Khiêm tốn làm một nốt trầm

“...Ta làm con chim hót Ta làm một nhành hoa Một nốt trầm xao xuyến Ta biến trong hòa ca...”

Đó là một khổ trong bài thơ hay có tên Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải (1930-1980). Ông được coi như một trong những nhà thơ mở đầu nền thơ ca chống Mỹ ở miền Nam với tập thơ khá tiêu biểu Những đồng chí trung kiên. Bài thơ Một mùa xuân nhỏ được Thanh Hải sáng tác trên giường bệnh trong bệnh viện Trung ương Huế những ngày cuối cùng của cuộc đời. Đó là cuối tháng 12/1980. Bài thơ là chút tâm sự, chiêm nghiệm của một nhà thơ đã dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Là bạn thân của Thanh Hải, nhạc sĩ Trần Hoàn đã ngay lập tức phổ nhạc bài thơ khi nhà thơ vừa hoàn thành mới ở dạng bản thảo và nhanh chóng đến với thính giả, trở nên rất nổi tiếng.

Khiêm tốn làm một nốt trầm - 1

Ảnh minh họa

Tôi không sao quên được phút giao thừa bước sang năm 1981. Thường thì sau khi nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước ở thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và mới luôn có một chương trình văn nghệ tổng hợp kéo dài cả giờ đồng hồ trên Đài Truyền hình Việt Nam. Trong chương trình này, tôi nghe được một bài rất lạ, thú vị, nghe mà thấy “gai người”. Không phải vì kinh sợ theo nghĩa thông thường của từ này mà vì bài hát quá hay, đã lâu lắm tôi mới được nghe một bài như thế. Giai điệu nghe cứ bâng khuâng, nao nao thế nào…

Tết đến, xuân về, tâm trạng của nhiều người thường là vui vẻ, hân hoan. Vậy mà bài hát cứ khiến tôi phải suy tư, trầm mặc, có chút gì đó bùi ngùi, bồi hồi. Ôi! Mới phù hợp với không khí sau phút giao thừa làm sao! Ở cái khoảnh khắc giao nhau giữa năm cũ và năm mới, giữa cái cuối đông và đầu xuân, trong cái rét ngọt của đêm trừ tịch, sau những tràng pháo rộ lên rồi tiếp tục râm ran đâu đó (khi ấy Nhà nước chưa cấm đốt pháo), người ta quây quần lại, ngả cỗ cúng giao thừa xuống, rồi vui vẻ nâng cốc chúc nhau. Ai cũng hoan hỉ, hồ hởi, rộng lượng, sẵn sàng thể tất mọi thứ, cho qua tất cả những khúc mắc của năm cũ để bước vào năm mới. Nhưng qua đi giây phút ấy thì sao? Trẻ con lên giường ngủ khì, vô tư. Người lớn thao thức và không ít người ngồi suy ngẫm, chiêm nghiệm cuộc đời. Bài hát thật phù hợp với tâm trạng của những người như vậy. Đó là bài hát phổ bài thơ cùng tên vừa nhắc của Thanh Hải. Tôi nhớ rõ ca sỹ lần đầu hát bài hát này trên làn sóng là Kim Phúc khi đó còn rất trẻ, mới ở độ tuổi 20, hình như đang còn là sinh viên trường Đại học Âm nhạc (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Một mùa xuân nhỏ lại là một thành công đặc biệt thứ hai của Trần Hoàn sau Lời ru trên nương. Nhạc sĩ đã tìm được một bài thơ sâu sắc với tứ thơ hay, giàu sức thuyết phục: Mỗi người chúng ta hãy khiêm nhường đóng góp chút gì bé nhỏ để góp phần làm nên cuộc đời tươi đẹp, hãy hòa cùng mọi người, hãy chia sẻ với đồng loại, chớ ồn ào phô trương, chớ chỉ thấy mình, hãy “làm con chim hót, làm một nhành hoa, một nốt trầm xao xuyến” để “biến trong hoà ca”. Khiêm nhường mà kiêu hãnh và vị tha biết bao! 

Tác giả không sử dụng hẳn một chất liệu dân ca vùng nào để tạo nên bài hát. Ta cũng chỉ cảm thấy loáng thoáng chút ví dặm Nghệ Tĩnh ở chủ đề âm nhạc, rồi được biến hoá đi ngay: “Mọc giữa dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc. Ơi con chim chiền chiện…”.

Bố cục của bài hát vuông vức ở thể hai đoạn. Đoạn A giai điệu được viết ở giọng thứ. Đoạn B chuyển sang trưởng. Cách viết này là thông thường, không có gì đặc biệt. Nhưng ngôn ngữ âm nhạc của Một mùa xuân nhỏ thật độc đáo bởi tạo dựng được một hình tượng khiến người nghe cảm thấy bồi hồi, xao xuyến, thắc thỏm, lại pha chút bùi ngùi, nuối tiếc. Đặc biệt ở đoạn B, khi giai điệu đã chuyển hẳn sang điệu trưởng, thông thường sẽ sáng, vui hẳn lên nhưng người nghe vẫn được tô đậm thêm ấn tượng ban đầu do đoạn A đem lại: “Mùa xuân, mùa xuân! Một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời. Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân tôi xin hát…”

Những dấu lặng đơn được đặt sau mỗi tiếng “xuân” gây cho ta cảm giác đúng là những giọt sương long lanh rơi từ những tán lá, nhành cây, mái tranh mà tác giả đã miêu tả ngay từ đầu: “Từng giọt long lanh rơi, tôi đưa tay hứng về”. Mùa xuân là mùa hứa hẹn sự sống, sức thanh xuân, mùa sinh sôi của muôn loài. Nhưng đâu chỉ có vui, chỉ phơi phới, hớn hở, tưng bừng như người ta quan niệm mà thực ra còn có rất nhiều suy tư, ngẫm nghĩ, thậm chí buồn nữa. Nhưng là cái buồn thẩm mỹ chứ không phải là buồn bã, buồn nản, yếm thế, tuyệt vọng, không phải là cái buồn sầu của Chế Lan Viên xưa (trước cách mạng Tháng Tám):

“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu

Đem chi xuân lại gợi thêm sầu”

Trong bài hát, tôi thích nhất hai chi tiết: “Ơi con chim chiền chiện hót chi mà vang trời” và “Một nốt trầm xao xuyến”. Chim hót vang trời giữa mùa xuân có “người cầm súng” với “lộc giắt đầy trên lưng”, có “người ra đồng” với “lộc trải dài nương lúa”. Đẹp quá! Vui quá! Nhưng sao nét nhạc nghe cứ lắng lại. Cái quãng 5 đổ xuống giữa “vang” và “trời” sao bâng khuâng thế, sao bùi ngùi vậy?

Ôi mùa xuân của những người giàu suy nghĩ, đâu chỉ là chuyện riêng bản thân mà là chuyện của giang sơn, đất nước, của muôn người chưa được toàn vẹn hạnh phúc vì còn lắm nỗi gian truân: “Đất nước bốn nghìn năm vất vả và gian lao”. Chính bởi vậy, hãy nguyện làm “một nốt trầm xao xuyến” để “tan biến trong hoà ca”. Một nốt thôi, lại là nốt trầm để lẩn vào, lặn xuống, để tan biến. Khiêm nhường biết chừng nào. Nhưng đâu phải vai trò nhỏ. Bè trầm trong hợp xướng là vô cùng quan trọng. Thiếu nó, hợp xướng hẳn sẽ mất hết màu sắc, không thể hay.

Lúc nhạc sỹ Trần Hoàn chưa qua đời, trong một lần tiếp xúc, ông bộc lộ là sau khi bài hát Một mùa xuân nhỏ ra đời và có đời sống tốt trong công chúng, năm nào sắp đến Tết, ông cũng được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đề nghị sáng tác bài hát mới về mùa xuân. Nhưng ông không dám dứt khoát nhận lời, chỉ hứa sẽ cố gắng viết. Tuy nhiên, nhiều năm đã ngồi vào đàn mà không thể viết được. Chính xác là ông có viết ra nhưng lại tự hủy vì thấy không thể vượt qua cái bóng của chính mình. Bởi những bài về sau ông tự thấy kém xa bài mình đã phổ thơ của Thanh Hải.

Khiêm tốn làm một nốt trầm - 2

Nhạc sĩ Trần Hoàn

Cũng Trần Hoàn kể. Một lần, ông đi dự đám cưới đứa con người quen biết tổ chức tại nhà hàng sang trọng. Trong lúc mọi người nâng cốc, ăn uống thì trên sân khấu có ca nhạc “sống”. Hôm đó, không biết các “ca sỹ” ở đâu mà hát rất nhiều bài “tạp pí lù”, Tây, Tàu nghe lạ hoắc. Rồi thì hiphop, rock, rap đủ cả. Vì là đám cưới vui vẻ nên chẳng ai để ý, cũng không ai phàn nàn gì mặc dù dàn loa máy rất to, đinh tai nhức óc. Bỗng có một cô gái trẻ hát bài Một mùa xuân nhỏ khiến Trần Hoàn chú ý. Bài hát bị lạc lõng giữa một không khí ăn uống hỉ xả, ồn ào và bên cạnh những bài nhộn nhạo khác như đã nói. Trần Hoàn thực sự không hài lòng thay vì thích thú như mọi lần được một ai đó trình diễn bài của mình. Nhưng ông vẫn rất tôn trọng người hát bằng việc dừng ăn, uống để chăm chú lắng nghe. Khi cô gái hát xong, ông nói nhân viên nhà hàng mời cô gái vừa hát xuống để ông gặp. 

- Bác tìm cháu ạ?

Khi nhạc sỹ chưa kịp cất lời thì một người cùng mâm với ông nói với cô gái:

- Cô biết ai đây không?

- Thưa không ạ. Cháu chưa có dịp được gặp bác. 

- Cô vừa hát bài của bác ấy đấy.

Cô gái tỏ sự ngạc nhiên :

- Bác là nhạc sỹ Trần Hoàn ạ? 

Lúc này Trần Hoàn mới cất lời:

- Cảm ơn cháu đã hát bài Một mùa xuân nhỏ

- Thưa bác. Chắc cháu hát dở chưa đúng ý bác phải không ạ?

- Không. Bác muốn gặp cháu với lý do không phải như vậy. Cháu hát rất say sưa, truyền cảm. Nhưng cần hát đúng nơi, đúng lúc. Bài hát đó không phù hợp với không khí này. Cháu chỉ nên hát ở những cuộc hội diễn hoặc biểu diễn phục vụ hội nghị. Tóm lại là trong không khí trang trọng, nghiêm túc. Chứ đám cưới ồn ào, nhộn nhạo, người ta ăn uống, nói chuyện thì không hợp.

- Cháu biết rồi ạ. Chả là vì cháu quá thích hát bài này nên cứ có dịp hát ở đâu là cháu hát liền. Nhưng từ nay cháu xin nghe lời dặn của bác.

Một mùa xuân nho nhỏ ra đời cách đây đã gần nửa thế kỷ. Đó là quãng thời gian quá đủ để khẳng định giá trị bất hủ của một tác phẩm nghệ thuật. Từ đó đến nay, cứ mỗi độ xuân về, lại có hàng trăm bài hát mới viết về mùa xuân ra đời nhưng quả là tôi không thấy có bài nào sánh được với bài hát này. Mỗi dịp nghe Một mùa xuân nho nhỏ, tôi vẫn thấy nguyên vẹn cảm giác nao nao, bồi hồi, xao xuyến như lần nghe đầu tiên. “Một mùa xuân”… “nhỏ” nhưng hiệu quả cảm xúc và thẩm mỹ đem lại cho người nghe thì vô cùng mạnh mẽ, lớn lao./.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: Phác thảo diện mạo văn học Việt Nam từ 1975

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: Phác thảo diện mạo văn học Việt Nam từ 1975

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức sáng 27/11 tại Hà Nội đã cho thấy một cái nhìn vừa tổng quát, vừa chuyên sâu về những thành tựu của văn học Việt Nam 50 năm qua và góp phần xác định xu thế của vă

THCS Vân Hồ phát động cuộc thi Vang mãi khúc quân hành

THCS Vân Hồ phát động cuộc thi Vang mãi khúc quân hành

Ngày 25/11, Trường THCS Vân Hồ phối hợp với Thời báo Văn học nghệ thuật (Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) tổ chức phát động hưởng ứng cuộc thi Tìm hiểu 80 năm Truyền thống vẻ vang Quân đội Nhân dân Việt nam anh hùng với chủ đề “Vang mãi khúc quân hành”.