Xuân sắp về, nhớ “ông đồ” Bùi Hạnh Cẩn

Xuân này, Hà Nội vắng đi một ông đồ thật đặc biệt, người đã đi một lối đi riêng, kết hợp thư và họa để vẽ nên những bức tranh chữ vừa cũ xưa, vừa mới mẻ và đầy sáng tạo. Ông là Bùi Hạnh Cẩn, người đã “về cõi” ở tuổi 102 hồi tháng 2-2020.

Xuân sắp về, nhớ “ông đồ” Bùi Hạnh Cẩn - 1 Nhà nghiên cứu Bùi Hạnh Cẩn.

1. Ông sinh năm 1919, tại thôn Vân Tập, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, là con trai cụ Bùi Trình Khiêm - đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Nam Định và là thân sinh của PGS, TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Tôi may mắn được gặp ông nhiều lần, được trò chuyện với ông trong ngôi nhà ở làng Võng Thị ven hồ Tây (Hà Nội), nghe ông kể nhiều chuyện. Ông có thời gian dài làm báo. Ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bùi Hạnh Cẩn đã viết cho nhiều tờ báo như: Ngọ báo, Đông Pháp, Tin tức, Tiểu thuyết thứ Năm, Đàn bà... Sau này, ông là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957); quyền Tổng biên tập báo Thủ Đô (nay là báo HàNộimới); ủy viên thường trực, chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam… Những năm 1970 - 1980, ông lần lượt làm Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội; Giám đốc NXB Hà Nội…

Nhưng những câu chuyện ông nhớ, ông kể thường nghiêng về những công trình dịch thuật, khảo cứu, nghiên cứu, nhiều đầu sách ông đã viết về văn hóa truyền thống, về các đấng bậc danh nhân đất Việt. Trong đó, có thể nhắc đến: “Hồ Xuân Hương, thơ chữ Hán, chữ Nôm và giai thoại”; “Văn tuyển Đoàn Thị Điểm”; “192 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du”; “Thăng Long thi văn tuyển”; “Tổng tập thơ phú Nôm của Nguyễn Huy Lượng”; “441 bài thơ Đường”, “Lê Quý Đôn” (truyện danh nhân); “Nguyễn Bính và tôi” (hồi ký)…

Xuân sắp về, nhớ “ông đồ” Bùi Hạnh Cẩn - 2

Tranh chữ “Trâu”. 

2. Vào những năm cuối đời, ông vẫn khá minh mẫn, vẫn rèn tập thể dục và viết tranh chữ - “dòng tranh” mà ông là người đeo đuổi với những sáng tạo rất riêng. Ông từng nhiều lần kể về “hành trình” đến với tranh chữ. Có thể nói đó là một thứ “duyên kỳ ngộ”. Ấy là quãng năm 1988, khi đất nước vừa chuyển mình sang đổi mới, cũng là lúc ông đến tuổi hưu. Song ông vẫn tự mình rẽ lối, để cố gắng hình thành con đường riêng. Cho tới một buổi chiều nọ, ngồi ngắm tranh của Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du trong một ngôi chùa cổ của làng Võng Thị, bỗng nhiên Bùi Hạnh Cẩn nảy sinh một mong muốn, làm sao nghĩ ra được một cái gì đó treo ở cây đại kia. Thế là như xuất thần, ông cầm lấy bút viết ngay chữ “Đại” bằng chữ Nôm cách điệu hình bông hoa đại treo trên lá cờ đại, nhìn thấy hay hay, ông bắt đầu mày mò, sáng tạo ra tranh chữ, sử dụng tính chất tượng hình, hội ý của chữ Nôm, Hán. Sau này, vì ít người còn sử dụng và có thể hiểu được thứ “chữ thánh hiền” này, nên ông phải có thêm chữ quốc ngữ và cả quốc tế ngữ ở phía dưới, như là một thành phần của tranh chữ.

Tuy vậy, có một vài bức tranh chữ của ông lại tạo nên bất ngờ đầy thú vị cho người xem, vì họ có thể nhìn hình đoán chữ và ngược lại, dù có biết những thứ chữ được biểu đạt trên giấy hay không, dù họ là người Việt Nam hay người nước ngoài. Như bức tranh chữ “Ngựa” có hình một con ngựa đang sải bước tung bờm cách điệu từ chữ “Mã” của chữ Hán, một GS ở Trường đại học Bắc Kinh bảo: “Tôi đi khá nhiều nhưng chưa thấy một con ngựa nào như con ngựa này”. Hay bức Trâu ngoài chữ “Ngưu” của Hán tự được cách điệu hình đầu con trâu với chiếc sừng cong, có mắt, miệng, phía bên dưới còn có “chú thích” bằng chữ quốc ngữ  và cả quốc tế ngữ để mọi người ở mọi vùng miền, quốc gia chỉ cần nhìn là hiểu. Đây là một trong những bức tranh chữ của Bùi Hạnh Cẩn được nhiều người đánh giá là thành công. Rồi bức “Xuân, Tết” có hoa có rượu, lại còn bức chữ “Tiền” với hai câu thơ: “Hóa ra vũ trụ mênh mông thế/Cũng chỉ xoay quanh một chữ tiền…”.

Mỗi bức đều là một gợi ý để trí tưởng tượng của người xem tham gia cùng người vẽ tạo nên những cách đọc, cách hiểu, cách cảm khác nhau. Những bức tranh chữ ấy, mỗi lần ông viết ra lại có một vẻ khác nhau, dù vẫn với hình thức ấy, nét chữ ấy. Bên cạnh đó, mỗi loại giấy có một ép-phê riêng, cho người viết những cảm giác riêng. Dưới mỗi bức tranh, ông đồ Bùi Hạnh Cẩn đều ký tên mình với hai mầu xanh đỏ. Ông giải thích: mình họ Bùi, mà chữ Bùi trong Hán tự được kết hợp bởi hai chữ Phi và Y (tức áo đỏ) nên ông dùng mầu đỏ tượng trưng cho họ của mình. Quê ông ở làng Hoa Ngạc (Nam Định), vì vậy, bông hoa là tượng trưng cho quê hương, do đó chữ ký của ông cũng là một dạng tranh chữ với nhị đỏ hoa xanh rất đặc biệt.

3. Ông từng tâm sự với tôi: “Người ta dễ cho mình là lão già hâm, khốt-ta-bít. Nhưng kệ. Mình không làm ra được những câu thơ mới mà đọc mãi những câu thơ cũ thì cũng chán, nên mình đành sáng tạo ra cách thể hiện mới nhằm đem đến một sự mới mẻ. Mỗi lần viết là một lần khám phá chính bản thân mình, làm mới bản thân mình, chứ không bao giờ lặp lại. Chính điều đó cũng tạo nên cho mình sự hứng khởi để có thể mỗi ngày mới đều hào hứng bắt tay vào với việc diễn ra đều đặn mấy chục năm trời nay. Còn việc nó hay dở đến đâu thì ô kìa, biết thế nào được”.

Xuân này, ông đồ Bùi Hạnh Cẩn đã không còn ăn Tết với cháu con. Ngôi nhà trong làng Võng Thị đã không còn bóng dáng của một “người hiền” thích sống độc lập và ưa lặng lẽ. Những bức tranh chữ của ông cũng có thể bạc đi vì gió nắng thời gian, nhưng tinh thần của ông, những công trình về văn hóa của nhà nghiên cứu Bùi Hạnh Cẩn thì vẫn còn đó.

Theo Nhân Dân

Tin liên quan

Tin mới nhất