Làm thế nào để bớt rượu thêm sách?

Với kinh nghiệm dày dặn trong ngành xuất bản, nhiều chuyên gia đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết tại chương trình tọa đàm trực tuyến " Văn hóa đọc- Cơ hội, thách thức và những kiến nghị”. Đây là chương trình do Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Khoa Xuất bản, Phát hành, Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Người Việt tiêu thụ khoảng 1,4 quyển sách/năm

Tọa đàm được tổ chức 2 buổi, diễn ra vào ngày 15/04 và 22/04, nhằm chào mừng ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất (21/04/2022). Nhiều ý kiến đóng góp có giá trị cao được chia sẻ. 

Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng cung cấp tại tọa đàm số liệu về thực trạng thị trường sách Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2019 (không kể 2 năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid). Theo đó, số đầu sách tăng 30%, nhưng lượng bản in chỉ tăng 19% và số sách tiêu thụ được cũng chỉ tăng 16%.

Các chỉ số đều tăng, tuy nhiên số sách người Việt đọc đa phần là sách giáo khoa, ít sách văn học, chuyên ngành... Trong các bản sách được tiêu thụ, nếu trừ sách giáo khoa và chia lại cho tổng dân số, người Việt tiêu thụ khoảng 1,4 quyển sách/năm, một con số ít ỏi. 

So sánh với các nước trong khu vực, tuy Việt Nam xuất bản 30 ngàn tựa sách, còn Malaysia là 17 ngàn tựa sách và Thái Lan là 14 ngàn tựa sách nhưng doanh thu bán sách/ đầu người thì lại thua 2 quốc gia trên đến 4-5 lần.  “Điều đó chứng tỏ những giải pháp quan tâm tới thị trường đọc chưa đạt được kết quả như mong muốn. Sức đọc không theo kịp số lượng sách được xuất bản”, ông Lê Hoàng đánh giá.

Nhật Bản, cường quốc trong khu vực, là một ví dụ điển hình về việc phát triển văn hóa đọc. Đây là đất nước có hai đạo luật liên quan đến văn hóa đọc, đó là Luật Khuyến khích đọc sách của trẻ em (2001) và Luật Chấn hưng Văn hóa đọc (2005). 

Phân tích về trường hợp Nhật Bản, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên cho biết: Người Nhật đề cao vai trò tạo lập thói quen đọc từ khi còn nhỏ và luôn nghĩ rằng trách nhiệm thúc đẩy thói quen đọc sách không phải của riêng ai, mà là của gia đình, nhà trường, xã hội.

Trên thực tế, chấn hưng văn hóa đọc là chủ trương được quan tâm nhiều năm qua ở nước ta. Các chuyên gia bày tỏ mong muốn thay thế thói quen trưng tủ  rượu bằng các tủ sách tại các gia đình. 

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người Việt ít đọc sách, theo ông Lê Hoàng, là việc thiếu vắng những tiết đọc sách trong nhà trường và thiếu sự quan tâm, phát triển thói quen đọc cho trẻ của các vị phụ huynh. “Những nước có quan tâm và phát triển tốt văn hoá đọc trong nhà trường, và trong gia đình có biện pháp tác động tốt đến việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em có nền văn hoá đọc cao, thì hiệu quả kinh tế xuất bản rất cao, cao hơn nhiều lần so với Việt Nam. Văn hóa đọc của người Việt Nam chúng ta là quá thấp, do đa số người Việt Nam chúng ta không có thói quen đọc sách, một thói quen chưa được tạo dựng từ khi họ còn bé, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, ông Lê Hoàng cho biết.

Đồng tình với quan điểm của ông Lê Hoàng, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết để cải thiện hiện trạng ít đọc sách của người Việt thì cần rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Bà Ngọc Minh cũng là người đứng đầu dự án “Sách ơi, mở ra”. Với kinh nghiệm cá nhân, bà Minh cho rằng cần 3 yếu tố để tạo thói quen đọc sách. Thứ nhất là môi trường đầy ắp sự gợi ý. Thứ hai là tần suất lặp đi lặp lại. Cuối cùng là phần thưởng để khích lệ.

Hệ thống giải pháp

Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng đưa ra một danh sách kiến nghị những giải pháp mang tính bao quát và hệ thống.

Kiến nghị Chính phủ: Thành lập một Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam. Uỷ ban bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới đọc, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan tới đọc, đại diện các tổ chức xã hội: như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Xuất Bản Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Hội khoa học kỹ thuật, Hội nông dân Việt Nam ...)... Uỷ ban trực thuộc Chính phủ, do một Phó Thủ tướng phụ trách.   

Kiến nghị Hội xuất bản Việt Nam: Tổ chức tiến hành nghiên cứu, khảo sát định kỳ 5 năm một lần về thực trạng đọc trong xã hội làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hoá đọc.

Kiến nghị Bộ Thông tin – Truyền thông: Bổ sung một số điều khoản về nội dung phát triển văn hóa đọc vào Bộ Luật Xuất bản sửa đổi sắp tới (như luật thư viện, điều lệ trường học đã làm).

Kiến nghị Chính phủ: Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa đọc nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Kiến nghị Nhà nước: Đầu tư hơn nữa cho các thư viện văn hóa – tổng hợp, đặc biệt là thư viện trường học có đủ kinh phí hoạt động và phát triển ngang tầm các hệ thống thư viện tương ứng trong khối ASEAN.

Kiến nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo: Đẩy mạnh việc tổ chức dạy và học theo phương pháp lớp học đảo ngược và đọc có hướng dẫn (guide reading) – khuyến khích giáo viên và học sinh thu thập, chia sẻ thông tin từ nguồn tài nguyên thông tin (xuất bản phẩm) của thư viện, thực hiện hiệu quả các tiết đọc sách trong nhà trường.

Kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa việc đọc sách và xây dựng tủ sách gia đình vào tiêu chí của Gia đình văn hóa.

Kiến nghị các nhà xuất bản và công ty sách: Tăng cường hoạt động Hội Sách Mini, sinh hoạt chuyên đề, giao lưu tác giả - tác phẩm, tác giả ký tặng sách; Xây dựng và giới thiệu đến các trường danh mục sách hỗ trợ và dạy học các cấp theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; Kích hoạt các giải pháp để khuyến khích cha mẹ đọc sách cùng con và mỗi gia đình phải xây dựng được tủ sách gia đình và góc sách cho trẻ.

Diệu Thanh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Một năm đầy biến động, những người đầu tư vàng lãi bao nhiêu?

Một năm đầy biến động, những người đầu tư vàng lãi bao nhiêu?

Với mức tăng 27% trong năm 2024, vàng trở thành một trong những tài sản đáng chú ý nhất của thị trường kim loại. Đà tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các chính sách tiền tệ nới lỏng tại Mỹ, các rủi ro địa chính trị kéo dài và làn sóng mua vào từ các ngân hàng trung ương. Trong khi đó, các kim loại cơ bản có một năm đầy biến động, với quặng sắt và lithium giảm mạnh.

Những ý kiến thẳng thắn tâm huyết trong Hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các văn nghệ sĩ

Những ý kiến thẳng thắn tâm huyết trong Hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các văn nghệ sĩ

Chiều ngày 30/12, tại Hội nghị Gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ được tổ chức tại Hà Nội, Tổng bí Thư Tô Lâm chủ trì cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà, các Ban, Bộ, ngành gặp gỡ, lắng nghe những ý kiến trao đổi, chia sẻ thẳng thắn của các văn nghệ sĩ với mục tiêu tìm ra những giải pháp qua đó góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát triển năng lượng tái tạo ở nông thôn: Từ triển vọng đến thực tiễn

Phát triển năng lượng tái tạo ở nông thôn: Từ triển vọng đến thực tiễn

Các dự báo cho thấy nhu cầu năng lượng cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 4-5%/năm trong giai đoạn từ nay đến 2030. Điều này cho thấy tính cấp bách trong việc có các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực nông thôn, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững và cải thiện điều kiện sống cho người dân.