Boston - Thành phố cổ kính, nơi khởi nguồn tri thức

Boston thành phố thủ phủ của tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, có diện tích 124 km2, dân số khoảng 700 ngàn người. Là một trong những thành phố cổ xưa nhất của Hoa Kỳ (1630). Là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại trong cách mạng Mỹ, sau khi Hoa Kỳ giành độc lập từ Đế chế Anh quốc, thành phố tiếp tục là một bến cảng quan trọng và là thành phố giàu nhất, nhì tại Mỹ, là trung tâm giáo dục và văn hóa du lịch thu hút hơn 20 triệu lượt du khách mỗi năm.

Thành phố cổ Boston bên bờ Đại Tây Dương, nơi tôi luôn mong muốn được một lần đến thăm khi đặt chân đến Mỹ. Người Mỹ từng nói, nếu không có Boston, sẽ không có nước Mỹ ngày nay. Chúng tôi đến đây sau khi tạm biệt New York - thành phố náo nhiệt nhất nước Mỹ, trung tâm tài chính, thương mại thế giới.

Boston - Thành phố cổ kính, nơi khởi nguồn tri thức - 1

Thành phố Boston

1. Thành phố cổ xưa

Dù có hệ thống giao thông tốt nhất thế giới, nhưng nước Mỹ quá rộng lớn, chỉ một bang có thể đã gấp 2, 3 lần những quốc gia trung bình khác. Chúng tôi phải mất gần 4 giờ từ New York đến trung tâm Boston. Ấn tượng mạnh với chúng tôi là Tòa Nghị viện Bang Massachusetts với vòm vàng óng ánh. Tòa nhà được xây dựng năm 1789, có chóp vàng hơi giống nhà Quốc hội Mỹ, tìm hiểu thì được biết tác phẩm đều của cùng một kiến trúc sư, chóp vàng là niềm tự hào của Bang Massachusetts.

Ở nước Mỹ quy định bang nào từng có 3 vị tổng thống, thì tòa Nghị viện mới được dát vàng. Massachusetts đã có tới 5 vị cựu tổng thống là: J.kennedy, cha con Adams, cha con Bush. Cũng giống như Nhà Trắng, Nhà Quốc hội Mỹ, Nghị viện bang cũng thường xuyên mở cửa bán vé cho du khách tham quan tự do, điều này trái ngược với việc đảm bảo an ninh nghiêm ngặt tại những nơi công quyền ở nhiều quốc gia khác. 

Trước tòa nhà Nghị viện là Đại lộ Tự do. Con đường tự do uốn khúc gần 4km qua trung tâm thành phố có tới 16 di tích lịch sử của Hoa Kỳ.

Nhà thờ Street có lịch sử từ thời thuộc địa, là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến công lý xã hội và nơi tổ chức các hoạt động xã hội tích cực.

Tòa nhà Fanenilhall xây năm 1742, là nơi công chúng tụ tập thảo luận thời cuộc, gắn liền với khu mua sắm sầm uất. Nơi đây thường được sử dụng tổ chức các buổi hòa nhạc, biểu diễn... Chặng cuối Đại lộ Tự do có bia tưởng niệm những chiến sĩ, những công dân yêu nước nổi tiếng, những nhân vật quan trọng tử trận trong cuộc chiến đầu tiên với quân Anh ở đồi Bunker.

Hai trong số các công viên ở đây: Boston Common và Rose Kennedy, là những công viên phổ biến và lâu đời phục vụ nhu cầu giải trí của người dân.

Nơi đây còn có một thư viện thành lập từ năm 1807, có các phòng trưng bày triển lãm với những bộ sưu tập nghệ thuật quý. Nhà hát Opera, tiền thân là phòng hòa nhạc có lịch sử từ 1852, ngày nay trở thành trung tâm biểu diễn, tổ chức các chương trình nhạc Rock. Đài tưởng niệm Holocaust Boston, là nơi tưởng niệm 11 triệu người bị Đức Quốc xã sát hại, trước khi bị đánh bại vào năm 1945. Trên đài tưởng niệm có nhiều phù điêu và những bản khắc ghi dấu ấn lịch sử.

Các quán rượu lâu đời nằm trong khu Blackstone, là những quán rượu cổ truyền thống tồn tại hơn 100 năm. Khách trong quán thường được phục vụ nhạc sống. Nhà hàng Oystes nổi tiếng với các món hải sản, có lịch sử từ 1826 đến nay, vẫn là một nhà hàng tốt nhất với các món truyền thống và tôm hùm, hàu nguyên chất.

Điều đáng nói thêm ở đây là, con đường này được lát bằng gạch đỏ như một tấm thảm xuyên suốt các điểm tham quan, du khách không cần phải hướng dẫn viên, biển chỉ đường cùng có thể dừng chân ở tất cả các điểm tham quan dọc đại lộ.

Boston - Thành phố cổ kính, nơi khởi nguồn tri thức - 2

Tác giả bài viết bên pho tượng ông Harvard

2. Nơi khởi nguồn của tri thức

Boston là thành phố lâu đời nhất và có số lượng du học sinh nước ngoài đông nhất nước Mỹ  lên đến 350.000 người với hơn 100 trường đại học và cao đẳng. Đến quận Cambridge, phía tây Boston, ta cảm nhận được ngay không khí yên tĩnh, mát mẻ cổ kính nhân văn. Trên diện tích chừng 4km2 có tới 20 trường đại học, trong đó có những trường danh tiếng với cả trăm năm lịch sử. Tiêu biểu phải kể đến ngay đó là Đại học Harvard và Đại học Bách khoa Massachusetts (MIT) là những trường đại học tầm cỡ thế giới.

3. Đại học Harvard

Bước chân vào trường Đại học Harvard, bị lôi cuốn ngay bởi các tòa nhà màu đỏ, chỉ có tòa nhà hành chính là màu trắng, phía trước đặt pho tượng ông John Harvard tư thế ngồi trên ghế bành, tay phải đặt trên cuốn sách, trong trang phục áo bành tô, vẻ trầm ngâm suy nghĩ, mắt nhìn xa xăm toát lên một khí chất cao cả và trí tuệ. John Harvard là người gốc Anh mất năm 1638 vì bệnh phổi khi mới 31 tuổi. Trước khi chết, ông lập di chúc để lại một nửa gia tài (780 bảng Anh lúc đó đã là số tiền lớn) cùng hơn 400 cuốn sách cho Học viện Cambridge mới được thành lập trước đó 2 năm. Để tri ân nhà hảo tâm, Học viện quyết định đổi tên thành Học viện Harvard. Hơn 200 năm sau, nhà điêu khắc Franke muốn đúc tượng ông, nhưng chẳng thể tìm đâu ra chân dung ông, cuối cùng nảy ra sáng kiến lấy 3 chàng sinh viên đẹp trai nhất làm người mẫu, tổng hợp lại khắc thành tượng Harvard. Bục tượng ghi 3 dòng chữ: John Harvard người sáng lập năm 1638.

Boston - Thành phố cổ kính, nơi khởi nguồn tri thức - 3

Đại học Harvard

Năm 1780, sau khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thành lập 4 năm, Học viện Harvard lúc đó đã có 144 năm lịch sử được nâng cấp thành Đại học Harvard, vì thế người ta thường nói: “Đại học Harvard sinh trước, nước Mỹ sinh sau”. Đại học Harvard được tổ chức thành đơn vị học thuật và 10 phân khoa đại học, cùng viện nghiên cứu cao cấp với các khuôn viên rải rác khắp vùng đô thị Boston. Khuôn viên chính rộng 85ha thuộc thành phố Cambridge, cách Boston 5km về phía tây bắc tính đến nay, tổng số tiền hiến tặng mà Harvard được nhận là gần 40 tỷ USD, lớn hơn bất kỳ cơ sở học thuật nào trên thế giới.

Trong gần 400 năm tồn tại, “đại học Harvard đã đào tạo được rất nhiều nhân tài, trong đó có 8 Tổng thống Mỹ như F.Roosevelt, Kennedy... George w.Bush, Barack Obama... cùng nhiều tổng thống, thủ tướng các nước, các nhân vật nổi tiếng thế giới. Ngoài ra còn 62 danh nhân hiện tại như: TS Kissinger, Bill Gates... cho ra lò 150 nhân vật đoạt giải Nobel và luôn là “Kho báu tư tưởng” của chính giới Mỹ.

Ngành được coi là “hot” của trường là quản trị doanh nghiệp (MBA). Hàng năm, Đại học Harvard đón 22 nghìn sinh viên, trong đó có hơn 10 nghìn là sinh viên nước ngoài, có nhiều lưu học sinh Việt Nam đang nghiên cứu và học tập tại Đại học Harvard.

4. Bức tượng dối trá nhất

Mỗi khi đặt chân đến thăm ngôi trường này - ngôi trường danh giá mang tên Harvard, ai cũng cố gắng chạm tay vào mũi giày của ông để lấy may, nhất là các sinh viên. Nhưng ít ai biết sự thật mà sau này trường Harvard đã có “lời tự thú” về bức tượng ông Harvard tồn tại suốt mấy thế kỷ trong khuôn viên trường đến mức mũi giày của ngài trơn bóng sáng loáng dưới ánh mặt trời. Trong khi phần còn lại của pho tượng có màu đen xám - kết quả của những cái chạm tay của lớp lớp sinh viên, cùng khách tham quan. 

Điều dối trá thứ nhất: pho tượng không phải là John Harvard. Đây là hình ảnh tổng hợp của 3 sinh viên trong trường được nhà điêu khắc chọn làm mẫu. 

Điều dối trá thứ hai: ở phía dưới tượng có đề chữ “John Harvard, Forunder, 1638 (nhà sáng lập) nhưng sự thật ông không phải là người sáng lập trường, thậm chí ông còn chưa bao giờ tới thăm trường.

Điều dối trá thứ ba: Trường Harvard được thành lập từ 1636 với tên gọi lúc đó là Học viện Cambridge. Trước 2 năm khi ông hiến tặng tiền và sách cho trường.

5. Đại học Bách khoa Massachusetts

Bên cạnh Đại học Harvard không thể không kể đến Đại học Bách khoa Massachusetts (MIT). Tuy là hai trường riêng biệt nhưng bên trong là sự liên thông, không có ngăn cách. Cánh cửa nhà trường luôn mở, ai muốn vô tham quan hoặc tìm hiểu kiến thức đều được. Khuôn viên trường MIT ăn theo bờ sông Charles (1,6 km) các tòa nhà cổ kính chạy dọc bờ sông. Bố cục theo phong cách mở. Ngôi trường trông như một nhà máy lớn.

150 năm trước khi thành lập, trường chỉ có 15 sinh viên. Người sáng lập MIT là William Rogers kiên trì nguyên tắc “Học tập thông qua thực nghiệm” quyết tâm xây dựng MIT thành đại học hàng đầu ở Mỹ nghiêng về thực hành. Tuy ra đời sau Harvard nhưng đến nay MIT đã có 32 khoa, gần 18.000 sinh viên, trong đó có 1/3 đến từ 120 nước. MIT đã đào tạo ra 93 người được giải Nobel, 58 người nhận Huân chương Khoa học quốc gia, 29 người nhận Huân chương công nghệ sáng tạo quốc gia (vượt cả Harvard).

Đặc biệt, Đại học MIT có 41 sinh viên trở thành phi hành gia của Hoa Kỳ và các nước khác, có 4/12 người đã đặt chân lên mặt trăng được học tại MIT. Nhiều chuyên gia vũ khí tên lửa, hạt nhân của các nước đều học từ MIT. Các nhà nghiên cứu và thiết kế tại MIT đã thiết kế ra máy tính, radar, dùng suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Hiện MIT là đối tác nghiên cứu quốc phòng quan trọng của Chính phủ Mỹ, trong các dự án về hạt nhân, khoa học không gian, công nghệ Nano...

Nhìn sinh viên Harvard ai cũng mũ áo chỉnh tề, còn sinh viên MIT ăn mặc xuề xòa, chân tay thường dính dầu mỡ. Người ta thường nói “Vào được Harvard đã khó, nhưng ra được ở MIT còn khó hơn thế” mới thấy tinh thần học tập ở MIT nghiêm túc thế nào... 

6. Vài nét về Boston

Thành phố Boston, từng là thành phố cổ xưa nhất nước Mỹ, nhưng giờ là thành phố hiện đại, là một thành phố toàn cầu, nằm trong những thành phố giàu nhất về kinh tế trên thế giới. Kinh tế khu đô thị tại Boston có giá trị 363 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 74,748 USD, xếp hạng 12 toàn cầu. Các đại học, học viện có đóng góp đáng kể về kinh tế 4,8 tỷ USD mỗi năm cho kinh tế thành phố. Thành phố là nơi đặt trụ sở của một số công ty công nghệ và là trung tâm công nghệ sinh học hàng đầu toàn quốc. 

Du lịch góp một phần kinh tế quan trọng của thành phố, với 21 - 25 triệu du khách quốc nội và quốc tế chi tiêu đến trên 10 tỷ USD mỗi năm. Thành phố là một hải cảng lớn dọc theo bờ sông của Hoa Kỳ, là cảng công nghiệp và cảng cá hoạt động liên tục nhất Tây bán cầu.

Boston cũng là thành phố tài chính hàng đầu của Mỹ, có các trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, trung tâm triển lãm lớn.

Về văn hóa, Boston là một trung tâm của âm nhạc cổ điển và hiện đại, nơi có nhiều bảo tàng mỹ thuật, học viện nghệ thuật, bảo tàng lịch sử, bảo tàng khoa học, bảo tàng thiếu nhi, thư viện Boston... Thành phố cũng có nhiều nhà thờ các giáo phái. Nhà thờ cổ nhất tại Boston là Đệ nhất giáo đường, hình thành năm 1630, là nhà thờ Anh giáo đầu tiên tại thành phố.

Ngoài Đại học Harvard, Đại lộ Tự do, Boston còn có những điểm tham quan nổi tiếng khác như: Hồ Jamaica, nằm ngoại ô vùng Jamaica cách trung tâm thành phố Boston 8km. Nơi đây là hợp thể cảnh quan nhân tạo và tự nhiên có cảnh đẹp mơ màng và tĩnh mịch. Công viên bách thảo Boston, được thành lập từ năm 1634 là công viên thành phố lâu đời nhất nước Mỹ, là nơi nghỉ ngơi thư giãn hoàn hảo nhất cho mọi du khách. Mặt nước trên công viên có những thuyền thiên nga lướt nhẹ rất đẹp mắt. Viện nghệ thuật đương đại, một công trình kiến trúc vô cùng đặc sắc, được thành lập từ năm 1936. Đây là một bảo tàng nghệ thuật và triển lãm không gian vô cùng đặc biệt với những bộ sưu tập nghệ thuật quý hiếm. Bảo tàng Mỹ thuật Boston là công trình có kiến trúc Hy Lạp cổ đại, chúng tôi từng choáng ngợp bởi bộ sưu tập 450 nghìn tác phẩm điêu khắc, hội họa... Những bộ sưu tập Ai Cập cổ đại, châu Á, Hy Lạp cổ đại, Trung Đông... Thủy cung New England là nơi hoàn hảo dành cho du khách đam mê khám phá khoa học đại dương, tìm hiểu về các loài sinh vật biển với hơn 600 loại khác nhau. 

Quảng trường Copley. Là nơi khám phá những tòa nhà đẹp nhất Boston, các học viện giáo dục và nghệ thuật, trung tâm mua sắm, nhà thờ Old South, Tháp John Hancock, Nhà thờ Trinity hay Thư viện cộng đồng Boston ở gần đó...

7. Không có Boston, sẽ không có nước Mỹ

Năm 1620, khoảng 100 tín đồ Thánh giáo (một nhánh đạo Tin Lành) bị bức hại tại chính quốc Anh, số còn lại đã lên tàu vượt Đại Tây Dương, qua 2 tháng trôi dạt, họ đã bị lạc tới bán đảo Cod cách nơi định đến là vùng Virginia ấm áp cả ngàn km. Mùa đông năm đó đã khiến nhiều người tị nạn đói khổ chết quá nửa. Sang xuân năm sau họ học cách canh tác của thổ dân da đỏ bản địa và được mùa bội thu.

Năm 1640, di dân Anh quốc đã lên tới 20.000 người, từ đó hình thành bang Massachusetts. Đến những năm 1820 di dân Ý và Ireland đến lập nghiệp, bên cạnh đó là dòng di dân mới công giáo La Mã, nay trở thành cộng đồng tôn giáo lớn nhất tiểu bang.

Đầu thế kỷ XX, người Ireland bước vào chính trường, xuất hiện những dòng tộc lỗi lạc như gia đình Kennedy... 

Năm 1774, thực dân Anh ban hành chính sách thuế, người Boston vùng lên chống thuế. Người Anh tuyên bố giải tán Nghị viện bang, thực hiện chế độ thống trị trực tiếp. Bang Massachusetts lập tức đáp trả bằng việc tách khỏi nước Anh. Tập hợp “Đại hội Châu Lục” 13 bang thuộc địa đồng loạt hưởng ứng, trở thành tiền thân Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ sau này.

Năm 1775, quân Anh từ Boston đến Concord, tiêu diệt kho đạn của dân quân Mỹ, chiến tranh bùng nổ, 1.000 quân Anh bị tiêu diệt, phía Mỹ cũng hy sinh 400 người. Tuy nhiên đây là chiến dịch mở đầu cho cuộc chiến chống chế độ thực dân đầu tiên trên thế giới, khai sinh Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đóng góp cho loài người những di sản vô giá: Bộ Hiến pháp đầu tiên chế độ tam quyền phân lập, chính thể tổng thống, nền Cộng hòa Liên bang. Tất cả đều bắt đầu từ phát súng đầu tiên ở Boston, nên người Mỹ thường nói: Không có Boston sẽ không có Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Đỗ Ngọc Dũng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo

Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo

Báo chí là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hoá. Toàn bộ hoạt động của báo chí, truyền thông tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng trên các lĩnh vực của đất nước, là chủ thể phản ánh đời sống xã hội; khơi nguồn, phổ cập những điều tốt đẹp, đồng thời đấu tranh chống cái xấu. Trong hoạt động báo chí, yếu tố nhân văn là tiêu