỉ hưu. Đến nay, khi đã trở thành nữ Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất của ngành xiếc và đã ở tuổi 78 nhưng nghệ sĩ Tâm Chính vẫn tiếp tục cống hiến tâm sức cho nghệ thuật xiếc, bà hiện là Chủ tịch Liên Chi hội Xiếc Việt Nam, vẫn luôn song hành cùng các nghệ sĩ xiếc. Nhiều thành viên trong gia đình NSND Tâm Chính đến nay vẫn giữ được ngọn lửa của niềm đam mê với nghề, con trai, con dâu bà đều là diễn viên xiếc nổi tiếng.

“Giờ quỹ thời gian của tôi còn ít nên cố gắng dành tất cả những gì tích lũy trong nửa thế kỷ làm nghề để truyền lại cho thế hệ tương lai. Nếu chọn nghề này là phải xác định nước mắt đi trước, nụ cười đi sau. Phải thực sự yêu nghề mới có thể có vinh quang”, NSND Tâm Chính trải lòng.

Nửa thế kỷ làm nghề, NSND Tâm Chính đã mang về cho nước nhà nhiều bộ huy chương danh giá. Trong một cuốn sách riêng viết về NSND Tâm Chính của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, ông đặt câu hỏi: “Tại sao các ngành đều có anh hùng mà ngành xiếc lại không có anh hùng? Nếu có thì NSND Tâm Chính là người đầu tiên, xứng đáng là anh hùng của thời đổi mới”.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống