Từ tạp chí Văn nghệ đến Thời báo Văn học Nghệ thuật: Chặng đường 75 năm qua

Bài viết này phác họa chặng đường lịch sử 75 năm ra đời và hoạt động của các cơ quan ngôn luận thuộc tổ chức Hội Văn nghệ Việt Nam từ buổi đầu thành lập đến nay.

1. Theo Hồi ký của các văn nghệ sĩ từng có mặt ở Việt Bắc những năm đầu kháng chiến chống Pháp (như nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi…) cho biết thì giữa năm 1947, nhà thơ Tố Hữu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, được Trung ương Đảng điều động từ Thanh Hóa lên chiến khu Việt Bắc để xúc tiến thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, kế tục sự nghiệp Hội Văn hóa Cứu quốc, tập hợp các văn nghệ sĩ yêu nước, hăng hái tham gia, ủng hộ kháng chiến, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”.

Trong vòng 1 năm,  từ 7/1947 đến 7/1948, một số công việc chuẩn bị và trù bị cho sự ra đời của Hội Văn nghệ Việt Nam đã được triển khai:

Ngày 3/7/1947 tại Đại Từ, Thái Nguyên, một số văn nghệ sĩ đi kháng chiến, dưới sự chủ trì của nhà thơ Tố Hữu, đã bàn việc thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, bầu ra một Ban Chấp hành lâm thời của Hội gồm nhà lý luận - phê bình Hoài Thanh (làm Tổng Thư ký), nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Tố Hữu, họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Ban Chấp hành lâm thời của Hội gấp rút tập hợp chuẩn bị bài vở cho Tạp chí Văn nghệ số 1 - cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ Việt Nam. Tháng 3/1948, số đầu tiên của tạp chí Văn nghệ đã ra mắt ở Phú Thọ, trên trang bìa có ghi rõ là cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam, do nhà thơ Tố Hữu làm Thư ký tòa soạn.

Từ tạp chí Văn nghệ đến Thời báo Văn học Nghệ thuật: Chặng đường 75 năm qua - 1

Tạp chí Văn nghệ - cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ Việt Nam.

Ngày 6/4/1948, Ban Chấp hành lâm thời của Hội Văn nghệ Việt Nam đã họp ở Phú Thọ, thông qua Điều lệ (dự thảo) Hội Văn nghệ Việt Nam, chuẩn bị kế hoạch, nội dung tổ chức Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam; bầu bổ sung nhà thơ - nhà viết kịch Thế Lữ vào Ban Chấp hành lâm thời của Hội.

Đồng thời Ban Chấp hành lâm thời của Hội cử thêm người vào Ban biên tập tạp chí Văn nghệ, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cùng nhà thơ Tố Hữu là Thường trực tòa soạn.

Tiếp đó, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 (16 - 20/7/1948) thành lập Hội Văn hóa Việt Nam, trong 3 ngày từ 23 đến 25/7/1948 Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được triệu tập, tiến hành Đại hội tại làng Dộc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, chính thức thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam.

Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam do Đại hội bầu ra gồm một số đại biểu văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành văn học, nghệ thuật với Ban thường vụ do nhà văn Nguyễn Tuân làm Tổng Thư ký, nhà thơ Tố Hữu làm Phó Tổng Thư ký.

Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam nói trên đã tạo đà cho tạp chí Văn nghệ - cơ quan ngôn luận của Hội đã cho ra mắt các số 1, 2, 3 trước đó, tiếp tục đi vào quỹ đạo hoạt động bền bỉ cho đến 10/1954 khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, Trung ương Đảng và Chính phủ về tiếp quản thủ đô Hà Nội.

Nhìn lại, tạp chí Văn nghệ, trong hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp, ra không định kỳ hàng tháng, cả thảy được 56 số.

2. Hòa bình lập lại trên miền Bắc Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở ra, tạp chí Văn nghệ cùng cơ quan Hội Văn nghệ Việt Nam trở về đóng trụ sở tại Thủ đô Hà Nội, chuyển thể tài thành báo hàng tuần, đánh số tiếp tục là số 57 của báo Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam sau ngày hòa bình ra mắt tại Thủ đô Hà Nội vào dịp cuối 1954, cho đến số 162 ngày 01/03/1957.

3. Từ ngày 20 đến 28/2/1957, tại Thủ đô Hà Nội tiến hành Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II, Hội Văn nghệ Việt Nam đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, do nhà văn Đặng Thai Mai là Chủ tịch.

Sau Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II, cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam trở lại với thể tài tạp chí, nay lại gọi là tạp chí Văn nghệ, ra hàng tháng với khuôn khổ ổn định.

Số đầu tiên của tạp chí Văn nghệ do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam là cơ quan chủ quản ra mắt tháng 6/1957 đến tháng 12/1962, ra được 56 số. Những văn nghệ sĩ được Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam phân công phụ trách tạp chí trong thời gian từ 6/1957 đến 12/1962 là Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Xuân Trường…

4. Từ ngày 26/11 đến 1/12/1962, Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III họp tại Hà Nội. Nhà văn Đặng Thai Mai tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Sau Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần III, tạp chí Văn nghệ trở về với thể tài tuần báo như thời kỳ đầu hòa bình lập lại, số 1 của tuần báo Văn nghệ giai đoạn này phát hành vào ngày 3/5/1963.

Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài, rồi miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, báo Văn nghệ của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam hoạt động kéo dài liên tục qua Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ IV (1968) cho đến năm 1978 thì tạm dừng hoạt động.

Bởi vì, lúc này theo chủ trương của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa nhiệm kỳ Đại hội IV, tuần báo Văn nghệ nói trên được chuyển giao, ủy nhiệm cho Hội Nhà văn Việt Nam - một Hội chuyên ngành lớn trong Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam - đứng ra làm cơ quan chủ quản, mặc dù về mặt bài vở tờ báo vẫn còn là tiếng nói chung của cả một số ngành nghệ thuật khác.

Và kể từ năm 1978 đến nay, tuần báo Văn nghệ ghi rõ tên cơ quan chủ quản là Hội Nhà văn Việt Nam, hoạt động liên tục đã được 45 năm (trước đó, kể từ ngày thành lập 4/1957, Hội Nhà văn Việt Nam từ 1957 đến 1978 đã có các cơ quan ngôn luận là: tuần báo Văn và tuần báo Văn học, tiếp đến là tạp chí Tác phẩm mới (1969-1978)…).

5. Trong thời gian 13 năm từ 1978 đến 10/1991, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (lúc này, từ 4/1984, đã tiến hành hội nghị hợp nhất, thống nhất các tổ chức văn nghệ 2 miền Nam - Bắc dưới mái nhà chung vẫn mang tên là Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhưng Ban Chấp hành thì nay gọi là Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam) để khuyết cơ quan ngôn luận của mình.

6. Nhận thấy điều nói trên là bất cập, cần rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời, nhất là khi cả nước bước vào thực hiện công cuộc Đổi mới vĩ đại, từ tháng 11/1991 cơ quan ngôn luận mới của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam tên gọi là tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam đã được ra đời, tiếp nối sự nghiệp của các tờ tạp chí Văn nghệ hoặc tuần báo Văn nghệ đã hiện diện trong đời sống văn nghệ Việt Nam suốt 30 năm từ 3/1948 đến 1978, do Hội Văn nghệ Việt Nam và sau này là Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam chủ quản.

Từ tạp chí Văn nghệ đến Thời báo Văn học Nghệ thuật: Chặng đường 75 năm qua - 2

Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 1 (tháng 11/1991)

Trong “Lời chào bạn đọc” đăng ở trang đầu số 1 (tháng 11/1991) của tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, nhà thơ Huy Cận - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng biên tập tạp chí đã khẳng định: đây là tạp chí lý luận, phê bình thông tin, giới thiệu sáng tác, ra hàng tháng, là diễn đàn chung của cả giới văn học, nghệ thuật Việt Nam, hướng tới mục tiêu là phát ngôn của thời đại mới “tôn trọng sự khác nhau, trau dồi tính đa dạng trong văn nghệ, đồng thời thông qua đối thoại, thấy được cái chung lớn, thấy được chân trời rất rộng mà có một vòng cung rõ, làm tiêu điểm cho mọi mắt nhìn xa”. Tạp chí kỳ vọng làm chiếc cầu giao nối “để nói những điều tâm đắc, cũng để nói những điều đang tìm tòi, để giới thiệu kinh nghiệm của từng ngành, từng người, kinh nghiệm của cha ông và bạn bè thế giới…”.

7. Sau Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ V (từ ngày 9 đến 11/9/1995), nhà văn Nguyễn Đình Thi được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (tên gọi mới thay cho tên cũ) thì tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam trở thành cơ quan ngôn luận của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho đến ngày nay.

Từ khi ra đời (11/1991 cho đến 4/2022), trong suốt 32 năm ròng, tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam đã phát hành đều đặn 1 tháng/1 kỳ, ra được 327 số do các Tổng Biên tập là nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận - phê bình dưới đây điều hành: Bằng Việt, Vũ Duy Thông, Hồ Phương, Phượng Vũ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Ngọc Thiện. Tạp chí được nhận tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước (năm 2012); các nhà văn Hồ Phương, nhà thơ Phạm Tiến Duật được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; nhà thơ Bằng Việt được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện được nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Từ tạp chí Văn nghệ đến Thời báo Văn học Nghệ thuật: Chặng đường 75 năm qua - 3

Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số tháng 10/2022

8. Từ năm 2020, thực hiện Quy hoạch báo chí của Chính phủ, theo Nghị định, cơ quan Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam là một đầu mối tương đương cơ quan cấp Bộ, được duy trì một tổ hợp báo chí có tên gọi Thời báo Văn học nghệ thuật do PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là Chủ tịch Hội đồng biên tập, nhà văn Hoàng Dự là Tổng Biên tập.

Tổ hợp báo chí mà Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay là cơ quan chủ quản, gồm 2 loại hình báo in và báo điện tử với 3 đơn vị:

a) Ấn phẩm chính là tuần báo Thời báo Văn học nghệ thuật, ra hàng tuần, số đầu phát hành cuối tháng 7/2020 đến 18/5/2023 đã ra được 147 số.

b) Ấn phẩm chuyên đề hàng tháng là tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (bộ mới) số đầu phát hành tháng 6/2022 đến tháng 5/2023 đã ra được 11 số.

c) Trang báo điện tử: website arttimes.vn

Từ tạp chí Văn nghệ đến Thời báo Văn học Nghệ thuật: Chặng đường 75 năm qua - 4

Thời báo Văn học nghệ thuật - Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam

*

Nhìn lại 75 năm qua, từ ngày thành lập với tên gọi Hội Văn nghệ Việt Nam (1948), qua 2 lần đổi tên: Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1957), Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (1995), quán triệt quan điểm của Đảng ghi trong Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) là phải luôn luôn chú trọng “lợi dụng tất cả khả năng công khai và bán công khai để:

1. tuyên truyền, xuất bản,

2. tổ chức các nhà văn,

3. Tranh đấu giành quyền lợi thực tại cho các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ…”

Chúng ta luôn luôn phát huy vai trò hoạt động có hiệu quả của các cơ quan ngôn  luận do lãnh đạo tổ chức văn nghệ cấp toàn quốc làm chủ quản.

Lần lượt đã có 8 cơ quan ngôn luận của tổ chức văn nghệ Việt Nam kinh qua các giai đoạn của lịch sử đất nước, các chặng đường của đời sống văn nghệ dân tộc là: tạp chí Văn nghệ (3/1948 - 10/1954); báo Văn nghệ (1954 - 1957); tạp chí Văn nghệ (6/1957 - 12/1962); báo Văn nghệ (5/1963 - 1978); tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (11/1991 - 4/2022)/ ấn phẩm Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (bộ mới) từ 6/2022 đến nay; Thời báo Văn học Nghệ thuật (từ 7/2020 đến nay); website arttimes.vn, từ năm 2020.

Theo tiến trình lịch sử và đời sống văn học nghệ thuật quốc gia và quốc tế, tên gọi và thể tài của cơ quan ngôn luận văn nghệ đầu não có thể thay đổi, nhưng điểm hội tụ then chốt nhất của các ấn phẩm, đơn vị báo chí nói trên đều xứng đáng là trợ thủ đắc lực của lãnh đạo tổ chức Hội văn nghệ toàn quốc, là tiếng nói chung, là diễn đàn chính trị - xã hội - nghề nghiệp để tập hợp, đoàn kết văn nghệ sĩ các thế hệ, các dân tộc trong và ngoài nước, cùng đông đảo quần chúng văn nghệ, thành một khối thống nhất tự nguyện phát huy lòng yêu nước, khát vọng Chân - Thiện - Mỹ, hướng tới xây dựng nền văn hóa, văn nghệ dân tộc, tiên tiến, khoa học và nhân văn, góp phần ổn định xã hội hạnh phúc, dân chủ, công bằng với nền tảng tinh thần có giá trị cao quý về dân tộc, quốc gia, gia đình và bản thân. Từ đó, nâng cao vị trí, tầm vóc của dân tộc và quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế, hội nhập, sánh vai cùng bầu bạn năm châu, bốn biển.

Báo chí văn nghệ Việt Nam chân chính, lành mạnh ở Trung ương bao gồm cơ quan đầu não và các hội chuyên ngành cùng với báo chí 63 Hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố trong cả nước, đã luôn là người bạn quý, một chỗ dựa tin cậy cho con người hôm nay bồi đắp nhân cách hài hòa, mở rộng trí tuệ hiền minh, nâng cao năng lực thẩm mỹ tinh tế, phong phú, để có được một vị thế và cuộc sống xứng đáng trên trần thế, giữa cộng đồng nhân loại khoan dung và thân thiện.

Từ tạp chí Văn nghệ đến Thời báo Văn học Nghệ thuật: Chặng đường 75 năm qua - 5

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân; Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật Hoàng Dự; Phó Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật Hoàng Thanh Xuân tại gian hàng của Thời báo Văn học nghệ thuật tại Hội Báo toàn quốc 2023

Tài liệu tham khảo

1. Sưu tập trọn bộ Tiên Phong 1945 - 1946, tập I và tập II, Nxb. Hội Nhà văn, H.,1997.

2. Sưu tập Văn nghệ 1948 - 1954, tập I, II, III, IV, V, VI, VII, Nxb. Hội Nhà văn, H.,1999 - 2005.

3. Kỷ yếu Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ II-  1948, Hội Văn hóa Việt Nam xb., Việt Bắc, 9/1949.

4. 70 năm Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam (1948 - 2018), Nxb. Mỹ thuật, H.,2018.

5. Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 282, tháng 7/2018.

6. Nguyễn Ngọc Thiện - “Về báo chí văn nghệ”, trong: Văn chương nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận, Nxb. Hội Nhà văn, H.,2015, tr.355 - tr.417.

7. Thiên Năng - “Sưu tập Văn nghệ (1948 - 1954)”,  Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 8 năm 2006, tr.79 - tr.82

8. Lại Nguyên Ân: “Hội Văn hóa Việt Nam(1948-1950) và Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 - 1957), Thời báo Văn học nghệ thuật, số 144 ra ngày 27/04/2023, trang 20-21

9. Lại Nguyên Ân: “Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam thời kỳ chống Nhân văn - Giai phẩm”, Thời báo Văn học nghệ thuật, số 145, ra ngày 04/05/2023, trang 18-19

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện

Tin liên quan

Tin mới nhất

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

Tôi đến tư gia thăm nhà văn, TS. Phạm Việt Long sau ngày cơ quan cũ của ông tổ chức ra mắt “Tín ngưỡng thờ mẫu từ góc nhìn văn hóa”, NXB Dân Trí năm 2024. Ông tặng tôi tập sách, hay nói đúng tầm là công trình nghiên cứu này. Sách dày đến gần 600 trang, bìa cứng, trang trọng.