Hiệu ứng từ “Đào, phở và piano”

Bộ phim “Đào, phở và piano” đã tạo nên cơn sốt phòng vé tại Hà Nội ngay từ khi ra rạp vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tạo nên một hiện tượng đối với dòng phim tuyên truyền lịch sử, do nhà nước đặt hàng. Doanh thu bộ phim đạt được sau gần một tháng công chiếu vượt quá nửa số kinh phí đầu tư: hơn 10 tỷ/20 tỷ đồng, so với các phim đình đám khác con số này chưa thấm vào đâu nhưng vẫn trở thành hiện tượng đáng quan tâm.

Thực tế, nhà đầu tư và ê-kíp sản xuất không tạo nên cơn sốt cho “Đào, phở và piano”, ngược lại có phần “bàng hoàng” trước sự đón nhận khá nồng nhiệt của người yêu thích nghệ thuật thứ bảy. Hóa ra, khán giả điện ảnh, qua rỉ tai, truyền miệng, mới là tác nhân làm nên hiện tượng “hiếm có” này. Điều đó cho thấy, mối quan hệ giữa tác phẩm điện ảnh và người xem khăng khít nhường nào, khi tác phẩm ấy thức tỉnh được mỹ cảm lâu ngày ngủ quên trong lòng khán giả bằng nghệ thuật đích thực. Bài viết chưa bàn sâu vào chất lượng của bộ phim, mà chỉ trao đổi về hiệu ứng của sự thức tỉnh đó.

Nội dung phim nhằm tuyên truyền lịch sử, cụ thể là cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, một đề tài đã từng được đề cập trong phim “Hà Nội mùa đông năm 47” (1997), nhưng tên phim lại là “Đào, phở và piano”, không hề dính dáng đến chiến trận máu xương hay gắn với một sự kiện lịch sử nào cần tuyên truyền, mà là một cái tên rất…

Hiệu ứng từ “Đào, phở và piano” - 1

Các nhân vật trong phim "Đào, phở và piano"

Hà Nội, kích thích mạnh đến ký ức của người nhiều tuổi, kể cả những người tham gia cuộc chiến ngày ấy, và cũng kích thích mạnh đến trí tò mò của những thế hệ hiện nay, trong đó có nhiều người trẻ. Cái tên “Đào, phở và piano” gợi lên nhiều niềm thương yêu Hà Nội, từ cành đào, vườn đào, cảnh sắc mùa xuân, cảnh quan thiên nhiên trầm mặc và lung linh khoe sắc của những loài hoa bốn mùa đua nở gắn liền với những thú chơi tao nhã của người Hà Nội; từ những món ẩm thực nổi tiếng của đất Hà thành, đại diện là món phở, đã đi vào những áng văn chương để đời; và đặc biệt, cây đàn piano nhắc nhớ đến dòng tân nhạc hòa vào cuộc kháng chiến với những giai điệu hào hùng của “Tiến quân ca” (Văn Cao) vừa được chọn làm “Quốc ca” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (đầu năm 1946), của “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi) v.v., đến âm vang của dòng nhạc tiền chiến đầy chất lãng mạn, xa hơn đến điệu valse từ phương Tây nhập vào trong cuộc tiếp biến văn hóa ở hai ba thế kỷ trước đó, tạo nên nhịp điệu cộng hưởng với hơi thở phố phường Hà Nội thêm dịu dàng, thanh thản, như nhiên. Tên phim là một khái quát về tâm tình người Hà Nội trong mối giao hòa với thiên nhiên, với cuộc sống nhân văn trải qua ngàn năm thăng trầm biến thiên, làm nên tính cách thanh lịch ngay trên mảnh đất thiên thời-địa lợi-nhân hòa.

Với lợi thế từ tên phim, cảnh và những trường đoạn phim được các thành viên trong ê-kíp thể hiện bằng tình cảm chân thực, gây xúc động người xem, từ bối cảnh, góc quay, diễn xuất, tiếng động, âm nhạc cho đến dựng và kỹ xảo, tạo nên những hình ảnh đẹp về con người trong chiến tranh vệ quốc cách nay đã ngót 80 năm. Trong phim không nhiều nhân vật (kể cả diễn viên quần chúng), không có đại cảnh hoành tráng, song nhờ tính khái quát cao, người xem vẫn hình dung ra cuộc đụng độ không cân sức và vô cùng ác liệt, thể hiện ý chí quật cường nhưng nổi bật những nét hào hoa phong nhã của người Hà Nội.

Đó là những cảnh vợ chồng người bán phở, người họa sĩ già bám trụ dưới làn tên mũi đạn, phục vụ mặt trận vô điều kiện; là chú bé gan dạ băng qua trận địa, luồn lách trong phố phường đổ nát, làm bất cứ việc gì khi cách mạng cần không quản gian khổ và hy sinh (gợi lại hình ảnh chú bé Gavroche trong tác phẩm lừng danh “Những người khốn khổ” của văn hào người Pháp Victor Hugo); là tình yêu giữa chàng trai trẻ vệ quốc quân và cô thiếu nữ phố cổ giữa chiến trận, đương đầu với cái chết kề bên mà vẫn giữ gìn chiếc đàn piano như báu vật, hành động người trai tìm bằng được cành đào dành tặng người yêu, và hai người hy sinh oanh liệt với tư thế của người chủ mảnh đất đế đô, với dáng kiêu hùng của người đi đến thắng lợi cuối cùng; là cảnh khách chơi và những cô đầu cũng trở thành một trong những nhân tố thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” trước khi lực lượng kháng chiến rút qua bên kia sông Hồng; v.v. và v.v. Các cảnh phim ấy hội lại trong dòng chảy vừa hùng ca vừa lãng mạn, đậm chất trữ tình. 

Hiệu ứng từ “Đào, phở và piano” - 2

Một cảnh trong phim

Có lẽ, đến đây câu hỏi: điều gì đã tạo nên hiệu ứng của phim “Đào, phở và piano” đối với người yêu thích điện ảnh đã có câu trả lời. Phải chăng tác phẩm này đã gõ trúng vào lòng mong mỏi bấy lâu nay được thưởng thức những tác phẩm chứa đựng những yếu tố lãng mạn và trữ tình có hàm lượng nghệ thuật cao của người xem, thay vì trong tác phẩm có nhiều yếu tố mang tính minh họa cho các sự kiện lịch sử. Cần mở ngoặc, những cảnh hành động bạo lực hoặc những cảnh “nóng” chỉ có tác dụng “giật gân” câu khách, thỏa mãn thị hiếu nhất thời chứ không có ý nghĩa thức tỉnh cảm xúc, khiến khán giả quay lưng với điện ảnh, môn nghệ thuật tác động trực diện và tổng hợp tới sáu giác quan của con người, vừa khơi dậy vừa hối thúc tình cảm bật lên thành ý thức và hành động tích cực. 

Câu chuyện về bộ phim “Đào, phở và piano”, dù chỉ khái lược, cho thấy cần trở lại với những khía cạnh muôn thuở của sáng tạo nghệ thuật.

Thứ nhất, giữa tác phẩm và người xem (điện ảnh, mỹ thuật hoặc các môn nghệ thuật biểu diễn), người đọc (tác phẩm văn học), người nghe (âm nhạc) đều có mối quan hệ ràng buộc mật thiết nhờ hiệu ứng nghệ thuật mang lại, mà căn cốt là ở chất lãng mạn và tính trữ tình, nếu thiếu hay mờ nhạt đều khiến mối quan hệ đó chùng xuống hay bị cắt đứt, tức là tác phẩm sớm muộn sẽ rời khỏi ký ức người thưởng thức. Tình trạng tác phẩm khi ra đời mau lẹ chiếm được cảm tình khán giả nhưng cũng nhanh chóng được đưa vào lưu trữ khi người ta nhận ra tác phẩm ấy thiếu vắng sự tinh tế trong trình diễn sự lãng mạn và trữ tình thông qua sự kiện và nhân vật được kể, hiện nay khá phổ biến không chỉ ở trong nước mà có tính quốc tế. Do vậy, việc kể câu chuyện gì cũng đã quan trọng nhưng kể câu chuyện đó như thế nào, ở mức độ nào là giới hạn, để chạm tới niềm khát khao của con người, còn quan thiết hơn; hay nói cách khác đó là cách kể chuyện (bằng bất cứ loại hình ngôn ngữ biểu cảm nào) như thế nào, tiết chế ra sao thông qua năng lực vận dụng các thủ pháp nghệ thuật của người nghệ sĩ. Tóm lại, sợi dây kết nối giữa tác phẩm và khán giả bền vững hay không chính là chất lượng nghệ thuật, hiện nay chưa định hình vững chắc trong giới sáng tác.

Thứ hai, dù là môn nghệ thuật nào, tiêu biểu là nghệ thuật điện ảnh, việc dàn dựng tác phẩm nhằm đạt chất lượng thì ít hay nhiều, đậm hay nhạt đều liên quan tới việc sử dụng có mục đích và hiệu quả những thành tựu của các bộ môn khác, không thể coi nhẹ nhất là trong hoàn cảnh khoa học công nghệ có bước tiến như vũ bão và sự xâm nhập các thể loại, các loại hình nghệ thuật trong bối cảnh giao thoa văn hóa ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Những thành tựu có thể đưa vào ứng dụng hiện còn phân tán, chưa có sự tổng quan, phân loại dưới dạng khảo cứu hay điều tra cơ bản, nên giới sáng tác mất nhiều thời gian mày mò, tìm kiếm. 

Cả hai khía cạnh nêu trên đây, nhân hiện tượng “Đào, phở và piano”, đều là những nhân tố tiên quyết của lao động nghệ thuật, mà hạt nhân là sự sáng tạo, nhưng lâu nay chưa được quan tâm thỏa đáng, cả ở bản thân người nghệ sĩ và cả ở cơ quan quản lý. Đó là một trong những lý do khiến giới nghệ thuật chưa thật sự tự tin trước xu hướng xây dựng văn hóa, nòng cốt là các bộ môn nghệ thuật kết hợp với du lịch, thành những ngành kinh tế thực thụ, sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu trong nước và góp phần xuất khẩu. Nếu sớm được giải quyết bằng chính sách, chế độ (không chỉ về kinh phí) thì sẽ mở ra cho phương thức xã hội hóa hướng đi mới trên con đường xây dựng thành công nền kinh tế văn hóa trong tương lai gần.

Cao Ngọc Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nỗi đau đáu về hạnh phúc người phụ nữ (Đọc

Nỗi đau đáu về hạnh phúc người phụ nữ (Đọc "Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về" của Trang Thụy, NXB Hội Nhà văn, 2024)

"Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về" là tập truyện ngắn đầu tay của Trang Thụy, tập hợp 11 tác phẩm, hầu hết đã in báo rải rác trong mấy năm gần đây. Tuy mới bước vào làng văn nhưng Trang Thụy đã sớm định hình được một giọng điệu riêng, sắc sảo và độc đáo. Và điều đặc biệt hơn nữa là các tác phẩm của Trang Thụy hầu như tập trung vào một chủ đề duy nhất, đó là số