Có một Văn Cao lấp lánh mùa chữ, mùa người

Nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm sinh nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao - một trong những gương mặt nghệ sĩ tài danh hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20, Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức hội thảo "Văn Cao - mùa chữ, Mùa người" và giới thiệu cuốn tiểu luận - nghiên cứu cùng tên của 21 tác giả.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà lý luận phê bình, nhà nghiên cứu các nhà văn, nhà thơ. Các tham luận tập trung trao đổi, thảo luận với những chủ đề xoay quanh những cống hiến của người nghệ sĩ tài hoa ở mặt thi phẩm.

Có một Văn Cao lấp lánh mùa chữ, mùa người - 1

Toàn cảnh Hội thảo "Văn Cao - mùa chữ, Mùa người". Ảnh: Huyền Thương

Văn Cao với những sáng tạo “vượt ngưỡng” trong thơ

Văn Cao thuộc thế hệ những tác giả xuất hiện từ trước năm 1945, ở hậu kỳ của Thơ mới. Văn Cao sáng tác thơ không nhiều nhưng thơ là trường hợp đặc biệt của ông. Đặc biệt trước hết ở chỗ, thơ Văn Cao chủ yếu được tạo sinh trong những năm tháng cơ cực đắng cay nhất của cuộc đời.

Hành trình sáng tác của Văn Cao cho thấy trong ông, cách mạng và cách mạng văn nghệ luôn là hai nửa không thể tách rời của một cuộc đời sáng tạo. Đặc trưng trong thơ của Văn Cao là thân phận được gắn liền với câu chuyện sáng tác của chính mình, Văn Cao có sự lựa chọn làm nghệ thuật hay làm cách mạng và cuối cùng ông đã chọn cả hai, trong những lựa chọn đó chúng ta đều sẽ thấy một Văn Cao không vụ lợi cho dù là làm cách mạng hay làm nghệ thuật.

Có một Văn Cao lấp lánh mùa chữ, mùa người - 2

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà lý luận phê bình, nhà nghiên cứu các nhà văn, nhà thơ. Ảnh: Huyền Thương

Tại Hội thảo, nhà phê bình Phùng Gia Thế nhận định, thơ Văn Cao có những lúc buồn, cũng có những lúc vui, nhưng cái vui của ông dường như chỉ loé lên trong thoáng chốc, trong niềm vui vẫn xen cài với niềm âu lo, với những dự cảm mơ hồ của trái tim người nghệ sĩ, với những trăn trở về cuộc đời, thân phận, vận mệnh của đất nước được thể hiện bằng những cách diễn đạt mong manh.

Có những giai đoạn dường như ông chỉ nói thầm, ngay cả khi bên ngoài, khi người ta đang có những tiếng thét dữ dội của thời đại thì Văn Cao vẫn chỉ là người nhìn vào cái thế giới bên trong của mình.

Theo nhà phê bình Phùng Gia Thế, tuy không phải là người duy nhất nhưng Văn Cao là người dấn thân và mở đường cho thơ, mặc dù ông không có nhiều tuyên ngôn nhưng ông đã vượt qua cái hệ hình của thơ mới. Với Văn Cao, thơ không còn là tiếng nói của thời đại mà là tiếng nói âm thầm của trái tim người nghệ sĩ. Chính những cái buồn của Văn Cao lại làm cho ông trở nên lấp lánh hơn.

Có một Văn Cao lấp lánh mùa chữ, mùa người - 3

Nhà phê bình Phùng Gia Thế chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Huyền Thương

Cái độc đáo trong thơ của Văn Cao đó là “cái nhìn Văn Cao”, nó tạo thành một cốt cách, cái bản lĩnh nghệ sĩ của ông, nó quy chiếu đến toàn bộ con đường thơ của ông. Có một điều lớn lao nữa là dù trong thơ Văn Cao luôn cô đơn nhưng ông không u hận, ông chỉ lùi vào với những cô đơn của riêng mình, nhà phê bình Phùng Gia Thế nói.

Ông cho biết thêm, trong mỗi thời đoạn thăng trầm nhất của lịch sử, của đời người thì Văn Cao vẫn luôn quyết liệt bảo vệ cái mới, ông không bao giờ phản bội lý tưởng, phản bội chính mình. So với các tài danh nghệ thuật cùng thế hệ, Văn Cao dường như luôn khác biệt hơn họ, về mọi nhẽ, cả vinh quang lẫn đắng cay bởi ông mang một điều riêng khác đó là phẩm chất và bản mệnh của một thiên tài.

Nhà phê bình Ngô Văn Giá lại cho rằng, cuộc đời của mỗi người nghệ sĩ lại là một số phận rất cụ thể, người này khác người kia, với Văn Cao, cuộc đời ông đầy vinh quang nhưng cũng đầy cay đắng, với những bầm rập, thua thiệt, nghi ngờ,… và tất cả những số phận cụ thể ấy nó hành lên trong sáng tạo, đi vào câu chữ, vào những cái nhìn trong tất cả những tác phẩm của ông. Nhà phê bình Ngô Văn Giá gọi đó là “chấn thương”.

Ông cho biết, Văn Cao hồi cố lại “chấn thương” theo cách của mình để đối thoại với chính mình và theo cách vượt lên những nỗi buồn để nói được những câu chuyện lớn, về cả lẽ tồn tại của kiếp người.

Có một Văn Cao lấp lánh mùa chữ, mùa người - 4

Nhà phê bình Ngô Văn Giá bàn về những dấu ấn trong thơ của Văn Cao. Ảnh: Huyền Thương

Câu chuyện “chấn thương” nó cũng thể hiện trên nhiều tác giả, họ không cố đi tìm một biểu đạt nào khác, mà họ cứ đứng giữa những vui buồn của đời sống để cất lên tiếng nói của mình, nhà phê bình Ngô Văn Giá chia sẻ.

Tinh thần kiệm chữ, chắt lọc chữ, giàu có về họa tính và những năng lực tổng hợp khác nữa rất khó gọi tên ở một kích cỡ nghệ sĩ Văn Cao đã khiến cho người đọc có cảm giác mỗi bài thơ là một sự cất tiếng tự nhiên, trực tiếp từ tim óc, mỗi câu chữ dính trầm của tư tưởng.

Bàn về nghệ thuật thơ của ông là điều không dễ, theo nhà phê bình Ngô Văn Giá, bấy nhiêu năm im lặng, tu luyện, chứng ngộ, thơ Văn Cao vượt lên với các chiêu thức, vô chấp các thủ pháp. Thành quả cuối cùng là những công trình kiến trúc ngôn từ tinh tế, nhiều chỗ tinh xảo, thăm thẳm, quyến rũ và thao túng người đọc.

Có một Văn Cao lấp lánh mùa chữ, mùa người - 5

Tại Hội thảo, nhiều diễn giả cũng đã chia sẻ những kỷ niệm, những ấn tượng, tình cảm của mình với Văn Cao. Ảnh: Huyền Thương

Cuốn sách phê bình văn học đầu tiên về thơ Văn Cao

Cuốn sách “Văn Cao mùa chữ, mùa người” được xem là cuốn sách phê bình văn học đầu tiên về thơ Văn Cao. Cuốn sách giúp công chúng có cái nhìn đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn về sự cống hiến, đóng góp của Văn Cao trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Qua một loạt các bài viết của các tác giả: Lê Huy Quang, Văn Giá, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hoài Nam, Thiên Sơn, Phùng Gia Thế, Phạm Xuân Thạch, Nguyễn Quang Hưng, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thuỵ Kha,... người đọc có một cái nhìn tổng thể về hành trình thơ Văn Cao cùng những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của ông.

Có một Văn Cao lấp lánh mùa chữ, mùa người - 6

Cuốn tiểu luận - nghiên cứu "Văn Cao - mùa chữ, Mùa người". Ảnh: Huyền Thương

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng bao gồm các bài viết nhận định về những đóng góp, sáng tạo của Văn Cao ở hai mảng hội họa và âm nhạc, như các bài: “Quẻ văn Văn Cao: Hội họa - Đồ họa - Minh họa” của Lê Thiết Cương và “Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao” của Đỗ Anh Vũ.

Phần cuối sách có nhiều bài thơ viết về/ viết tặng Văn Cao của các nhà thơ: Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Hưng… và một số tranh minh họa mà Văn Cao đã vẽ trong tiểu thuyết “Búp sen xanh” và “Tuyển tập thơ Victor Hugo”.

Tập thể tác giả cùng đội ngũ biên soạn hết lòng thực hiện ấn phẩm này như một sự tri ân sâu sắc với một bậc tài danh, tác giả của Quốc ca Việt Nam. Trong quá trình thực hiện cuốn sách “Văn Cao - mùa chữ mùa người” có những tác giả viết tham luận khi đang mang trọng bệnh, sau khi hoàn thành tham luận được ít hôm thì qua đời, như nhà thơ Lê Huy Quang. Có những người tuổi cao, ốm đau lâu ngày như nhà thơ Lê Kim Giao, vẫn nhiệt tình gửi tác phẩm và mong chờ ngày cuốn sách ra mắt.

"Văn Cao - mùa chữ, Mùa người" cho thấy rằng người nghệ sĩ thiên tài đã để lại cho đời, cho nền nghệ thuật nước nhà, cho các thế hệ sáng tạo và quần chúng cần lao rất nhiều, nhiều về chất lượng chứ không nhiều về số lượng. Bởi, Văn Cao là người tiên phong đặt nền móng cho nền thơ, nền nhạc và gợi ý tưởng cho nền họa, để đắp xây nên con đường nghệ thuật Việt Nam hòa nhập thời đại, ngay từ thuở giao thời. Trên bước đường đầu tiên ấy, chính ông là người luôn luôn tự đổi mới mình, cách tân nghệ thuật của mình.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất