Ký sự: Cầu Hiền Lương

Có một người phụ nữ Ba lan từng tuyên bố: “Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của tôi”. Người phụ nữ đó chính là nhà văn, nhà báo Ba Lan, bà Monika Warnenska (4/3/1922 – 9/4/2010). Mùa xuân năm 1962, bà sang Việt Nam lần đầu tiên, khi Việt Nam đang bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc và kết quả của chuyến đi này là tác phẩm Cầu trên sông Bến Hải.

Sau chuyến đi năm đó bà có cảm tình đặc biệt với Việt Nam, qua lại Việt Nam rất nhiều lần, thời chiến cũng như thời bình. Một người phụ nữ châu Âu nhỏ nhắn như bà mà dám lặn lội tới những vùng chiến sự ác liệt nhất, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhất ở Việt Nam. Bà đã từng ngồi trong địa đạo Vĩnh Linh viết bài dưới làn pháo địch, đi khắp vùng khu bốn ngổn ngang đổ nát do bom thù gây nên. Năm 1965, bà vượt tuyến (sông Bến Hải) vào Nam, bà đi xuyên rừng, bất chấp bom rải thảm của pháo đài bay B52, coi khinh muỗi vắt và gai nhọn của cây rừng, thăm vùng giải phóng.

     Bà táo bạo tới độ, có lần từ rừng sâu bà đi cùng các chiến sĩ quân giải phóng đột nhập vào tận cửa ngõ Sài Gòn. Chưa hết, năm 1969 bà đổi họ tên Ba Lan, mang danh một nhà báo Pháp, thâm nhập vào tận Đô thành Sài Gòn để săn tin, viết bài. Đối phương chẳng hề hay biết, người nữ phóng viên ngoại quốc này cách đó không lâu đã từng hiện diện ở Hà Nội, được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi từ Bắc đã Vượt tuyến vào Nam, đi khắp vùng giải phóng.

     Không kể một số lượng lớn các bài báo, tin tức cặp nhật tình hình Việt Nam mà bà đã gửi về nước cho báo chí Ba Lan và cả châu Âu, bà Monika Warnenska đã viết hàng chục cuốn sách về Việt Nam. Dưới đây Thời báo Văn học Nghệ thuật xin trân trọng giới thiệu ký sự Cầu Hiền Lương của bà, qua dịch thuật của nhà văn dịch giả Lê Bá Thự.

Ký sự: Cầu Hiền Lương

     Mùa xuân năm 1962 lần đầu tiên tôi đến Việt Nam.

     Chỉ sau mấy tuần tôi đã hoàn tất chuyến đi thăm thung lũng Điện Biên Phủ, một địa danh huyền thoại bởi trận đánh lẫy lừng từng diễn ra cách đó tám năm về trước, trận đánh quyết định việc kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chống thực dân Pháp. Tôi cũng đã hoàn tất cuộc chu du khắp vùng đồng bằng sông Hồng và chiêm ngưỡng vịnh Hạ Long đầy thơ mộng, nơi có hàng ngàn đảo đá nhô lên từ đáy biển...

     Vẻ đẹp phi thường muôn màu muôn vẻ của phong cảnh Việt Nam, núi, rừng, màu xanh vô tận của những cánh đồng lúa, miền duyên hải đẹp như tranh, tất thảy mọi thứ đó đã đọng lại trong tâm trí tôi. Trên mỗi bước đi tôi bắt gặp sự chân tình, lòng nhiệt thành và tình hữu nghị của mọi người dân.

     Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi tới thăm một đất nước mà cho đến nay tôi chỉ quen biết qua các bài phóng sự của các bạn đồng nghiệp lớn tuổi của tôi, những người đã từng đi trên những con đường mòn Việt Nam, như Wojciech Zukrowski và Miroslaw Zulawski. Tôi ghen tị với cả hai: Một người đã chứng kiến, đã tham dự, đã viết bài về Việt Nam chiến đấu, Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng chống lại những kẻ mưu toan lập lại ách thống trị thực dân trước đây. Người thứ hai đã có mặt tại Việt Nam trong thời kì bước ngoặt mùa thu năm 1954,  khi chính phủ và quân đội nhân dân từ vùng tự do trở về Hà Nội.

     Người ta có cảm giác, năm 1962 Việt Nam được hưởng không khí hòa bình. Liệu có thể lường trước được, chỉ sau đó ba năm, một cuộc chiến tranh lâu dài hơn, nguy hiểm và ác liệt hơn nhiều so với các cuộc chiến tranh trước đó, đã tàn phá đất nước này? Và liệu có thể tiên đoán được, rằng trên những con đường to và những con đường nhỏ mà tôi đã từng đi lại thoải mái và an toàn, vài năm nữa tôi sẽ phải đi vào ban đêm, để tránh những cuộc ném bom của máy bay địch? Tôi đã kịp quen biết nhiều người, đã kịp kết bạn với một số người, nhưng tôi đâu có nghĩ, sau vài năm nữa tôi sẽ gặp ở đây, tại Việt Nam, những bạn đọc cuốn sách của tôi được dịch sang tiếng Việt, cuốn sách có tiêu đề “Việt Nam trong trái tim tôi”.

     Tạm thời đất nước này vẫn yên bình. Đang mùa xuân. Người Việt Nam vừa ăn Tết, tức Năm Mới âm lịch. Sau Tết tôi được mời tới thăm tòa soạn báo “Thống Nhất”. Tôi hiểu hai từ này, có nghĩa là thống nhất đất nước. Thống nhất đất nước bị chia cắt theo quy định của các điều khoản Hiệp nghị Giơnevơ kí năm 1954. Việc chia Việt Nam ra “miền Bắc” và “miền Nam” chỉ là tạm thời. Sau hai năm, tức năm 1956, sẽ tiến hành tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Mô hình giải pháp chính trị này không phải lần đầu tiên được áp dụng; Triều Tiên đã là một thí dụ, nước này vẫn còn bị chia cắt đến tận bây giờ, khi tôi đang viết những dòng chữ này – 1980.

     Giới tuyến tạm thời biến thành biên giới không chỉ chạy dọc theo vĩ tuyến mười bảy. Nó đã chia cắt nhiều gia đình Việt Nam. Giữa hai miền đất nước không còn bất kì mối liên lạc nào. Nhà báo tôi quen biết làm việc tại tòa báo “Thống Nhất” đã từng tham gia kháng chiến trên mảnh đất quê hương miền Nam của mình. Năm 1954 anh cùng vợ tập kết ra Bắc. Mẹ anh vẫn ở lại Sài Gòn. Người mẹ đã yêu cầu con trai để hai đứa cháu ở lại với bà. – Hai năm nữa chúng ta lại đoàn tụ cơ mà, - bà mẹ thuyết phục người con trai. Có các cháu ở cùng, mẹ sẽ không cảm thấy cô đơn.

     Năm 1956, năm thất vọng đã trôi qua. Những năm tiếp theo lần lượt tới.  Tại miền Nam Việt Nam, Mỹ dựng lên chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt nam chia cắt đất nước. Không ai nhắc tới chuyện bầu cử nữa. Anh bạn ở tòa báo “Thống Nhất” không hay biết gì về các con và người mẹ của mình ở trong Nam. Rất nhiều gia đình chia ly cũng chịu số phận như vậy. Cuộc sống của nhiều cặp vợ chồng như lửng lơ trong không trung. – Tôi dần dần không còn nhớ nổi hình ảnh bố mẹ mình – Phương, một cô gái Việt Nam có quan hệ rất thân thiết với tôi, nói vậy (lúc đó, mùa xuân năm 1962, tôi vẫn còn chưa biết, sau này chính Phương trở thành nhân vật chính trong cuốn sách “Con gái của Ngài Thượng quan” của tôi...). Phải biết sức mạnh và sự gắn bó keo sơn của mối quan hệ gia đình của người Việt Nam thì mới thấu hiểu nỗi khổ đau của những  con người hàng năm trời không nhận được tin tức gì về người thân của mình. Việc chính thể độc tài Ngô Đình Diệm duy trì sự chia cắt đất nước đã dựng nên một bức tường không thể vượt qua giữa hai miền Nam Bắc. Không có hộ chiếu nào, chẳng có giấy thông hành nào. Không có thăm viếng lẫn nhau, chẳng thư từ qua lại.

     Anh bạn ở tòa soạn báo “Thống Nhất” hỏi tôi:

     - Chị có thể làm gì để góp phần thống nhất đất nước chúng tôi?

     Tôi dang hai tay bất lực. Câu trả lời phải như thế nào đây? Câu trả lời của người khách phương xa hết mực chân tình với Việt Nam, nhưng lại không có một chút ảnh hưởng nào đối với các sự kiện chính trị. Cho nên tôi chỉ còn biết nói rằng, Tôi luôn luôn ở bên cạnh các bạn Việt Nam bằng cả trái tim của mình, tuy nhiên tôi chẳng làm được gì trước thảm kịch hai miền bị chia cắt.

     Khi các  bạn Việt Nam hỏi tôi, chị có muốn vào thăm giới tuyến, tôi đồng ý ngay, không chút chần chừ.

     Và mấy ngày sau đó tôi đã có mặt tại Hồ Xá, thủ phủ Vĩnh Linh, mảnh đất tận cùng phía nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chẳng bao lâu tôi được thấy một quang cảnh khiến tôi mê say còn hơn cả rừng rậm, bờ biển và thiên nhiên mới lạ. Đó là một cây cầu, cầu trên sông Bến Hải. Bài phóng sự đầu tiên của tôi từ Việt Nam có tiêu đề như vậy. Và cuốn sách đầu tiên của tôi về đất nước này cũng có tiêu đề như vậy. Ngày này và cảnh này sẽ mãi mãi được ghi vào tiểu sử của tôi, làm biến đổi cuộc đời tôi, cho dù tôi vẫn còn chưa biết điều này khi chúng tôi đi trên con đường chạy qua những cánh đồng lúa xanh, rồi sau đó chúng tôi đi bộ về phía sông Bến Hải, để lại phía sau chiếc xe “gaz”. Con sông này không nổi bật. Chiều rộng cũng như cảnh quan đôi bờ không thể sánh với sông Đà, sông Hồng… Trước đây tôi đã nhiều lần nhìn sông Bến Hải trên bản đồ, còn bây giờ tôi đang say sưa ngắm nhìn dòng sông này, dòng sông hiền hòa chảy qua những đồng lúa xanh.

     Chúng tôi đi gần tới giới tuyến chạy dọc theo vĩ tuyến mười bảy. Trước mắt chúng tôi là cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải.

     Một nửa cây cầu, phía bắc, sơn màu đỏ. Nửa còn lại sơn màu xanh. Cây cầu này không nối đôi bờ mà là chia cắt. Không có gì giải thích nổi và cũng không có gì biện minh nổi biên giới này, biên giới sông Bến Hải. Dù là địa hình địa vật, dù là khác biệt tự nhiên, dù là tiếng nói, phong tục tập quán, lịch sử. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều đường biên giới. Nhưng không có đường biên giới nào khiến tôi cảm thấy nó khiên cưỡng và gây đau khổ nhiều đến như vậy. Hai bên cầu cảnh vật hệt như nhau, những cánh đồng lúa xanh như nhau. Và bức tường vô hình đang án ngữ một cách lạnh lùng ngay giữa lòng đất nước.

     Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Công hòa đã nhiều lần đề nghị chính quyền miền Nam cho nhân dân hai miền Nam Bắc được trao đổi thư từ, cho phép những người ruột thịt được thăm viếng lẫn nhau, đó chỉ là những hình thức liên lạc hết sức thông thường của người dân. Nhưng tất thảy những cố gắng đó đều bị từ chối thẳng thừng. Hai lá cờ khác nhau được cắm trên hai bờ sông Bến Hải.  Phía bờ Nam lá cờ có ba sọc đỏ trên nền vàng. Những sọc đỏ này tượng trưng cho ba tên gọi ba vùng Đông Dương trước đây: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Lá cờ thứ hai, trên bờ bắc, cờ của chúng ta – xin cho phép tôi được gọi như vậy – lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Lá cờ này xuất hiện lần đầu tiên hồi năm 1940, trong đoàn quân du kích, thời kháng chiến chống phát xít Nhật. 

     Hai lá cờ khác nhau trên hai bờ đối diện nhau của sông bến Hải…

     Mặt trời lên cao trên đỉnh đầu, bầu trời trong xanh. Trên cầu bóng dáng hai người lính đang đi lại. Người lính phía bên này mặc quân phục vải diềm bâu, người lính phía bên kia mặc bộ quân phục rằn ri của lính Sài Gòn. Lính hai bên chậm rãi đi đi lại lại trên cầu, nhưng không được sang bờ đối diện.

     Dòng xám của sông Bến Hải nối liền với biển xanh. Ngay bên cửa sông, bãi Cửa Tùng trải rộng. Bờ bên này sườn dốc – đó là miền Bắc. Bờ bên kia cây mọc thưa thớt – đó là miền Nam.

     Trên bờ Nam một tấm biển với khẩu hiệu: ĐẢ ĐẢO BỌN TAY SAI ĐỎ NGA TÀU!

     Trên bờ bắc, cách không xa ngôi nhà, nơi rộn ràng giọng con trẻ - vì đây là lớp học – một khẩu hiệu khác, lời đẹp và giản dị: BẮC NAM MỘT NHÀ.

     Sông Bến Hải chảy qua một thung lũng rộng, giữa những cánh đồng lúa xanh và bãi rậm. Dòng sông này là biên giới của hai thế giới. Đường biên giới này nom có vẻ yên bình, nhưng thực ra đang hừng hực ngọn lửa chiến tranh vô hình.

     Hai bên cầu Hiền Lương hai lá cờ khác nhau đang tung bay. Xa hơn, trên đất miền Nam, cách đây gần hai năm, ngày 20 tháng 12 năm 1960, một lá cờ Việt Nam thứ ba được giương cao: lá cờ màu xanh – đỏ với sao vàng ở chính giữa. Đó là lá cờ của lực lượng đoàn kết những người yêu nước miền Nam chống lại chính thể Sài Gòn cùng tên độc tài Ngô Đình Diệm và người Mỹ bảo hộ chính thể này. Lực lượng này được gọi là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

     Tôi đứng nhìn biên giới của hai thế giới. Biên giới đau thương, biên giới chia cắt đất nước đã tám năm ròng.

     Tôi nghĩ về cuộc chiến đấu đang tiếp diễn.

     Tôi dần dần đi tới quyết định mà tạm thời tôi chưa tiết lộ cho bất kì ai: Đột nhập sang đó. Sang bên kia. Không phải chỉ sang bờ bên kia sông Bến Hải. Mà xa hơn. Nơi các chiến sĩ du kích của Mặt trận Giải phóng đang chiến đấu. Đi tới mặt trận trong rừng…

     Ba năm sau, mùa xuân năm 1965, tôi lại có mặt tại chính nơi này. Trước đó không lâu miền bắc Việt Nam bắt đầu bị ném bom. Nhiều nhà cửa, trường học và bệnh viện bị phá tan hoang. Tôi vẫn còn nhớ, hồi năm 1962 người ta đã xây dựng những ngôi trường này như thế nào.

     Chúng tôi phải đi vào ban đêm hoặc lúc đầu sáng, trước khi một ngày nắng chói chang bắt đầu.

     Ô tô được ngụy trang bằng cành lá, khoác lưới ngụy trang. Không được mặc quần áo màu. Quần áo phải có màu ngụy trang: màu xanh, màu nâu, màu xám.

     Con đường chạy về phía nam – qua các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, cho tới tận Vĩnh Linh.

     Phía sau thành phố, trời nhá nhem, những người nông dân đang khẩn trương làm việc trên những cánh đồng lúa, hầu như ai cũng đeo trên lưng một khẩu súng trường. Cách đây ba năm, cũng trên con đường này chúng tôi hoàn toàn thoải mái đi giữa ban ngày… Bây giờ, lúc hoàng hôn, bóng đêm nhanh chóng phủ lên màu xanh mơn mởn của những cánh đồng lúa. Ánh sáng yếu ớt lọt qua khe liếp của những ngôi nhà tranh. Nông dân đi làm đồng về, chân bước nặng nề. Dọc hai bên đường tại các làng mạc thị trấn, nơi xe chúng tôi đi qua, người ta đào hào giao thông. Những chiếc hầm trú ẩn có nắp đậy được đào ngay cạnh nhà để có thể nhanh chóng xuống hầm.

     Chúng tôi qua phà. Màn đêm dày đặc. Hơi nước bốc lên. Không khí ẩm ướt vì mưa xuân. Tiếng dế mèn kêu đơn điệu và sốt ruột. Làm một ngụm nước chè nóng và chúng tôi lại đi tiếp.

     Hà Tĩnh – một thị xã yên bình, bao quanh là những cánh đồng lúa mênh mông, đang chìm trong tĩnh lặng của giờ nghỉ trưa. Ngồi trước ngôi nhà, là trạm dừng chân nghỉ đêm cho cán bộ, tôi ghi chép những từ và câu tiếng Việt cần thiết trong hoàn cảnh chiến tranh, như “giao thông hào”, “hầm trú ẩn”, “hầm cá nhân”. Hầm cá nhân thường có nắp đậy bện bằng rơm, hoặc nắp bê tông (ở thành phố). Vừa đến Hà Tĩnh tôi đã được hướng dẫn lối gần nhất ra hầm trú ẩn. Tại Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh hay bất kỳ thành phố nào khác khi chúng tôi dừng chân đều được hướng dẫn như vậy. “Báo động” là cụm từ tôi thường hay nghe nhất hồi mùa xuân năm 1965. Sự sống mà!

     Hôm qua tôi đến thăm một trường học ở Vinh. Tôi ghi lại nội dung bài toán đố: “Một đơn vị dân quân ngày đầu tiên bắn rơi ba máy bay, ngày thứ hai – hai chiếc, ngày thứ ba – sáu chiếc. Trong ba ngày kẻ thù đã mất tổng cộng bao nhiêu mấy bay?”

     “Một đơn vị dân quân tự vệ có hai mươi bẩy chiến sĩ. Một phần ba đơn vị được cử đi đào giao thông hào. Số chiến sĩ ở lại là bao nhiêu?”

     Tôi ngẩng đầu lên khỏi cuốn sổ tay. Các em học sinh đang đi trước mặt. Trên lưng em nào cũng cài lá ngụy trang. 

     Bỗng tiếng còi báo động nổi lên. – Báo động! Đây là đài truyền thanh Hà Tĩnh. Đồng bào chú ý! Máy bay địch đang tới gần, các lực lượng dân quân tự vệ sẵn sàng chiến đấu!

     Anh Phan, phiên dịch, chạy theo đường mòn. Anh gọi to – Xuống hầm ngay! – Ngay lập tức đã nghe thấy tiếng rít của máy bay địch. Chúng lao xuống trên đầu chúng tôi. Tiếng tên lửa cùng tiếng đạn nổ vang. Chúng tôi không kịp xuống hầm. Phan cầm tay kéo tôi vào nhà bếp gần đó. Máy bay ném bom gầm rú trên đầu. Hết đợt ném bom này đến đợt ném bom khác. Hai mươi lăm máy bay địch ném bom thị xã Hà Tĩnh. Có mấy chiếc đã không về căn cứ của mình. Một phi công nhảy dù bị bắt làm tù binh.

     Nhưng chuyện này chúng ta sẽ được biết sau. Còn bây giờ nấp trong tường chúng tôi nghe tiếng nổ của đạn pháo phòng không. Các chiến sĩ tự vệ đáp lại kẻ thù.

     Còi báo yên vang lên. Tại Cầu Phu, ngoại ô thị xã, tên lửa địch đã thiêu hủy mười bảy ngôi nhà. Khói nghi ngút bốc lên từ những đống tro tàn. Những người bị thương được chở đến bệnh viện. Trên đường đầy những hố bom mới. Mùi cháy khét lẹt.

     Các chiến sĩ công binh dò tìm bom nổ chậm. Hàng chục gia đình mất nhà cửa và toàn bộ tài sản. Lão nông, người đã kịp bế đứa cháu xuống hầm trú ẩn, áo rách tả tơi trên lưng, mắt long sòng sọc, nói: Điều quan trọng là cuộc sống của chúng tôi vẫn tiếp diễn và kẻ thù đã được dạy một bài học.

     Tôi đến gặp tiểu đội dân quân tự vệ, tiểu đội nổ súng đầu tiên vào máy bay địch. Họ là cán bộ nhân viên của một chi nhánh ngân hàng địa phương. Nghe còi báo động, ngay lập tức họ rời khỏi bàn làm việc, rời sổ sách, tính toán. Họ nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí của mình. Họ đã bắn trúng máy bay địch. Chính trị viên đơn vị tự vệ nói: - Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng chiến đấu. Nếu máy bay địch lại đến bắn phá, chúng tôi lại sẽ đáp trả lại chúng như hôm nay.

    Chính tại Hà Tĩnh tôi đã nếm trải trận ném bom đầu tiên, cuộc “thử lửa” đầu tiên. Sau này, sau hai năm chiến tranh, tôi không còn tính nổi tôi đã phải tránh bom bao nhiêu lần trên vùng đất nằm giữa vĩ tuyến mười chín và vĩ tuyến mười bảy, tại các tỉnh đã đi vào lịch sử Việt Nam với cái tên “Khu Bốn”.

     Các cuộc báo động và các trận ném bom vẫn tiếp tục bám riết chúng tôi khi chúng tôi đi qua Quảng Bình và Vĩnh Linh. Hai ngày sau tôi lại có mặt ở nơi quen biết. Từ một mỏm đất ven bờ, tôi ngắm nhìn cảnh đẹp, biển rộng bao la. Sông bến Hải đổ ra biển ở chỗ này. Bờ nam gần đến nỗi có thể nhìn thấy rõ khu đồn bốt của lính biên phòng Sài Gòn, những bãi rậm và người đi lại. Có cảm giác, chỉ cần lội ngang qua đoạn nước nông là sang được bờ bên kia…

     Từ cách đây ba năm tôi đã xin phép được vào thăm vùng giải phóng để tận mắt chứng kiến cuộc chiến đấu tại miền Nam. Không có chuyến đi nào tôi lại háo hức đến như vậy. Nhưng cho dù đã tìm mọi lý do, đã nhiều lần đề nghị, tôi vẫn tiếp tục bị từ chối. Bờ nam sông Bến Hải tưởng là gần nhưng vẫn xa xôi và không tới được.

     Khu vực cầu Hiền Lương tạm thời yên tĩnh. Giống như cách đây ba năm, hai bên bờ sông hai lá cờ vẫn cắm chặt. Lá cờ thứ ba, ở đây không có, lá cờ xanh – đỏ với sao vàng ở giữa, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đang tung bay tại các vùng giải phóng đang càng ngày càng được mở rộng.

     Từ phía bên phải cầu Hiền Lương, con sông chia làm hai nhánh. Phía nam một đồn mới được dựng lên. Ngôi chùa nằm ở phía bên trái đồn này bị biến thành boong-ke . Những lỗ châu mai ở đó chứng tỏ điều này. Các khẩu hiệu chống cộng chữ lớn bây giờ khác trước. Đó là những khẩu hiệu đầy xúc phạm và ngạo mạn. Tôi đứng bên cầu một lúc. Một ý nghĩ lại hiện ra trong đầu tôi: liệu lần này tôi có sang được bờ nam?

     Mùi cỏ mới thơm lựng. Những chú bướm muôn màu bay là là trên những bông hoa vàng, đốm nâu, đài hoa nom giống hoa huệ. Cây cỏ bốc mùi bởi nắng trời. Tôi đụng tay vào một loài cây, bò sát đất, lá cụp lại như mimosa. Giọng một cô gái ở gần đó đang ngân nga bài hát:

     Bên ven bờ Hiền Lương

     Chiều nay ra đứng trông về

     Mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê

     Xa xa đoàn thuyền nan

     Buồm căng theo gió xuôi dòng

     Bỗng trong sương mờ, không gian trầm lắng nghe câu hò…

     Thuyền ơi, có nhớ bến trăng, bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

     Nhắn ai luôn giữ câu nguyền. Trong cơn bão tố vững bền lòng son…

     

     Tôi cảm nhận cái phi lí và sự vô nghĩa của bức tường chia cắt đất nước này, chia cắt dân tộc này, chia cắt người dân nước này. Bức tường vô hình sừng sững giữa lòng đất nước vẫn còn đó. Bức tường đau khổ.

     -Về Ba Lan? Anh Trường, lái xe, hỏi tôi, khi chiều tối hôm đó chúng tôi quay ra Hà Nội. Tôi trở về Ba Lan hả?... Chưa đâu. Tạm thời chưa. Trong những ngày thử thách nặng nề này tôi không thể rời Việt Nam. Tôi vẫn chưa vào được miền Nam. Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của tôi.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những sóng gió vùi dập HAGL và hy vọng “hồi sinh” của bầu Đức

Những sóng gió vùi dập HAGL và hy vọng “hồi sinh” của bầu Đức

Từng là doanh nghiệp BĐS đầu ngành, những quyết định sai lầm trong kinh doanh khiến HAGL trải qua hơn một thập kỷ sóng gió, nhiều thời điểm đối diện nguy cơ phá sản khi tổng nợ lên tới gần 33.000 tỷ đồng. Nhưng sau chục năm chìm trong nợ nần, HAGL của bầu Đức đang dần “hồi sinh” với hướng đi mới.

3 con giáp hớp hồn thiên hạ, quyến rũ bất chấp tuổi tác

3 con giáp hớp hồn thiên hạ, quyến rũ bất chấp tuổi tác

Theo tử vi, những người thuộc 3 con giáp này thường thể hiện sự thu hút và quyến rũ mạnh mẽ trong tình yêu và các mối quan hệ. Hành vi của họ đôi khi có thể gây tranh cãi, nhưng sự quyến rũ và tầm ảnh hưởng của họ là điều không thể phủ nhận.