Phát biểu của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại buổi gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ

Tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có bài phát biểu gửi gắm nhiều thông điệp, hy vọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, khẳng định tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước. Thời báo Văn học nghệ thuật xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Kính thưa đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Kính thưa các đồng chí đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Kính thưa quý vị đại biểu, các văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học!

Hôm nay, tôi rất vui mừng và xúc động được đến dự cuộc gặp mặt các nhà trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024. Trong không khí mừng Đất nước, mừng Đảng, mừng Xuân, cuộc gặp mặt ấm áp, thân tình đã trở thành truyền thống tốt đẹp thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ - lực lượng hùng hậu, tin tưởng, tinh túy trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân.

Trước hết, tôi xin phép gửi tới đồng chí Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng, qua đồng chí tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bác, các anh, các chị và các đồng chí lời chúc sức khoẻ và lời chúc mừng tốt đẹp nhất khi một mùa xuân mới lại về trên quê hương yêu dấu của chúng ta.

Phát biểu của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại buổi gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ - 1

PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Giáp Thìn 2024.

Kính thưa quý vị đại biểu và các đồng chí!

Năm 2023, tuy còn nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống và trong công việc; nhưng có thể nói, đây là một năm khởi sắc toàn diện của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các tổ chức thành viên. 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 63 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố với trên 42 vạn văn nghệ sĩ – bằng nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn đã tạo ra sự chuyển động rõ rệt trong các lĩnh vực từ: sáng tác – lý luận phê bình, nghiên cứu, đào tạo đến việc mở trại viết, tổ chức đi thực tế cho anh chị em văn nghệ sĩ, tổ chức Hội thảo khoa học, liên hoan, hội diễn, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân… đạt những thành tích nổi bật đánh dấu sự chuyển động tích cực của toàn Liên hiệp trong năm thứ 3 của nhiệm kỳ X, tạo nên luồng không khí ấm áp trong sinh hoạt văn học nghệ thuật.

Năm 2023 là năm quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều nội dung về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; nỗ lực thực hiện những mục tiêu chiến lược quan trọng đã được xác định như Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030 và chuẩn bị cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Tiếp tục triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, ngày 24/11/2021. Đây cũng là thời điểm văn học nghệ thuật nước nhà có nhiều hoạt động, kỷ niệm lớn và quan trọng như: Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; chuẩn bị cho việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI, 2014) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Năm 2023 là năm các Hội đã chủ động, sáng tạo với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, rộng khắp trong cả nước. Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như: Hội Nhạc sĩ với Chương trình nghệ thuật Đàn Chim Việt kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhạc sĩ – Thi sĩ – Họa sĩ Văn Cao; Hội Nhà văn với Ngày Thơ Việt Nam Rằm Nguyên tiêu, Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành; Hội Mỹ thuật với Triển lãm mỹ thuật các khu vực; Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh với Triển lãm ảnh nghệ thuật Tự hào một dải biên cươngTổ quốc bên bờ sóng; Hội Sân khấu với Liên hoan sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ nhất; Hội Kiến trúc sư với Giải thưởng của Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Quốc tế cho Kiến trúc bền vững và nhân văn, Kiến trúc cho cộng đồng vùng nghèo; Hội Nghệ sĩ Múa với Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 khu vực phía Bắc; Hội Điện ảnh Việt Nam với Lễ trao giải Cánh diều v.v…

Ở các Hội VHNT tỉnh, thành phố, các hoạt động diễn ra sôi nổi ngay từ những ngày đầu năm, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần đáp ứng và nâng cao điều kiện hưởng thụ giá trị văn hoá của nhân dân. Phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu chất lượng, các Hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố thực sự là cánh tay nối dài trong mọi hoạt động của Liên hiệp, tạo thành một khối liên kết vững chắc, phối hợp nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương, góp phần xây dựng ngôi nhà chung Liên hiệp ngày càng đầm ấm, phát triển toàn diện.

Kính thưa quý vị!

Có thể khẳng định rằng: Qua mọi thời kỳ, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đến sự nghiệp phát triển văn hóa và dành cho giới văn học nghệ thuật Việt Nam sự quan tâm đặc biệt, sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, kịp thời, sự ủng hộ hiệu quả. Nhất là trong quá trình đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện thì sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ngày càng mạnh mẽ, cụ thể hơn. Đảng ta đã khẳng định: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời cũng là một nguồn lực nội sinh trọng yếu cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; phát triển văn hóa gắn bó mật thiết với phát triển con người Việt Nam; phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”.

Tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 25/7/2023, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ đã được khẳng định và đánh giá cao. Tài năng và nhiệt huyết của anh chị em đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hoá, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam mới - yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo”.

Đồng thời, đồng chí Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra rằng, “Những thành tựu văn học nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hoà với số lượng. Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan toả làm rung động lòng người. Còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn”.

Kính thưa quý vị đại biểu và các đồng chí!

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là một tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, chúng tôi cũng như rất nhiều anh chị em văn nghệ sĩ, trí thức hết sức trăn trở, thấy rõ trách nhiệm của mình, xin hứa trước các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ cùng nhau đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, đổi mới tư duy sáng tạo, đi sâu vào thực tế đời sống để có nhiều tác phẩm xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, của Nhà nước và nhân dân.

Để đạt được mục tiêu lớn lao đó, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, là về đội ngũ. Cần chăm lo phát triển toàn diện (cả vật chất và tinh thần) để đội ngũ văn nghệ sĩ có điều kiện sáng tạo, cống hiến nhiều nhất. Các tài năng nghệ thuật trẻ cần được phát hiện sớm, đào tạo, bồi dưỡng bài bản, được tôi luyện trong thực tế và được trọng dụng.

Cần đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng, tôn vinh tài năng đối với văn nghệ sĩ. Thu hút nhân tài người Việt trên thế giới về phục vụ, cống hiến cho nước nhà.

Việc khen thưởng tài năng, tôn vinh sự nghiệp sáng tạo xuất sắc của văn nghệ sĩ cần được xem xét một cách toàn diện, chặt chẽ, khoa học, công tâm, minh bạch và kịp thời tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong xã hội, sự đồng thuận, đoàn kết trong toàn giới.

Thứ hai, là về cơ chế. Cần đặt sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam vào trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia và là thành phần quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kì mới. Cần xây dựng các đề án cụ thể về Văn học nghệ thuật trong Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Thứ ba, về chính sách. Những loại hình văn học nghệ thuật trực tiếp liên quan đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng, chính trị của Đảng, chủ quyền, thống nhất quốc gia – dân tộc, đến các giá trị cốt lõi của văn hóa – con người Việt Nam, quảng bá tinh hoa của nền văn học nghệ thuật dân tộc Việt Nam như: văn học, lí luận phê bình, sân khấu dân tộc, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh… thì Nhà nước cần tập trung đầu tư, hỗ trợ tối đa để đảm bảo có những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật, có sức sống lâu bền, có sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Cần quan tâm tới quyền lợi hưởng thụ văn học, nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân. Đưa các tác phẩm văn học nghệ thuật về với người dân, với thiếu nhi, học sinh vùng sâu, vùng xa, nông thôn, biên giới hải đảo.

Kính thưa quý vị!

Trên đây là một số ý kiến của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, xin vui mừng báo cáo với các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chia sẻ cùng quý vị.

Năm mới, xuân về, kính chúc đồng chí Chủ tịch nước, các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng quý vị đại biểu sức khỏe - hạnh phúc. Xin chúc các văn nghệ sĩ chúng ta có thêm nhiều thành tích, công trình mới, bay cao, bay xa với tư thế “Dáng Rồng lên” trong năm Giáp Thìn 2024!

Xin trân trọng cảm ơn!

PV

Tin liên quan

Tin mới nhất