"Bài hát viết về các thương binh, liệt sỹ không thể nhạt nhẽo"

Nhạc sỹ Nguyễn Đình San có ba bài hát viết về đề tài thương binh liệt sĩ nghe thật cảm động. Nhân kỷ niệm ngày thiêng liêng này, phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật có cuộc phỏng vấn nhạc sỹ về sự ra đời ba bài hát trên.

"Bài hát viết về các thương binh, liệt sỹ không thể nhạt nhẽo" - 1

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San

PV: Thưa nhạc sỹ Nguyễn Đình San, ông có tới ba bài hát viết về đề tài thương binh liệt sĩ là “Truông Bồn – khúc tưởng niệm”, “Tiếng hát từ Truông Bồn” và “Nàng Tô Thị không con”. Bài nào cũng khiến người nghe rưng rưng cảm động. Xin ông cho biết từ căn nguyên nào, ông đã viết nên được ba bài và bài nào cũng hay?

Nguyễn Đình San: Thực ra, cách đây 30 năm, tôi đã sáng tác bài “Về cùng em” về đề tài thương binh. Đây là lời nhắn nhủ của người vợ hiền tới người chồng của mình là thương binh trở về quê hương sống cuộc đời đạm bạc giữa vòng tay yêu thương của người vợ hiền thủy chung và sự đùm bọc của dân làng, chòm xóm. Nhưng tự thấy rất bình thường, nghe chưa cảm động bởi cảm xúc chưa tới độ.

Vậy nên tôi tự thấy còn mắc nợ với những người đã ngã xuống cho dân tộc để có được ngày hôm nay. Tôi tự nhủ mình phải viết bằng được ít nhất là một bài về đề tài này.

PV: Rồi từ đâu mà nhạc sỹ lại có được cảm xúc mãnh liệt đến thế để viết nên những ba bài về đề tài này?

Nguyễn Đình San: Một lần, cách đây mấy năm, tôi có dịp đặt chân đến huyện Đô Lương (Nghệ An). Ai tới đây cũng không thể không đến thăm Truông Bồn – nơi có 11 nữ và 2 nam thanh niên xung phong hy sinh ngay trước ngày Mỹ tuyên bố ngưng ném bom miền Bắc chỉ mấy giờ đồng hồ. Đó là ngày 31/10/1968 (mà đến 0 giờ ngày1/11, lệnh ngưng ném nom sẽ có hiệu lực).

"Bài hát viết về các thương binh, liệt sỹ không thể nhạt nhẽo" - 2

Đài tưởng niệm khu di tích Truông Bồn (Nghệ An)

Hôm ấy, tôi thấy mắt những người đến đây đều đỏ hoe khi nghe người thuyết minh kể lại sự kiện 13 thanh niên xung phong hy sinh như đã nói. Sau đó, một cô giáo ở đây nói với tôi: “Truông Bồn quê em như vậy mà chưa có bài hát nào thật hay, thật xúc động nói về sự kiện lịch sử bi hùng này tuy cũng có một số bài đã ra đời”.

Tôi nghe cô nói, đã xin số điện thoại của cô với ý nghĩ mình về sẽ cố gắng sáng tác rồi gửi vào cho cô nghe xem sao. Và thế là, trở ra Vinh, ngay đêm đó, tại khách sạn, tôi đã hoàn thành bài Truông Bồn khúc tưởng niệm: “Truông Bồn hôm nay vẫn một màu mây trắng. Trời vẫn xanh một màu xanh bình lặng. Cây lá vẫn non tươi bát ngát. Hoa mua tiếc thương ai mà vẫn tím ngắt...”.

Viết đến đây, nước mắt tôi trào ra, rơi xuống trang giấy làm ướt nhòe những nốt nhạc đầu tiên khai thác từ chất liệu ví dặm quen thuộc của Nghệ An nhưng chỉ thoáng qua một chút rồi phát triển đi xa.

PV: Vậy còn bài “Tiếng hát từ Truông Bồn” nghe cũng rất cảm động, khác hẳn bài trước. Ông viết bài này sau đó bao lâu?

Nguyễn Đình San: Sau khi hoàn thành bài đầu tiên, ra Hà Nội, tôi tự hát, tự đệm đàn rồi thu thanh, gửi vào cho cô giáo ở Đô Lương nghe. Chỉ mấy ngày sau, cô đã hát rồi tự thu bằng điện thoại gửi ra cho tôi (hát “chay” tức không có đàn đệm). Hình như cô muốn chứng minh rằng cô đã rất thích bài này chứ không chỉ khen hay mang tính xã giao. Cô hát có chỗ chưa thật chuẩn xác nhưng nghe rất xúc động. Và rõ là cô cũng vừa hát vừa khóc vì có nhiều chỗ giọng rất nghẹn ngào, ngắc ngứ.

Cảm xúc trong tôi vẫn còn đầy ắp, dâng trào. Tôi thấy phải viết thêm bài nữa mới “đã”. Và bài thứ hai đã ra đời cũng rất nhanh, chỉ trong một buổi tối. Nếu bài trước là gợi lại sự hy sinh cực kỳ bi hùng của 13 thanh niên xung phong còn rất trẻ, tuổi đều dưới 23 thì bài thứ hai tôi muốn nói đến lòng biết ơn sâu sắc của những người đang còn sống đối với các liệt sỹ ở Truông Bồn và họ như là vẫn còn sống mãi, vẫn đang lan tỏa ảnh hưởng đến cuộc sống của muôn người hôm nay.

PV: Vâng. Nhưng vì sao trong ca từ lại có câu “Và nhớ ai đã lỡ một câu thề. Ngày ra đi đôi lứa biệt ly. Ra đi mãi, đi mãi không về...”?

Nguyễn Đình San: Trong 13 thanh niên xung phong hy sinh hôm đó, có một đôi nam nữ yêu nhau, đã cùng ra mắt cha mẹ, họ hàng và được ấn định trước ngày ăn hỏi cũng như ngày cưới. Nhưng chưa kịp thực hiện các thủ tục cho cuộc hôn lễ thì cặp uyên ương đã cùng vĩnh viễn ra đi. Ai biết chi tiết này cũng vô cùng thương cảm và xúc động. Sau khi viết câu trên, phải mãi sau, tôi mới viết tiếp được.

PV: Nhạc sỹ còn có bài “Nàng Tô Thị không con” với tên bài hát nghe đã thấy lạ. Xưa nay, truyền thuyết kể rằng có người đàn bà bồng con ngóng chồng nhưng mãi không thấy về, đã hóa đá. Vậy sao lại là “Nàng Tô Thị không con”?

Nguyễn Đình San: Sau khi ra đời 2 bài đã nói, rất nhiều người liên lạc với tôi có ý xin văn bản và beat (phần nhạc đệm). Tôi thấy mình có sở trường viết về những gì sâu sắc, lắng đọng, bi hùng. Nhưng không có ý viết thêm về đề tài thương binh liệt sĩ, trộm nghĩ nếu có viết cũng phải một thời gian lâu nữa, và phải có ý tứ gì mới chứ không thể lặp lại những gì mình đã viết.

Nhưng rồi một hôm tình cờ đọc trên trang cá nhân của nhà giáo, dịch giả Trần Nhuệ ở Thái Bình một bài thơ rất hay với tứ mới lạ, sâu sắc có tên Nàng Tô Thị không con. Tôi quyết định phổ nhạc. Lại nhờ ca sỹ Vô Thanh thể hiện. Giống như bài về Truông Bồn, cô lại mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành việc thu thanh vì ngẹn ngào, tiếng không chuẩn. Phải trấn tĩnh lại một lúc lâu mới có thể thu tiếp.

PV: Bài hát có ca từ rất hay và nghe thật xúc động. Đúng là phản ánh một thực trạng của đất nước ta: Chiến tranh đã khiến bao người trẻ phải hy sinh hạnh phúc riêng tư. Cái tứ “Nàng Tô Thị không con” thật là sâu sắc.

Nguyễn Đình San: Tôi có mạn phép tác giả thơ Trần Nhuệ thay đổi một số lời lẽ, nhất là đoạn kết cho tăng tính bi hùng: “Ngày nay có những nàng Tô Thị đã không có một đời con gái, không có một đời làm vợ, một đời làm mẹ, một đời người!”

PV: Theo nhạc sỹ, sáng tác về đề tài thương binh liệt sĩ cần phải đạt được những yêu cầu gì?

Nguyễn Đình San: Phải gây được xúc động cho người nghe. Xúc động nơi trái tim người nghe càng lớn, càng mãnh liệt, người sáng tác càng thành công. Bài hát viết về các thương binh, liệt sỹ không thể nhạt nhẽo với những lời lẽ chung chung hoặc ngợi ca sáo mòn. Ca từ phải thật giản dị, súc tích và sâu sắc.

PV: Cảm ơn nhạc sỹ về cuộc phỏng vấn này. Chúc nhạc sỹ luôn khỏe để tiếp tục có nhiều sáng tác thú vị.

Kim Chi

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.