Ngỡ ngàng điện gió
Trông từ xa xa, 62 trụ tua-bin như những cây chong chóng tuổi thơ mà những đứa trẻ mải chơi bỏ quên trên bãi biển. Biển xứ mình ít khi nào vắng gió, nên những cây chong chóng ấy hầu như luôn rộn ràng quay giữa mênh mang trời nước bên dải rừng phòng hộ ngút ngàn xanh, trong khi đất đai của Tổ quốc cần mẫn ngày đêm rì rầm lấn biển. Ngẫm về sự chuyển động đa chiều ấy, càng xốn xang nỗi niềm điện gió giữa nắng, gió và sóng biển dào dạt hôn bờ...
Giữa năm 2010, tôi có chuyến đi miền Trung. Ngang Tuy Phong, Bình Thuận thì trời nhập nhoạng tối. Cả đoàn, ai cũng bụng đói cồn cào, song chẳng ai nỡ hẹp bụng khi tôi tha thiết dừng xe để chụp ảnh tua-bin điện gió. Thiếu sáng, ảnh chẳng mấy gì đẹp. Nhưng lạ và thích.
Về Bạc Liêu ít ngày mới hay xứ mình cũng đang ráp cây chong chóng điện gió ngoài biển. Ngỡ ngàng vui. Cập rập chạy ngay ra biển. Kia rồi! Đúng là cây chong chóng điện gió, còn đẹp hơn ở Tuy Phong nữa, nó đang vươn cao đón gió trên bãi bồi ven biển.
Vậy là từ đó, lâu lâu tôi lại chạy ra “thăm chừng” cây chong chóng đầu tiên ấy. “Bởi lỡ yêu rồi”!
“Cánh đồng” Điện gió Bạc Liêu
Không thùy dương cát trắng, bờ biển Bạc Liêu chỉ nâu một màu nâu non của đất, cát và sình lầy phù sa châu thổ. Thủy triều lên. Gió. Và gió. Bên chân cây chong chóng khổng lồ ấy, giọng ông Tổng Giám đốc Điện gió rổn rảng trong tiếng sóng vỗ, gió reo...
Cứ theo câu chuyện kể, bờ biển xứ mình có nguồn năng lượng gió rất tốt trong khu vực nhờ đón được các hướng gió chính, lại không có vật cản gió. Có đến 39% diện tích trên toàn lãnh thổ Việt Nam có tốc độ gió ở ngưỡng 6m/s – tương ứng một lượng phong điện công suất 513 GW. Song, không phải nơi nào cũng có thể triển khai những cây chong chóng này.
Bởi, để vận chuyển an toàn những tua-bin phát điện nam châm vĩnh cửu nặng hàng mấy chục tấn và hàng loạt những cấu kiện “khổng lồ” siêu trường siêu trọng đến tận chân công trình để khai thác tiềm năng trời cho ấy (tiềm năng được ví như “nồi cơm Thạch Sanh”, vì gió chẳng khi nào cạn) là điều chẳng dễ dàng gì. Không phải địa hình nào cũng đáp ứng đòi hỏi đầy “khó dễ” như này! Có vẻ như câu châm ngôn “hoa hồng nào mà chẳng có gai” trúng và đúng cả trong câu chuyện này nữa! “Em đẹp, em có quyền” mà!
Nhưng địa hình Bạc Liêu lại đáp ứng được “yêu sách” ấy của “người đẹp điện gió”.
Thời điểm quyết định đầu tư Dự án điện gió ở Bạc Liêu, Việt Nam ta chưa xây dựng được bộ dữ liệu gốc về tốc độ gió. Việc lựa chọn trang thiết bị, thiết kế cơ sở hạ tầng và vận hành năng lượng gió đều phải “mò mẫm” mà lò dò từng bước... Rồi khi ấy lại còn thiếu cả cơ chế tài chính dài hạn hỗ trợ phát triển năng lượng mới, mà giá thành một cây tua-bin điện gió, nếu dựng trên bãi bồi ven biển như ở Bạc Liêu thời điểm ấy tốn kém cả trăm tỉ đồng. Vốn đầu tư đã cao, thời gian hoàn vốn lại lâu... Xem ra, để có được một cánh đồng điện gió trên bãi bồi ven biển là câu chuyện không hề đơn giản.
Nhưng cũng phải xét đến cái lợi lâu dài để mà cân nhắc. Tăng trưởng điện năng là yêu cầu tất yếu để tăng trưởng kinh tế và luôn phải đi trước một bước. Dự báo, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam đến năm 2030 tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Khi nguồn năng lượng truyền thống không đủ đáp ứng nhu cầu, khai thác nguồn năng lượng tái tạo được coi là giải pháp hàng đầu trong phát triển bền vững.
Các nhà báo tác nghiệp và chụp ảnh lưu niệm
Là “Thế kỉ của đại dương”, câu chuyện khai thác biển trong Thế kỉ XXI đã và đang trở thành vấn đề quan trọng mang tính chiến lược của hầu hết các quốc gia, cả quốc gia có và không có biển. Một trong những nguồn tài nguyên biển dồi dào chính là năng lượng gió.
Là loại điện sạch, điện gió không phát thải khí nhà kính, không làm thay đổi khí hậu toàn cầu, không tạo ra chất gây ô nhiễm môi trường, không cần đến bất cứ loại nhiên liệu nào để vận hành và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động công nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, nuôi trồng, hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. Những cây chong chóng duyên dáng sẽ còn tạo cho Bạc Liêu một sản phẩm du lịch độc đáo, lạ và “bắt mắt” giữa mênh mang trời nước, bên dải rừng phòng hộ ven biển ngút ngàn xanh để mời gọi, níu bước chân du khách.
Nhật kí công trình ghi nhận: Thời điểm Thị xã Bạc Liêu chuyển mình lên Thành phố cũng là lúc “Dự án thế kỉ” này của Bạc Liêu chính thức khởi động. Ngày 09/9/2010 khởi công; ngày 21/10/2011 lắp đặt thành công tua-bin đầu tiên; ngày 02/10/2012 lắp đặt thành công tua-bin thứ 10; ngày 29/5/2013, Lễ hòa lưới điện quốc gia – dòng điện sạch giai đoạn 1 của Dự án chính thức hòa vào dòng điện chung của Tổ quốc, thắp sáng cho những công trình và làm khởi sắc những vùng quê bao đời nghèo khó.
Thừa thắng vươn lên, Giai đoạn 2 của Dự án cũng đã hoàn tất và hòa lưới quốc gia sau đó 3 năm, để rồi từ đây - 62 cây chóng chóng đồng loạt và cần mẫn quay, cung vào lưới điện quốc gia một sản lượng 320 triệu KWh điện sạch/năm, đánh dấu sự kiện đặc biệt quan trọng đổi với tỉnh nghèo Bạc Liêu, bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Bạc Liêu đóng góp cho quốc gia bằng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở xứ sở mình.
Đã hết đâu! Điện gió Bạc Liêu “nở nồi” bằng câu chuyện Dự án Điện gió Bạc Liêu 3 tiếp tục khởi công; Dự án của những nhà đầu tư mới, với Điện gió Đông Hải 1, Điện gió Hòa Bình 1, Hòa Bình 2…; Điện gió Sóc Trăng, Điện gió Cà Mau, rồi Trà Vinh... cũng đã và đang xúc tiến...
Hiện nay, một số nhà đầu tư mới đang đặt vấn đề đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn Bạc Liêu; Dự án Nhà máy Điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu 3.200 MW cũng đang trong giai đoạn gỡ những “nút thắt” cuối để chuẩn bị khởi công. Rồi đây, Đồng bằng châu thổ Cửu Long sẽ là một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia mà Bạc Liêu là địa phương tiên phong ở Đồng bằng và là người thứ hai (sau Bình Thuận) khai mở trên phạm vi cả nước.
Nghĩ mà tự mắc cười chính mình khi nhớ lại cái lúc luống cuống lập cập giương giơ máy ảnh mà chụp vội chụp vàng mấy cây chong chóng giữa nhập nhoạng mặt trời lặn nơi xứ người dọc đường thiên lí. Sợ mất cơ hội mà! Giờ thì, muốn chụp ảnh tua-bin điện gió ư, chỉ cần 20 phút chạy honda từ trung tâm Thành phố Bạc Liêu ra cánh đồng điện gió đã thoải mái, vô tư mà tác nghiệp.
Trông từ xa xa, 62 trụ tua-bin như những cây chong chóng tuổi thơ mà những đứa trẻ mải chơi bỏ quên trên bãi biển. Biển xứ mình ít khi nào vắng gió, nên những cây chong chóng ấy hầu như luôn rộn ràng quay giữa mênh mang trời nước bên dải rừng phòng hộ ngút ngàn xanh, trong khi đất đai của Tổ quốc cần mẫn ngày đêm rì rầm lấn biển. Ngẫm về sự chuyển động đa chiều ấy, càng xốn xang nỗi niềm điện gió giữa nắng, gió và sóng biển dào dạt hôn bờ...
Do tính chất công việc, gần 10 năm qua tôi khá nhiều lần đưa những đoàn khách tham quan cánh đồng điện gió. Những khi gió yếu (tốc độ gió dưới 3m/s), chong chóng tự ngưng quay; hay gặp lúc cây chong chóng nào đó đang bảo dưỡng nên tạm đứng im lìm, cảm giác trong tôi buồn buồn vô cớ y như mình đang nói mà không được những chong chóng kia minh họa. Song đa phần rất vui!
Hôm đi cùng Đoàn khách Ninh Bình ra tham quan cánh đồng điện gió Bạc Liêu, thật là mừng xen chút hãnh diện rất... Bạc Liêu, khi mấy vị khách cứ trầm trồ, xuýt xoa nhòm nhòm ngắm ngắm cái trụ cao 80m, đường kính chân đế rộng 4,4m, sải cánh dài 80m của cái chong chóng khổng lồ sừng sững trên bãi biển. Bác Minh - Chủ tịch UBND huyện (Giờ là Bí thư Huyện ủy) huyện Gia Viễn thì cứ sờ sờ vuốt vuốt vào lớp vỏ thép Titan không ghỉ của trụ tua-bin mà rằng: “Chỉ 10 cái chong chóng này thôi đã “ăn đứt” tổng công suất của cái “anh” nhiệt điện Ninh Bình rồi nhá!”. Nghe, nức lòng lắm vậy!
Một ngày đầu tháng 7/2022, được đi cùng Đoàn của các nhà báo ở Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí Trung ương ra thăm dự án Điện gió Hòa Bình 1, chứng kiến các nhà báo say mê tác nghiệp, lại thêm lần “nức lòng lắm vậy” nữa.
Sự thay đổi nhiệt độ của khí quyển làm không khí chuyển động, sự chuyển động ấy của không khí gọi là gió. Đó là định nghĩa về gió trời. Còn giờ đây, trước trời nước mênh mang này, tôi đang nghĩ đến ví von của Nhà thơ Lê Chí hôm ông về thực tế Bạc Liêu bữa nọ. Nhà thơ của Đồng bằng châu thổ ví rằng: Có một loại gió không thổi từ biển, mà gió đang thổi từ lòng người...
Còn Nhà báo Vũ Thống Nhất của Báo Sài Gòn Giải Phòng lại dẫn tôi vào miền hoài niệm khi liên tưởng những cánh quạt gió nhìn như những cây phảng trên tay tiền nhân xưa khai mở đất, để hôm nay cháu con của các lực điền ngày ấy đang đưa Bạc Liêu cất cánh bằng những trụ tua-bin như những “cây phảng” đang lừng lững giữa trời mây.
Chợt nghĩ, chiều kích vật lí những trụ tua-bin giữa mênh mông trời nước kia liệu có lớn bằng ý chí con người, khi chàng lực điền hôm nay đã buông cây phảng cũ mà “niệm” câu thần chú “Vừng ơi, mở ra!” để làm cho tiềm năng gió dồi dào bất tận từ biển cả, bằng những “cây phảng” mới này mà náo nức “thổi” ra nguồn năng lượng sạch cho quốc gia.
Xưa, gió lên, chàng ngư phủ căng buồm theo gió, gác chèo lên mà nướng khô khoai; nay, gió lên, chàng lực điền đang “bắt” gió thổi ra nguồn thu cho ngân sách quê nhà còn đang thiếu khó... Lại nhớ đến một con số đã đọc, khi 62 cây chong chóng duyên dáng kia đồng loạt tấu lên bản hòa âm bất tận bên bờ đại dương tràn đầy nắng gió, ngân sách tỉnh nhà sẽ theo đó tăng thêm hơn 700 tỉ đồng, bằng gần 2/3 nguồn thu ngân sách của tỉnh nghèo Bạc Liêu.
Và rồi từ dự án động lực này, nhiều dự án, công trình quốc kế dân sinh cũng đã, cũng đang, cũng sắp tượng hình. Tầm nhìn mở ra, cung cách làm kinh tế tri thức theo đó cũng khoáng đạt thêm lên như cái nắng, cái gió và tâm hồn con người xứ Dạ cổ Hoài lang này vậy. Ngỡ ngàng điện gió. Hứa hẹn sẽ còn những ngỡ ngàng khác nữa. Tất cả từ trỗi dậy của chàng lực điền xứ phù sa nên địa này, trong một nỗ lực thoát nghèo, đang gắng vươn lên bằng anh bằng chị từ tiềm năng nắng gió dồi dào sẵn có của mình. Cách đi lên rất rất... Bạc Liêu.
Làm ra điện sạch với mạch nguồn ý tưởng từ những chiếc chong chóng lá dừa tuổi thơ đang trải dài ven biển Bạc Liêu, cái cách ấy cũng rất... Bạc Liêu đó vậy.
Nữ nhà văn Việt Nam nhận giải thưởng danh giá của Hoàng gia Tây Ban Nha
Bình luận