Niềm chân thật nao lòng
“Lắng đọng và suy nghĩ” (NXB KH&KT, 2020) cái tên sách khiêm tốn của Tạ Quang Ngọc trở nên cuốn hút tôi. Và sự chắt lọc trí tuệ, cũng như chân thành cảm xúc, chân thành tự bạch trong cuốn sách này đã không chỉ khiến tôi cảm phục tác giả, mở mang tri thức, mà còn nâng thêm cho mình bản lĩnh, bồi đắp tình yêu con người, tình yêu đối với quê hương đất nước và sự nghiệp cách mạng.
Tác giả chia tập sách dày gần 300 trang khổ làm năm phần: Nơi khởi đầu câu chuyện - những ngày rời công việc; Câu chuyện đã qua, góc nhìn hiện tại; Cho một thời kỳ phát triển mới; Tản mạn; Trở về. Tôi cảm nhận cuốn sách trên hai phương diện: Một là về con người, hai là về chiến lược thủy sản, chiến lược biển cũng như trách nhiệm của mỗi người đối với sự phát triển của đất nước hôm nay và với tương lai.
Tôi rất tâm đắc với những ý kiến của Tạ Quang Ngọc khi nói về ngư dân, vừa khoa học, vừa thắm thiết tình người: “Phát triển nguồn nhân lực thủy sản, trước hết cần lấy trọng tâm là ngư dân, những người khai thác trên biển. Khó khăn trong sản xuất trên biển và tình trạng nghèo khó là những gì dễ làm tổn thương nhất đối với lực lượng lao động này. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực không chỉ là việc bảo đảm lao động đủ đáp ứng yêu cầu cơ cấu lao động tiên tiến hơn cho công nghiệp hóa và cơ cấu ngành theo hướng hiệu quả và bền vững, điều quan trọng hơn là tạo được sự bền vững các cộng đồng dân cư ven biển trên cơ sở nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện làm việc trên biển, tránh được các rủi ro trong lao động và nguy hiểm do thiên tai và những lý do khác gây ra” (tr.164-165).
Về con người, “Lắng đọng và suy nghĩ” của Tạ Quang Ngọc có những trang viết lắng đọng tình người. Đó là sự biết ơn chân thành của ông đối với các bậc tiền bối, các đồng nghiệp trong ngành thủy sản những người có rất nhiều kỷ niệm, gắn bó với nhau trong rất nhiều trách nhiệm. Tạ Quang Ngọc sống qua nhiều miền đất. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên). Tôi thật sự xốn xang khi tác giả viết về một làng nhỏ Đông Phòng, một làng quê sơ tán, nơi ông trở thành kỹ sư, thành giáo viên đại học, bước vào biên chế Nhà nước trong tấm lòng cưu mang của gia đình cụ Miến, bà Phan và người dân nơi đây.
Con người Tạ Quang Ngọc được thể hiện không chỉ ở những bài hồi ký và tự thuật, nhưng những trang viết về chính mình của ông thật sự hấp dẫn, đem lại những mỹ cảm. Trước hết, đó là sự chân thật, không che giấu những điểm yếu của mình; là tình cảm cách mạng sâu sắc, là lòng yêu người, yêu nghề tha thiết. Ông kể nhiều điều nhưng có lẽ chỉ nói một điều: giá trị làm người. Đó là khiêm nhường và vị tha. Khiêm nhường, tự quên mình chính là cứu rỗi (moksha) như triết nghiệm của Mahatma Gandhi.
Đọc sách của Tạ Quang Ngọc, tôi bỗng nhớ tới một câu nói của Ta-go: “Ông ngừng lại ở ngưỡng cửa các căn nhà tồi tàn của hàng ngàn người cùng khốn, y phục của ông y hệt y phục của họ. Ông nói với họ bằng ngôn ngữ của họ”.
Bình luận