Người tuổi Mèo kể chuyện năm Mão

Tôi sinh năm 1939, tuổi Kỷ Mão; lí lịch nhà văn, nhà báo và công chức ghi rành rành như thế, chứ không phải năm Mão đến rồi “sửa lí lịch” để… “ăn theo”  ba con mèo đâu! Mà tục ngữ có câu “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”, theo ba con mèo thì ăn cái chi! Hơn tám chục mùa xuân đã qua, trải đời đến 7 “nhiệm kỳ”… mang niên hiệu Mão, tôi nay đã là ông già ở tuổi 84, kể cho đủ thì có khi phải dài như “Nghìn lẻ một đêm”, nhưng nhân năm Mão sắp đến, xin “trích yếu” vài “nhiệm kỳ Mão”, có chuyện nửa vui nửa buồn, cũng là dịp “tự phê”, tự báo công như mọi người vào dịp tổng kết cuối năm đó thôi! Chẳng hy vọng được “cơ cấu” vào “ghế” nào nữa, nhưng sau mấy chục năm hăng hái “khắc phê” cả trăm cuốn sách của bè bạn, cũng đã đến lúc nhìn lại cuộc đời và “tự phê”, biết đâu bạn trẻ xem sẽ rút được kinh nghiệm.

Tôi sinh tại Huế, khi thân phụ sau nhiệm kỳ ngồi ghế Phủ Doãn Thừa Thiên (1938) đang chuẩn bị ra Thanh Hóa nhậm chức mới. Cái năm Kỷ Mão đầu tiên trong cuộc đời này, tôi còn là đứa bé nằm nôi, nào đã biết gì. Sau này, cũng vào một năm Mão - năm Ất Mão - 1975, nhờ có Đại thắng mùa Xuân, thống nhất đất nước, anh tôi - bác sĩ Nguyễn Khắc Viện từ Pháp về nước năm 1963 (cũng lạ, năm 1963 là năm Quý Mão và anh Viện thực sinh năm 2015 - Ất Mão) vậy là tròn một “lục hoa giáp”, anh mới có dịp trở lại Huế nơi anh đã sống nhiều năm tuổi ấu thơ; anh cùng tôi vào Thành Nội, tìm lại dấu tích căn nhà xưa, nhưng “trải qua một cuộc bể dâu”, chẳng còn gì. Có thể chính lần đó, một nhà quay phim nào đó quay cảnh anh Viện dạo trên sân Đại Nội còn đầy cỏ tranh, sau đưa lên trang đầu cuốn phim có nhan đề Huế luôn luôn mới hình như do UNESCO thực hiện.

Còn tôi, đến năm Tân Mão - 2011, khi bắt tay viết tự truyện Số phận không định trước (NXB Hội Nhà văn 2016, tái bản 2018) mới tưởng tượng những tháng ngày đầu năm Kỷ Mão 1939, lúc trong bụng mẹ, có thể tôi đã được lên tàu hỏa “du lịch” từ Hương Sơn quê tôi vô Huế - những chuyến tàu hồi ấy còn chia hạng 1,2,3 và được kéo bởi đầu máy chạy bằng than, vì thế nên mới gọi là “tàu hỏa” hay “xe lửa” - và những ngày ở Huế thời xa xưa đó, chắc tôi cũng được du ngoạn trên sông Hương hay những cảnh đẹp như Đồi Vọng Cảnh, Điện Hòn Chén, vịnh Lăng Cô hay Bạch Mã…, dù gia đình tôi nổi tiếng cần kiệm (nhà quan Phủ Doãn mà “sáng dậy ăn cháo với mấy quả cà, có khi có chút cá kho… kêu cá kho mặn quá thì mẹ bảo: “Mặn thì ăn ít cá, ăn nhiều cơm cháo vào!”- chính là anh tôi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã viết như thế trong cuốn sách nổi tiếng Bàn về đạo Nho).

Người tuổi Mèo kể chuyện năm Mão - 1

Sông Hương xứ Huế

Sau này, sống ở Huế, mỗi khi vào ra cửa Thượng Tứ hay đi qua hồ Tịnh Tâm, chợt tưởng lại hồi mình còn bé bằng… củ khoai lang nằm trong tử cung của mẹ, lớn chút nữa, cũng chỉ bằng… con mèo con trong tay bà vú, có lẽ đã được thăm thú núi Ngự sông Hương thơ mộng, không biết đó có phải là “cơ duyên” may mắn của mình?

Phải, đó hẳn là một may mắn và hạnh phúc. Cứ giả như hồi đó, bố tôi bị cử vào làm quan ở Quảng Ngãi hay Bình Thuận, hoặc ra Quảng Trị… chẳng hạn, thì dù đất quê nào cũng có anh hùng và thi nhân, nhưng hẳn là trong thời kỳ “thai giáo” và tuổi còn năm nôi, thiếu những tháng ngày được “ăn” cá tôm nước lợ phá Tam Giang, được “hít thở” trong bầu không gian văn hoá đặc sắc của Huế thì có lẽ khi tôi ra đời sẽ có ít nhiều đổi khác…

***

Cái “nhiệm kỳ Mão" đầu tiên là năm 1951 (Tân Mão), tôi còn là cậu học trò cấp 2 trường làng thuộc “vùng sâu vùng xa” huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tuổi 12 đủ trò nghịch ngợm, nhưng chỉ xin “tự phê” một tội, nay nghĩ lại thật đáng chê cười. Nếu để bào chữa thì có thể cũng do mạng tuổi mèo vốn thích ăn cá nên từ nhỏ đã học theo bạn bè trong xóm đi câu cá trên đồng, cất vó mùa lụt…, nhưng trong nhà các anh chỉ lo học hành, chẳng truyền được kinh nghiệm gì, bởi vậy tôi không mấy khi kiếm được cá về.

Thế rồi, một sáng tinh mơ, tôi đi cất lừ đặt đón cá tại bờ ruộng trước nhà; cái lừ đưa lên chỉ nước chảy tong tong, trong khi lừ của cậu em con chú gần đó, tiếng cá quẫy “nhem thèm” tôi quá thể! Dân gian có câu: “Cá trong lừ đỏ hoe con mắt / Cá ngoài lừ ngút ngoắt muốn vô”; còn tôi trên cánh đồng không bóng người lúc đó, “bị lòng tham xúi đánh cắp cá về lừ mình”. Trưa hôm đó, bên mâm cơm có hai con cá diếc rán thơm lừng, mọi người mừng “chiến công” của con “mèo mù vớ cá rán”.

Quả là cậu bé 12 tuổi “học giỏi con nhà giàu” vì lòng tham và cả ghen tị làm mờ mắt, tự đáy lòng đã biết xấu hổ về việc đánh cắp cá của bạn nghèo, chẳng dám khoe khoang, mặt “tiu nghỉu như mèo cắt tai”. Ôi chao! Cái lòng tham và sự đố kỵ của con người. Sau này mới để ý những đứa trẻ thật dễ thương bỗng chốc giành giật kẹo bánh hay đồ chơi của bạn bè; cũng mới hay giáo lý nhà Phật dạy rằng “tham, sân, si” là cội nguồn của mọi tội lỗi, hư hỏng. Tiếc là tôi không còn dịp xin lỗi cậu em con nhà nghèo hàng xóm, do thời cuộc biến chuyển, cậu ta rời quê vào Nam làm ăn và nay đã qua đời…

Nhắc “tội” thời ấu thơ vào lúc cuộc chiến chống tham nhũng lên cao trào, hiểu ra nếu không có cơ chế kiểm soát thật hữu hiệu và pháp luật nghiêm minh thì “cuộc chiến” còn “trường kỳ và gian khổ”...

***

Đến “nhiệm kỳ Mão” thứ 2, tôi lên tuổi 24, đã thành cán bộ kỹ thuật trên các công trường. Đó là năm Quý Mão, 1963. Lần này, sau cả một giáp học tập rèn luyện, nhưng có lẽ do đang “phấn đấu” vào đội ngũ tiên phong, nên tôi phải sống nghiêm chỉnh, cam chịu tình cảnh “cá treo mèo nhịn đói” khi chẳng hề bị kiểm soát, canh gác gì.

Lần này là chuyện… tình, thực ra bắt đầu 2 năm trước trên công trường cầu Tế Tiêu (Hà Đông). Lúc đó, may mắn làm sao con mèo xấu trai, mặt sần sùi trứng cá, được sống gần cô văn thư “mũi cao, da trắng, tóc dài” - đúng tiêu chuẩn chọn người yêu mà nhà văn Nguyễn Quang Lập sau này có lần bảo tôi. Chàng và nàng hàng đêm còn được chụm đầu bên nhau trong phòng phát thanh công trường - tôi là tác giả bản tin, nàng là phát thanh viên. “Nhà văn trẻ” mới tập viết lúc đó, chữ thì như mèo cào, chứ đâu có bản in vi tính hiện đại như hôm nay, nên nàng luôn phải “bám” vào tác giả để đọc cho trúng. He he! Thật là trời cho. “Lửa gần rơm… ít ngày đã bén”.

Nhưng thế gian ai học hết chữ ngờ. Không hiểu bằng cách nào, bà chị của nàng là cán bộ tổ chức một xí nghiệp ở Hà Nội, dò biết được lí lịch gia đình tôi, cho rằng với lí lịch xấu và phức tạp như thế, em gái bà không thể có hạnh phúc. Tôi chưa khai lí lịch với nàng, không hẳn vì cái tật như “mèo giấu …”; mà tự nghĩ mình được kết nạp Đoàn dưới lá cờ quang vinh của Đảng, được chi bộ Đội cầu xếp vào “đối tượng” (ai ngờ danh hiệu “đối tượng” của tôi kéo dài trên hai thập kỷ) thì cũng không đến nỗi tệ; mà tình yêu đang nồng, dại chi “tự thú” để nàng hoảng sợ rút lui.

Mối tình đầu thế là coi như tan! Năm Quý Mão 1963, tôi được Bộ Giao thông điều vào Ban Kiến thiết đường 12A, đóng đô tại Khe Ca Tang tít mù tận miền núi cao Quảng Bình, còn nàng vẫn ở lại Đội cầu ngoài Bắc. Nào ai ngờ, một tối, khi tôi chỉ một mình trong mái lán nhỏ vừa dựng giữa rừng, có ai đó dẫn nàng “gửi” ngủ tạm tại Ban Kiến thiết, do Đội cầu vừa được Bộ điều vào chưa kịp dựng lán cho nữ giới. Tình huống mới éo le và hồi hộp làm sao! Chàng và nàng, hai trái tim non trẻ, một túp nhà tranh giữa rừng sâu vắng vẻ. Nào khác chi “mỡ để miệng mèo”. Vậy mà chàng có lẽ cũng do đang “phấn đấu”, đành chịu mất ngủ gần như suốt đêm, để sáng hôm sau, trả nàng về Đội cầu nguyên vẹn một trinh nữ. Ôi! Sự đời, ai biết răng là dại là khôn. Có bạn chê cười tôi nhát, cứ “a-la-xô” tiền trảm hậu tấu, bà chị gác cửa tận Hà Nội xa tít...

Hẳn là cũng bạn muốn biết sau đó thì sao. Vâng, sau đó, vùng Ca Tang và cả tuyến 12A thành mục tiêu đánh phá ác liệt nhất của không quân Mỹ, nàng được chuyển ra Bắc, còn tôi suốt ngày dài lại đêm thâu chạy ngược xuôi trên tuyến đường dài gần 100 ki-lô-mét từ Tân Đức tới đèo Mụ Giạ, còn hơi sức đâu nghĩ tời chuyện “em út”… Cho mãi tới mùa Xuân 1973, đúng vào lúc Hiệp định hòa bình được ký tại Paris, tròn nửa thế kỷ trước, may sao, tôi “chấm” được một cô giáo xinh đẹp bên sông Kiến Giang (Quảng Bình)… Nhưng thôi, đang kể chuyện năm Mão mà…

***

“Nhiệm kỳ Đinh Mão” - 1987, đối với tôi rất chi là đáng nhớ. Trước hết xin “khoe” một “vụ” làm ăn to đùng, lãi bạc triệu là nhờ “ăn theo” không khí Đổi mới, dám “xé rào” đi buôn như… bà Ba Thi từng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ủng hộ, sau nữa, thú tội đã có phút sống nhỏ mọn không bằng... hạt muối!

Mọi chuyện khởi sự từ chuyến đi thăm Liên Xô tháng 4 năm 1987, thời báo chí Nhà nước ta đang hoan hô Gooc-ba-chốp phất cờ Đổi mới, cả ta và Liên Xô lại chưa thoát hẳn khỏi cơ chế “bao cấp”, nên chẳng phải đóng góp đồng nào, bạn thì đón tiếp long trọng. Cùng đi có hai nhà văn lão thành là anh Trần Công Tấn, Văn Linh và người thứ tư - nhà phê bình Phong Lê, là bạn học hồi cấp 2 ở quê Hương Sơn.

Hoạt động có tính nghiệp vụ duy nhất trong chuyến đi 20 ngày đó là tham dự Hội thảo “Văn xuôi trong những năm gần đây - Những vấn đề xã hội và sự tìm tòi sáng tạo” giữa hai Đoàn Nhà văn Liên Xô và Việt Nam. Tại Hội thảo, tôi đã đọc bản tham luận Những vấn đề xã hội và sự tìm tòi sáng tạo trong văn học nghệ thuật, về sau đã đăng Tạp chí Sông Hương và in trong tập sách Hiện thực và sáng tạo tác phẩm văn nghệ (NXB Hội Nhà văn, 2006).

Trong những ngày ở Liên Xô, chúng tôi còn được đi thăm nhiều nơi, nhưng có lẽ “công việc” chiếm khá nhiều thì giờ là liên hệ các “đầu mối” để mua bán hàng hóa - nói “trắng” ra là giải quyết khâu quan trọng nhất của một người đi buôn! Tôi vốn là kẻ không thạo chuyện buôn bán và nhát nữa - mấy năm trước, trong chuyến đi công tác Sài Gòn, mang theo một bao bột mì để bán kiếm lời mà cũng run. Vậy nhưng khi một số bạn ở Hà Nội từng quen buôn bán qua Liên Xô và Đông Âu thời đó nhiệt tình khuyến khích và bày cho mua hàng nào thì bán có lời. Thế là cũng liều một chuyến, đi “chợ trời” mua quần bò, đồng hồ điện tử và cả… mì chính mang sang.

Lúc ấy cũng ít băn khoăn vì sao mà một cường quốc phóng vệ tinh đầu tiên, có tên lửa, bom hạt nhân mà lại thiếu mì chính và đồng hồ điện tử. Chỉ lo tính toán tiền nong, cân đo trọng lượng, nhất là khi mang hàng về. Bốn anh em chúng tôi đều có “đầu mối” là những bạn quen đang học hay công tác ở Liên Xô, giúp bán hàng và hướng dẫn mua hàng gì về; lúc đó “ưu tiên” là mua thuốc lá Captant, bàn là, “áo bay”, rồi phích nóng - lạnh, đồ nhôm, máy may, phim chụp ảnh… Phải nhiều lần đi sắp hàng mua ở các cửa hàng mậu dịch mới hết tiền. Khổ nhất là “đóng hàng” và làm thủ tục gửi về nước trước khi ra sân bay. Tiếng Nga thì chủ yếu nói bằng… tay. Tôi vụng về, đóng xong thùng hàng to bằng cái tủ lạnh thì các bạn đã về trước, lần mò ra ga tàu điện ngầm, rồi đón xe về khách sạn trong tâm trạng đầy lo lắng. Tối muộn, không đón được tắc-xi, nhờ xưng là “nhà văn Việt Nam”, nói tên khách sạn, và một xe con cho đi nhờ...

Cũng vì “đèo bòng” hàng hóa mà lúc về đến sân bay Nội Bài, suýt nữa bị kẹt. Cán bộ hải quan khám thùng hàng, chất vấn: “Anh mua thuốc lá làm gì nhiều thế này?” - “Tôi mua tặng các bạn nhà văn ở Hà Nội, Huế…”. Người cán bộ hải quan liếc nhìn tôi giây lát, xem lại giấy tờ và hỏi: “À, có phải anh là tác giả cuốn tiểu thuyết Những cánh cửa đã mở phải không?”. Cuốn này in năm 1986, dày trên 600 trang, tại Nhà Xuất bản Thuận Hóa, thời anh Vương Hồng làm Giám đốc (thời đó, sách in đến 25.000 bản, nay sách các cây bút tên tuổi in 1.000 bản vẫn khó bán hết, trong khi dân số tăng thêm nhiều và người có học cũng nhiều hơn.

Ôi! Cái chuyện “văn hoá đọc” dù “biết rồi, khổ lắm nói mãi” nhưng có dịp hẳn vẫn nên lên tiếng báo động). Cuốn Những cánh cửa đã mở tuy bối cảnh là nhiều công trình thủy lợi ở Bình Trị Thiên nhưng có các nhân vật chuyển tải những vấn đề xã hội nóng bỏng; đó là những kỹ sư dám chống lại kiểu làm ăn “duy ý chí”, đẻ ra những công trình vô dụng, dồn hết tâm trí sáng tạo nên công trình hòa hợp với thiên nhiên - không xây khối bê tông khổng lồ ngăn sông mà dùng những cánh cửa đóng - mở tự động thuận theo thủy triều và nước lũ lên xuống… “Nguyên mẫu” những cánh cửa trong công trình hòa điệu với thiên nhiên này chính là công trình đập Thảo Long gần cửa Thuận An, nhưng được “gợi ý” từ các tấm rèm tranh tre che phía trước các ngôi nhà ở vùng quê hầu như không bao giờ phải khép chặt thời chiến tranh…

Có thể nhờ cuốn sách chạm đến nhiều vấn đề đang được xã hội quan tâm như mối quan hệ giữa lãnh đạo và trí thức, bảo vệ sinh thái môi trường, nên được cả nhân viên hải quan đọc và năm 1988 được tặng Giải A Giải thưởng văn học nghệ thuật Cố đô, năm 2012 được tặng Giải thưởng Nhà nước; nhưng điều thú vị liên quan đến năm Đinh Mão đời tôi là nhờ… những cánh cửa thủy lợi sinh thành từ các tấm rèm tre quê nghèo mà tôi “thoát hiểm”, trong khi một nữ đại biểu quốc hội, cũng… buôn thuốc lá Captant, bị phát hiện và bị một tờ báo “nêu gương”.

Chuyện “đi buôn” lần đó vẫn chưa hết! Hàng ra khỏi sân bay, tha về gửi tạm nhà bà chị. Chị rất ngạc nhiên không làm sao hiểu được thằng em có vẻ cũng rất “bôn” bỗng chốc vớ được nhiều hàng hóa đến thế! Lại phải đi chợ trời và các phố chuyên mua hàng Liên Xô để bán các thứ không dùng đến. Thu được ít tiền, trả nợ xong, còn lại mua hai chỉ vàng. Mặc dù là con quan to từng khốn khổ vì “lý lịch xấu”, đây là lần đầu, tôi được cầm chỉ vàng trong tay, nên rất sợ mua phải hàng giả và càng sợ mắc phải tội mang hàng cấm.

Thùng hàng gửi tàu biển phải mấy tháng sau mới về; tôi nghỉ phép, đem hai đứa con ra Hà Nội thăm bà con; khi trở lại Huế, ba bố con mới mang xách các thứ hàng về Huế. Ác hại thay, chuyến tàu hôm đó, do mưa lũ làm hỏng đoạn đường đèo quãng giữa Hà Tĩnh - Quảng Bình, phải “tăng bo”; thế là ba bố con phải lếch thếch tha xách đồ đoàn đi bộ dọc đoạn đường tàu lổn nhổn đá dăm một cách khá vất vả. Cháu trai khi đó mới 9 tuổi, cháu gái 14 tuổi, nhưng bé tẹo gầy gò như… con mèo, nên phải gắng hết sức mới xách nổi những phích nóng lạnh, chậu nhôm dày nặng, do được chế tạo theo tiêu chuẩn “ăn chắc mặc bền” của Liên Xô, đến nay, sau ba “nhiệm kỳ Mão” vẫn dùng tốt! Quả là ở đời luôn có luật bù trừ, anh “được” chút tiền thì “mất” sức và khổ thân.

Vẫn chưa hết tội! Tàu tắc 2-3 ngày, tôi có mua được mấy quả trứng bà con bên đường đem bán, lo hai con bị đói, ăn dè xẻn, có lẽ một bạn đường nhìn thấy tôi còn muối, xin một ít; vậy mà tôi đáp: “Hết rồi!”. Thì cũng vì lo đường tắc lâu, hai con thiếu đói, nhưng làm sao mà bào chữa được cái tội dối trá hèn mọn này. Ôi! Nếu như người bạn đường đó biết tôi từng cao đạo trên những trang sách báo ra sao!

Thì ra con người ta, dù xuất thân ra sao và ở cương vị nào, cũng luôn bị “ma quỷ” rình rập, xúi giục làm những điều tồi tệ! “Hỡi Con Người! Hãy cảnh giác!” - Lời kêu gọi của nhà báo cộng sản Tiệp Khắc J. Phu-xích không chỉ cần thiết trong đấu tranh chính trị  vì mỗi con người luôn có “kẻ địch” tàng hình, ẩn nấp bên trong. Có lẽ cũng vì thế mà dân gian có câu “Chuột gặm chân Mèo” để cảnh tỉnh những kẻ có trọng trách canh giữ tài sản cho quốc gia và dân chúng, nhưng có khi do mê mải với hào quang quá khứ hay chui vào… chăn ấm nệm êm ngủ say cùng bà chủ, để bọn “đục khoét” công quỹ tung hoành mà không biết.

Như thế, chuyện riêng năm Đinh Mão của ông già Kỷ Mão này cũng nên “công khai” phải không các bạn?

Còn “nhiệm kỳ Mão” thứ 5 - Kỷ Mão 1999, tôi tròn 60 tuổi, về hưu, có chi mà xênh xang, khoe mẽ nữa! Tuy vậy lại có chuyện…buồn cười là Quyết định của UBND tỉnh cho tôi nghỉ hưu ghi năm sinh là 1936, sau phải sửa lại (có phải vì có không ít cán bộ thường muốn bám "ghế", kéo dài tuổi làm việc, chứ có mấy ai lại nghỉ đúng hạn một cách tuyệt đối như tôi?).

Chuyện thật vui là khi mình xoay đủ một “lục thập hoa giáp”, thì… Trời lại cho “lên chức”! Con gái lấy chồng thì chắc nịch mình sẽ được lên chức ông ngoại. Nói “Trời cho” vì đứa con gái của tôi ra đời 50 năm trước, chỉ cân nặng 1,9 kg, trông như một… con mèo con, do mẹ lên dạy ở một bản xa tít trên Trường Sơn, bị sốt rét nặng, có lúc tưởng không cứu được cả hai mẹ con. Vậy mà rồi “con mèo con” ấy cũng lớn lên được, đứa cháu ngoại nay cao hơn cả tôi, sau khi tốt nghiệp đại học, đang “bay lượn” thử sức ở một cơ quan truyền thông tại Hà Nội. Nó tuổi Rồng mà, để xem có làm gì nên ở đất Thăng Long không…

Cuộc đời tôi còn hai “nhiệm kỳ Mão” nữa, cũng có sự tích đáng kể nhưng thôi, con người ta phải biết “tri chỉ”, bao nhiêu người sinh năm con mèo còn khối chuyện hay hơn chuyện … “đi buôn” được giải thoát của tôi. Mà đứa con gái biết tôi ngại ăn thịt, đang chờ ngoài cửa với bát cháo cá cho ông ngoại bảy nhiệm kỳ Mão này bồi dưỡng lấy sức… viết báo Tết! Dại chi “cá treo mèo nhịn” phải không các bạn. Hi hi! Vui không? Mặc kệ “người đẹp” tôi “chấm” được tròn nửa thế kỷ trước, nay đóng vai trò “cảnh sát” một cách kiên trì như “mèo rình chuột”, hễ thấy tôi mở máy tính là lập tức khuyến cáo: “84 - 85 tuổi rồi! Nghỉ thôi ông ơi!”. Ờ, mình đã già đến thế rồi chăng? Nhưng trên bàn đang có cuốn sách 20 chân dung danh sĩ của nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, “Lời nói đầu” có câu tục ngữ “Gừng càng già càng cay”! Chẳng biết nghe ai đây? Thôi, tùy… duyên!...

Nguyễn Khắc Phê

Quê hương tôi
Quê hương tôi

Con người ta có nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn duy nhất để quay về, nơi ấy chính là quê hương.

Tin liên quan

Tin mới nhất