Ca dao và một câu ca dao nổi tiếng

Nhiều năm qua, trong văn học, báo chí ở trong nước gần như quên lãng một thể loại văn học xung kích, rất hiệu quả trong công tác tuyên truyền, cổ vũ phong trào cách mạng và thi đua yêu nước, đó là ca dao. Trước kia, từ các báo in đến bích báo (báo tường) trong các đơn vị quân đội, cơ quan, xí nghiệp, trường học đều có mục Ca dao, thường được đóng khung tạo sự chú ý. Một số nhà xuất bản (Quân đội nhân dân, Lao động, Thanh niên…) còn in những tập Ca dao chống Pháp, Ca dao chống Mỹ. Các nhà thơ nổi tiếng đương thời trong các buổi nói chuyện về thơ ca, bình thơ, giảng bài thường dẫn chứng những câu ca dao điển hình để minh chứng. Bây giờ thì không thấy một tờ báo in nào hay một nhà xuất bản nào in ca dao nữa, trừ một vài báo đăng dạng thơ đả kích, châm biếm!...

Ca dao là thể loại văn học gần gũi với cuộc sống đời thường. Chất dân ca lãng mạn và hiện thực, dí dỏm và hài hước phổ biến là dạng lục bát, song thất lục bát và tục ngữ dễ đi vào lòng người, dễ tiếp thu, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền miệng: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Gần mực thì đen/ Gần đèn thì rạng”; “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”; “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; “ Đời cha ăn mặn/ Đời con khát nước”, “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, “Hỡi cô cắt cỏ trên đồng/ Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây”, “Ai đi đâu đấy hỡi ai/ Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?”, “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, “Liều mình lội xuống ao sâu/ Đặng đo miệng cá uốn câu cho vừa/ Anh ơi gá bén duyên đừng kén đừng lừa/ Cụm mây kia đen đặc, ngọn gió lùa còn tan”, “Trời mưa nước chảy qua sân/ Em lấy ông lão qua lần thì thôi/ Bao giờ ông lão chầu trời/ Thì em lại kiếm một người trai tơ”…

Ca dao và một câu ca dao nổi tiếng - 1

Ảnh minh họa

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thì ca dao có sức truyền cảm mạnh mẽ, trở thành năng lực cổ vũ nhẹ nhàng nhưng lay động lòng người. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ca dao biểu đạt “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Có cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng” (Ngô Văn Phú); “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm thì “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” (Bảo Định Giang); “Ai ơi đi lính cho Tây/ Con dại cả bầy bỏ lại ai nuôi?”; “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; “Xe chưa qua nhà không tiếc”; “Đường chưa thông không tiếc máu xương”; “Một tấc không đi/ Một ly không rời”; “Thóc không thiếu một cân/ Quân không thiếu một người”; “Quân dân đoàn kết một lòng/ Hướng ra tiền tuyến lập công giết thù”; “Đường ra trận ngắn tấc gang/ Bên giòn tiếng súng, bên vang tiếng choòng”

Đặc biệt, trong kháng chiến có một câu ca dao nổi tiếng khẳng định như một chân lí, một phương châm về công tác dân vận:

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Câu ca dao trên có nội dung tư tưởng lớn, được coi như một châm ngôn, có sức khái quát về vai trò lịch sử, sức mạnh tuyệt đối của nhân dân, giống như trong “Bình Ngô đại cáo” Nguyễn Trãi viết: “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Những câu đó không chỉ có sức truyền cảm trong kháng chiến mà còn nguyên giá trị đối với thời bình và sẽ trường tồn mãi mãi bởi nó được phổ cập rộng rãi, lan toả trong đời sống xã hội, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Các nhà lãnh đạo thường khai thác câu ca dao này để vận dụng vào công tác dân vận một cách sáng tạo.

Tại lớp học cán bộ cấp huyện toàn miền Bắc ngày 18/11/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nói chuyện đã viện dẫn câu ca dao nổi tiếng đó. Bác nói: “Ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, do đi theo đường lối quần chúng mà nhân dân đào được hàng nghìn cây số hào, hàng chục vạn hầm. Cho nên việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt. Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng “Dễ mươi lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Lần đó, Bác nhắc đến “các đồng chí Quảng Bình” chứ không nói xuất xứ của câu ca dao, đồng thời Bác nói chữ “mươi” thay cho chữ “trăm” ở vế trước, chữ “trăm” thay chữ “vạn” ở vế sau nhưng không thay đổi nội hàm tư tưởng lớn. Bác còn giải thích mọi việc nếu được đồng thuận, nhất trí của nhân dân thì không việc gì không làm được, khó mấy cũng thành công…

Ở Quảng Bình từ năm 1965 câu ca dao đó được phổ biến từ xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, một xã ven biển bị Mỹ ồ ạt ném bom và câu đại bác từ tàu chiến ngoài khơi vào rất ác liệt. Đảng bộ, chính quyền xã động viên bà con đào giao thông hào, hầm trú ẩn vừa bảo đảm an toàn vừa sẵn sàng chiến đấu. Nhưng hầm hào cứ đào xong lại bị cát sụt lở lấp xuống. Trong một cuộc họp Đảng ủy, đồng chí Xã đội trưởng phát biểu đã đọc hai câu ca dao “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” và đề nghị đưa việc đào hầm ra bàn bạc trong nhân dân.

Được Đảng bộ và mọi người dân đồng tình, chỉ trong thời gian ngắn xã huy động được rất nhiều gạch, đá, gỗ để làm kè chống cát sụt lở hầm, hào. Hàng trăm căn hầm và hệ thống giao thông hào được kiên cố, vững chắc. Nhân dân trụ vững suốt những năm giặc Mỹ đánh phá miền Bắc. Từ điển hình này, Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trương và phát động tất cả các địa phương học tập xã Nhân Trạch để trở thành phong trào hai giỏi “Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”.

Sau đó, Quảng Bình, Vĩnh Linh cũng nổi lên phong trào nhân dân tháo cánh cửa nhà ở, giường, phản nằm, cột chuồng bò, chặt cây đem ra rải đường giao thông, chống lầy cho xe quân đội đi vào chiến trường miền Nam. Từ đó, ra đời câu ca dao “Xe chưa qua nhà không tiếc”, “Đem cửa ra lát nền đường/ Cho xe vào thẳng chiến trường miền Nam”...

Thực ra, Bác Hồ có rất nhiều câu nói nổi tiếng có giá trị tư tưởng lớn, gần như chủ trương, đường lối. Ví dụ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí cũng làm nên”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; “Quân đội ta trung với Nước, hiếu với Dân”, “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập”

Còn câu ca dao Bác nói “Dễ mươi lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”, Bác chỉ nêu “Như các đồng chí Quảng Bình nói”. Chính xác là câu trích trong bài ca dao “Dân no thì lính cũng no” của nhà thơ Thanh Tịnh viết trong cuộc vận động đóng thuế nông nghiệp năm 1948. Bài ca dao mang tính cổ động sâu sắc như sau:

“Trông lên thì thấy đầy sao

Nhìn quanh thì thấy đồng bào mến thân

Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó vạn lần dân liệu cũng xong

Thóc thuế mà có dân đong

Trăm công nghìn việc ngược dòng cũng xuôi

Đêm nằm nghĩ lại mà coi

Liệu còn thằng giặc đứng ngồi sao yên

Nhân dân là bậc mẹ hiền

Cơm áo gạo tiền thì mẹ phải lo

Dân no thì lính cũng no

Dân reo lập nghiệp, lính hò lập công”.

Nhà thơ Thanh Tịnh (tên thật là Trần Văn Ninh), sinh năm 1911, quê ở Thừa Thiên Huế, mất ngày 17/7/1988 tại Hà Nội. Ông là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng từ trước cách mạng tháng Tám. Trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Tịnh làm Tổng Thư ký Hội Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ, phụ trách đoàn kịch Quân đội Chiến Thắng. Khi ra đời Tạp chí Văn nghệ quân đội, ông làm Chủ nhiệm (Tổng Biên tập), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa I và khoá II).

Ông để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị: Tập thơ “Hận chiến trường” (1937), các tập truyện ngắn “Quê mẹ”, “Tôi đi học” (1941), “Chị và em”, “Con so về nhà mẹ”… Trong đó, truyện ngắn “Tôi đi học” được đưa vào chương trình sách giáo khoa lớp 7 phổ thông (tập 2). Nhà văn Thanh Tịnh được mệnh danh là “Người bộ hành cô đơn”. Trước khi nghỉ hưu, Thanh Tịnh mang quân hàm Đại tá. Thơ văn của Thanh Tịnh ảnh hưởng nhiều trong thời kì kháng chiến, đặc biệt khu vực miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Bình.

Kim Phú Hà

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi