Có một người Hà Nội như thế
Có những người con sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Họ đã một thời đánh giặc, sống chết với Thủ đô để rồi đến một ngày trở về tiếp quản và xây dựng Thủ đô tươi đẹp hơn xưa. Ông Trần Văn Chung cựu cán bộ Công an phòng cháy, chữa cháy là một người như thế.
Qua giới thiệu của các bạn phóng viên truyền hình ANTV, chúng tôi đến gặp bà Lê Thị Bằng nguyên là cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an thành phố Hà Nội - nhân chứng lịch sử tham gia chiến đấu 12 ngày đêm trong chiến dịch “Điện Biên phủ trên không” trong phóng sự phát trên kênh truyền hình ANTV cuối tháng 12 năm 2022.
Mân mê trên tay tấm ảnh cũ của chồng, bà Bằng rưng rưng kể “Ngày trước, ông Chung nhà tôi bảo: Ước gì tôi được sống đến ngày Hà Nội kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô để xem Thủ đô ta phát triển thế nào nhưng rồi ông ấy không chờ được và đã ra đi cách đây tám năm ở cái tuổi tám mươi bảy”.
Ông Trần Văn Chung sinh ra trong một gia đình làm gốm ở làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Năm ông lên mười tuổi thì mẹ mất, ông theo cha vào nội thành làm thuê để sinh sống. Năm 1948, chàng trai Trần Văn Chung khi ấy tròn mười chín tuổi đã bí mật trốn nhà tham gia Vệ quốc đoàn rồi bốn năm sau, ông chuyển sang Công an, làm nhiệm vụ trinh sát, hoạt động điệp báo ở vùng địch tạm chiếm Hà Nội. Trong vai một phụ bếp ở phi trường Gia Lâm, ông cùng các đồng đội cần mẫn thu thập tin tức tình báo về các chuyến bay và các kế hoạch hành quân của Quân đội Pháp tới các nơi trên chiến trường Đông Dương, đặc biệt là ở cứ điểm Điện Biên phủ.
Ảnh ông Trần Văn Chung trong trang phục Công an cứu hỏa năm 1961 (phù hiệu Công an cứu hỏa có hình đốm lửa). Nguồn: Tư liệu ảnh gia đình
Hồi ấy, Trường bay Gia Lâm là phi trường lớn, tập trung nhiều loại lính Pháp, lính lê dương thuộc khối Liên hiệp Pháp và cả lính Bảo Hoàng của Quân đội quốc gia Việt Nam do Pháp dựng lên. Vì hoạt động bí mật trong lòng địch, nên đồng đội của ông nhóm nào biết nhóm đó, mọi liên lạc đều gián tiếp qua “hộp thư chết”. Do nhiều chiến dịch quân sự của Pháp bị thất bại nặng nề, chúng nghi ngờ có nội gián của Việt Minh ở sân bay Gia Lâm nên âm thầm điều tra, lùng sục gắt gao. Nhiều phen ông phải cải trang, mưu trí “cắt đuôi” tránh sự theo dõi, truy lùng của mật thám Pháp và tay sai. Nhiều người Việt làm việc ở sân bay Gia Lâm bị mật thám Pháp theo dõi, bắt giữ, tra tấn dã man. May sao, ông Chung và những người đồng đội đều giữ vững khí tiết, quyết giữ bí mật kháng chiến đến cùng nên Phòng nhì Pháp không thể lần ra đầu mối. Sau này, để bảo toàn lực lượng, tổ chức đã bí mật rút tổ công tác của ông Chung lên chiến khu Việt Bắc khi nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành. Sau khi thua trận ở Điện Biên phủ, Pháp chấp nhận ký Hiệp định Genève về lập lại hòa bình ở Đông Dương và rút quân về nước năm 1954.
Khi tiếp quản Thủ đô, lực lượng công an và một số đơn vị bộ đội vào thành trước, thay thế lính Pháp canh giữ các mục tiêu quan trọng, phục vụ đón đại quân chính quy vào sau. Khi ấy, ông Trần Văn Chung cùng nhóm ông Trương Từ Thức được giao nhiệm vụ tiếp quản bộ phận cứu hỏa của chế độ cũ để tổ chức lại theo mô hình mới thuộc ngành công an trên cơ sở lưu dung một số lính cứu hỏa cũ có chuyên môn giúp ta đào tạo cán bộ mới. Lực lượng PCCC của Công an Thủ đô dần dần được hình thành và phát triển, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và bảo vệ Thủ đô miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 1965-1972, do thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Đặc biệt cuối năm 1972, chúng dùng máy bay B52 ném bom rải thảm miền Bắc nhằm hủy diệt cơ sở vật chất và đè bẹp ý chí sắt đá của quân và dân ta. Lúc đó, ông Chung công tác tại Đội cứu hỏa Phan Chu Trinh làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu người, cứu tài sản ở địa bàn trung tâm Thủ đô. Ngày ấy chưa có trang bị thông tin hiện đại như bây giờ, những người lính cứu hỏa phải canh gác trên các đài quan sát trên cao, xác định nơi Mỹ ném bom gây cháy nổ rồi báo cáo chỉ huy điều động lực lượng đến hiện trường. Khi còi báo động phòng không nổi lên, ai cũng xuống hầm trú ẩn thì những người lính cứu hỏa dũng cảm lại lên đường. Giữa mưa bom bão đạn, họ vừa phải chiến đấu với giặc trên không, vừa phải lao vào lửa để chữa cháy, cứu sập, cứu thương cho đồng bào Thủ đô. Thời điểm đó, bà Lê Thị Bằng cũng công tác ở Đội cứu hỏa Tứ Kỳ. Trong chiến dịch “Điện Biên phủ trên không” 12 ngày đêm năm 1972, hai ông bà gửi các con đi sơ tán, chồng một nơi, vợ một nơi cùng chiến đấu, sống chết với Thủ đô.
Bị thất bại nặng nề trong trận “Điện Biên phủ trên không”, ngày 27/1/1973, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau niềm vui ấy, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định tranh thủ thời gian hòa bình để xây dựng Lăng Bác nhằm giữ gìn, bảo quản lâu dài thi hài của Người.
Ngày Quốc khánh 2/9/1973, công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công tại quảng trường Ba Đình lịch sử, đúng nơi Người đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Lúc này, ông Trần Văn Chung được giao làm Đội trưởng đội Cảnh sát PCCC bảo vệ công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (mật danh là Công trường 75808). Sau khi công trình Lăng Bác hoàn thành, ông Chung được cử tham gia Ban bảo vệ công trình xây dựng thủy điện sông Đà - công trình thế kỷ của đất nước rồi về công tác tại Cục Cảnh sát PCCC, Bộ Công an trước lúc nghỉ hưu.
Vừa cho xem tấm ảnh cưới ngày xưa của hai ông bà, bà Lê Thị Bằng kể tiếp: “Là người tham gia kháng chiến chống Pháp rồi về tiếp quản Thủ đô và sau này gắn bó với nhiều sự kiện trọng đại của Thủ đô Hà Nội nhưng lúc nào ông Trần Văn Chung cũng giữ tác phong giản dị, liêm khiết, gần gũi với mọi người. Với cương vị Phụ trách phòng Hậu cần, Cục Cảnh sát PCCC, Bộ Công an, ông đã ký giấy cấp nhà cho rất nhiều cán bộ nhưng bản thân gia đình hai ông bà vẫn ở thuê trong căn nhà cấp 4 ở ngõ chợ Khâm Thiên. Ông thường nói với các con “Nhiều người đã cống hiến, hy sinh cho đất nước mà vẫn còn khổ hơn mình, vậy cớ gì ta lại hưởng sự sung sướng hơn họ”. Sau ngày nghỉ hưu, thỉnh thoảng ông Chung lại giở những tấm ảnh cũ và các loại Huân chương ra ngắm nghía, vuốt ve. Ông bảo “Xem lại không phải là nhớ đến công trạng của mình mà để nhớ lại những kỷ niệm về những người đồng đội đã cùng mình chiến đấu sống chết vì đất nước”.
Đồng chí Trần Quốc Hoàn - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chụp ảnh lưu niệm với CBCS lực lượng bảo vệ công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/6/1973 trước khi tháo dỡ Lễ đài để xây dựng Lăng Bác (có dấu nổi của Công trường 75808). Nguồn: Tư liệu ảnh gia đình
Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, Thủ đô Hà Nội ngày càng được mở rộng và đẹp đẽ, khang trang hơn trước. Những con cháu của hai ông bà lại tiếp bước sự nghiệp của cha, ông trở thành những cán bộ công an gắn bó với sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự ở Thủ đô, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Giờ đây, bà Lê Thị Bằng đã ở tuổi 94 và có cháu gọi bằng cụ nhưng những ký ức về người chồng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từng tham gia cách mạng rồi về tiếp quản Thủ đô cách đây 70 năm dường như vẫn còn sâu đậm.
Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, Hà Nội đang tràn ngập cờ hoa và lời ca tiếng hát. Những con đường rợp bóng cây cổ thụ vẫn đang trụ vững sau siêu bão Yagi như muốn nhắc lại những câu chuyện về những người con Hà Nội - một thế hệ thanh niên yêu nước, sẵn sàng xả thân chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, góp phần làm nên một Hà Nội linh thiêng và hào hoa. Câu chuyện cuộc đời của ông Trần Văn Chung giúp chúng ta thêm hiểu, thêm yêu Thủ đô và những trang sử hào hùng của dân tộc. Người Hà Nội có nhiều thứ để tự hào, trong đó có niềm tự hào về những người đi trước, tôi tin và sẽ luôn tin như thế.
Người ta nói sáng tạo văn chương là có hàm ý cả sáng tạo ngôn từ, bởi ngôn từ là phương tiện trước tiên của nhà...
Bình luận