Khi những người lính bước ra khỏi cuộc chiến
Họ giống nhau ở chất lính nhưng lại khác nhau ở mỗi số phận, đường đời sau kết thúc chiến tranh. Vấn đề của họ vẫn chưa phải đã giải quyết xong bởi cuộc sống không có có gì dễ dàng và đơn giản.
1. Chương cuối của Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn có tên Lính chỉ mong một lối về nhà. Mọi chuyện dồn lại một khát vọng ở những người cầm súng: khi đất nước cần, họ ra trận làm nghĩa vụ với nước. Giặc tan, họ chỉ có nguyện vọng trở về. Về với người thân để làm nghĩa vụ người cha, người chồng, người con… Về để được sống cuộc sống bình thường. Về để làm nốt những việc còn dang dở. Và anh tâm sự “thế hệ chúng tôi khi đất nước lâm nguy, quăng mình vào lửa đạn. Khi yên bình, may mắn còn sống trở về, lại phơi mặt ra đường, bươn chải kiếm sống, mưu sinh. Ôi những người đồng đội thân yêu của tôi - những người lính, họ vẫn thầm lặng đâu đó giữa đời thường. Bình dị thôi mà đẹp biết mấy” (Mùa chinh chiến ấy, tr 423).
Nói như nhà thơ Lê Minh Quốc thì Đoàn Tuấn đã có những tác phẩm xuất sắc viết về chiến tranh và “vệt” đề tài này đã đủ neo vào trí nhớ người đọc những trang viết xúc động, chân thực, bi tráng về người lính. Có thể nói ít người đã viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp bạn của Quân tình nguyện như anh.
Đọc những tác phẩm của anh về những người lính ở chiến trường K, tôi luôn bất ngờ về những gì anh viết. Đất bên ngoài Tổ quốc (in chúng với Lê Minh Quốc) là tác phẩm đầu tiên của anh về cuộc chiến đấu khốc liệt ở chiến trường này nhưng dù sao đó là thơ nên khó có thể nói hết được những cái ngóc ngách, chi tiết, trần trụi của cuộc chiến. Phải chăng vì thế mà mấy cuốn sách tiếp theo của anh về cuộc chiến này đều là văn xuôi?
Những Mùa linh cảm, Một trăm ngày trước tuổi hai mươi, Mùa chinh chiến ấy dù khai thác hiện thực dưới góc độ nào, bằng phương thức gì thì cái chất thực về cuộc chiến dù ở chiến trường hay nơi không có súng nổ, người chết… vẫn sát sạt với những gì đã diễn ra, vẫn thấy những quan sát, kể lại của người trong cuộc, của những người cầm súng trực tiếp. Nếu phải nói rằng thế hệ những nhà văn viết về chính họ đã đem lại cho văn học những tiếng nói khác, mới và gân guốc, quyết liệt cũng không có gì là quá.
Tiểu thuyết hay ký thì vẫn là những con người ấy từ nhiều góc độ nhưng nhiều hơn cả vẫn là những tâm tình, suy tư, lo âu về cuộc chiến trong và sau đó, cho chính mình, cho người khác chân thực, không chút tô vẽ, né tránh, kiêng kỵ.
Đọc cả mấy cuốn sách của anh về chiến tranh thấy liền một mạch về tư tưởng, thấy nguyên si những người lính, thấy nguyên vẹn những hiện thực khốc liệt của chiến tranh và nỗi đau đáu của anh về đồng đội-những người chết và những người sống và dường như trang viết nào của anh cũng như một nén nhang thắp cho người đã ngã xuống, một lời tri ân với đồng đội và nguyên vẹn một tình yêu lớn lao của những người đồng đội.
2. Lời cầu nguyện cho nhưng linh hồn phiêu dạt vẫn viết về chiến tranh nhưng theo một hướng khác. Dưới hình thức hơi lạ, một cốt truyện hơi khác với mấy cuốn trước của anh nhưng mạch xuyên suốt vẫn là một: những trăn trở đau đáu về cuộc chiến đã qua, những tâm tư và số phận con người sau cuộc chiến. Nói cho công bằng, trước anh đã có những người khác viết về những người lính đi ra từ cuộc chiến ấy sẽ trở về đời thường như thế nào.
Đây là một vấn đề lớn, liên quan đến tất cả mọi người nhưng câu trả lời không hề đơn giản. Trong tiểu thuyết của Đoàn Tuấn, lúc có nhân vật này nói ra, lúc nhân vật kia im lặng nhưng người đọc đều hiểu điều anh nói là tìm ra câu trả lời cho những nỗi niềm ấy không dễ dàng bởi mỗi người có số phận, một hoàn cảnh, một năng lực, một cách hướng đến điều đó khác nhau.
Khi bước chân vào cuộc chiến những người lính chỉ có một tâm niệm họ đi làm nghĩa vụ của người trai thời loạn, khi đất nước đặt vào vai họ những trách nhiệm xã hội chưa bao giờ lớn như thế. Họ nghĩ ít mà chỉ hành động theo yêu cầu nhiệm vụ và luôn nghĩ rằng đó là những việc phải làm, làm sao hoàn thành nhiệm vụ, thắng để sống mà về với gia đình và tiếp tục thực hiện những ước mơ, công việc còn dang dở. Nhưng ra khỏi cuộc chiến biết bao nhiêu vấn đề đặt ra không dễ trả lời: làm sao để sống, sống tốt, sống không chỉ cho mình mà còn cho tương lai.
Trong cuộc tìm kiếm và mưu sinh ấy có người thành công, có người thất bại nhưng trong sâu thẳm của những người lính trở về vẫn còn nguyên vẹn những tình cảm với đồng đội, nghĩa vụ với nhau và với người thân của họ. Những câu hỏi đặt ra cho họ dữ dội, ám ảnh, không chỉ cho những nhu cầu trước mắt mà cho cả sau này, không cho riêng họ mà cho một thế hệ.
3. Tôi nhớ trong Lời cầu nguyện cho nhưng linh hồn phiêu dạt có mấy lần Đoàn Tuấn nói về những hội chứng của những người lính bước ra khỏi cuộc chiến nhưng chi tiết và tâm trạng thì nhiều hơn. Hội chứng không ngủ của Ánh, hội chứng mất chân của người lính, hội chứng luôn nghĩ về những lần gặp may mà thoát chết của Thanh gàn nhưng đó chỉ là bề ngoài của sự việc còn trong suy nghĩ của Thanh gàn là những người khác đã chết cho anh sống không chỉ có một lần, hội chứng của Phai, chỉ nhớ đơn vị cũ của mình là 307, từ Đà Nẵng vào Sài Gòn cũng cứ nhớ về số nhà 307 là phiên hiệu đơn vị anh tự đặt cho số nhà của mình.
Cứ kể khơi khơi thế nhưng khiến người đọc có thể trào nước mắt. Bởi, nói như lời tác giả nói với Ánh: “Ông đi tìm linh hồn người chết. Tôi đi tìm linh hồn người sống”. Và Ánh “...Đấy là công việc nên làm…đừng để họ chết trong buồn thảm, cô đơn”. Tác giả cũng là một người lính trở về đã nói với bạn “Chúng ta là những người hạnh phúc. Và chúng ta có cùng một cội rễ. Đó là tình đồng đội, đặc biệt là đồng đội trong chiến tranh. Mà chiến tranh lại ở xa đất nước. Có bao giờ, có khi nào, hàng chục nghìn người, kẻ Bắc, người Trung, người Nam, người dân tộc thiểu số, người Kinh… cùng gọi nhau là “đồng hương” không.
Bây giờ ngoài tình cảm gia đình, tôi cảm nhận, tính đồng đội là thiêng liêng hơn cả”. Đúng như rất nhiều nhân vật và linh hồn của họ đã “nói” với nhà sư sau mỗi lễ cầu nguyện “ghé vào mỗi ngôi nhà, ta mới cảm thấy sao có nhiều nỗi đau vậy?... Những nỗi đau chiến tranh, trong tâm hồn họ, như lời nguyện cầu, sống sao cho xứng đáng với phẩm giá của người đã khuất”.
Như có người đã nói, đây không phải là một góc nhìn khác về cuộc chiến. Nó không khác cái nhìn truyền thống mà kỹ hơn, sâu hơn mang tinh thần hòa giải hơn bởi những gì đã qua là một phần của lịch sử. Cái khác với nhiều cuốn sách khác viết về cuộc chiến ở chỗ nó không chỉ kể chiến công, không kể sự kiện mà kể về tâm trạng, tâm hồn, những dằn vặt và con đường giải thoát khỏi những ám ảnh về cuộc chiến họ đã trải qua.
Đó không phải là sự chạy trốn, không phải sự lãng quên mà đi tìm cách hóa giải cho những ám ảnh của một thời để con người như được gột rửa, được giải thoát khỏi những níu kéo về cuộc chiến mà vững vàng hướng tới tương lai. Những cuộc cầu nguyện này không xóa nhòa ranh giới cuộc chiến, không mang tinh thần nhân đạo hay tín ngưỡng chung chung mà nó làm cho con người ngộ ra nhiều điều, trong đó có mình.
Tác giả nói về việc tại sao trong tác phẩm có nhiều chi tiết về hy sinh, mất mát, về cả những sự thực nhiều người kiêng kỵ, né tránh khi viết về những mặt trái hoặc sự thảmkhốc của cuộc chiến “Chiến tranh không chỉ là những đoàn quân ra trận; những bản tổng kết rực rỡ hay những huân, huy chương rạng ngời. Đối với những người lính, họ nhìn chiến tranh bằng cặp mắt khác.
Họ soi rõ ngọn ngành trong từng sự việc, từng cái chết, từng lần chết hụt, từng chuyện đau lòng. Và chỉ có những người lính chiến mới có thời gian và tâm trạng nhìn từng sự việc nhỏ như vậy”.
4. Đọc tiểu thuyết của Đoàn Tuấn luôn gặp hết những bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tư tưởng mở ra một hướng bất ngờ; cốt truyện mở ra nhiều mảng để cho anh bộc lộ hết những góc khuất khác nhau của đời sống; sự đa dạng của các loại nhân vật gắn với những chi tiết đời thường cả lúc ở chiến trường lẫn sau này trở về đời thường của những người lính…
Không có nhiều thời gian, công sức cho một tính cách nhân vật tiểu thuyết thường gặp theo một quá trình nhưng từng con người vẫn cứ lộ ra góc cạnh, riêng biệt, sinh động. Cứ có cảm giác như một phóng sự về những người bạn lính của tác giả: Mạc Văn Tướng, Hà Văn Rích, Hoàng Kiên, Sùng Sái Lếnh, Lý Viết Cương… mỗi người mỗi vẻ, không lẫn với ai. Họ giống nhau ở chất lính nhưng lại khác nhau ở mỗi số phận, đường đời sau kết thúc chiến tranh. Vấn đề của họ vẫn chưa phải đã giải quyết xong bởi cuộc sống không có có gì dễ dàng và đơn giản.
Họ có thể thua thiệt trong cuộc đời này, không thể sống trong đủ đầy như những người “khôn ngoan” khác nhưng họ sống với những tình cảm chân thật và yêu thương, bản lĩnh và hào hiệp của những người lính đã từng đi qua cuộc chiến không nghĩ cho riêng mình mà sống chết cho những điều lớn lao. Đây cũng là một điểm sáng của tiểu thuyết.
Bình luận