"Nơi tôi sinh ra" trong hồi ức của 18 nhà thiết kế áo dài

Vào tối 5/1, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), 18 nhà thiết kế sẽ kể câu chuyện tìm về nguồn cội qua những chiếc áo dài, đặc biệt, những màn trình diễn sẽ có sự kết hợp trình chiếu ánh sáng 3D mapping.

"Nơi tôi sinh ra" trong hồi ức của 18 nhà thiết kế áo dài - 1

Buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang “Nơi tôi sinh ra”.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, đây là sản phẩm chào năm mới, khởi động cho nhiều dự án của Văn Miếu trong việc kết hợp tour đêm Văn Miếu với nhiều hoạt động văn hóa nhằm tăng tính trải nghiệm cho du khách.

Qua những bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế, chúng ta sẽ thấy ùa về những hình ảnh rất đỗi thân thương của quê hương Việt Nam từ Nam chí Bắc, những nét văn hóa đời thường của người Việt nhưng đã theo suốt chiều dài văn hóa và trở thành hồn cốt của dân tộc, ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

"Nơi tôi sinh ra" trong hồi ức của 18 nhà thiết kế áo dài - 2

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ về chương trình.

Chương trình hứa hẹn mang tới những câu chuyện hấp dẫn về áo dài đến từ nhiều vùng, miền khác nhau được kể trong không gian nghệ thuật của âm nhạc và ánh sáng, mang đến trải nghiệm hấp dẫn, khác biệt cho du khách. Đó là những tác phẩm của 18 Nhà thiết kế nổi tiếng với những nét đặc trưng rất riêng của từng vùng miền trên khắp Tổ quốc được lồng ghép trong những câu chuyện, góc nhìn và hồi ức riêng của họ.

Với nhà thiết kế Thanh Thúy đó là vùng đất Điện Biên - nơi in đậm trong ký ức của cô với những câu chuyện mà ông ngoại thường kể về những chiếc xe tăng và áo trấn thủ, về những anh hùng trong cuộc chiến chống Pháp “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Và cả sắc hoa ban - loài hoa tượng trưng cho đất trời Tây Bắc và người con gái Thái như đại diện cho linh hồn của loài hoa.

Được sinh ra ở mảnh đất anh hùng, uống nước từ sông Đà và lớn lên nhờ những hạt gạo từ cánh đồng Mường Thanh, sống giữa bản sắc văn hoá của dân tộc Thái đen, tôi muốn kể cho bạn nghe về một Điện Biên hào hùng, anh dũng ngày xưa và một cảnh sắc yên bình trù phú ngày nay, như lời tri ân và biết ơn của bản thân với mảnh đất đã sinh ra mình, nhà thiết kế Thanh Thúy chia sẻ.

"Nơi tôi sinh ra" trong hồi ức của 18 nhà thiết kế áo dài - 3

Nhà thiết kế Thanh Thúy (giữa) với thiết kế áo dài lấy cảm hứng từ vùng đất Điện Biên.

Với nhà thiết kế Cao Minh Tiến, đó là một Hà Nội với mỗi góc phố, hàng cây đều chất chứa rất nhiều cảm xúc, kỉ niệm. Hà Nội với tôi như một cuốn tiểu thuyết dài, chính vì vậy tôi muôn ôm tất thẩy những thứ tôi yêu, những đặc trưng của Hà Nội mang lên những thiết kế của tôi, và tôi đã lựa chọn Ký Hoạ Hà Nội để ghi lại, chép lại những điều đẹp nhất mà tôi muốn nói về Hà Nội của tôi, anh bày tỏ.

Còn với nhà thiết kế Trịnh Bích Thuỷ, đó lại là một Hà Nội với mùa Đông gây thương nhớ: Mùa đông Hà Nội trời đất bỗng nhiên âm trầm đến lạ, gió lạnh ùa về len lỏi qua những hàng cây, cơn mưa phùn rơi xuống rất nhẹ vừa đủ để rắc lên phố một màn sương mờ ảo. Tôi nhớ mỗi khi trời trở rét mẹ lại cho tôi mặc một chiếc Áo chần bông, đặc biệt vào những ngày Tết mình rất háo hức khi mà sẽ được một chiếc áo chần bông mới. Có lẽ đây cũng chính là kỉ niệm tuổi thơ của tôi … chiếc Áo bông chần, chiếc Áo kết nối giữa các thế hệ, kết nối truyền thống và hiện tại.

Nhà thiết kế Duy Nguyễn lại mang những kỷ niệm thời thơ ấu nơi cánh đồng làng quê, cánh diều tung bay, và những thứ đồ chơi tuổi thơ giản dị, những con chuồn chuồn tre tự thăng bằng, rực rỡ sắc màu trong bức tranh quê hương sống động lên tác phẩm của mình.

"Nơi tôi sinh ra" trong hồi ức của 18 nhà thiết kế áo dài - 4

Nhà thiết kế Duy Nguyễn (giữa) với thiết kế áo dài lấy cảm hứng từ ký ức tuổi thơ. 

Đưa ẩm thực của quê hương Quảng Nam lên các thiết kế của mình, nhà thiết kế Huệ Thi cho biết, chị muốn tạo sự khác biệt bằng cách tiếp nối, gìn giữ, lưu truyền Mỳ Quảng cho đời thứ 5 của gia đình.

"Nơi tôi sinh ra" trong hồi ức của 18 nhà thiết kế áo dài - 5

Nhà thiết kế Huệ Thi chia sẻ về những mẫu áo dài kể về xứ mì Quảng quê hương mình.

Đạo diễn chương trình, Nhà thiết kế Minh Hạnh nhấn mạnh, chương trình nghệ thuật “Nơi tôi sinh ra” không chỉ đơn thuần là một buổi trình diễn thời trang mà đó là câu chuyện văn hóa của Việt Nam. Mỗi một vùng đất khác nhau sẽ có những câu chuyện riêng với áo dài.

Lựa chọn Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa điểm để tổ chức chương trình, nhà thiết kế Minh Hạnh nhấn mạnh: Nơi đây là biểu tượng của đạo học, đạo học còn bao hàm cả đạo lý làm người. Cái đẹp mà không có đạo lý không bao giờ bền vững được.

"Nơi tôi sinh ra" trong hồi ức của 18 nhà thiết kế áo dài - 6

Ban Tổ chức và các nhà thiết kế chụp ảnh lưu niệm.

Chương trình nghệ thuật “Nơi tôi sinh ra” góp phần tôn vinh giá trị di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám và tôn vinh nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam.

18 nhà thiết kế góp mặt trong chương trình “Nơi tôi sinh ra” là: Thanh Thúy, Cao Minh Tiến, Trịnh Bích Thủy, Duy Nguyên, Silky Viet Nam, Chế Quyết Tiến, Giang Đoàn, Phương Thảo, Ngọc Hân, Laura - Chula, Trần Thiện Khánh, Viết Bảo, Huệ Thi, Nguyễn Thúy, Trung Beret, Minh Hạnh, Công Huân, Cao Duy.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất