Nhà thơ Khương Hữu Dụng cân… chữ

Nhà thơ Khương Hữu Dụng sinh thời có thể được coi là một trong những người mê thơ nhất Việt Nam. Không chỉ mê thơ… mình, vì cái đức tính này rất nhiều nhà thơ Việt đạt tới ở một “cấp độ” rất cao. Mê thơ nói chung.

Cứ mỗi lần tôi gặp nhà thơ Khương Hữu Dụng, câu đầu tiên ông hỏi là “Dạo này cháu có bài thơ nào mới không?”. Câu thứ hai là: “Cháu đã đọc bài thơ này của nhà thơ X nhà thơ Y chưa? Hay lắm cháu ơi!”. Cứ thế, bác cháu có thể đàm đạo suốt nửa ngày về thơ mà chưa hết chuyện.

Nhà thơ Khương Hữu Dụng cân… chữ - 1

Nhà thơ Khương Hữu Dụng

Nhà thơ Khương Hữu Dụng cũng nổi tiếng là người “kén chữ”. Ông rất tâm đắc và miệt mài “săn chữ”, những chữ mà theo ông là “có thần” trong một câu thơ. Nói như người xưa là “thôi, xao” vậy!

Tôi còn nhớ, một chữ trong một câu thơ trong trường ca “Từ đêm Mười Chín” của Khương Hữu Dụng được rất nhiều nhà phê bình ca ngợi. Đó là câu thơ “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng”. Cái chữ “sáng” ấy nó làm sáng bừng cả câu thơ, và câu thơ trở nên một câu thơ đầy thần thái, găm vào trí nhớ người đọc.

Hay một câu thơ khác của Bác Dụng: “Đêm dài như giấy trắng”. Ở đây phải “khuyên” cả hai chữ “giấy trắng” mới thấy tài ba của tác giả câu thơ đạt tới độ Đường thi này. Đêm dài như cái gì… thì nhiều nhà thơ đã viết rất khác nhau. Nhưng “dài” như “giấy trắng” thì tôi đảm bảo chỉ có một mình Khương Hữu Dụng viết. Vì câu thơ này gắn với tâm trạng của một người vợ có chồng đi mặt trận. Chị đã phải thức bao đêm chờ chồng, trông chồng, nhớ chồng. Ngồi viết thư cho chồng mà ngồi cả đêm không biết viết cái gì, viết sao cho hết nỗi lòng. Đêm dài như giấy trắng là như vậy. Mà cũng không hẳn như vậy. Thơ vẫn có những khoảng trống, những độ mờ không thể cắt nghĩa. Chỉ biết là hay, là thú vị, là tuyệt vời, thế thôi!

Dĩ nhiên, không phải bác Dụng cứ suốt ngày đi ra đi vào mà “thôi” với “xao”. Nhưng nhà thơ lão thành ấy như muốn cân từng con chữ khi viết ra trên giấy. Mà cân bằng cân tiểu ly cơ! Có những nhà thơ viết rất nhanh, viết ào ào như lũ trào thác cuốn, mà thơ vẫn hay, thậm chí rất hay. Nhưng cũng có những nhà thơ nhẩn nha làm việc với từng con chữ, đối thoại với từng con chữ, thậm chí tranh cãi với từng con chữ để có một bài thơ. Khi họ thành công, họ có những câu thơ xuất thần, những con chữ thần diệu.

Nhà thơ Khương Hữu Dụng cân… chữ - 2

Nhà thơ Khương Hữu Dụng (trái) và con trai Đại tá Khương Thế Hưng (phải)

Tôi do không thuộc “tip” nhà thơ “cân chữ” nên tôi càng kính phục cách làm thơ như người làm vườn chăm chút từng cái cây, nâng niu từng chiếc lá của họ. Chơi với bác Khương Hữu Dụng đã nhiều năm, nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy một ngọn lửa nồng đượm của tình yêu thơ ca vô tư ánh lên từ con người bác.

Người như thế, bao giờ cũng mở lòng, bao dung, nhân hậu với mọi người. Vì họ quí sản phẩm, thành quả của người khác như của chính mình. Họ yêu thơ người khác như yêu thơ mình. Và họ không muốn người đọc thơ họ phải buồn lòng khi “nhai” phải hòn sạn ngôn ngữ khi đang thưởng thức thơ họ. Sự tôn trọng đối với người đọc như thế thật đáng quí biết bao! Đáng làm gương cho những lớp nhà thơ hậu sinh biết bao!

“Thơ vẫn có những khoảng trống, những độ mờ không thể cắt nghĩa. Chỉ biết là hay, là thú vị, là tuyệt vời, thế thôi!

Thanh Thảo

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.