Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tích - Thành công “không ai biết”!

Cả một đời Nguyễn Đình Tích chỉ làm một việc, gắn bó với công việc ấy, say mê với công việc ấy, được người trong nghề đánh giá cao...

Oái oăm công việc

Hỏi nhiều bạn trẻ và cả người trung niên, cao niên “Có biết nhạc sĩ Nguyễn Đình Tích không?” 100 người thì 101 người lắc đầu “Không biết!”.

Cả một đời Nguyễn Đình Tích chỉ làm một việc, gắn bó với công việc ấy, say mê với công việc ấy, được người trong nghề đánh giá cao. Được Nhà nước đánh giá cao, được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (năm 2001). Nhưng công chúng không biết đến. Cả đời ông hoạt động sân khấu, nhưng cả đời không lên sân khấu. Những vở biểu diễn trên sân khấu, dù màn nhung đã mở, đèn mầu đã lấp lánh, diễn viên đẹp như tiên nữ giáng trần đã sẵn sàng nhưng nếu không có tác phẩm nhạc của ông tấu lên thì cũng đành chết cứng trong xiêm áo lộng lẫy. Bởi lẽ…

Nói nôm na, có nhạc không lời (giao hưởng, thính phòng), nhạc có lời (hợp xướng, ca khúc). Nhạc phẩm của ông không thuộc hai loại ấy. Nguyễn Đình Tích chỉ sáng tác nhạc cho các loại hình múa khác nhau. Ông được đào tạo để làm việc này. Nhảy không có nhạc đã phải chịu, nữa là múa. Nhiều bản nhạc có thể dùng cho một điệu nhảy. Nhưng mỗi vở múa chỉ có một bản nhạc của mình, cho mình. Ở đây, nhạc là lực nâng, là đôi cánh cho vở múa thăng hoa, bay bổng. Xem kịch câm, cả kịch nói, không nhất thiết phải có nhạc. Nhưng xem múa phải có nhạc. Không có nhạc, múa không thể trình diễn được.

Có những bản nhạc hay đến nỗi trở thành cảm hứng sáng tạo cho nhiều vở múa khác nhau. Cũng như bây giờ một bài hát có thể là cơ sở cho nhiều vở múa phụ họa, minh họa của các vũ đoàn.

Ở ta, có một số nhạc sĩ sáng tác nhạc múa tên tuổi như: Nhật La, Xuân Hòa, nhất là Nguyễn Đình Tích.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tích - Thành công “không ai biết”! - 1

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tích (thứ hai từ phải sang ở hàng sau cùng) và tác giả bài viết (mặc quần soóc hàng trên cùng)trong bức ảnh chụp sau một buổi biểu diễn của Đoàn Thiếu nhi Nghệ thuật.

Con đường đến với âm nhạc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đến vai trò của văn hóa, nghệ thuật. Ngay từ năm 1946, Người và Tổng bộ Việt Minh đã cử ông Hoàng Quốc Việt gặp ông Nguyễn Khánh Toàn (Thứ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày nay), thống nhất giao cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) đứng ra thành lập Trung ương nhạc viện. Nhưng ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến nổ ra, việc ấy phải dừng lại. Nhưng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vẫn nung nấu suy nghĩ, phải làm thế nào thực hiện được ý tưởng của Bác. Dù chưa thể làm như nhiệm vụ được giao. Nhưng cũng phải làm theo hướng ấy. Thế là đầu năm 1947, cùng với mấy người bạn thân tín, trong đó có nhà biên đạo múa có tài Tống Ngọc Hạp (cũng quê trong Nam ra) thành lập đoàn “Nhạc kịch thiếu nhi kháng chiến”.

Sinh vào tuổi Ngọ, có mấy nhạc sĩ tên tuổi: Lê Văn Ngọ, Hoàng Vân (1930-2018), La Thăng (Nguyễn Văn Ngọ) và Nguyễn Đình Tích. 17 tuổi, đang học trường cấp 3 Hùng Vương, Nguyễn Đình Tích liền gia nhập Đoàn. Không hẹn mà gặp, Trần Tất Toại, Nguyễn Văn Ngọ, cùng trang lứa và nhiều đoàn viên đàn em như ba anh em trai ruột Nguyễn Vĩnh Long, Nguyễn Vĩnh Cát, Nguyễn Vĩnh Bảo. Ba anh em ruột: Đặng Việt Anh, Đặng Cơ Mưu, Đặng Thị Anh Thư…

Theo quy định, đã gia nhập đoàn, đều phải có bí danh. Nguyễn Văn Ngọ tự đặt bí danh là Lê Thăng. Rồi Lê Pha Thăng. Anh em nghe… Tây quá, mới đổi là La Thăng cho đến giờ. Còn Vĩnh Bảo thì tự đặt bí danh là… Nguyễn Hy Sinh. Phải nhắc đến tên anh, vì sau hòa bình lập lại (1954), anh có ca khúc “Này trông kìa một cô xinh xinh, mắt tươi thắm đang nhìn chúng mình…” (Nhắn cô mấy điều). Học xong trường Âm nhạc Việt Nam, học tiếp Nhạc viện Ki-ép (Liên Xô) về nước, đi chiến trường, khi được gọi về phụ trách Đoàn Văn công Giải phóng, bị trúng B.52 mới ngã xuống, được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hà Nội có hai người là thành viên của Đoàn Thiếu nhi Nghệ thuật được đặt tên, trên đường phố thủ đô là Lưu Hữu Phước (quận Nam Từ Liêm) và Nguyễn Vĩnh Bảo (quận Cầu Giấy).

Gần như tất cả các đoàn viên, do học lỏm, học mót, theo người anh cả Trưởng đoàn Lưu Hữu Phước tài năng xuất chúng về âm nhạc. Đấy là người duy nhất trên trái đất này có hai nhạc phẩm được cả hai bên chiến tuyến đều dùng. Đó là bài ca chính thức của một vùng lãnh thổ là Cộng hòa miền Nam (với Tiếng gọi thanh niên) và Giải phóng miền Nam (bút danh là Huỳnh Minh Siêng) tiếng hát chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Và, nhạc buồn (Hồn tử sĩ, vốn là Trường hận sông Hát), giờ ta vẫn cử hành trong khi mặc niệm liệt sĩ từ thời chống Pháp cho đến bây giờ mỗi khi cử hành tang lễ, kể cả quốc tang đều cử nhạc phẩm ấy. Thời chưa giải phóng, quân đội Việt Nam cộng hòa cũng dùng để truy điệu những người lính trận vong.

Thuở xa xưa ấy, La Thăng có Bé đeo ba lô, Vĩnh Cát có Gửi bạn Thủ đô, Nguyễn Đình Tích có Chiều Việt Bắc,

Nguyễn Đình Tích vào loại các đoàn viên lớn tuổi nên phải bảo ban, dìu dắt các đoàn viên nhỏ hơn dăm ba tuổi. Đoàn không có chế độ phụ cấp gì nên tự cung tự cấp: tăng gia sản xuất, trồng rau, sắn, chăn nuôi gà, ngan, ngỗng, dê, chó… và nhờ sự ủng hộ, đền đáp của các cơ quan, đơn vị, đồng bào mà đoàn đã biểu diễn phục vụ. Bắt đầu đi từ Phú Thọ lên Yên Bái, đi Lào Cai về Bắc Kạn. Hú vía nhất là, đêm trước vừa biểu diễn xong thì sáng sớm hôm sau  ngày 7 tháng 10 năm 1947 quân Pháp nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn, hòng vồ cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Nhưng… vồ hụt! Cả đoàn tan tác, anh Lưu Hữu Phước chỉ kịp dặn trước khi mạnh ai nấy chạy: “Về Phương Viên (Phú Thọ) nhớ!”.

Kỉ niệm đáng nhớ nhất là hai lần Đoàn được phục vụ sau đó được chụp ảnh với Bác. Lần thứ nhất là biểu diễn phục vụ Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất.

Nhiều ca khúc đã được biên đạo múa Tống Ngọc Hạp “múa hóa” thành một điệu vừa hát vừa múa như Khỏe vì nước. Ca khúc Hò dân cày (của Văn Chung) cũng biến thành một hoạt cảnh múa hát. Đếm sao (Văn Chung) cũng thành một điệu múa… Bác đến dự, phát biểu chúc mừng, cho ý kiến chỉ đạo, động viên Đại hội. Bất ngờ nhất là buổi tối, mọi người đang quây quần, nắm tay nhau thành vòng tròn rộng quanh đống lửa trại thì Người tới. Tiếng vỗ tay bật lên. Hai người đứng gần nhất, buông tay ra để Người đi vào. Bác liền hai tay nắm lấy tay hai người hai bên nối thành vòng tròn. Vòng người thêm hai tay Bác như có luồng xung điện truyền sang tất cả, nhân lên tạo nên cảm xúc rất lạ trong tâm khảm tất cả mọi người, trong đó có Nguyễn Đình Tích.

Trong ánh lửa bập bùng, gương mặt quắc thước, hơi gầy của Bác vẫn ánh lên nét vui, phấn chấn khi tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Ai cũng thầm ghen với hai người được Bác nắm tay… thì bỗng Người buông tay ra, giơ hai tay lên cao vẫy chào tất cả. Biết Bác không thể chung vui được thêm với mọi người. Tất cả vỗ tay rào rào. Không biết từ lồng ngực ai đó bật lên tiếng hô:

- Hồ Chủ tịch muôn năm!

- Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!

Sáng hôm sau Bác chụp ảnh với Đoàn.

Cuối tháng 4 năm 1950, Đoàn đang ở gần trại tù binh Âu Phi (ở Lục Yên, Yên Bái) thấy anh Lưu Hữu Phước chong đèn dầu đọc viết thâu đêm. Dùng nhạc số (không dùng kẻ 5 dòng nhạc truyền thống). Viết xong anh Tống Ngọc Hạp góp ý kiến rồi tổ chức dàn dựng. Các diễn viên được chọn vào vai. Đến lúc tổng duyệt, có cả “dàn nhạc” là những anh lớn làm nhạc công, mọi người mới biết, đấy là tiết mục lớn có tên Lục tuần đại khánh để mừng thọ Bác 60 tuổi. Cả đoàn đi bộ từ Phú Thọ lên Tuyên Quang. Ngày đi, đêm nghỉ, vừa tập, các anh vừa chỉnh sửa những chỗ chưa vừa ý. Ròng rã hơn tháng trời mới tới ATK (An Toàn Khu). Đoàn được bên Quân nhu cấp tốc may cho mấy chục bộ đồng phục bằng vải kaki, mũ chào mào. Mặc vào, trông oai hẳn lên. Tất nhiên diễn vào buổi tối. Hai đơn vị  là Đoàn Thiếu nhi Nghệ thuật, tên được Bác Hồ đặt, do anh Lưu Hữu Phước phụ trách và Đoàn nhạc sinh quân do nhạc sĩ Đỗ Nhuận phụ trách. Hai đoàn phối hợp biểu diễn.

Thời ấy máy bay Pháp chưa bay đêm được. Đêm ấy được ăn bồi dưỡng có thịt bò, thịt gà… ngon không thể tả được. Sáng sau, vì thời ấy máy ảnh chưa có đèn riêng nên ban ngày mới chụp được ảnh. Bác ngồi giữa, xung quanh, bên phải Người là Đoàn Thiếu nhi Nghệ thuật, bên trái Người là Đoàn nhạc sinh quân.

Anh Nguyễn Đình Tích cũng có mặt. Sau đó, Đoàn Thiếu nhi Nghệ thuật còn được biểu diễn riêng cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tư lệnh xem để lại mấy bức ảnh lịch sử trong Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Do hoàn cảnh kháng chiến, quá thiếu thốn khó khăn nên Đoàn phải tạm giải thể. Song, chỉ mấy tháng sau, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh lại lệnh triệu tập lại.

Nhiều người trở lại, nhưng một số không trở lại. Anh ruột tác giả bài viết này - Nguyễn Việt Chiến (tham gia từ đầu năm 1947) đi bộ từ Tuyên Quang về Phú Thọ dẫn em trai đi. Giấy khai sinh danh dự khai thêm một tuổi là 10, lấy bí danh là Nguyễn Bắc Sơn - tên thường gọi và bút danh đến giờ. Lúc này, anh Lưu Hữu Phước đã trở về Trung ương Đoàn. Giờ đoàn thuộc Nha Tuyên truyền văn nghệ do ông Trần Văn Giàu làm giám đốc. Anh Nguyễn Đình Tích  được giao phụ trách. Đoàn đóng tại đồn điền canh công (vốn của chủ đồn điền người Pháp, kháng chiến toàn quốc, đã bỏ của chạy lấy người). Các anh lớn phải lên rừng chặt cây, kiếm nứa về làm lán trại cột ngõa, lợp tranh, vách nứa để ở. Cùng với một bộ phận của Đoàn nhạc binh Trung ương từ Huế tản cư ra. Bây giờ không còn tự sản tự tiêu, tăng gia tự cung tự cấp nữa. Đã được trợ cấp một phần gạo, nhưng thiếu đói, phải độn sắn nhiều lắm. Hai anh em ruột Lê Yên - Lê Lôi dạy nhạc cụ mandolin, anto, banzo, sáo trúc. Có một dàn sáo trúc mười mấy người  do anh Lê Yên cùng các em vào rừng kiếm nứa tép vừa ý về xử lí, tự khoét lấy. Bây giờ sáo trúc chỉ độc tấu, chứ thời ấy, một dàn sáo cũng lạ và hay!

Các tiết mục (tập thể) vừa múa vừa hát (có “dàn nhạc”) đệm. Có cả màn hợp xướng Chiến thắng Đoan Hùng (thơ Lưu Quang Thuận, Lê Yên phổ nhạc) do cả dàn nhạc giao hưởng của bác Quản Minh đệm. Hàng ngày vào trong khu rừng sở tập mãi, nhưng chưa có dịp nào biểu diễn. Đơn giản vì dàn nhạc ấy không thể di chuyển đi đâu biểu diễn được nếu không có ô tô chở đỡ. Còn đoàn chúng tôi… toàn đi bộ biểu diễn, chủ yếu là ở hai tỉnh Tuyên Quang và Thái nguyên. Duy nhất có một lần, may mắn anh Tích hỏi đi nhờ ô tô tải của bộ đội được mấy chục cây số từ Tuyên Quang về Thái Nguyên thôi. Còn toàn đi đêm, vừa đi vừa ngủ gật.

Sân khấu biểu diễn chỉ là một bãi đất trống, không cao hơn chỗ người xem ngồi. Mà người xem cũng chỉ ngồi xuống đất lót lá cây. Diễn viên gần như không có hóa trang, không son phấn. Chiếu sáng sân khấu chỉ là đèn măng xông. Nhưng bộ đội, cán bộ xem rất đông, hoan nghênh nhiệt liệt. Nhất là tiết mục duy nhất trên thế giới được sáng tác tập thể do dàn đồng ca hai bè hát Bộ binh trợ chiến: “Chúng ta bước lên đường khi thời cơ đã đến! Mặc đèo cao, mặc đường trơn dốc đá/ Mặc hành quân mang nặng/ Ta cứ đi, ta vẫn vui, quyết mang chiến công về… Chúng ta nói, chúng ta làm/ Gặp khó khăn, ta nghe lời Bác/ Ta tin ở ta, ta tin ở trên, nhất định giặc bằng thua…”.

Sau buổi biểu diễn được địa phương chiêu đãi cháo thịt, tỉnh người!

Sáng sau, chụp ảnh. Bức ảnh có 30 người. Trời rét. Tất cả mọi người đều quần dài, áo dài tay. Áo len, áo trấn thủ, nữ có khăn quàng cổ. 14 người hàng đầu đều chân đất. Riêng tôi quần soóc. Anh Nguyễn Đình đang cười rất tươi!

Cuối năm ấy, Đoàn phải giải thể. Các đoàn viên lớn và nhỡ đi Khu học xá Trung ương học. Một số còn bé phải gửi lại gia đình. Thế là anh Tích phải dắt tôi đi bộ từ Tuyên Quang về Phú Thọ, mất hai ngày rưỡi trao lại gia đình. 

Bây giờ, anh em ngồi với nhau, anh vẫn nhớ 2 lần cùng cả đoàn gặp Bác. Lần thứ ba năm 1959, đã về Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, Bác đến thăm. Lãnh đạo hỏi ý kiến Người về việc định thành lập trường đào tạo riêng một chuyên ngành, nhưng không biết đặt tên là gì. Có người nói, muốn đặt tên là trường vũ đạo. Người bảo: “Vũ là múa, đạo là đường. Sao phải dài dòng thế. Sao không gọi ngay là Trường Múa”. Đơn giản thế thôi. Đến giờ trường Cao đẳng Múa Việt Nam đã thành Học viện Múa Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tích - Thành công “không ai biết”! - 2

Tác giả Nguyễn Bắc Sơn và nhạc sĩ Nguyễn Đình Tích (bìa trái).

Đào tạo bài bản, thành công… “không ai biết”

Đoàn Thiếu nhi Nghệ thuật giải thể, Nguyễn Đình Tích về trường cấp 3 Tân Trào (Tuyên Quang) dạy học. Khi Đoàn Văn công nhân dân Trung ương thành lập, ông được mời về tham gia phục vụ. Đoàn chia thành các đội đi các đại đoàn phục vụ trong các chiến dịch. Năm 1954, hòa bình lập lại cùng với Hoàng Vân, Phạm Đình Sáu, Hoàng Nguyễn, Trần Ngọc Xương và ông được sang Trung Quốc học nhạc 5 năm liền (không kể một năm học tiếng). Các ông Thái Ly, Trọng Lanh, Đoàn Long, Sa Kim Đóa, Đinh Thị Yến, Hồng Linh , Hoàng Điệp,  Bùi Đức Trực học múa. Tốt nghiệp, ông còn được cử đến Học viện Âm nhạc Bắc Kinh nghiên cứu học hỏi ba tháng liền về múa. Được xem những vở múa nổi tiếng thế giới: Hồ Thiên Nga, Ziden, Tên cướp biển (Liên Xô), Ngư mỹ nhân, Đội nữ hồng quân (Trung Quốc).

Ông tốt nghiệp Nhạc viện Bắc Kinh với tổ khúc giao hưởng 3 chương, một bản giao hưởng, đã được bạn phát trên đài truyền hình Trung Quốc nhiều lần. Năm 1960, về trường Múa Việt Nam làm trưởng khoa nhạc. Vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu vừa sáng tác. Lại tham gia giảng dạy ở khoa lý luận, sáng tác, chỉ huy ở trường Âm nhạc Việt Nam. Khi thành lập Đại học Sân khấu, Điện ảnh, ông lại được mời sang dạy môn hòa thanh, phức điệu cho lớp đào tạo nhạc trưởng. Rất nhiều học trò của ông đã trở thành cán bộ quản trị cục, giám đốc đoàn nghệ thuật.

Ông đã có hàng trăm đứa con tinh thần ở các thể loại: kịch múa dài, kịch múa ngắn, thơ múa, tổ khúc múa, múa dân gian, múa tình tiết, múa tính cách, múa đơn, múa đôi, múa tập thể… Có lẽ các nhà biên đạo múa tên tuổi của ta đều đã cộng tác với ông để ông viết nhạc cho vở múa của mình. Ông sáng tác 4/5 vở nhạc múa của NSND Thái Ly (Truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT) là: Bà mẹ miền Nam, Ka Tu, Phá xiềng, Bả Khó.

Ngoài ra còn có Thầy cúng và người điên của NSND Phùng Thị Nhạn. Ka Tu của NSND Thái Ly và NSƯT Ngân Quý (Nhạc Ka TuĐôi bờ còn được Huy chương vàng ở Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới ở Đức và Romani. Mùa xuân ở ngũ động tiênNón quai thao của NSND Nguyễn Thị Hiền. Nhạc múa Mùa xuân ở ngũ động tiên Tiếng hát bên sông còn được Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bài bông của NSND Ngọc Canh, Bài ca chim Chơ Rao của NSƯT Ngân Quý, kịch múa Cánh chim biên giới Xòe hoa của NSND Minh Tuấn, Đón dân về bản của NSƯT Hoàng Hải, Chim thư của NSND Trần Minh…

NSND Chu Thúy Quỳnh, diễn viên múa chính trong vở Đôi bờ từ năm 1959, đã nói với ông: “Anh có biết không, em vừa múa vừa khóc đấy”. Bởi, không hiểu được ngôn ngữ múa, không đồng cảm, đồng điệu được với biên đạo múa thì không thể làm nhạc cho động tác múa cất cánh được. Tác giả nhạc nhiều khi là tác giả ca từ. Nhưng không một biên đạo múa nào lại đồng thời là tác giả nhạc. Biên đạo múa chỉ phác ra ý tưởng chung, kịch bản chung rồi chia sẻ với tác giả nhạc, rồi soạn ra đề cương chi tiết, chỗ nào nhanh, chỗ nào chậm, nhanh đến đâu, chậm đến đâu, hết bao nhiêu thời gian. Tổng cộng vở múa diễn ra trong bao lâu. Cao trào ở chỗ nào...

Song, như đã nói, do đặc thù chuyên môn nên không mấy người biết đến thành công của nhạc sĩ tên tuổi, lớn lên bên sông Tích, thôn Cự Đà, xã Cự Khê huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Nguyễn Bắc Sơn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Amsterdam, “Venice phương Bắc”

Amsterdam, “Venice phương Bắc”

Amsterdam, thủ đô của Vương quốc Hà Lan, một quốc gia nhỏ ở Tây Âu với hơn 40% lãnh thổ thấp hơn mặt nước biển từ 1 đến 2 mét. Hà Lan nói chung và Amsterdam nói riêng hệ thống kênh rạch và đê biển đóng một vai trò hết sức quan trọng. Người dân thủ đô Amsterdam coi kênh rạch không chỉ là công trình thủy lợi mà còn là công trình văn hóa độc đáo được xây dựng qua bao thế kỷ.

Potsdam – thành phố Hollywood của Đức

Potsdam – thành phố Hollywood của Đức

Potsdam đặc biệt nổi tiếng về di sản văn hóa là thành phố ngự trị của Vương quốc Phổ, với nhiều lâu đài, cung điện, vườn hoa, nơi được ví là Hollywood của Đức. Potsdam nằm về phía Bắc nước Đức thuộc bang Brandenburg, là thành phố đông dân nhất của bang. Potsdam cách thủ đô Berlin khoảng 60km.

Roma - Thành phố nghìn năm tuổi

Roma - Thành phố nghìn năm tuổi

Theo truyền thuyết, Roma là tên một thành phố do vị vua đầu tiên của Italia là Romulus đặt, lúc ông được tôn làm vua năm 753 Trước công nguyên (TCN). Lúc đầu Roma là sự hợp nhất của các làng nằm trên các ngọn đồi Roma. Nhưng đến khoảng thế kỷ thứ VI và thứ V TCN, Roma phát triển nhanh và chẳng bao lâu trở thành thủ đô của một đế quốc rộng lớn, thâu tóm hầu hết các vùng đất ven biển