Sự đồng điệu tâm hồn đến kì diệu trong “Tìm người” và “Kinh hãi con người”

Tôi tình cờ được đọc bài thơ Tìm người của nhà thơ Hữu Thỉnh từ khi còn là một cô sinh viên khoa văn. Tuy nhiên một sự ám ảnh đến lạ lùng cứ đeo bám lấy tôi suốt bao nhiêu năm không dứt ra được... Và một vài ngày trước, tôi vừa đọc được bài đăng Kinh hãi con người trên mạng xã hội Facebook của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Tôi chợt nghĩ nhà thơ Hữu Thỉnh và Nguyễn Quang Thiều có một sự đồng điệu tâm hồn đến kì diệu. Cả hai nhà thơ tài ba đều đang đi “Tìm người”.

Tìm người (Hữu Thỉnh)

Chiều rung chuông...

Chiều rung chuông

Có con chim nhỏ bị thương cuối trời

Tôi nhớn nhác đi tìm người

Bước chân thì ngắn đường đời thì xa...

Kinh hãi con người (Nguyễn Quang Thiều)

Một camera ghi lại cảnh một người đi xe máy bị tai nạn ở một đường phố Trung Quốc. Nạn nhân cố giơ bàn tay cầu cứu người đi đường. Không ai dừng lại. Một người đàn ông khác đang ngồi trên xe máy cạnh đó xem điện thoại như không có chuyện gì rồi thản nhiên phóng xe đi.

Bàn tay của nạn nhân từ từ buông xuống và bất động. Tất cả những người đi đường đều chứng kiến nhưng dửng dưng bước qua. Một cảm giác kinh hoàng và kinh hãi về sự băng giá trong trái tim con người trùm lên.

Đấy không chỉ là ở Trung Quốc. Đấy là điều mà chúng ta cũng từng chứng kiến đâu đó trong đó có ở Việt Nam cho dù là ở những hình thức khác nhau.

Chắc chúng ta đã từng xem phim về thế giới động vật. Chúng ta thấy khi một con trong đàn gặp tai nạn thì những con khác đã thể hiện tình cảm của chúng cho dù chúng không dùng những từ ngữ mỹ miều như con người.

Chưa bao giờ con người lại vô cảm và độc ác như bây giờ. Kinh hãi hơn là sự vô cảm và độc ác ấy lại được che đậy bởi những ngôn từ “đấu tranh cho lẽ phải”.

***

Hoàn cảnh của nạn nhân được nêu ra trong bài đăng trên facebook của Nguyễn Quang Thiều là không gian, thời gian thực tế, hiện hữu (có hình ảnh camera quay được) đang rất cần những bàn tay, những trái tim “con người” cứu giúp! Với không gian, thời gian ấy thật ra rất thuận lợi cho ai đó muốn làm được việc đúng nghĩa là “con người”.

Hoàn cảnh đặt ra trong bài thơ Tìm người của nhà thơ Hữu Thỉnh là một con chim nhỏ bị thương cũng vậy. Vấn đề là thời gian (chiều), không gian (cuối trời) trong bài thơ đều rất không thuận lợi cho chú chim nhỏ này. Tôi đã từng được biết về thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật trong thơ ca. Và trong bài thơ này - như một minh chứng - nhà thơ Hữu Thỉnh đã cho tôi được sáng tỏ.

“Chiều rung chuông...

Chiều rung chuông...”

Thời điểm buổi chiều dễ gợi buồn thương, gợi xúc cảm mãnh liệt nhất. Thời điểm mà trên dòng đời hối hả mọi người đều đang cuồn cuộn cuốn theo tâm tư tình cảm của mình để nhanh chóng về với mái ấm gia đình, với người thân. Lưng chừng trời, từng đôi chim cũng quyện nhau bay về tổ ấm…

Nhưng thời gian trong bài thơ không chỉ là một buổi chiều tà bình yên như ngàn vạn buổi chiều thường nhật khác. Chiều đó là một chiều rung lên những hồi chuông: “Chiều rung chuông... / Chiều rung chuông...”.  Điệp ngữ “Chiều rung chuông” được nhắc đi nhắc lại như những hồi chuông vang lên, như báo động, như cảnh tỉnh... Bởi có một chú chim nhỏ đang bị thương, mà lại bị thương ở tận nơi cuối trời. “Cuối trời” là ở tận nơi nao? Xa lắm! Xa lắc xa lơ! Con chim thì nhỏ, lại bị thương tận cuối trời. Bị thương thì nó đâu còn vỗ cánh mà bay lên được nữa. Thời gian thì chạng vạng tối, không gian thì tận “cuối trời”, vậy sao nhà thơ thấy được (?).

Sự đồng điệu tâm hồn đến kì diệu trong “Tìm người” và “Kinh hãi con người” - 1

Ảnh minh họa 

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã chọn thời gian cho thi phẩm của mình là thời điểm buổi chiều chạng vạng, vạn vật đang chìm dần vào bóng đêm để phục vụ cho nhiệm vụ nghệ thuật của thi phẩm. Đây chính là phương tiện nghệ thuật để tác giả nhận thức và phản ánh đời sống, bộc lộ cảm xúc mãnh liệt trào dâng trong tâm hồn người thi sỹ tài ba. Nhà thơ thương cảm, đồng cảm, xót xa trước cảnh một “con chim nhỏ bị thương cuối trời”.

“Cuối trời” lại cũng là một không gian nghệ thuật mà tác giả đã khéo léo vận dụng, “cuối trời” ở đây không phải là xác định nơi chốn hay tái hiện khung cảnh nơi con chim nhỏ bị thương, mà nó là một tín hiệu, một kí hiệu nghệ thuật đặc biệt để thông qua đó nhà thơ thể hiện tâm trạng lo lắng, xót thương cho thân phận bé nhỏ của con chim đang rơi vào tình thế éo le khôn cùng.

Theo GS,TS Trần Đình Sử: “không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại cùng thế giới nghệ thuật”. Ông còn khẳng định:“không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không nào không có một nền cảnh nào đó”, và “không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống”.

Không gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật, là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Không gian nghệ thuật trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống. Không gian nghệ thuật trong một văn bản văn học không đơn giản là xác định nơi chốn hay tái hiện những khung cảnh hiện thực mà nó được xây dựng như một kí hiệu đặc biệt để thể hiện tâm trạng của nhân vật hay bộc lộ quan điểm của tác giả về thế giới.

Trong cái không gian mênh mông xa lắc ấy, trong cái thời điểm chạng vạng tối ấy, một con chim nhỏ (chưa trưởng thành) mà lại còn bị thương nữa... thì sự cứu giúp là vô cùng cần thiết. Trong hoàn cảnh đáng thương ấy của nhân vật (con chim), tác giả đã bày tỏ quan điểm, tư tưởng, thái độ của mình

“Tôi nhớn nhác đi tìm người

Bước chân thì ngắn đường đời thì xa”

Tôi nghĩ, trước hết đây là thái độ có trách nhiệm với cuộc đời, dù là việc nhỏ nhất. Là thái độ thương cảm, đồng cảm, xót xa trước những mảnh đời còn chưa hoàn hảo, những mảnh đời còn gian nan, khốn khó, những mảnh đời ấy đâu đây trong cuộc sống vẫn còn hiện hữu. Tôi trân trọng cái tâm trạng “nhớn nhác” của nhà thơ. Bởi một mình nhà thơ có thể không làm thay đổi được cả thế giới nên ông mới phải “nhớn nhác” “đi tìm” những người có cùng rung cảm, cùng suy nghĩ, cùng tư tưởng, cùng quan điểm như ông.

Ông muốn “tìm người” đúng nghĩa là “con người” chứ không phải chỉ là những bóng người đang qua lại trong dòng đời! Và tôi càng trân trọng vô cùng cái suy tư, trăn trở trong thơ Hữu Thỉnh “Bước chân thì ngắn đường đời thì xa”. Vậy là cái hành trình “tìm người” cũng đâu có dễ dàng trong khi hàng ngày chúng ta vẫn tiếp xúc, vẫn gặp gỡ bao nhiêu người. Trong số họ có bao nhiêu người sẵn sàng đưa tay cứu giúp cuộc đời của những kẻ còn khó khăn, cơ hàn, hoạn nạn???

Bài thơ là sự suy tư, trăn trở của một hồn thơ luôn có trách nhiệm với cuộc đời, với xã hội. Tôi càng thấm thía hơn khi đứng trên bục giảng để truyền tải đến học sinh những suy tư, chiêm nghiệm, những đóng góp của tác giả Hữu Thỉnh qua bài thơ Sang thu - một tác phẩm để đời: “Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi” nhà thơ đã kín đáo thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm, triết lí: Khi con người đã từng trải thì sẽ vững vàng hơn trước những biến động của cuộc đời. Đã bước qua ngưỡng “sang thu” không còn cái xốc nổi, bồng bột, ào ạt như cơn mưa mùa hạ nữa, con người trở nên trầm tĩnh hơn “như hàng cây đứng tuổi” mặc cho nắng, mưa, sấm..., những khó khăn, trắc trở, chông gai trong cuộc sống vẫn tỏa sáng vẻ đẹp nhân sinh. “Vẫn còn bao nhiêu nắng” bao nhiêu nhiệt huyết, bao nhiêu cống hiến cho đời khi đã ở tuổi “sang thu”.

Quay lại lại với bài thơ Tìm người bằng những chiêm nghiệm, suy tư, từng trải nhà thơ đã rung lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho xã hội. Một bài thơ hay là bài thơ luôn để lại ấn tượng mạnh mẽ và là bài học sâu sắc ở mọi thời đại. Mặc dù bài thơ ra đời đã khá lâu (1989), hôm nay chúng ta vẫn rút ra cho mình một bài học thực tiễn.

Hiện nay, có một bộ phận nhỏ thanh thiếu niên nói riêng, và trong xã hội nói chung sống thờ ơ, vô trách với cuộc đời, với xã hội. Họ vô cảm nhìn những số phận kém may mắn đang hàng ngày vật lộn với cuộc sống. Họ sống chỉ biết đến bản thân mà không hề quan tâm đến mọi người xung quanh. Họ thậm chí còn vui vẻ chụp ảnh, quay video, phát trực tiếp những cảnh tai nạn giao thông, những nạn nhân bị đánh hội đồng... Đó là những mầm họa mà chúng ta cần phải lên án, phê phán.

Cảm ơn nhà thơ - nhà văn Nguyễn Quang Thiều, qua một bài viết ngắn, đã đánh thức mọi người về căn bệnh vô cảm và làm trỗi dậy trong tôi cái cảm giác nhức nhối khi cứ phải “tìm người” trong dòng người tấp nập…nCảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh đã để lại cho đời những vần thơ chắt ra từ máu, từ tâm hồn nhân hậu, nhân cách cao quý, tâm tư tình cảm, trách nhiệm với cuộc đời! Cầu mong nhà thơ luôn mạnh khỏe! Luôn giữ mãi nhiệt huyết “Vẫn còn bao nhiêu nắng” để cống hiến cho thi ca Việt Nam nhiều tuyệt tác.

Trần Thị Thu Hà

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Người Việt có câu “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ", trong đó tháng 3 âm lịch giỗ Mẹ là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.