Nét mới của chèo

Thời gian gần đây các phương tiện truyền thông nở rộ kéo theo các loại hình văn nghệ giải trí ngày càng nhiều không ít người tưởng các thể loại nghệ thuật dân gian trong đó có chèo bị mai một, chìm lắng nhất là trong giới trẻ. Song trong thực tế đó chỉ là nhìn bề nổi, còn trong chiều sâu chèo - nghệ thuật mang hồn cốt người Việt vẫn luôn luôn là lò than âm ỉ, sẵn sàng bùng cháy mỗi khi có dịp.

Cải lương là thể loại kịch kết hợp của hát bội, đờn ca tài tử và chịu ảnh hưởng của nghệ thuật kịch phương Tây. Cải lương có thể ít nhiều tiêu biểu và có sức lan toả mạnh mẽ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thì mới ra đời vào nửa cuối thế kỉ XIX. Kịch nói thì đến thập niên thứ hai của thế kỉ XX mới ra đời qua con đường nhập khẩu kịch nghệ phương Tây, cụ thể là Pháp, còn chèo - loại hình kịch dân gian bắt đầu từ chiếu sân đình ở làng thôn đồng bằng Bắc bộ lại có từ hàng nghìn đời nay.

Nét mới của chèo - 1

Vở diễn “Linh từ quốc mẫu” – Nhà hát Chèo Hà Nội.

Chèo có sức sống mãnh liệt không chỉ vì chèo ẩn chứa tính cách, tâm hồn Việt mà về mặt nghệ thuật nó hàm chứa nhiều yếu tố kĩ thuật đủ sức làm mê đắm chúng ta mà cả những nhà chuyên môn thế giới cũng phải khâm phục. Nghệ thuật gián cách, cùng tính cách điệu, tượng trưng tiêu biểu của chèo theo các nhà nghiên cứu đã chứa đựng rất nhiều tố chất của nhiều phương pháp thể hiện của sân khấu hiện đại. Không phải ngẫu nhiên Bertolt Brecht, một tác giả, một nhà lý luận sân khấu lớn của Đức đã từng công nhận phương pháp biểu hiện gián cách tỉnh táo làm nên dòng kịch của ông là kết quả của sự học tập biểu diễn của nghệ thuật chèo.

Còn trong nước mấy năm gần đây, Đoàn kịch tư nhân Lucteam tạo ra dấu ấn mạnh mẽ với một phong cách thể hiện tạo sự hấp dẫn đối với khán giả, gây kinh ngạc và khâm phục với giới chuyên môn chính là sự “chèo hoá” trong dàn dựng các kịch mục của đoàn kịch này.

NSƯT Trần Lực, chủ soái của Lucteam, người tốt nghiệp kịch nghệ tại Bulgaria đã dựng lại hàng loạt kịch bản thuộc hàng kinh điển của sân khấu nước ta như “Quẫn” của Lộng Chương, “Bạch đàn liễu” của Xuân Trình… của sân khấu thế giới như “Cô ca sĩ hói đầu” của nhà soạn kịch Pháp gốc Rumani Eugène Ionesco, “Ăng ti gôn” của nhà viết kịch cổ đại Hy Lạp Sophocle… theo phương pháp của sân khấu chèo sân đình.

Nét mới của chèo - 2

Vở Công lý không gục ngã - Nhà hát Chèo Quân đội.

Gần đây nhất, trong Liên hoan quốc tế sân khấu thể nghiệm lần thứ V, NSND, Đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng khi dựng kịch bản rối “Lời thề” cho Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng (vở diễn đoạt Huy chương Bạc trong Liên hoan này), đã đưa chèo vào rất nhuần nhuyễn đến độ Giáo sư, đạo diễn Chua Soo Pong – người Singapore (người dựng “Tấm Cám” thành vở diễn đoạt Huy chương Hoa dâm bụt tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc và ASEAN lần thứ 7) khi xem tiết mục này đã thốt lên bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt “Chèo, kì diệu, thật tuyệt vời!”. Còn trong Liên hoan sân khấu Chèo 2022 vừa được tổ chức thành công tại tỉnh Hà Nam - một trong những cái nôi của chèo của đồng bằng Bắc bộ - người ta càng thấy sức sống mãnh liệt của nghệ thuật chèo cùng sự lan toả mạnh mẽ của thể loại nghệ thuật cổ truyền thuần Việt này.

Sau hai năm làng sân khấu Việt Nam gần như rơi vào tình trạng ngủ đông bất động vì đại dịch Covid-19, thì đến năm 2022, hàng loạt liên hoan - hội diễn sân khấu liên tiếp mở ra cho mọi loại hình sân khấu từ kịch nói (cuối năm 2021, đến đầu 2022 ở Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh), Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V (tháng 10 tại Hà Nội), Chèo (cuối tháng 10 tại Hà Nam), Cải lương (tháng 11 tại Long An ), gần như song song, gối vụ cho cải lương là Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm (cuối tháng 11 tại Thủ đô Hà Nội).

Liên hoan sân khấu chèo năm 2022 được tổ chức tại Hà Nam trong hai tuần từ ngày 12 - 28/10/22 với một sự biểu dương lực lượng hoành tráng có sự tham gia của 16 đơn vị, gồm 1500 diễn viên, đã biểu diễn 27 vở diễn trong đó có đến 9 đơn vị mang đến 2 kịch mục với đủ màu sắc tiêu biểu cho nghệ thuật chèo.

Nét mới của chèo - 3

Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 khai mạc tại Hà Nam.

PGS, TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo đánh giá về các vở kịch trong Liên hoan: “Tác phẩm dự thi là những công trình mỹ học, đạo đức học đầy nghiêm túc, công phu và đầy chất chèo truyền thống với tính cách tân mới mẻ, đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Nhiều diễn viên thể hiện được tình yêu nghề nồng nàn”. Đó là sự đánh giá của chuyên môn, còn đối với người xem thì hai tuần của Liên hoan chèo tại Hà Nam là hai tuần lễ hội của loại hình nghệ thuật truyền thống với khán trường là Nhà hát Trung tâm Văn hoá nghệ thuật Hà Nam luôn luôn chật cứng khán giả, trong đó nhiều buối diễn có sự xuất hiện của tới 300 khán giả là học sinh phổ thông tới say sưa thưởng thức nghệ thuật chèo.

Điều nổi bật trong Liên hoan sân khấu chèo năm 2022 có thể khẳng định là sự khởi sắc trở lại của chất chèo ngày càng đậm đặc. Những con người của chèo làm nghệ thuật chèo trong các kịch mục dự thi đã khẳng định vị thế chuyên môn của mình.

Nếu trong đêm khai mạc Liên hoan của sân khấu cải lương NSND Bạch Tuyết (78 tuổi) làm mọi người đắm say vì giọng hát quyến rũ của bà thì tại ngay từ tối khai mạc Liên hoan chèo khán giả đã thực sự được tận hưởng những trò, những giọng thuần chèo của những nghệ sĩ chèo từ NSND Tự Long - người nổi tiếng trong vai Thầy Chu Văn An trong vở diễn “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời” đoạt Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật chèo toàn quốc 2013, vở hay nhất năm, rồi NSND Trần Quốc Chiêm với vai diễn để đời với vai Hoàng tử Priem trong vở “Nàng Si ta”, rồi NSND Thuý Ngoan lừng lẫy trong vai Thị Mầu, những nhân vật gạo cội của sân khấu chèo Việt Nam từ NSND Thuý Mùi, NSƯT Hoài Thu, NSƯT Thu Huyền…

Không chỉ xuất hiện đầy hương sắc trong lễ khai mạc mà những nhân vật gạo cội của chèo trong Liên hoan đều tạo những dấu ấn trong các vở diễn với các vai trò khác nhau của kịch mục. Song điều nổi nhất là vai trò đạo diễn cho các kịch mục tham gia Liên hoan đã có sự thay đổi không chỉ về lượng mà cả về chất.

Tôi nhớ tháng 4/2022, tại Nhà hát Chèo Việt Nam đã có cuộc hội thảo với chủ đề “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại” đã diễn ra sự tranh luận không khoan nhượng giữa hai quan điểm. Quan điểm các vở diễn của chèo phải thực sự đi theo thi pháp của tiền nhân từ kết cấu tự sự chứ không phải kết cấu kịch căng thẳng theo phương pháp Stanislavsky của phương Tây, các làn điệu, thoại lời, nói lối, hát dẫn đều phải tuân thủ theo hình thức như chèo cổ. Để các vở diễn của chèo không phải là những kịch bản kịch nói có cắm các bài ca mang làn điệu chèo. Bên cạnh đó phải tôn trọng phương pháp gián cách, tượng trưng theo chèo cổ điển. Chủ soái của luận điểm này là tác giả, Tiến sĩ Trần Đình Ngôn - người đang giữ kỉ lục đã được dựng hàng trăm kịch bản chèo trên sân khấu.

Quan điểm thứ hai là chèo phải nhanh chóng thay đổi hình thức, để phù hợp với tốc độ cuộc sống đương đại và nhất là phù hợp với thị hiếu, cách thưởng thức của khán giả nhất là khán giả trẻ. Anh bộ đội trước khi ra trận không thể chần chừ giới thiệu “Tôi ra đây có phải xưng tên không nhỉ?”, rồi ề à hát mấy làn điệu sử giầu, xa lệch chênh để bộc bạch tâm tình. Không coi trọng vở diễn chèo là kịch cắm ca hay là chèo thuần tuý mà chỉ tính hiệu quả của vở diễn đối với khán giả. Đại diện cho quan điểm này là đại biểu của Nhà hát Chèo Quân đội. Nhưng nếu đối chiếu với hai quan điểm trong Hội thảo này với thực tế của Liên hoan chèo diễn ra ở Hà Nam vừa qua, tôi thấy quan điểm của Tiến sĩ Trần Đình Ngôn đã thắng thế trong thực tế của các vở diễn.

Mặc dù trong Liên hoan chèo này chỉ có 7 tác giả viết chèo thuần tuý trong hơn 20 tác giả có vở diễn trong liên hoan, nhưng có thể nói 27 vở diễn của Liên hoan đều là những vở diễn mang đầy chất chèo từ cách diễn đến các thành tố làm nên vở diễn. Thậm chỉ để diễn viên trẻ hát chuẩn, hát đúng các làn điệu chèo, không ít đoàn đã mời NSND Minh Thu, một diễn viên thành thạo từ làn điệu đến các điệu múa, động tác chèo đến hướng dẫn các diễn viên. Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 có được chất chèo đậm đặc hơn các liên hoan, hội diễn trước phải ghi nhận sự xuất hiện của một đội ngũ đạo diễn thạo chèo, xuất thân, được đào tạo và có hàng vài chục năm sống và lăn lộn với chèo. Chính sự xuất hiện của những đạo diễn thuần chèo này đã mang lại chất chèo cho Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022.

Có một hiện trạng là vào những liên hoan, hội diễn, không kể là chèo mà cả cải lương, kịch nói trước đây là sự tung hoành của đôi ba đạo diễn được đào tạo và trưởng thành từ sân khấu kịch nói nhưng đã có tới hàng chục liên hoan, hội diễn của các thể loại sân khấu đều thấy sự “bao sân” của các đạo diễn này. Vì thế đã từ vài ba thập niên này, mỗi liên hoan, hội diễn các đạo diễn này có mặt ít thì ba vở, nhiều là hàng chục vở. Trong mùa chuẩn bị liên hoan, hội diễn, các đạo diễn bao đồng này thường liền một thời gian chạy xô dàn dựng hai, ba vở liền.

Với cách dựng xô bồ này những vị đạo diễn đã biến công việc đạo diễn đầy nghệ thuật thành một công việc “chạy xô”, hàng chợ với những mánh, miếng diễn thành việc quen tay bất chấp mọi sự sáng tạo. Nhà viết kịch - Đạo diễn nổi tiếng Lộng Chương đã nói: “Đạo diễn là người sáng tạo thứ hai trên nền kịch bản, muốn đạo diễn tốt phải hiểu được mạch ngầm của kịch bản để từ đó tìm ra chìa khoá của kịch bản mà chọn ra cách kể kịch bản một cách phù hợp, hiệu quả nhất ”. Tôi nhớ NSƯT Đỗ Kỉ cầm kịch bản “Linh hồn đông lạnh”, từ năm 2004 mà tới năm 2008 ông mới khởi dựng kịch bản này. Như vậy là phải sau 4 năm nghiên cứu, đạo diễn Đỗ Kỉ mới tìm ra chìa khoá cho vở diễn. 

Rất may trong Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022 có thể nói đội ngũ đạo diễn cơ bản đã thay đổi. Những đạo diễn chuyên chèo, hiểu chèo đã thay thế những đạo diễn không phải xuất thân từ chèo quen tay đạo diễn. Khán giả cũng như giới chuyên môn đánh giá cao NSND Trịnh Thuý Mùi - người từng nổi tiếng hát nền cho vai nàng Si-ta trong vở chèo cùng tên, mặc dù đang giữ trọng trách công tác nhưng với lòng yêu nghề, muốn nâng cao chất chèo cho vở diễn nên đã say mê lao vào việc đạo diễn.

Bằng chuyên môn thành thạo và nhiệt tình trong công việc, tại Liên hoan chèo kì này bà đã dàn dựng bốn tác phẩm, giúp các đơn vị tham gia Liên hoan đoạt hai Huy chương Vàng, một Huy chương Đồng. Xem các vở diễn do NSND Trịnh Thuý Mùi dàn dựng thấy rõ chất chèo nổi bật từ việc chỉnh sửa kịch bản đến cách tìm ra cách kể câu chuyện, cách hướng dẫn diễn viên, cách chọn trang phục, viết ca khúc trong vở… Cùng với NSND Trịnh Thuý Mùi còn có NSƯT Hoài Thu người được tặng danh hiệu đạo diễn xuất sắc của Liên hoan khi dàn dựng vở Linh từ quốc mẫu cho Nhà hát Chèo Hà Nội, NSƯT Lê Tuấn Cường người dàn dựng hai vở diễn đoạt một Huy chương Vàng, một Huy chương Bạc, rồi NSƯT Hà Quốc Minh nguyên Giám đốc Nhà hát chèo Bắc Giang, NSND Tự Long, NSND Thanh Ngoan, NSƯT Thu Huyền… Trong vài trò dạo diễn đã khiến cho Liên hoan Chèo tại Hà Nam thêm phần trở lại chất chèo đầy nghệ thuật dân tộc.

Nguyễn Hiếu

Tin liên quan

Tin mới nhất