Thị Lộ chính danh - Tâm huyết cuối đời của "nhà văn vùng Mỏ"

Cuối tháng 9 vừa qua, trong tiết trời đẹp và buồn của mùa thu Hà Nội, chúng ta đã phải nói lời chia tay với nhà văn Võ Khắc Nghiêm, người con ưu tú của vùng đất mỏ Quảng Ninh, một nhà văn có sức sáng tác dồi dào với hơn 20 tác phẩm thuộc nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói, kịch bản phim truyền hình… Sáng 19/11, tại Hà Nội, NXB Thanh Niên phối hợp cùng San Hô Books tổ chức tọa đàm giới thiệu tiểu thuyết lịch sử “Thị Lộ chính danh” - tác phẩm tâm đắc cuối đời của nhà văn Võ Khắc Nghiêm. Tọa đàm mở ra không gian gần gũi để bạn văn, bạn đọc và gia đình nhà văn có dịp ngồi lại nói lời tri ân với những đóng góp của ông với nền văn học nước nhà.

Thị Lộ chính danh - Tâm huyết cuối đời của "nhà văn vùng Mỏ" - 1

Toàn cảnh tọa đàm với sự có mặt đông đủ của bạn văn, bạn đọc và gia đình nhà văn Võ Khắc Nghiêm. Ảnh Phạm Hằng

Sau những tiểu thuyết, kịch và phim truyện mang cảm hứng của cuộc sống đương đại, nhà văn Võ Khắc Nghiêm tìm về lịch sử, lấy cảm hứng tiểu thuyết trong các biến cố lịch sử và từ các nhân vật anh hùng, các liệt nữ để viết “Thị Lộ chính danh”.

Xưa nay, Thị Lộ xuất hiện trong chính sử cũng như trong các tác phẩm văn học như một nhân vật phụ trong sự nghiệp và trong cả bi kịch của Đại thi hào Nguyễn Trãi và trong cái triều đại mà bà đã sống. Nhưng nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã chọn bà là nhân vật chính ở trong trung tâm của câu chuyện lịch sử này. 

Theo nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, sau kỳ án Lệ Chi Viên chấn động sử Việt, Nguyễn Trãi được cả thế giới giải oan, nhưng Nguyễn Thị Lộ thì chưa ai làm cho nàng điều này một cách sâu sắc và đầy đủ như nhà văn Võ Khắc Nghiêm. Bởi ông đã nhìn thấy con người và vị trí của Thị Lộ có tầm quan trọng hơn những gì mà chúng ta đã thấy.

Thị Lộ chính danh - Tâm huyết cuối đời của "nhà văn vùng Mỏ" - 2

Dịch giả, nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (ngồi giữa) chia sẻ với độc giả về tác phẩm "Thị Lộ chính danh". Ảnh Phạm Hằng

“Thị Lộ của Võ Khắc Nghiêm là một Thị Lộ tài sắc, nhưng trên hết và cuối cùng là một Thị Lộ kẻ sĩ, một trí thức của nước Việt mang màu sắc Võ Khắc Nghiêm. Và với tư chất như thế, nàng lại gặp được người chồng có trí tuệ siêu việt như Nguyễn Trãi, những năm tháng đàm đạo với chồng đủ kiến văn để làm nên một Lễ Nghi học sĩ đương thời”, nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ.

Sau lần xuất bản đầu tiên nhận được nhiều khích lệ, được đặt hàng làm phim truyện, được Ban Quản lý Đề án Bảo tồn phát huy giá trị các tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam đầu tư in với số lượng lớn, nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã kỳ công bổ sung, hoàn chỉnh “Thị Lộ chính danh” với mong muốn làm mới những người Việt Nam xưa cũ mà tầm vóc vẫn sừng sững với mọi thời đại.

Việc chọn Thị Lộ làm nhân vật chính cho cuốn tiểu thuyết dày gần năm trăm trang cũng là một thách thức không nhỏ đối với nhà văn Võ Khăc Nghiêm. Bởi tư liệu về Thị Lộ được sử sách ghi lại không nhiều và có không ít những điểm về cuộc đời bà chưa thống nhất và có những tình tiết mơ hồ, thậm chí hoang đường, ác độc…

Để xuyên thấu lớp sương mù huyền thoại dày đặc, được thêu dệt dầy vẻ thần bí, bóc tách từng vỉa để đến với sự thật, nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã dày công sưu tầm, nghiên cứu tài liệu lịch sử trong suốt 15 năm, gửi gắm vào trong đó nhiều tâm tư, tình cảm, sự kính trọng đối với Thị Lộ - một nhân vật lịch sử tồn tại nhiều tranh cãi.

Thị Lộ chính danh - Tâm huyết cuối đời của "nhà văn vùng Mỏ" - 3

Tiểu thuyết lịch sử "Thị Lộ chính danh" - tác phẩm đạt giải thưởng Văn học Asean năm 2020 của nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã góp phần đưa văn học, lịch sử nước nhà vươn tầm thế giới. Ảnh Phạm Hằng

Có mặt tại tọa đàm, em trai nhà văn Võ Khắc Nghiêm là nhà văn Võ Khắc Thái, cũng là người đã góp ý cho anh trai hoàn thiện cuốn tiểu thuyết cuối đời, chia sẻ với độc giả về kỉ niệm ra đời “Thị Lộ chính danh”. Ông cho biết, ban đầu nhà văn Võ Khắc Nghiêm viết kịch bản sân khấu Mầm loạn nói về Lê Lợi thông qua cuộc đời của vợ chồng Nguyễn Trãi.

“Kịch bản viết xong, anh hăm hở xuống đền thờ Thị Lộ ở Khuyến Lương. Thắp hương xong anh bỗng thấy một nỗi buồn ập đến, xen lẫn một cảm giác chán nản. Anh nói có cảm giác như bà Thị Lộ chưa hài lòng. Về nhà xem kỹ lại, anh thấy kịch bản sân khấu không nói được hết những điều anh định nói. Vậy là anh quyết định cất kịch bản sân khấu Mầm loạn vào tủ và bắt đầu viết tiểu thuyết Thị Lộ Chính Danh”, nhà văn Võ Khắc Thái chia sẻ.

Thị Lộ chính danh - Tâm huyết cuối đời của "nhà văn vùng Mỏ" - 4

Em trai nhà văn Võ Khắc Nghiêm - nhà văn Võ Khắc Thái (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, độc giả cũng được nghe những câu chuyện đời thường, rất giản dị nhưng vô cùng sâu sắc của tác giả qua lời kể của người đồng nghiệp, người em thân thiết - ông Đoàn Văn Kiển (Nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam). Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã dành cả đời để viết và gắn bó sâu sắc với vùng mỏ nên mỗi khi nhắc đến tên ông, “anh em thợ mỏ” đều có cảm xúc đặc biệt dành cho một người anh chính trực, người đồng nghiệp giỏi nghề và người nhà văn, nhà báo sắc nét.

Đồng thời, sự kiện còn có những chia sẻ của ông Lê Thanh Hà - Giám đốc NXB Thanh Niên, hoạ sĩ Kim Duẩn minh họa bìa tác phẩm và ông Chu Đình Hoàng - Giám đốc Công ty CP Sách và Truyền thông San Hô. Đây là những người đã trực tiếp tham gia vào quá trình tái bản hoàn chỉnh cuốn sách "Thị Lộ chính danh" để đưa đến tận tay độc giả. Từ quá trình nghiên cứu, biên tập đến sản xuất đều đem lại rất nhiều cảm xúc khác nhau. Và bức tranh lịch sử không còn khô khan mà rất lôi cuốn, rất đời thực nhưng cũng rất cao cả sau khi đọc cuốn sách.

Thị Lộ chính danh - Tâm huyết cuối đời của "nhà văn vùng Mỏ" - 5

Gia đình, bạn văn, bạn đọc của nhà văn Võ Khắc Nghiêm cùng chụp ảnh lưu niệm sau buổi tọa đàm. Ảnh Phạm Hằng

“Thị Lộ chính danh” là cuốn tiểu thuyết lịch sử, vừa là lịch sử vừa là giải huyền thoại, nó đi tìm một chân giá trị lịch sử với những nhân vật quen thuộc mà sống động đầy mới lạ của riêng nhà văn Võ Khắc Nghiêm. Đây là cuốn tiểu thuyết chân thật, hấp dẫn nhưng quan trọng nhất là nó đưa lại cho chúng ta những thông điệp tưởng như còn hiện hữu trong cuộc sống đương đại.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm sinh năm 1942, quê gốc ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nhưng sinh sống và làm việc gần như cả cuộc đời ở vùng than Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Ông là học viên khóa đầu tiên của trường Trung cấp Cơ điện Mỏ (1959-1962); từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Quảng Ninh, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Than Việt Nam.

Trong sự nghiệp văn chương, nhà văn Võ Khắc Nghiêm viết ở nhiều thể loại, gồm truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch. Các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như: Đại dương trong mắt em (tiểu thuyết, 1990); Người cha tội lỗi (tiểu thuyết, 1990); Người tình 15 năm (tiểu thuyết, 1990); Cướp ngày (tiểu thuyết, 1989); Thị Lộ Chính Danh (Tiểu thuyết lịch sử, 2015).

Lao động nghệ thuật miệt mài, nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã giành được nhiều giải thưởng lớn như: Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đợt 4 năm 2017 cho hai tiểu thuyết “Mảnh đời của Huệ” và “Mạnh hơn công lý”, Giải A Văn học Công nhân (1990-1995). Với tác phẩm Thị Lộ chính danh, ông nhận Giải thưởng Asean năm 2020.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm mất ngày 29/9/2022 sau một thời gian chống chọi với bệnh tật.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất