Thế giới thơ của Thúy Nga
Thế giới thơ Thúy Nga gợi lên cho ta một cảm giác khá lạ. Nhà thơ tự khẳng định: “Em viết bài thơ không dành cho đám đông” (bài Năng lượng, tập Túy nguyệt). Khi đã tự giải phóng mình ra khỏi các quan niệm “khuôn thước” cũ, Thúy Nga đã thỏa sức thả cho mình về với bản thể, với cái “Tôi” được cởi mở và được phóng túng thể hiện bản thân: “Bây giờ ta ngủ với mây/ Thả lòng với gió cả ngày lẫn đêm” (bài Với ta, tập Quán trần gian). Không những được tự do thể hiện, tác giả còn được tự do khám phá mình, trăn trở với tâm hồn mình, tìm hiểu bản thân mình thực chất đang là gì giữa cõi trần gian tạm bợ này.
Từ chỗ có cách nói rộng mở về bản thân; khi cần đề cập đến người khác, tác giả Thúy Nga cũng bất ngờ có những nhận xét và đánh giá táo bạo của riêng mình. Ví dụ như cách đánh giá về nhân vật Thị Mầu trong chèo cổ Việt Nam, tuy đã có nhiều nhà thơ đề cập đến, nhưng cách nhìn của Thúy Nga lại thể hiện một quan niệm khác biệt về cái “tôi” nguyên thủy và độc đáo, đậm chất nhân văn, dám thách thức và cao ngạo khi được bộc lộ hết bản thể mình, mà không hề chịu khuất mình đi để xu phụ theo đám đông của thói đời “mông muội”: “Vượt qua sáo rỗng bất công/ Em nguyên thủy giữa những mông muội đời!”. Với cách “tuyên ngôn” cao ngạo ấy, Thị Mầu ở đây quả là đã dám tự vượt cao hơn cách lý giải và bênh vực từ chèo cổ, và đã bước vào tầm vóc của quan niệm giải phóng phụ nữ thời hiện đại.
...Trong thơ Thúy Nga, cuộc đời trần thế này thường hay gắn với khái niệm về một “cõi phù sinh” nhẹ tựa lông hồng, có gì đó cũng gợi nhớ đến khái niệm “phù du” hoặc “phù phiếm”, cho dù sự liên hệ này cũng chỉ được coi là nửa đùa nửa thật thôi! Khi đạt tới cách nghĩ đó trong cả hai tập thơ Quán trần gian và Túy nguyệt, tác giả thường tự cho phép mình được đứng cao hơn cuộc đời này để lý giải và luận bàn về nó. Nếu như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết bài Ở trọ, có tâm trạng vừa nhẫn nhịn vừa cao ngạo với đời, thì Thúy Nga cũng có tâm trạng tương tự: “Ta đến trần gian trọ kiếp này”.
Với nhiều mảng tâm tư khác nhau khi đề cập đến cõi đời là nơi ở trọ, Thúy Nga cũng có những phát hiện có sắc thái riêng, đôi khi còn bất ngờ với cả bản thân: “Gá thân vào cội phù sinh / Đêm nghe lạ lẫm cả hình hài quen” (Quán trần gian). Và: “Mới hay trong tận đáy lòng/ Đầy ăm ắp với rỗng không rất gần!” (bài Ngộ, tập Quán trần gian). Hoặc: “Thả chân trần xuống mênh mang / Giữa mê có ngộ, giữa vàng có thau” (bài Mùa bình thường, tập Quán trần gian).
Cảm giác sống trong một thế giới tạm bợ, một thế giới luôn thay đổi vô thường, luôn choán ngợp tâm trí tác giả và không làm nhà thơ yên lòng bất cứ phút nào. Nhạy cảm với mùa thu đang đi qua, nhưng vẫn còn giữ lại một chút bình tâm cùng quá khứ, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã từng viết: “Thời gian như ngọn gió / Mùa đi cùng tháng năm/... Chỉ còn anh và em/ Cùng mùa thu ở lại”. Nhưng với Thúy Nga, thì những mùa thu qua ấy lại day dứt hơn nhiều, khi thấy thời gian thay đổi quá nhanh mà không thể giữ lại được cho mình bất cứ chút kỷ niệm gì: “Ta hao khuyết giữa mùa thu luôn mới / Nhặt xác ngày xa, ngỡ ai gọi tên mình...” (bài Bức họa mùa thu, tập Túy nguyệt).
Đọc Thúy Nga, ta luôn có cảm giác thế giới hôm nay quá nghiệt ngã và vô tình với con người: “Ta ngồi giữa cội phù sinh / Nắng vây bủa nắng, mưa rình rập mưa!” (bài Bao nhiêu, tập Túy nguyệt). Nhà thơ đành bằng lòng với giây phút mong manh hiện sinh, ngay cả trong tình yêu đôi lứa: “Em đến gần anh, gần nhất, trong khả năng có thể / Nghe Đất, Nước, Gió, Lửa... hồi sinh trong chính thịt da mình / Mong manh hiện sinh / Trong giây phút không hơn, thua, được, mất” (bài Em phát hiện ra - Mình là đàn bà, tập Túy nguyệt). Cảm giác về sự tạm bợ và không bền vững của thế giới hôm nay làm chị tưởng như có lúc đã rời xa cả chân lý vĩnh cửu, ngay cả khi đã phải tìm đến Thiền môn: “Lên chùa, gặp một ông sư / Thưa thầy, con lạc Chân Như lâu rồi!” (bài Ngu ngơ, tập Túy nguyệt). Nhưng cho dù có dày công tìm đến thiền, thì tâm trạng của nhà thơ vẫn cảm thấy đầy huyễn hoặc và bối rối khi muốn tìm lại sự yên ổn của lòng mình: “Người đằm giữa mộng phù vân / Giác xa níu chặt Ngộ gần mà thôi / Lạc Mê quẩy ỡm ờ đời / Để huyễn hoặc cứ rụng rơi cửa Thiền! Ta đi vào Nhớ tìm Quên / Xõa rối tung, nhặt an yên niềm mình!” (bài Yêu người theo cách của ta, tập Quán trần gian).
Và khi đến giây phút ấy, không cần phải buông và giữ lại gì, nhà thơ đã thả mình vào cảm giác chỉ biết nắm bắt cái vô tận: “Không buông và không giữ/ Ta cũng là mênh mông!” (Ta và mênh mông, tập Quán trần gian). Tới đó, tác giả bèn nhắn nhủ mọi người: “Khi ta thiền với mênh mông / Phiền người dứt gánh tang bồng hộ ta!”; cho dù nỗi nhớ cái “gánh tang bồng” này vẫn còn sâu nặng lắm: “Chợt khi tỉnh giấc mộng đầy / Nhớ hun hút nhớ, buồn ngây dại buồn!” (bài Thiền, tập Quán trần gian).
Trở lại với thực tại, sau nhiều nỗi trăn trở từng bị cuốn theo những mê hoặc ở tận ngoài cõi nhân gian, tác giả chợt ngộ ra những chân lý đơn giản mà thiết thực của đời người nhỏ nhoi: “Bao năm hối hả mệt nhoài / Đuổi theo tâm vọng ở ngoài hư không / Ta về từ phía bão giông / Gặp niềm thương ở sâu trong mắt người / Thì ra vạn sự ở đời / Thấp, cao, dài, ngắn... tâm người phân gianh”.
Cuối cùng, sau khi “ngộ” ra cái chân lý giản dị ấy của đời, thì nhà thơ đã dám quả quyết, theo cách đã nhận thức ra một xác tín, tuy không mới, nhưng luôn có ý nghĩa phản tỉnh đối với mỗi chúng sinh, rằng khi Tâm thế đã định, thì có cần gì phải tốn công đi tìm Cõi Niết Bàn ở đâu xa nữa: “Định rồi, trần thế cũng nên Niết Bàn!” (bài: Trò cợt nhả của trái tim, tập Quán trần gian).
Đấy là sự tỉnh thức đáng ghi nhận của một con người, vốn luôn trăn trở đi tìm mình và tìm chân lý của đời, vẫn tưởng ở tận đâu xa lắm, giờ đã biết trở về với những giá trị của nhân thế đích thực. Chủ nghĩa nhân văn trong thơ Thúy Nga, vậy là không hề pha tạp yếu tố siêu hình nào, mặc dù, có lúc, tác giả cũng “chơi chữ”, tưởng mình đã là phận “hồng nhan” thì luôn cứ bị “cõi trần” đa đoan này bỏ bùa, bị cợt nhạo và ganh ghét: “À ơi, đêm ngủ cho ngoan / Hồng trần níu lấy hồng nhan bỏ bùa!” (bài Ru đêm, tập Túy nguyệt).
Tuy nhiên, khi đã “ngộ” ra rồi, thì điều chính yếu mà tác giả tỉnh táo tự nhủ, là mình phải đích thực biết trở về đúng là mình, đừng bị một ảo tưởng hay vỏ bọc bên ngoài nào khiến mình mãi ngộ nhận: “Lắng nghe tận cùng cảm xúc mình, rồi biết/ Chẳng là gì mãi mãi: mọi thật, giả, buồn, vui...” (bài Năng lượng, tập Túy nguyệt).
Vì sao tác giả lại thấy phải trở về bản thể mình mới là điều thiết yếu trong đời? Vì khi đã ngộ thiền, tác giả đã thấy quá rõ: Giá trị nào là đích thực, và con người nắm được gì mới đúng là có thực chất, giữa một thế giới mà thật giả khó phân, tưởng mới đầy ứ đó mà lại vơi đi ngay đó: “Hư huyễn cũng vô thường, anh có biết/ Bao ắp đầy đổi được một rỗng không?” (bài Anh, tập Túy nguyệt). Càng đi vào cái vô thường của thế giới hôm nay và sự đảo điên của nó, ta mới nghiệm ra những điều mà Thúy Nga nói, là rất có cơ sở hiện thực, không phải thứ triết lý thật thà, đơn tuyến, thậm chí là thô thiển, dành cho thơ ca, buộc ta phải tôn thờ và hô to mãi khẩu hiệu: “Chân chân chân. Thật, thật, thật” (như một thời, nhà thơ Xuân Diệu buộc mình phải tâm niệm thế, sau khi dự chỉnh huấn, tự tuyên bố vứt vào sọt rác mọi thứ thơ tình lãng mạn tiểu tư sản lúc còn trẻ của mình). Cái hiện thực lớn trong thơ, mà Thúy Nga muốn vươn tới không phải chỉ là thứ hiện thực “tự nhiên nhi nhiên”, đơn điệu và bộc tuệch, có gì ghi nấy, mà là một dạng hiện thực được điển hình hóa, hàm súc và tinh tế, đã kinh qua chiêm nghiệm và cảm xúc từng trải, rồi được nâng cao lên khi được trí tuệ tổng hợp và cô đúc lại.
...Sự ra mắt của Thúy Nga - với hai tập thơ Quán trần gian và Túy nguyệt, có thể coi là thành công bước đầu đáng kể của tác giả, một cây bút tuy mới, nhưng có bút lực khá vững vàng, có quan niệm thơ thông thoáng và cởi mở, đáng được ghi nhận trong đội ngũ sáng tác hôm nay.
Vào một ngày cuối năm quý mão vừa qua, nữ nhà văn Huệ Ninh giới thiệu với công chúng tác phẩm văn học mới nhất của...
Bình luận