Bằng thi nhân, Việt văn hóa

Bằng Việt - trông bề ngoài thì hiền lành, hào hoa phong nhã, mà trong thơ thì sang trọng, lịch lãm, trầm tĩnh mà thẳm sâu, dữ dội và quyết liệt. Đôi khi lại “pha” chút khôi hài, châm biếm, mỉa mai chua chát, nhưng cái “mỉa mai chua chát” ở một người có học vấn, tuyệt nhiên không có chất “chao chát thị dân” nên những người đọc anh, kể cả người đọc khi nhìn thấy “tật” của mình trong đó, tuy có hơi choáng nhưng vẫn chịu được, tiếp thu được.

Đó là cái tài của người nghĩ ra nó, viết ra nó.

Nghĩ thật hay mà viết cũng rất hay! Thời sự đấy nhưng vẫn là thơ đấy!

Nếu cụ Hoài Thanh còn sống và viết tiếp cuốn “Thi nhân Việt Nam” tập II, chắc chắn Bằng Việt và những nhà thơ tôi đã đề cập đến, phải là danh sách đầu bảng để cụ tuyển chọn và họ rất xứng đáng là “Thi nhân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”.

Bằng Việt trong con mắt đồng nghiệp

Đề cập đến những gương mặt thi ca sáng giá thời chống Mỹ cứu nước, không thể không nhắc đến những tên tuổi hàng đầu đã thành thương hiệu như: Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Hữu Thỉnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Ngọc Cảnh, Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa...

Bằng Việt là một tác giả trẻ được các bậc đàn anh “để mắt” và phát hiện khá sớm. Tập thơ “Hương Cây - Bếp lửa” (in chung với Lưu Quang Vũ, xuất bản năm 1968, tái bản năm 2004), qua bài viết “Hương cây - Bếp lửa, Đất nước và đời ta”, đầu năm 1969, giáo sư, nhà nghiên cứu phê bình văn học Lê Đình Kỵ đã viết về Bằng Việt: “Một tâm hồn nhiều suy nghĩ và rung động, tinh tế, một chủ nghĩa trữ tình xao động, bồi hồi, khi đậm đà duyên dáng, khi âm vang sâu thẳm... Ngay từ những bài thơ đầu, Bằng Việt đã tỏ ra không giống ai, rạo rực mà tươi mát, giản dị, hồn nhiên mà không dễ dãi. Mỗi bài thơ của Bằng Việt đều có nét bút riêng...”.

Rồi các tập thơ nối tiếp ra đời như: “Những gương mặt, những khoảng trời”  (1973); “Đất sau mưa” (1977); “Khoảng cách giữa lời” (1984); “Cát sáng” (1985); “Phía nửa mặt trăng chìm” (1995); “Ném câu thơ vào giỏ” (2001); “Thơ trữ tình” (2002); “Nheo mắt nhìn thế giới” (2008); “Tác phẩm chọn lọc” (2010) và “Oẳn tù tì” (2016)... Tất cả đều do NXB Văn học và NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Bằng thi nhân, Việt văn hóa - 1

Chân dung nhà thơ Bằng Việt

Mỗi khi tác phẩm ra đời, rất nhiều cây bút nghiên cứu phê bình văn học, các nhà thơ nhiều thế hệ đã trân trọng, khích lệ, ngưỡng mộ và cổ vũ anh trên con đường sự nghiệp. Giáo sư, nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Văn Hạnh viết: “Phong cách thơ Bằng Việt hình thành từ rất sớm, nhiều nét bút khá kiên định, nhất là ở giọng thơ, vốn là biểu hiện rất sâu của bản lĩnh người sáng tác...

Bằng Việt là một nhà thơ có ý thức trách nhiệm, trách nhiệm đối với sáng tác của mình, trách nhiệm đối với người đọc, khiêm tốn và cố gắng. Có thể tin ở anh!” (Đọc thơ Bằng Việt - Tạp chí “Tác phẩm mới” - 1975). Giáo sư, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Xuân Nam viết: “Bằng Việt có tiếng nói sâu lắng và trong sáng của lớp thanh niên trí thức mới: Đọc thơ anh, có lúc như gặp lại một người bạn thân, một người anh em trong gia đình, hay gặp lại thời hoa niên của chính mình. Cảm giác gần gũi, thân thiết ấy là một nét hấp dẫn trong thơ Bằng Việt” (Trong sách “Nhà văn hiện đại Việt Nam” - NXB Khoa học xã hội - 1986).

Đọc tập thơ “Ném câu thơ vào gió”, nhà giáo lão thành, nhà nghiên cứu văn học Tầm Dương (tức Văn Tâm) qua bài viết “Thơ trong gió của Bằng Việt” có đoạn viết: “Nhà thơ Bằng Việt... quê ở “Xứ Đoài mây trắng lắm” là một trong những thi sĩ bẩm sinh của thơ ca Việt Nam hiện đại” (Tạp chí Kiến thức ngày nay - 2002). Giáo sư Hà Minh Đức viết: “...Trong lớp các nhà thơ trẻ, Bằng Việt là một tâm hồn thơ thật lắng đọng, nhiều suy nghĩ!” (Trong sách “Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại" - NXB Giáo dục - 1998).

Còn những bạn thơ văn sống cùng thời với anh, Vương Trí Nhàn viết: “Một thi sĩ... từ khi mới xuất hiện trong lực lượng những người viết trẻ hồi chống Mỹ đã được coi như rất lịch sự, tài hoa, có tri thức và thường được nói đến như tiêu biểu cho Hà Nội hôm nay, đó là Bằng Việt”. Rồi Nguyễn Thụy Kha tâm tình: “Gặp nhau ở Thủy Tạ (Hà Nội) giữa mùa thu bỗng một người bạn đọc to: “Sau ba năm mặt đối mặt quân thù/ Cảm động quá, khi mùa thu lại đến!”. Hay! Một câu thơ hay! Hỏi ra mới biết đây là câu trong bài thơ mới in của Bằng Việt “Tình yêu và báo động” (Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, tháng 12/2006).

Nhà thơ Anh Ngọc khẳng định: “Bằng Việt xuất hiện gần như cùng thời với Lưu Quang Vũ và tập thơ in chung của hai người “Hương cây - Bếp lửa” có một vị trí quan trọng trong nền thơ chống Mỹ, nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng yêu thơ... Thơ Bằng Việt giàu tính khái quát, đậm chất triết lý, thường đề cập đến những đề tài rộng lớn, với giọng điệu chính luận được xây dựng trên chất liệu xanh tươi của cuộc sống, vẫn giàu tính hình tượng và âm hưởng của đời thường...” (“Hồn thơ thế kỷ” - NXB Thanh niên - 2001).

“Vào những năm đầu của thập kỷ 60, Bằng Việt xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một ánh đèn nê-ông kỳ ảo, tỏa sáng trí tuệ, sự mát mẻ của tuổi xuân và cái dịu dàng của hồn thơ anh. Với những câu thơ xúc cảm tinh tế, chữ nghĩa lóng lánh, độc giả ấn tượng về anh như một nhà thơ lịch lãm, tài hoa” (Tập bình thơ “Thành phố đời mình” của Phạm Khải - Hội Văn nghệ Hà Nội xuất bản - 1993).

Tiếp nữa, nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học viết về anh: Thiếu Mai, Nguyễn Thanh Kim, Nguyễn Hoàng Sơn, Trịnh Thanh Sơn, Dương Kiều Minh, Anh Chi... Và Nguyễn Trọng Tạo - một nhà thơ tài hoa, nhà phê bình sắc sảo, một nhạc sĩ từng “đóng dấu chín” trong lòng bạn đọc và người yêu âm nhạc, trong lời Tựa viết cho tập “Hương cây - Bếp lửa” (tái bản 2004) có đoạn viết: “.

Với cái nhìn thi sĩ được chiếu rọi qua lăng kính văn hóa, Bằng Việt đã mang đến cho thơ thời chống Mỹ một dung lượng suy tư mới. Nó vượt lên những xúc cảm đơn điệu sáo mòn của loại thơ chỉ viết thiên về tình cảm, vì thế mà đánh thức cả một thế hệ làm thơ, hướng tới những sáng tạo trong chiều sâu của tri thức và tư tưởng hiện đại...”.

Mở ra những ô cửa sổ văn hóa Đông - Tây

Bằng Việt còn là một trong số ít dịch giả uyên bác, đã sớm mở ra “những ô cửa sổ” thông thoáng để đưa “Cơn gió hội nhập” vào “ngôi nhà thi ca Việt Nam”, đưa tinh hoa trí tuệ của các nền văn hóa Đông - Tây, với hàng trăm nhà thơ thế kỷ, danh tiếng hàng đầu thế giới do anh tuyển chọn và dịch thuật, được giới thiệu, đăng tải trên các tờ báo phổ cập, những tạp chí có uy tín, qua đó bạn đọc biết đến từ nhiều nền thơ khác nhau.

Đặc biệt, qua tập tuyển “Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX” mà người ta biết đến những kiệt tác thơ của hàng trăm tác giả tên tuổi của châu Á, châu Âu, châu Mỹ La-tinh, châu Phi... được chọn lọc và chuyển ngữ sang tiếng Việt một cách tinh tế, nhuần nhị. Trong quá trình tự khám phá sự đồng cảm trong chiến tranh của thơ qua dịch thuật, Bằng Việt có lúc đã thốt lên: “Tôi ngả mũ chào kính nể những câu thơ cao thượng và tử tế của M. Gudzenko (Nga): “Mỗi nhà thơ có một tỉnh lẻ trong mình/ Những yếu đuối, lỗi lầm, những băn khoăn bé nhỏ/ Nhưng mọi điều ngẩn ngơ sẽ được dễ dàng tha thứ/ Nếu anh viết những câu thơ trung thực tận cùng.../ Số phận thế hệ tôi, khắc khổ và cay cực/ Cũng mang theo một tỉnh lẻ trong mình/ Tình lẻ không tên trên bản đồ địa lý/ Tình lẻ đã xa vời: Là cả cuộc chiến tranh”!

Khi đọc, tuyển chọn và dịch Tuyển thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX, tác giả từng bộc bạch: “Thế kỷ XX là một thế kỷ đầy những biến cố vĩ đại, đã căng sức con người ra đến hết biên độ dao động của mình, cả sức nghĩ, sức cảm thụ và nhịp sống, tiết tấu sống. Hôm nay, đứng ở tầm cao của thế kỷ kế tiếp, chúng ta có quyền nhìn lại một cách bình tĩnh, thấu thị, có đôi chút diễu cợt về những ngây thơ, cả tin, những gì bộc phát và trăn trở thái quá của chính mình, sau khi đã đi qua tất cả, trải nghiệm tất cả. Nhưng dù thế nào cũng không thể không công nhận, rằng thế kỷ XX là một thế kỷ dữ dội, khốc liệt, một lò lửa vĩ đại như cái lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân trong Tây Du Ký. Và, chính cái lò lửa ấy đã trui rèn chúng ta thành người, một chất người có lẽ cũng không đến nỗi xấu hổ. Nói như nhà văn bá tước Aleksei Tolstoi đi làm cách mạng trong “Con đường đau khổ”, thì: “Ba lần ngụp trong nước trong. Ba lần tắm trong máu đỏ. Ta trong sạch hơn cả những người trong sạch...” có lẽ cũng không ngoa!”. Những điều ấy quả thực không phải một mình dịch giả tâm đắc.

Bằng thi nhân, Việt văn hóa - 2

Nhà thơ Bằng Việt tại “Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương” lần thứ nhất tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh năm 2012. Ảnh Hoàng Kim Đáng

Và cũng không ngẫu nhiên mà bốn câu thơ đầy bi kịch: “Thế kỷ hai mươi, ai phiêu bạt trên đường/ Giữa lửa cháy, có khi nào sực nghĩ/ Làm thú vật, làm thánh thần cũng dễ/ Chỉ có làm người, khó biết bao nhiêu” đã được Bằng Việt đưa lên thành đề từ cho cả tập thơ dịch của các nhà thơ hàng đầu thế kỷ XX.

Có lẽ từ những câu thơ có trọng lượng ấy với những suy nghĩ tâm huyết ấy mà anh coi dịch thuật cũng ngang bằng với sáng tác. Hàng chục tập thơ ra đời và cũng trên 10 tập thơ dịch, truyện danh nhân lần lượt được các nhà xuất bản đón nhận. Lúc đầu anh còn cộng tác với các nhà thơ, nhà văn, dịch giả lớp trước như Xuân Diệu, Tế Hanh, Đào Xuân Quý... trong: “Thơ Pablô Nêruđa” (1974) hay thơ “Yannis Ritsos" (1978) cùng với Tế Hanh, Phạm Hổ; rồi tiếp đó, cùng với bạn cùng lứa như Phan Hồng Giang trong tập: “Đaghextan của tôi” của R.Gamzatov.

Rồi tiếp đến những tập về sau, anh tự thân đảm nhiệm. Có thể kể: “Lọ lem” (1982, thơ E.Evtushenko); “Muối của đất” (1983, tiểu thuyết của G.Markov); “TASS được quyền tuyên bố” (1985, tiểu thuyết của Yu. Xêmônôp), tuyển thơ Rasul Gamzatov (2004); “Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX” (2005)...

Tuyển nhiều tác giả nước ngoài như vậy đòi hỏi phải đọc nhiều, phải có khả năng thẩm định tinh tế bằng các ngoại ngữ mà Bằng Việt say mê học từ rất trẻ. Từ tuổi 20, chàng trai Bằng Việt đã có một cảm quan thẩm mỹ trời cho, khi mới bước vào thời sinh viên. Thăm bảo tàng nghệ thuật, ngắm nhìn bức tượng “David" của Mikenlăngiơ (Ý), anh đã có nhận xét: “Không một nhà điêu khắc nào của các thế kỷ trước tạc nổi bức tượng “David” như của Michelangelo. Tượng “David” của ông thể hiện một con người rất hài hòa, trầm tĩnh, không vặn vẹo, không trừng mắt, không nhíu mày, cũng không cần triển khai gân cốt! Một dáng đứng cực đẹp, cân bằng, có cái nhìn hết sức sâu xa, đanh thép!...”. Anh “mang" cái cảm quan thẩm mỹ sang trọng và bình tĩnh ấy vào thơ và vào cả dịch thuật sau này nữa, cũng rất thành công.

Bằng Việt từ tuyên ngôn đến hiện thực

Được hỏi về chức năng, nhiệm vụ và tầm nhìn nghệ sĩ về thơ ca chống Mỹ cứu nước, Bằng Việt đã trả lời không hề do dự: “Có người cho rằng thơ chống Mỹ khó mà hay, chỉ có thơ tình yêu và thơ kiến thiết... thì mới hay được! Tôi nghĩ rằng không phải thế. Biết yêu hết lòng thì tất cũng biết ghét hết lòng: “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương!” (Nguyễn Đình Chiểu). Cốt lõi là thương hay ghét đều phải trọn vẹn đến đáy, đừng nhàn nhạt, bằng bằng, mới chỉ nửa lòng...”; “Người viết hôm nay càng dấn sâu vào nếp sống trầm tĩnh lớn lao, cao thượng của dân tộc, tình cảm lại càng nén sâu, càng ít muốn la hét, làm ồn, đem “trống giong cờ mở” vào thơ! Dân tộc ta quyết liệt, hào hùng, nhưng không hề bốc đồng. Thơ hôm nay càng phải biết nén chặt hơn, nhằm tạo nên sức rung động thực sự từ bên trong”. 

Cái cảm quan thẩm mỹ từ tuyên ngôn đến hành động trong thơ Bằng Việt là nhất quán, được thể hiện ngay từ những tập thơ đầu, như: “Hương cây - Bếp lửa”; “Những gương mặt, những khoảng trời”; “Đất sau mưa” (sáng tác từ đầu những năm 60 đến trước những năm 80, về sau được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001).

Bằng thi nhân, Việt văn hóa - 3

Nhà thơ Bằng Việt tại Hội thảo thơ quốc tế “Thơ Việt - Nơi lưu giữ tâm hồn Việt”. Ảnh Hoàng Kim Đáng

Ba năm sau, ở tuổi 28, anh càng có những trải nghiệm chín chắn hơn về cuộc đời, sự nghiệp, về sự biến đổi nhận thức trong thơ: “... Tốc độ cuộc đời càng nhanh thì tốc độ hao mòn của thơ càng rất nhanh. Nhiều câu thơ xúc động của những năm đầu tiên từ tuổi thiếu niên bước lên tuổi thanh niên, bây giờ ngoảnh lại đã không còn làm ta quan tâm nữa! Cái gì đã xảy ra? Chẳng có lẽ mình lại chóng già đi đến thế? Không phải! Chỉ vì hôm nay cảm xúc đã hướng về cái khác cần hơn, nóng bỏng thiết thực hơn... Vậy là phải dám tước đi không thương tiếc những cảm xúc sinh tử nhất của đời mình, lo trọn những việc phải gồng lên, cốt làm xong cho hôm nay, cho ngày mai, rồi còn phải tính trước những việc cần làm ngay, xa hơn nữa, cả sau khi đánh xong giặc Mỹ...” (Báo Văn Nghệ số 313 ra ngày 10/10/1969).

Phát ngôn ấy về cuộc đời biến đổi nhận thức trong thơ được Bằng Việt chứng minh rõ qua các tập thơ tiếp: “Ném câu thơ vào gió” (2001); và “Nheo mắt nhìn thế giới” (2008).

Nhận định về thế sự được Bằng Việt thể hiện nhãn quan riêng của mình trong bài: “Rượu của Nguyễn Cao Kỳ”, hoặc bài “Phim về Lý Công Uẩn” hay bài “Vợ thời @” đều in trong tập “Nheo mắt nhìn thế giới”. Bây giờ, tôi lại “lục vấn” đến tuyên ngôn về thơ của anh, cách đây tròn 50 năm (1966 - 2016) rằng: “Không chỉ có thơ tình yêu, thơ kiến thiết..., mà thơ có thể “tả xung hữu đột” vào bất cứ đề tài gì, thể loại nào, miễn là không nhàn nhạt, không nửa vời...”. Anh đã nói vậy và quả là anh đã dám làm được đúng như vậy.

Oẳn tù tì - một hướng mới trong thơ Bằng Việt

“Oẳn tù tì” là tập thơ thứ 12 của anh. Oẳn tù tì - tên tập thơ xem ra chẳng phải là thơ nhưng lại là thơ! Cái ảnh làm bìa đúng với ý tác giả và tên tập thơ, tuy màu lên chưa đạt. Bố cục, tạo hình, ánh sáng cùng tên tập thơ được trình bày chưa “bắt mắt", chưa cân xứng với nội dung, nhưng đấy là chuyện nhỏ!

Tác giả học Luật - nghề nghiệp ít nhiều kiến tạo nên tính cách, phương pháp tư tưởng, mang tính triết luận, tầm nhìn sắc sảo trong phát hiện, dự báo và cảnh báo... rất đậm nét trong tập thơ mới “ra lò" của anh.

Anh điềm tĩnh trong nhìn nhận, chiêm nghiệm và trải nghiệm từ cuộc đời khi đọc lại thơ thời Trần: “Có chút bùi ngùi không sao cưỡng nổi/ Khi đọc lại thơ tám thế kỷ xa rồi/ Người xưa trong hơn ta, tĩnh hơn ta/ Gần bản thể hơn ta/ Dầu sống ngắn hơn ta.../ Người xưa hồn hậu hơn ta/ Ít chịu ràng buộc vì thế tục/ Thoát nhẹ nhẹ không, qua linh kỉnh việc đời”.

Bằng góc nhìn triết học, tác giả đối chiếu với hiện thực cuộc sống hiện nay mà cảnh báo: “Ta nhỏ nhen hơn xưa mà đa sự hơn xưa/ Ta tất bật để mà ta tồn tại!”. Bởi chưng Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông: “Làm vua khi Nước gọi/ Làm sư khi thân nhàn... / Nhất cử nhất động đều minh bạch/ Soi mình trước Trời, Đất, Người/ Thiên hạ trong tay mình/ Mình trong tâm thiên hạ/ Thương người cũng hệt thương mình”. Vì thế mà được đại gia đình dân tộc Việt tôn vinh là “Phật Hoàng”.

Đọc liền mạch ba bài thơ: “Đọc lại thơ thời Trần”, “Tản mạn về Trúc Lâm đại sĩ” (Trần Nhân Tông) và bài “Xin ấn đời Trần”, mới thấy tầm tư tưởng sâu xa thâm thúy của tác giả: “Chẳng lẽ dân ta rất thích làm quan?/ Xe biển đỏ, biển xanh về kín đền xin ấn!”. Các vua quan nhà Trần đánh giặc xong rồi về đi tu cả, còn các quan thời nay lại tích cực đua nhau đi xin ấn, mong để “ăn mãi bổng lộc trời”. Thật nghịch cảnh! Bài “Cây ở Thâm Quyến”, “nói ở đây mà chết cây giữa rừng”, động ngay đến chuyện môi trường ở ta, hàng ngàn cây xanh: cảnh quan ngay tại Hà Nội thời điểm đó đã bị chặt hàng loạt, rồi đến “Đô thị bê tông”, “Chợ hiện đại”, “Tư duy vỉa hè”... cũng cùng trong mối cảm quan như vậy.

Đến bài “Hiếu sát ở Chùa Hương”, tác giả đã “báo động đỏ” về nạn tận diệt chim câu, gà gô, sóc rừng, hoẵng, cầy hương, hươu nai... để đánh đổi lấy món ẩm thực khoái khẩu tầm thường và có phần man dã, đã thành món “thời thượng” ở một bộ phận dân cư thích tận diệt thiên nhiên vô ý thức... Và, đối với con người và cuộc đời của giới văn nghệ đàn anh, tác giả đã “kể” lại bằng những góc nhìn riêng “Vài kỷ niệm về Lê Đạt”, “Trần Huyên Trân”, “Nguyễn Tuân”, “Phạm Tuyên”; còn với nữ sĩ Nga Julia Drunina, lại là một nỗi tỉnh thức đau đớn về lý tưởng: “Người tử tiết vì Liên bang Xô-viết”!

Hai bài: “Bất khả kháng” và “Khơi trong gạn đục” tác giả thể hiện tâm trạng: “Sống đi, để nghiệm ra, có lắm nỗi buồn/ Càng cố tránh càng sinh nhiều ám ảnh...”. Nhà thơ Bùi Văn Kha, trong một bài viết đã in ở tạp chí Tản Viên Sơn, cũng đã rất tinh tế khi nhìn ra nỗi buồn rất riêng của Bằng Việt từ những năm đánh Mỹ: “Một nỗi buồn trong vắt... Anh cũng có nỗi buồn chia sẻ với thời hậu chiến, thời bao cấp. Anh lại có nỗi ngậm ngùi về xã hội trước thời Đổi mới. Giờ đây Bằng Việt buồn, nhưng bây giờ là nỗi buồn chiêm nghiệm... nó cứ đọng mãi trong tâm trí anh, và khi thoát ra thì thành thơ!”. Thật tuyệt!

Đọc đến bài “Mê Kông, nỗi buồn báo trước...” và bài “Chi chi chành chành” trong tập “Oẳn tù tì” năm 2016, thì có thể khẳng định rằng: Tuyên ngôn về thơ từ 50 năm trước khi đang ở tuổi 25 của anh, nay đã thành “chính quả”! “Oẳn tù tì”, triết lý từ một trò chơi thuở thiếu thời, nay quả thật nghiêm túc đã ứng nghiệm vào chính triết lý của đời! Và Bằng Việt có lý khi dùng luôn ảnh thời sự, thậm chí cả bản đồ sông Mê Kông cắt ngang đẩy đập thủy điện, để “thuyết minh” trực quan cho thơ thêm thuyết phục!

Hai trích đoạn tranh cổ: “Đức vua Trần Nhân Tông (Trúc Lâm đại sĩ) xuống núi Vũ Lâm giảng kinh” có vua Trần Anh Tông ra đón, rất đẹp, trích từ cuốn thư họa kiệt tác từ đời Minh “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” vẽ năm 1363 của Trần Giám Như (dòng dõi nhà Trần) lưu lạc sang Trung Hoa, trở thành một họa sư nổi tiếng ở Trung Quốc cũng rất ấn tượng.

Và những bức ảnh anh “chộp được” cho in cùng với các bài thơ, như “Hiếu sát ở chùa Hương”, “Trèo lên ôm tượng, ới a...”, hoặc cô gái Thái Lan dám làm xiếc “thót tim” khi phải chui đầu vào hàm cá sấu mua vui cho du khách, rồi đến tượng đài cô đào Mỹ nổi tiếng “Marilyn Monroe” vừa mới dựng lên đã bị quật đổ ở tận Quảng Tây, đưa ra bãi rác (in đủ cả minh họa làm bằng chứng cụ thể, nói có sách, mách có chứng)... quả thực đã đem lại nhiều thú vị bất ngờ cho độc giả! Và đáng khen là tác giả cũng rất hóm hỉnh và độc đáo, trong việc chịu khó phát hiện và sưu tầm được tranh ảnh minh họa hiếm, khá công phu và đắc địa cho các bài thơ.

“Oẳn tù tì” hẳn chưa phải là chặng cuối trong đời thơ Bằng Việt. Nhưng những hé mở lý thú của nó gợi cho chúng ta bước đi mới trong thơ Bằng Việt, những điều có thể sẽ tiếp tục còn làm cho chúng ta ngạc nhiên hơn và đáng để chờ đợi hơn nữa ở lứa nhà thơ thời chống Mỹ đã chín tới, như trong cái đề bài ở trên đã định danh, tuy có phần hơi đánh đố và chơi chữ của tôi:

“BẰNG thi nhân, VIỆT văn hóa”!

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.