Thời chúng tôi mặc áo lính...

Năm 1975 họ đã sống như thế (tiểu thuyết, Nxb Quân đội nhân dân, 1979) của nhà văn Nguyễn Trí Huân là một trong số những tác phẩm thành công viết về thời khắc lịch sử đáng nhớ: mùa xuân 1975 khi cục diện chiến tranh thay đổi, thế và lực của chúng ta đã như Phù Đổng Thiên Vương, kẻ địch thất thế đi tới sụp đổ và thảm bại hoàn toàn.

Năm 1975 họ đã sống như thế gần như cùng lúc xuất hiện với Trong cơn gió lốc (tiểu thuyết, Nxb Quân đội nhân dân, 1978) của nhà văn Khuất Quang Thụy. Độ lùi sau chiến tranh chưa xa nên tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân vẫn đem đến cho độc giả cái ấn tượng của chiến tranh trong những mảng chất liệu tươi nguyên, ròng ròng sự sống như thể tiếng súng vừa ngưng nghỉ ngày hôm qua. Thời gian nghệ thuật của tiểu thuyết, như đã nói, mở ra vào mùa xuân lịch sử 1975; không gian nghệ thuật của tác phẩm với biên độ rộng lớn bao quát từ chiến trường Trung Bộ, qua Phan Rang tới Vũng Tàu, Côn Đảo.

Đơn vị Sư đoàn chủ lực được được nhà văn dùng làm bối cảnh cho hoạt động của các nhân vật. Chiến tranh và con người trong mối tương quan biện chứng đã được tái hiện nghệ thuật trên cảm hứng nghiên cứu và phân tích thực tại (thoát khỏi lối “tả trận” thông thường). Chiến tranh lúc này được tái hiện không phải trong những cảnh đầu rơi máu chảy, súng đạn ùng oàng mà là những hoạt động của con người trên nhiều phương diện đời sống chiến đấu cũng như những góc sâu kín của nội tâm, cảnh ngộ, tâm trạng, số phận. Tác giả muốn bằng ngôn ngữ tiểu thuyết cắt nghĩa nguồn gốc sức mạnh tinh thần của người lính cách mạng.

Tác giả đã tạo nên những tình huống nghệ thuật (như là hòn đá thử vàng) để làm nổi bật tính cách và bản lĩnh nhân vật. Như trung đội trưởng Thiết để mất cao điểm vì lực lượng địch - ta quá chênh lệch (cho rút quân khi chưa có lệnh cấp trên nên bị kỷ luật). Trước sự kiện này Chính trị viên tiểu đoàn Mạc rất đau buồn vì đồng đội bị vấp váp trong chiến đấu. Có thể lý do Thiết cho bộ đội rút khỏi cao điểm là để bảo toàn lực lượng, để sinh mạng đồng đội bớt tổn thương. Nhưng chiến tranh có những quy luật khắc nghiệt của nó.

Mạc là người anh hùng (trong nghĩa bóng của từ này) trong chiến trận nhưng lại là kẻ thất bại trong tình duyên (Nhuần, vợ anh không chung thủy, có con với người khác khi chồng chinh chiến xa nhà). Tiểu đoàn trưởng Nhã xuất hiện, bổ sung thêm một gương mặt điển hình của người lính cách mạng. Anh đã chỉ huy bộ đội đánh thắng giòn giã một trận mới lấy lại uy tín cho đơn vị. Phối thuộc chiến đấu với tiểu đoàn bộ binh của Nhã và Mạc, có  tiểu đoàn pháo 105 ly do Phác chỉ huy. Anh là một sỹ quan giàu năng lực và hứa hẹn nhiều triển vọng tiến bộ.

Nhưng nội tâm của anh cũng có “vấn đề” (anh theo cha đi tập kết năm 1954, mẹ và em trai ở lại quê nhà; nhưng thật đau đớn khi anh trở lại quê  hương thì biết tin mẹ đã có con với người khác và trở nên giàu có, em trai là Phán thì đăng lính Việt Nam Cộng hòa). Mỗi nhân vật được miêu tả trong tiểu thuyết đều không như những sơ đồ. Ngay cả Thức - Chính ủy trung đoàn bộ binh tuy tài ba lãnh đạo bộ đội về tinh thần nhưng trong chuyện riêng tư lại đôi lúc tỏ ra “kém cỏi”.

Anh yêu mến Thư - Chính trị viên Đội phẫu, nhưng không biết cách thể hiện. Rõ ràng là tác giả đã chú ý viết về “phía sau người lính” và những khoảnh khắc “trước giờ nổ súng”, do đó hình tượng người lính cách mạng đã không rơi vào giản đơn, công  thức, tình thế chiến tranh đã khiến cho mỗi con người bộc lộ hết bản ngã của mình.

Cuốn theo chiều văn của Nguyễn Trí Huân, độc giả như được cùng đồng hành với những cánh quân chủ lực tiến sâu vào những vùng đất phía Nam. Vào thời điểm tháng 4 -1975, Thức được điều về làm Chính ủy Sư đoàn. Trên đường công tác Thiết gặp Phước (con gái Sư đoàn trưởng Khâm), cô được đưa về làm hộ lý ở trạm xá đơn vị (về sau là người yêu của Thiết). Tiểu đoàn của Mạc tiến  sâu đánh lớn, tiểu đoàn trưởng Nhã hy sinh. Trong một trận đánh khác Mạc cũng hy sinh.

Những ngày cuối cùng của chiến tranh, Phác gặp được em trai Phán (có ý định di tản nhưng sau đó ở lại),...Chiến tranh làm phân ly nhưng cũng không hiếm những đoàn tụ. Năm 1975 họ đã sống như thế được viết chủ yếu bằng cảm hứng hào hùng, tráng ca nhưng vẫn có độ sâu của sự nghiên cứu - phân tích - tổng hợp chiến tranh. “Sự thật chiến hào” được đan cài với “sự thật tổng hành dinh” (cái cụ thể, sách lược, chiến thuật được soi sáng bởi cái bao quát, chiến lược).

Trước khi trở thành nhà văn, Nguyễn Trí Huân đã là một người lính chiến thực thụ. Ông có nhiều năm lăn lộn ở chiến trường miền Trung ác liệt, đói khổ đã qua, sống chết tấc gang đã nếm trải. Vì thế, sau này khi cầm bút ông chỉ viết những gì mình trải qua, đã suy nghiệm kỹ càng.

Ông cũng đã trực tiếp tham gia chiến dịch mùa Xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ông cũng như nhiều nhà văn thế hệ chống Mỹ đã thực hành phương châm “sống đã rồi hãy viết”. Không thể nói Năm 1975 họ đã sống như thế là hoàn toàn tư liệu hay hoàn toàn hư cấu. Phải nói thế này mới đúng: tư liệu và hư cấu nhuần nhuyễn đến mức khó phân biệt.

Đặc điểm này chúng ta cũng có thể tri nhận được trong tiểu thuyết Trong cơn gió lốc của  Khuất Quang Thụy. Hư cấu nằm ở đâu? Dễ nhận ra nằm trong sự miêu tả đời sống nội tâm của người lính trong một hoàn cảnh hết sức điển hình. Đó là những sự lựa chọn và dấn thân của mỗi cá nhân trước vận mệnh lịch sử của dân tộc. Vì thế có thể nói, Năm 1975 họ đã sống như thế được viết bằng một cảm hứng lớn - chúng tôi gọi đó là “đại khí văn chương” (để phân biệt với “tiểu khí văn chương”).

Tuy nhiên, xét theo tiêu chí nhân vật thì tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân vẫn thiếu nhân vật chính (mới là nhân vật tập thể/ nhân dân). Đây là một đặc điểm có tính chất “quán tính” của văn học Việt Nam sau chiến tranh (1975-1985), khi cảm hứng, đề tài, chủ đề, nhân vật và cả kỹ thuật viết vẫn  nằm trong “phên giậu” của thi pháp văn học cách mạng. Nhưng không nên coi đó là một nhược điểm, mà nên coi là một đặc điểm mang tính lịch sử - cụ thể. 

Nói đọc lại Năm 1975 họ đã sống như thế của Nguyễn Trí Huân là thêm một lần chúng ta sống với ký ức lương thiện. Có đúng như thế? Một dân tộc, một thế hệ, một cá nhân nếu không gìn giữ được ký ức lương thiện thì sẽ như thế nào? Câu trả lời trong trường hợp này không khó khăn. Thế giới công nhận người Do Thái nhờ bảo lưu được ký ức dân tộc mà tồn tại bền vững qua bao thăng trầm lịch sử, biến cải thế gian.

Thanh Thảo, có thể coi là một  trong những đại diện xuất sắc của thế hệ nhà văn chống Mỹ, đã chia sẻ: “Đúng là có những lúc chúng ta rất buồn, rất đau về tình trạng đất nước mình, nhưng không vì thế mà xương máu của hàng triệu người Việt Nam hy sinh, mất mát suốt trong ba mươi năm chiến tranh lại có thể bị lãng quên hay xa lánh.

Tôi cũng đã từng cố quên những gì mình đã trải qua trong chiến tranh, đã từng, theo cách nói của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, là cố “quét”  cuộc chiến tranh ra khỏi đời mình như kiểu người ta quét nhà mỗi sáng. Nhưng không được. Không  thể được. Cuộc chiến tranh ấy là một phần đời anh, có khi là phần đẹp đẽ nhất của đời anh, phần nhiều  xúc cảm nhất, đau xót nhất nhưng cũng đáng tự hào nhất. Vậy thì cớ gì anh lại cố “quét” nó ra khỏi bộ nhớ của mình?” (Thế hệ chúng tôi, Báo Văn nghệ số 7, ngày 15-2-2020).

Trong những năm gần đây có hiện tượng trở lại của đề tài chiến tranh cách mạng trên văn đàn. Vì sao? Có thể giải thích được bằng những nguyên nhân trong và ngoài văn học. Hơn lúc nào hết chúng ta đang cần đoàn kết, siết lại thành đội hình toàn quân, toàn dân một ý chí để chống lại thù trong (nội xâm), giặc ngoài (thế lực bành trướng).

Ai đó ngây thơ nghĩ rằng trong thời bình (tương đối) thì không cần chủ nghĩa anh hùng như trong chiến tranh chúng ta đã phát huy cao độ. Trong đại dịch Covid-19 này, phải chăng không cần một chủ nghĩa anh hùng Việt Nam  hiện thực sao?

Đọc lại tiểu thuyết Năm 1975 họ đã sống thư thế của Nguyễn Trí Huân trong thời điểm này (Kỷ niệm 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước), thiết nghĩ là một động hướng tinh thần “ôn cố tri tân” rất quan trọng với toàn thể các tầng lớp xã hội, nhất là người trẻ - để họ hiểu “máu người không phả là nước lã”, để họ nhớ về một thế hệ đã tận hiến nhưng chưa có cơ hội tận hưởng. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Việt Nam ơi máu và hoa ấy/Có đủ mai sau thắm những ngày” (Việt Nam máu và hoa)./.

Hà Nội, Kỷ niệm 47 năm giải phóng miền Nam (30-4-1975/30- 4-2022)

Bùi VIệt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đờn ca tài tử, tiếng lòng người Nam Bộ

Đờn ca tài tử, tiếng lòng người Nam Bộ

LTS: Ngày 5 tháng 12 năm 2013, Tổ chức UNESCO công nhận đờn ca tài tử Nam Bộ Việt Nam là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Đây là bộ môn nghệ thuật ca nhạc đầu tiên của Nam Bộ được vinh danh cấp quốc tế. Như vậy ở cả ba miền của đất nước ta loại hình nghệ thuật tiêu biểu của mỗi vùng đã trở thành tài sản chung của thế giới. Với miền Bắc là ca trù, miền trung là n