Những vị tướng trong tâm bão - Bài 1: Quân đội ta “Trung với nước, Hiếu với dân”

Chùm phóng sự nhiều kỳ “Những vị tướng trong tâm bão” của nhóm cây bút là những nhà văn Hội Nhà văn Việt Nam tại TP HCM (Trương Nguyên Việt, Bùi Phan Thảo, Triệu Phong) sẽ nhắc nhớ lại hình ảnh quân đội ta, đặc biệt là những vị tướng trong tâm bão dịch Covid-19 năm 2021 vừa qua. Như những cuộc kháng chiến trước đây, những vị tướng lại cầm quân ra trận, cùng cả nước “Chống dịch như chống giặc” trên tuyến đầu nóng bỏng ác liệt nhất của Tổ quốc: Nam Bộ và thành phố mang tên Bác.

“Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

Cơn bão chưa tan trong tâm hồn biết bao người”.

(Trần Đăng Khoa)

Người dân TP HCM không thể nào quên hình ảnh y bác sĩ quân y trên tuyến đầu chống dịch, giành lại từng mạng sống cho người bệnh trước lưỡi hái tử thần; những người lính đứng gác chốt trên đường phố hay đi chợ hộ cho dân, mang từng bao gạo, túi rau đến cho người dân trong từng hẻm nhỏ. Người lính Cụ Hồ là như thế, kiên cường chiến đấu, đem lại cuộc sống yên bình cho dân, góp phần cùng TP hồi sinh.

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 1: Quân đội ta “Trung với nước, Hiếu với dân” - 1

Các chiến sĩ tham gia trực các chốt kiểm soát. Ảnh: Hưng Nam

Nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình

Từ 0 giờ ngày 23-8-2021, TP HCM thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “Ai ở đâu ở yên đó”. Trong ngày 23-8-2021, hơn 1.000 cán bộ, y bác sĩ, học viên Quân y từ nhiều đơn vị quân đội tại các tỉnh phía Bắc đã lên đường cấp tốc vào chi viện cho TP. Cùng với lực lượng quân y, khoảng 10.000 cán bộ, chiến sĩ bộ binh đã được tăng cường, bổ sung nguồn lực cho TP trong cuộc chiến chống Covid-19. Thành phố hơn lúc nào hết ngập tràn sắc xanh màu áo lính.

Trước đó, từ giữa tháng 7-2021, Quân khu 7 đã huy động tăng cường hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực đến hỗ trợ phòng chống tại những “tâm dịch” ở TP HCM và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, theo phân công của Thủ tướng chính phủ và Quân ủy Trung ương, đảm nhiệm cương vị Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Thượng tướng Võ Minh Lương quê Quảng Bình, từng trưởng thành lên từ Quân khu 7: Ông từng là  Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 thuộc Quân khu 7, Chỉ huy trưởng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, Tư lệnh Quân khu 7. Từ ngày 25-10-2020, Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu 7 giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trở về “Chiến trường chống Covid- 19” nóng bỏng là Nam bộ và TPHCM, tướng Lương kể như về mái nhà xưa thân yêu của mình, quê hương thứ hai của mình. Ông có lẽ là vị tướng sớm nhất từ Bộ Tổng tham mưu có mặt ở chiến trường nóng bỏng – TP HCM và các tỉnh Nam bộ.

Ngay khi có mặt tại TP HCM và Quân khu 7, Thượng tướng Võ Minh Lương khẳng định: Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải xác định chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình; là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong tình hình hiện nay. Bất luận trong hoàn cảnh nào, quân đội cũng phải là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh; giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực do đại dịch gây ra.

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7 cho biết: Quân khu chỉ đạo quán triệt thực hiện tốt phương châm “3 sẵn sàng”, “5 tại chỗ” và phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức sử dụng lực lượng, phương tiện phù hợp.

Những cuộc hành quân vào trận mới

Dù còn bỡ ngỡ với địa bàn do là lần đầu tiên đặt chân vào TP HCM, nhưng các cán bộ, chiến sĩ đã nhanh chóng bắt tay vào các hoạt động hỗ trợ địa phương. Tính đến ngày 29-8-2021, TP HCM đã tiếp nhận gần 11.200 chiến sĩ, y bác sĩ, bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng và các quân khu.

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 1: Quân đội ta “Trung với nước, Hiếu với dân” - 2

Chiến sĩ Lữ đoàn Tăng Thiết giáp đi chợ giúp dân.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP HCM cùng Chính ủy Thiếu tướng Phan Văn Xựng những ngày đêm ấy dường như không ngủ. Trên cương vị chỉ huy, các ông có mặt ở mọi điểm nóng, khẩn trương báo cáo Thành ủy TP HCM, UBND TP HCM và đề xuất Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ TP. Đích thân ông chỉ huy Bộ Tư lệnh TP HCM huy động trên 36.200 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia phòng chống dịch.

Tư lệnh Nguyễn Văn Nam và Chính ủy Phan Văn Xựng quán triệt sâu sắc: Nhiệm vụ của người lính không chỉ cầm súng cùng lực lượng công an bảo đảm an ninh trật tự, mà còn kịp thời tổ chức hoạt động phòng chống dịch như đưa người dân đi cách ly, khám chữa bệnh cho người mắc Covid-19, vận chuyển trang thiết bị, bình ôxy cho bệnh viện, cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân, tổ chức đưa người dân về quê…

Bộ Tư lệnh TP HCM đã tiếp nhận vận chuyển 6.374 chuyến, đưa 115.983 người dân đi cách ly, chữa bệnh, về quê, đón 3.556 người trở lại TP an toàn. Trước đó, Bộ Tư lệnh TP HCM phối hợp Sở Y tế TP HCM và các cơ quan chức năng tham mưu thiết lập 69 khu cách ly tập trung với quy mô hơn 25.400 giường. Phối hợp thiết lập 16 bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô hơn 50.000 giường bệnh.

Nhận được lệnh từ cấp trên, hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn 5, Quân khu 7 từ Tây Ninh hành quân đến TP HCM tham gia phòng chống dịch. Đại tá Phạm Anh Tuấn, Chính ủy Sư đoàn 5, Quân khu 7 nói “mặt trận” lần này của sư đoàn trải dài trên các quận 6, 12, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn.

Tại huyện Củ Chi, TP HCM, ngày 24-8-2021 là ngày đầu tiên lực lượng sĩ quan và chiến sĩ bộ đội Sư đoàn Bộ binh 9, Quân đoàn 4 ra quân hỗ trợ chính quyền và nhân dân huyện phòng chống dịch Covid-19. Chiều tối 23-8-2021, lực lượng của Sư đoàn 9 đã tập kết tại 21 xã, thị trấn, nhận nơi ăn, nghỉ trong thời gian ra quân giúp dân. Ngay từ sáng sớm 24-8-2021, các chiến sĩ đã hỗ trợ xã Tân Phú Trung vận chuyển hơn 1 tấn gạo từ kho ra xe tải, xe ba gác máy để đưa tới các khu dân cư hỗ trợ người dân.

Tại xã Phú Mỹ Hưng, các anh bộ đội ngồi lựa chọn, chia rau xanh thành từng phần để gửi đến người dân. Các anh bộ đội Cụ Hồ cũng kề vai sát cánh các lực lượng công an hết mình với các công việc, từ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin đến điều trị, tổ chức cách ly tập trung những trường hợp F0 trên địa bàn...

Hết lòng chăm lo cho dân

Những ngày cuối tháng 12-2021, khi dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM đã được kiểm soát và không còn người cách ly tại nhà, thì tại Khu cách ly của TP HCM ở Trường Quân sự TP, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định vẫn lặng lẽ với công việc hỗ trợ vận chuyển và sắp xếp giường bệnh vào các khu cách ly của Bệnh viện dã chiến. Nhiều người trong số họ đã làm việc liên tục từ đầu tháng 2-2021, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngoài những đồng đội luôn sát cánh cùng nhau thì gia đình luôn là hậu phương, nguồn động viên để các chiến sĩ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Chiến sĩ Đường Nhật Thành, Trung đoàn Gia Định cho biết khi nhận nhiệm vụ, bản thân Thành và gia đình cũng hơi lo lắng nhưng với người lính, phải luôn nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ và anh đã vượt qua những ngày gian khó nhất. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn, từng đợt người đến rồi đi ở khu cách ly, riêng những người lính vẫn ở lại, vẫn âm thầm tiếp tục chiến đấu cho đến khi hết dịch.

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 1: Quân đội ta “Trung với nước, Hiếu với dân” - 3

Chiến sĩ Đường Nhật Thành

Thiếu tướng Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, cho hay với tinh thần “đơn vị, địa phương tuyến sau hỗ trợ tuyến trước, ngoài vùng dịch giúp đỡ trong vùng dịch, vùng có dịch ít giúp vùng dịch nhiều”, Quân khu 7 đã kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm ủng hộ trên 800 tỉ đồng để cùng bộ đội hỗ trợ người dân, chung tay phòng chống dịch Covid-19.

Nhận phần quà vào sáng 12-9-2021, nhiều người trong số 100.000 hộ dân được nhận quà của Bộ Quốc phòng trao tặng TP HCM, tỏ ra xúc động. Họ cho biết do dịch kéo dài không làm ăn, buôn bán được, cuộc sống khó khăn. Nay được nhận quà, gia đình sẽ đi qua những ngày khó ngặt.

Sức mạnh đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh

Tại lễ tuyên dương đoàn công tác vào ngày 8-10-2021, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết tính đến ngày 30-9-2021, tổng số lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM lên đến 187.275 người. Trong đó, lực lượng do các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành tham gia hỗ trợ là 28.989 người. Chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế trên cả nước, ngành y tế TP HCM đã triển khai hiệu quả mô hình điều trị 3 tầng, tạo sự liên kết thông suốt với nhau và tập trung cao cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, chăm sóc dựa vào cộng đồng.

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 1: Quân đội ta “Trung với nước, Hiếu với dân” - 4

Chiến sĩ trẻ vận chuyển vật dụng người dân gửi tặng khu cách ly.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Các đồng chí đến bằng lương tâm, trách nhiệm, lòng dũng cảm, sự hy sinh. Các đồng chí đã sát cánh bên nhau âm thầm lặng lẽ, kiên gan chiến đấu làm nên những kết quả đáng trân trọng, vô cùng ý nghĩa. Đến giờ này, những đóng góp, hy sinh cống hiến thầm lặng của các đồng chí góp phần cực kỳ quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM làm nên những kết quả rất đáng trân trọng. Đó là kéo giảm số người nhiễm, số người trở nặng, đặc biệt là số người tử vong; từng bước giúp TP kiểm soát được dịch, để chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới”.

Bà Tô Thị Bích Châu, Bí thư Quận ủy quận 1, thời điểm cuối năm 2021 là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, nhận định rằng: “Càng trong gian khó, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ càng ngời sáng. Những việc làm cụ thể, nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn của đại dịch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào chủ trương chống dịch của TP, tạo sức mạnh đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh”.

Thượng tướng Võ Minh Lương đã nói về những ngày tháng chiến dịch chưa từng có trong lịch sự này: “Trong đợt dịch lần thứ 4, ngay từ đầu, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt nghiêm sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; tập trung chỉ đạo các đơn vị toàn quân chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các phương án, lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất theo phương châm “sớm hơn và cao hơn một bước”…

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 1: Quân đội ta “Trung với nước, Hiếu với dân” - 5

Đi chợ hộ giúp dân ở phường cầu ông Lãnh. Ảnh: Hoàng Triều

Với tinh thần đó, từ trước khi thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã hình thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam để kịp thời chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Phát huy kết quả từ các đợt dịch trước, Bộ Quốc phòng đã chủ động chỉ đạo lực lượng biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, phối hợp chặt chẽ với các quân khu và các lực lượng có liên quan, duy trì trên 21.000 tổ, chốt biên giới đường bộ, đường biển, đường sông và nội địa, ngày đêm tiến hành tuần tra, kiểm soát tại các điểm cách ly, khu phong tỏa, khu điều trị và tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, góp phần ngăn chặn, không để tình trạng các ca mắc F0 từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta, không để bùng phát dịch trong cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các đơn vị cũng đã chủ động chuẩn bị, triển khai 190 khu cách ly tập trung, góp phần giảm gánh nặng và hỗ trợ các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh. Nhiều đơn vị đã nhường doanh trại và tiến hành phục vụ ăn, ở tận tình, chu đáo nhất có thể cho 279.475 lượt người người dân tham gia cách ly, để lại ấn tượng sâu đậm về hình ảnh tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

Khi số ca mắc F0 tăng cao, Bộ Quốc phòng đã kịp thời điều động hàng vạn y, bác sĩ, kỹ thuật viên, học viên của Học viện Quân y, Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga, Viện Y học dự phòng quân đội, Viện Y học hàng không và các bệnh viện Quân y (108, 354, 105, 110, 7,…) và hàng trăm tấn trang thiết bị y tế, thuốc men chi viện cho TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Thành lập 9 bệnh viện dã chiến và Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 với tổng quy mô trên 5.000 giường bệnh, góp phần hỗ trợ, giảm áp lực cho hệ thống y tế của địa phương. Đồng thời, kịp thời triển khai 8 kho bảo quản vắc xin tại 7 quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; huy động hàng trăm lượt phương tiện vận chuyển, phân phối gần 7 triệu liều vắc-xin, góp phần đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng Quốc gia phòng Covid-19, nhất là tại TP HCM và các tỉnh khác.

Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã tích cực hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (gần 1.000 đơn vị máu) để kịp thời cứu chữa bệnh nhân; huy động 149.975 lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tham gia giúp dân thu hoạch nông sản, điều trị người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vắc- xin… (Riêng tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Quốc phòng đã kịp thời huy động và ủng hộ 40 tấn lương khô, 10.000 thùng mì ăn liền, 50.000 quả trứng, 150 thùng cá hộp, 3.000 hộp thịt, và nhiều trang thiết bị y tế có giá trị…).

Chỉ đạo lực lượng vũ trang đóng quân trên các địa bàn sử dụng 31.794 lượt phương tiện vận chuyển 75.000 tấn lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm và rau, củ quả cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh; phối hợp; hỗ trợ đưa hơn 2 triệu người lao động, học sinh, sinh viên về quê theo nguyện vọng. Các đơn vị và các doanh nghiệp quân đội đã hỗ trợ Quỹ vắc-xin trên 1.200 tỉ đồng.

Đặc biệt là, các mô hình “Gian hàng không đồng”, “Phiên chợ nghĩa tình”, “Cây ATM gạo, khẩu trang”, “Hũ gạo tình thương”, “Tủ cơm, cháo miễn phí”, “Tủ đồ dùng thiện nguyện”… của Lực lượng vũ trang Quân khu 5, 7, 9 giúp giải quyết khó khăn của người dân; phản ánh sinh động bản chất, truyền thống quý báu của quân đội ta. Một lần nữa chứng tỏ chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất; khẳng định quân đội của dân, do dân, vì dân; quân đội trong lòng dân”.

Đón đọc Những vị tướng trong tâm bão Bài 2: Đại tướng ra trận

Trương Nguyên Việt - Bùi Phan Thảo - Triệu Phong

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.