Nhạc sĩ Đôn Truyền - hiểu chèo sâu sắc, sáng tác nhạc chèo đặc sắc

Những năm 60-70 của thế kỷ XX, tôi công tác thiếu nhi ở Thành đoàn Hải Phòng, là hội viên Hội Liên hiệp VHNT thành phố (ngành m nhạc), tôi yêu thích ca khúc “Cây lúa Hàm Rồng” của nhạc sĩ Đôn Truyền ở Đoàn nghệ thuật Quân khu Hữu Ngạn.

Nhạc sĩ Đôn Truyền sinh năm 1934, quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Vào nghề âm nhạc từ thuở ấu thơ với cây đàn mandolin rồi guitar và nhiều năm trụ lại với cây đàn violon. Đến khi “sang nghề” sáng tác, học qua bậc đại học ngành âm nhạc 5 năm, tốt nghiệp với bản giao hưởng ba chương “Bài ca chiến sĩ”, bản tam tấu violin, cello và piano, bản concerto cho piano và dàn nhạc, tài năng bước đầu được khẳng định.

Ra trường, tiếp tục niềm đam mê nhạc giao hưởng. Trăn trở với những ước mơ nghệ thuật, Đôn Truyền đã tìm được lối thoát viết nhạc cho nhạc múa. Anh đã gặt hái không ít thành công, hàng trăm tác phẩm nhạc múa đã được ra đời, trong đó có những kịch múa ngắn, khá thành công và hấp dẫn.

Nhạc sĩ Đôn Truyền - hiểu chèo sâu sắc, sáng tác nhạc chèo đặc sắc - 1

GS. NGND Trần Bảng (áo trắng ở giữa), đại tát, nhạc sĩ Đôn Truyền (ngoài cùng bên phải)

Về âm nhạc chèo của nhạc sĩ Đôn Truyền, tôi biết đến từ năm 2009, khi anh đến Hội Âm nhạc Hà Nội nói về “Con đường âm nhạc chèo” của mình. Nhạc sĩ kể chuyện hấp dẫn, nội dung phong phú, sâu sắc về âm nhạc chèo. Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội phát biểu: “Âm nhạc chèo Việt Nam tuyệt vời như vậy, cần đề xuất UNESCO xét công nhận di sản phi vật thể của nhân loại”. Đó là cuộc nói chuyện về âm nhạc chèo đầu tiên và duy nhất của nhạc sĩ Đôn Truyền với Hội Âm nhạc Hà Nội, để lại ấn tượng sâu đậm đối với tôi và nhiều hội viên Hội âm nhạc Hà Nội.

Sau buổi nghe nói chuyện đó, tôi tìm đến nhà nhạc sĩ Đôn Truyền ở đường Hoàng Hoa Thám, được nhạc sĩ nhiệt tình tiếp đón và tặng tôi hai cuốn sách quý do nhạc sĩ viết: Cuốn “Hồn quê trong di sản” bình luận nghệ thuật (Nxb Văn học, 2007). Cuốn “Đến với nhạc chèo” (Viện sân khấu, 2001 được GS.NSND Trần Bảng trân trọng viết lời giới thiệu). 

Nhiều lần đến thăm, tôi nhận ra ngoài có những tác phẩm được công chúng ghi nhận, anh còn là một nghệ sĩ đa tài với một kho tri thức. 

Về sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, mảng âm nhạc tôi rất quan tâm, Đôn Truyền có những tác phẩm tiêu biểu như ca khúc: “Em là chim vàng anh” (in trong Tổng tập bài hát thiếu nhi Việt Nam, tập 2D, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2015). “Bướm vàng ngụy trang” (in trong tập nhạc Màu áo chú Bộ đội 100 ca khúc thiếu nhi, Nxb Dân Trí, 2019). 

Điều hết sức bất ngờ và đặc biệt quý trọng là năm 2014, 2015, Đôn Truyền tặng tôi 8 đĩa DVD trong bộ 10 đĩa “Đến với nhạc chèo” ghi hình những bài giảng về chèo ở Viện Sân khấu, và cuốn sách “Cẩm nang người yêu chèo” (Chuyên luận, Nxb Thanh Niên, 2015). Về cuốn “Cẩm nang người yêu chèo”, Hội nhạc sĩ Việt Nam hỗ trợ in 630 cuốn để tặng đại biểu dự Đại hội Hội nhạc sĩ Việt Nam đến dự.

Đôn Truyền không phải sinh ra và lớn lên ở “đất chèo”, đến với chèo khá muộn nhưng lại là người hiểu chèo sâu sắc và sáng tác nhạc chèo đặc sắc. Anh tha thiết muốn truyền lại sự “kỳ diệu” và “tuyệt vời” của âm nhạc chèo mà nhạc sĩ tìm hiểu được với những người yêu chèo. 

Ngày 06/04/2023, sau khi đọc cuốn sách “Một cành đào lý vẫn tươi xanh” của tiến sĩ Trần Đình Ngôn nói về chèo, trong đó có bài viết về nhạc sĩ Đôn Truyền: “Đến với nhạc chèo từ một tình yêu”. Tôi nói với Đôn Truyền: Đây là một đề tài hay, độc đáo, có thể làm một luận văn, một công trình nghiên cứu. Tôi muốn mời một nhà báo chuyên viết các bài về âm nhạc trên Thời báo Văn học Nghệ thuật viết về ông. Nghe vậy, nhạc sĩ Đôn Truyền nói: “Thôi, đã qua rồi cho qua…”. Tôi thấy tiếc, vì nhạc sĩ Đôn Truyền có một kho báu về âm nhạc chèo, là viên ngọc quý về âm nhạc chèo Việt Nam mà lại bỏ qua thật là uổng phí. 

Nhạc sĩ Đôn Truyền hiểu âm nhạc chèo sâu sắc, sáng tác âm nhạc chèo đặc sắc. Ông đã soạn nhạc thành công nhiều vở chèo nổi tiếng như “Lý Nhân Tông kế nghiệp” của Tào Mạt, “Kính chiếu yêu” của Văn Sử, “Đêm trăng huyền thoại”, “Côn Sơn hiền sĩ”, “Phò mã áo chàm Dương Tự Minh”, Những vần thơ thép của Trần Đình Ngôn, “Nàng Thiệt Thê” của Trần Bảng, “Trần Nguyên Hãn”, “Hoàng Thúc Lý Long Tường” của Hoài Giao …

Về tình yêu và sự thấu hiểu chèo sâu sắc để có thể sáng tác nhạc chèo đặc sắc của nhạc sĩ Đôn Truyền còn thể hiện rõ ở cuốn sách “Đến với nhạc chèo” (Viện Sân khấu, 2001); cuốn sách “Cẩm nang người yêu chèo” (Nxb Thanh Niên, 2015). Điều đặc biệt là được thể hiện ở 8 đĩa DVD “Đến với nhạc chèo” (Viện Sân khấu). Yêu và hiểu chèo đến mức hệ thống thành 8 bài giảng với hơn 407 phút thì thật là tuyệt vời. 8 nội dung đó là:

- Chèo là gì? Thế giới chèo có gì lạ?

- Sự sáng tạo đồng bộ trong chèo?

- Thế nào là làn điệu chèo?

- Sự phong phú của ngôn ngữ nhạc chèo.

- Các hình thức của âm nhạc chèo: nói - hát nói – hát.

- Hơi nhạc - Hệ thống mô hình nhạc chèo.

- Nghệ thuật sử dụng mô hình nhạc chèo.

- Thủ pháp chèo hóa.

Qua nội dung bài giảng đủ thấy nhạc sĩ Đôn Truyền hiểu nghệ thuật chèo như thế nào.

Với tài năng sáng tác, nghiên cứu chuyên sâu, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Năm nay ông đã ở tuổi 90 nhưng vẫn minh mẫn, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

Hoàng Giai

Tin liên quan

Tin mới nhất

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Với mong muốn gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của các làng nghề Việt Nam và tôn vinh sự sáng tạo, tài hoa của các nghệ nhân, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp cùng Công ty TNHH Việt Mốt tổ chức trưng bày với chủ đề “Quà tặng của nhân gian”.