“Khúc quanh nghiệt ngã” – Tiểu thuyết hay về cuộc chiến

Nguyễn Đình San vừa cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Khúc quanh nghiệt ngã” viết về số phận những con người trong và sau cuộc chiến. Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành cuối tháng 5/2024.

Lấy bối cảnh trước và sau cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược mà mốc son là ngày 30/4/1975, Nguyễn Đình San đã cho những nhân vật của mình xuất hiện với diễn biến của những số phận thật nghiệt ngã đúng như cái tên cuốn tiểu thuyết. Trần Quang - một trong những nhân vật chính, xuyên suốt tác phẩm là một chiến sỹ quân giải phóng. Trong một trận chiến đấu, do quá chênh lệch về lực lượng, thấy cái chết hiện hữu, đã hèn nhát lén bỏ chạy- sang phía địch. Hành động đào ngũ của y khiến đồng đội rất bất bình, căm phẫn. Một chiến sỹ đề nghị được chạy theo bắn bỏ nhưng vì sợ chính anh cũng sẽ bị địch bắn nên tiểu đội trưởng Hùng đã can ngăn.

Sang chiến tuyến bên kia, Quang tận tuỵ, cúc cung, dẫn địch truy lùng đồng đội cũ của mình, lập nhiều thành tích nên nhanh chóng được thăng tiến. Mấy năm sau, y đã là thiếu tá, Quận trưởng một quận ở Sài Gòn, thành kẻ nợ máu của nhân dân. Y từng chỉ đạo cấp dưới tra tấn dã man những người hoạt động chống đối chính quyền tay sai của Mỹ dẫn tới cái chết của của một nữ sinh viên Viện Đại học Vạn Hạnh. Y bị người của ta tìm cách xử tử về tội phản quốc nhưng việc chưa thành thì đến sự kiện ngày 30/4/1975.

“Khúc quanh nghiệt ngã” – Tiểu thuyết hay về cuộc chiến - 1

Tiểu thuyết “Khúc quanh nghiệt ngã”

Tiểu đội trưởng Hùng do bị thương nặng trong một trận chiến đấu nên được đưa về điều trị tại một trạm quân y ở Trường Sơn. Tại đây, anh được các nhân viên y tế chăm sóc tận tình, chu đáo và tình yêu đã nảy nở giữa anh và cô y tá tên Ngọc Vân. Sau một thời gian chữa trị, khỏi bệnh, anh trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Buổi tối trước ngày Hùng lên đường, họ chia tay nhau và anh đã để lại trong người yêu giọt máu của mình. Hùng lao vào chiến đấu, hết mặt trận nọ đến chiến trường kia. Ngọc Vân ở lại trạm xá cũng quên mình tối ngày chăm sóc các bệnh nhân lần lượt được chuyển tới từ các mặt trận. Họ không một lần có dịp gặp lại nhau. Đến khi cô sinh con, Hùng cũng không thể biết. Được sự che chở của bác sỹ An và các đồng nghiệp, “tội” của Vân chỉ bị khiển trách. Đứa bé được đặt tên là Trường Sơn, trở thành con chung của cả trạm xá với tình yêu thương thật lớn lao của những người đồng đội trong chiến tranh. 

Thấy tình hình chiến tranh có diễn biến ngày càng bất lợi cho chính quyền Việt Nam cộng hòa của Nguyễn Văn Thiệu, nhất là sau Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973, tên thiếu tá Quận trưởng Trần Quang tiên liệu được tình hình đã tìm cách trở cờ một lần nữa, quay trở lại chui được vào hàng ngũ bên ta và sau ngày miền Nam được giải phóng làm được chức Phó ban Quân quản một quận ở Sài Gòn rồi về sau làm Giám đốc một Sở của TP Hồ Chí Minh.  

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng nhiều ngày tháng, Vân vẫn không nhận được tin tức gì của  Hùng. Cô nghĩ anh đã hy sinh hoặc có cuộc sống khác, âm thầm nuôi con một mình. Cuộc sống xô đẩy, cô gặp Quang và nên vợ chồng trong một tình yêu đơn phương về phía anh ta. Sau giải phóng, cô đi học Đại học Y ở Sài Gòn, về sau trở thành chủ nhiệm khoa ở bệnh viện một quận. 

Hùng là thương binh, từng là dũng sỹ diệt Mỹ về sau cũng nên duyên với Sâm - một cô gái hiền thục, nết na. Anh được Phó Chủ tịch UBND thành phố giúp đỡ, đưa về làm việc ở Sở của Quang đứng đầu. Họ gặp lại nhau, đột ngột và gay cấn. Cả hai sững sờ. Quang thì không biết gì về Hùng - người tiểu đội trưởng cũ của mình. Hùng thì nghĩ Quang hoặc đã di tản hoặc là đang trong trại cải tạo vì có nhiều nợ máu với dân. 

Gặp lại Hùng, Quang vô cùng lo sợ “tông tích” của mình bị bại lộ. Y lại càng hoang mang khi biết vợ mình - bác sỹ Vân - và Hùng từng có mối tình thật đẹp trong chiến tranh và kỷ niệm thiêng liêng của họ chính là Tường Sơn - đứa trẻ hiện đang gọi mình là cha. Y đinh ninh sự nghiệp đang lên như diều của mình bấy nay vẫn hanh thông, chỉ Hùng là có thể phá hỏng vì giải phóng đã lâu mà y không bị bóc trần quá khứ. Y cũng nghĩ tới việc vợ mình sẽ nối lại duyên xưa với tên tiểu đội trưởng này vì biết cô không có tình yêu với mình. Thế là y trỗi dậy ý nghĩ và thực hiện việc hãm hại Hùng, muốn anh trở nên thân tàn ma dại.... 

Nhưng con người ta đâu cứ muốn gì là làm được nấy. Cuộc sống vốn dĩ có những quy luật của nó. Một trong những quy luật đó là ở hiền thì gặp lành, ở ác tất gặp quả báo. Những nhân vật của hai tuyến thiện, ác, tích cực, tiêu cực, tốt và xấu trong tiểu thuyết có những kết cục ra sao?

Nội dung cuốn tiểu thuyết có nhiều diễn biến phong phú, rắc rối, phức tạp, nằm ngoài sự phán đoán của người đọc đã khiến tác phẩm trở nên hấp dẫn, lôi cuốn. Nội dung về chiến tranh và cuộc sống thời hậu chiến vốn dĩ là một đề tài quen thuộc đã được nhiều nhà văn đề cập. Nhiều tác phẩm ra đời cả tiểu thuyết lẫn truyện ngắn đã từng khắc hoạ. Nhưng “Khúc quanh nghiệt ngã” của Nguyễn Đình San vẫn có sức hấp dẫn riêng mặc dù tác giả viết theo lối truyền thống, không có sự bứt phá gì đặc biệt về bút pháp. Đó là nhờ ở hai thế mạnh của tác giả: Một là khả năng xây dựng nhân vật với việc khắc hoạ sinh động các tính cách và cá tính hoá ngôn ngữ. Hai là do tác giả còn là nhà tâm lý học nên phân tích tâm lý các nhân vật sâu sắc và sinh động. Nhân vật nào cũng được tác giả đào sâu đến tận cùng của mọi cảm xúc, suy nghĩ.

Nguyễn Đình San tỏ ra đặc biệt sở trường khi miêu tả những mối quan hệ khác giới. Với tình yêu đích thực lãng mạn, sâu nặng phần hồn, ông khiến người đọc bồi hồi, xao xuyến, sống lại cảm giác yêu đương say đắm, thiêng liêng mình đã từng trải qua. Những đoạn tác giả nói đến sự nảy nở tình yêu giữa anh thương binh Lê Hùng và cô y tá Ngọc Vân kín đáo, tế nhị nhưng cũng rất mặn nồng. Với những mối quan hệ thể xác, tác giả miêu tả đủ để người đọc hình dung phần “con” trong nhân vật mà không sa đà, quá tự nhiên chủ nghĩa. Những trang nói đến mối quan hệ giữa ông chủ là một cụ già đã trên 80 tuổi từng là một quan chức lớn đã về hưu nhưng vẫn còn sung mãn, tràn trề sinh lực rất sinh động khi tâm lý hai nhân vật này được khoét sâu chứ không chỉ là sự miêu tả những sinh hoạt thể xác.

Đọc cuốn tiểu thuyết, người ta dễ nghĩ tác giả phải là người đã từng cầm súng, kinh qua thực tế lửa đạn nơi chiến trường. Nhưng thật thú vị là không phải vậy. Tác giả chưa từng là bộ đội. Chẳng những vậy mà là một nhạc sỹ, tác giả của nhiều bài tình ca lãng mạn (Chiều nắng, Trên dòng sông Lai Hạ, Chiều Nhật Lệ, Về Hà Tiên...) Vậy mà đã miêu tả chiến tranh rất sinh động với tận cùng khốc liệt.

Nguyễn Đình San cho biết để có được những trang như thế, ông đã phải xem lại rất nhiều tác phẩm viết về chiến tranh (phim, truyện) và hỏi chuyện nhiều cựu chiến binh đã từng chiến đấu ngoài chiến trường, trực diện với quân thù. Một trong những người kể nhiều chuyện chiến đấu cho ông nghe là cựu chiến binh  Lê Bá Dương - người đã chiến đấu ở Quảng Trị năm 1972 - là tác giả bài thơ ngắn nổi tiếng “Lời sông Thạch Hãn” (“Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi 20 thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”). Nguyễn Đình San viết tiểu thuyết trong một tháng thì trước đó, ông mất 3 tháng cho việc tìm hiểu và đọc một số tác phẩm về chiến tranh.

“Khúc quanh nghiệt ngã” – Tiểu thuyết hay về cuộc chiến - 2

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San

Người đọc thường không mấy quan tâm đến những kiến thức mang tính lý luận về tiểu thuyết như thi pháp, cách xây dựng nhân vật, ngôn ngữ, bút pháp v.v… Họ chỉ cần biết đọc có hay không, có đem đến cho mình sự thú vị và hiểu biết thêm gì không. Nguyễn Đình San nói rằng ông viết tiểu thuyết cho số đông độc giả đọc. Mong muốn lớn nhất của ông là người đọc không bỏ dở giữa chừng. Hy vọng “Khúc quanh nghiệt ngã” sẽ khiến tác giả đạt được mong muốn khiêm tốn mà không dễ dàng đó.

Kim Khánh

Tin liên quan

Tin mới nhất