Sức mạnh của chữ

Ai đó nói quá đi, đây không phải là thời của văn nghệ, là thời của báo chí. Nhưng ngẫm kĩ sẽ thấy không phải không có một phần hợp lý. Với người làm báo văn nghệ, cơ hội và thách thức luôn song hành. Nhưng chính điều đó kích thích mỗi người lao động và sáng tạo hăng say, bền bỉ, thành công hơn.

Âm hưởng một câu thơ vang lên từ hai sự kiện văn hóa

Trong cảm thức không của riêng tôi, hai sự kiện báo chí quy mô lớn trong năm 2023 chứa đựng ý nghĩa và giá trị văn hóa:

Tối 3/2/2023, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, diễn ra Lễ trao giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Báo chí Búa liềm vàng lần thứ VII (2022). Từ 110 tác phẩn vào chung khảo, BTC đã trao 6 giải A, 12 giải B, 18 giải C, 30 giải Khuyến khích và 8 giải Chuyên đề. Đáng chú ý trong 6 giải A có: Loạt bài Tìm hiểu và bảo vệ những tiếng nói thẳng của nhóm tác giả Lê Hiệp - Đình Phú, Báo Thanh Niên; Loạt bài Hàng loạt quan chức hầu tòa: Lỗi cơ chế hay phẩm chất của nhóm tác giả Đoàn Xuân Bộ - Lê Ngọc Long - Nguyễn Hồng Hải - Cát Huy Quang - Nguyễn Anh Tuấn, Báo Quân đội nhân dân (theo Báo Điện tử ĐCSVN).

Như vậy nhân dân công minh sẽ thấy rõ báo chí của ta không chỉ “trừ tà” mạnh mẽ mà còn “phò chính” đắc lực. Trong các ngày từ 17 - 19/3/2023, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra Hội Báo toàn quốc năm 2023 với khẩu hiệu “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo”. Trong Hội báo toàn quốc hiện diện 87 gian trưng bày với sự góp mặt của 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố; 60 cơ quan báo chí Trung ương (trên 858 đơn vị báo chí cả nước) đã trực tiếp thạm dự sự kiện văn hóa quan trọng này. Càng ngày chúng ta càng ý thức được sức mạnh của báo chí chính nghĩa như là một “sức mạnh mềm”, một mặt trận tư tưởng - văn hóa quan trọng.

Đồng chí Trường Chinh là một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đồng thời là một thi sĩ, làm thơ với bút danh Sóng Hồng, tác giả của Thơ Sóng Hồng (2 tập, 1966, 1974) và hai tác phẩm lý luận văn hóa quan trọng: Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943), Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948). “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ / Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” câu thơ trong bài thơ Là thi sĩ (1942) của nhà thơ Sóng Hồng, không chỉ là một tuyên ngôn về văn chương/ thơ ca trong thời đại mới, cao và sâu hơn còn là kim chỉ nam cho nghề báo chí với những người dám chấp nhận dấn thân vào trường đấu tranh cách mạng, ở vị trí một nhà báo viết theo tinh thần đạo lý “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Nguyễn Đình Chiểu).

Nhà báo ở “tâm bão” đời sống

Người ta thường nói “Nghề báo là nghề nguy hiểm”. Đúng nhưng chưa đủ thấu triệt. Nếu biết trước nguy hiểm và chết chóc rình rập, đón đợi thì lẽ nào nhà báo Astralia Wilfred Graham Burchett (1911 - 1983), được đồng nghiệp gọi là “người thích nhảy vào lửa”, đã tả xung hữu đột với tuyên ngôn “Tôi viết để cảnh báo thế giới” - đó là dòng đầu trong bài phóng sự của ông về thảm họa nguyên tử ở Nhật Bản. Ông chính là phóng viên phương Tây đầu tiên có mặt tai Hirosima (Nhật Bản) ngay sau khi Mỹ thả bom nguyên tử, giữa bầu không khí sặc sụa mùi bụi phóng xạ.

Nhà báo đặc biệt này đã đến chiến trường Việt Nam từ 1954, ông là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, đã hai lần vinh dự gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh (1954, 1962). Cuốn sách đầu tiên của ông về Việt Nam có tựa đề Ở phía bắc vĩ tuyến 17 (in tại Hà Nội, 1955). Ông là nhà báo phương Tây đầu tiên thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam; trong vòng 6 tháng (10/1963 - 3/1964) ông đã đến Tây Nguyên, Củ Chi, đồng bằng sông Cửu Long và vùng ven Sài Gòn.

Hình ảnh nhà báo với bộ bà ba đen, khăn rằn, đi xe đạp đã trở nên quen thuộc với với người dân. Những bài báo nóng hổi thời sự, thặng dư chữ nghĩa, sâu sắc về trí tuệ của ông đã góp phần thức tỉnh lương tri nhân loại hiểu về cuộc chiến tranh xâm lược của người Mỹ ở Việt Nam. Năm 1968, ông viết Việt Nam sẽ chiến thắng - Viet Nam will win, xuất bản ở New York, như là sự tiên tri cho đại thắng mùa xuân năm 1975 của Việt Nam.

Sức mạnh của chữ - 1

Nhà báo Astralia Wilfred Graham Burchett trong một lần phỏng vấn Bác Hồ (Nguồn: The Australian)

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ (1945 - 1975), tiếp theo hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc (những năm 70, 80 của thế kỷ trước), đã có gần 600 nhà báo (phóng viên chiến trường) hi sinh khi làm nhiệm vụ, được công nhận Liệt sĩ. Những tấm gương nhà báo hy sinh còn lưu lại trong ký ức đồng nghiệp tiêu biểu như Trần Đăng, Thâm Tâm, Dương Thị Xuân Quý, Bùi Nguyên Khiết... như là biểu tượng của những con người làm nghề chữ tâm sáng, bút sắc.

Trong số những nhà báo - phóng viên mặt trận hi sinh anh dũng được công nhận Liệt sĩ có tấm gương của liệt nữ Dương Thị Xuân Quý (1941 - 1969). Bà tốt nghiệp Trường Báo chí, làm phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam. Mặc dù con còn nhỏ, chồng là nhà báo Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) trước đó đã vào chiến trường, bà vẫn viết đơn tình nguyện ra mặt trận vì “lửa thử vàng gian nan thử sức”. Đừng nói bà là “người đàn bà thép”, thuần lý trí như ai đó thiếu thiện chí nhận xét. Phải nói đúng bản chất sự việc, bà là người phụ nữ con cháu Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm, đã: “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”.

Trong vị trí phóng viên Tạp chí Văn nghệ Giải phóng (Trung Trung Bộ), bà đã thực hành phương châm “sống rồi hãy viết” với nhà văn - nhà báo thời chiến tranh. Bà hy sinh tại chiến trường Quảng Nam một năm sau khi vào mặt trận (1969). Văn sản của nhà văn chỉ có hai tác phẩm Chỗ đứng (truyện ngắn, 1968) và Hoa rừng (truyện và ký, 1970), nhưng trùng khít với quy luật nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nhà văn - nhà báo - Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, năm 2007.

Những đồng nghiệp báo chí của bà đã xứng đáng với cách gọi “đội quân tóc dài” trên mặt trận báo chí: Lệ Thu, Lê Minh Khuê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Trần Thị Thắng, Hà Phương, Vũ Thị Hồng, Phạm Hồ Thu... Họ là những nữ nhà báo - nhà văn đã trải qua “lửa đỏ và nước lạnh” của chiến tranh; là phái yếu nhưng nữ nhi không thường tình, các chị đã đi bộ hàng ngàn cây số từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam trong vai phóng viên mặt trận.

Không chỉ nhà văn, nhà báo nói riêng mà tất cả những người làm công tác văn hóa - văn nghệ trong thời kỳ chiến tranh đều tâm niệm: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Xuân Diệu - Những đêm hành quân, 1966). Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong phát biểu tại lễ nhậm chức đã đọc bốn câu thơ này và chia sẻ tình cảm yêu thích, nhập tâm khi còn là học sinh phổ thông. Đồng hành cùng đất nước, nhân dân là lý tưởng sống và sáng tác của nhà văn trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trong thời bình, chuyển từ nhiệm vụ cứu quốc sang kiến quốc, vai trò của nhà báo không những không giảm thiểu, trái lại càng đặt ra những yêu cầu cao hơn với mỗi người cầm bút tác nghiệp nghề chữ. Người trẻ làm báo thuận lợi và ưu thế hơn đã đành, vì họ thông minh, còn nhiều sức lực, nhiệt huyết, cơ hội thi thố. Nhưng những người có tuổi thì sao? Cổ nhân nói “gừng càng già càng cay” là chí lý. Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương), theo tôi, là một tấm gương điển hình về tình yêu “nghề” báo chí, dấn thân vì “nghiệp”.

Đầu năm 1971, Nguyễn Hồng Vinh nhận lệnh của Ban Biên tập Báo Nhân Dân vào chiến trường (Bình Trị Thiên, Trường Sơn). Phóng sự Theo Bác mở đường được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc trong đêm sinh nhật Bác Hồ. Là nhà báo giàu kinh ngiệm, không quản gian khổ, Nguyễn Hồng Vinh đã ba lần ra công tác ở đảo Trường Sa. Ký Trường Sa ta đó giữa biển Đông của tác giả đã gây xúc động sâu xa với bạn đọc chưa một lần đặt chân đến một phần đất thân yêu của Tổ Quốc giữa trùng khơi (theo tài liệu của nhà báo Trương Đức Minh Tứ - Tổng Biên tập Báo Quảng Trị, in trong sách Nguyễn Hồng Vinh - Vang âm tiếng sóng, thơ, Nxb Văn học, 2022).

Gần đây có một số nhà báo trẻ, noi gương người lớn tuổi, đã xông pha ra Trường Sa, trong đó cả những nữ sĩ tuổi đời còn trẻ như Bùi Tiểu Quyên (sinh 1985) công tác tại Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh.

Suy nghĩ về tương lai của báo chí văn nghệ trong không gian mạng và chuyển đổi số

“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh - Thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm hội họa năm 1951). Tính đến nay, Việt Nam có 858 cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam có hơn 21.200 hội viên, với 18.000 nhà báo được cấp thẻ hoạt động trên mọi miền Tổ quốc và cả ở nước ngoài. Tính riêng báo chí văn học nghệ thuật, có 63 tạp chí địa phương (tỉnh, thành phố), chưa tính đến các ấn phẩm thuộc Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (10 Hội chuyên ngành, với hơn 40.000 hội viên).

Sức mạnh của chữ - 2

Ảnh minh họa 

Một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa báo chí truyền thống và mạng xã hội trong không gian internet, đặc biệt khi văn hóa nghe nhìn đang thịnh hành và ở thế thượng phong. Đâu đó cất lên lời than vãn về việc văn học nghệ thuật bị đẩy xa trung tâm văn hóa. Đó là một thực tế khách quan, là lời thách thức người làm báo văn nghệ. Không còn con đường nào khác bằng quyết tâm nâng mình lên ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ thời đại. Phải “hồng thắm chuyên sâu”. Vì “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” (Hồ Chí Minh - Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951).

Ai đó nói quá đi, đây không phải là thời của văn nghệ, là thời của báo chí. Nhưng ngẫm kĩ sẽ thấy không phải không có một phần hợp lý. Với người làm báo văn nghệ, cơ hội và thách thức luôn song hành. Nhưng chính điều đó kích thích mỗi người lao động và sáng tạo hăng say, bền bỉ, thành công hơn.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Với mong muốn gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của các làng nghề Việt Nam và tôn vinh sự sáng tạo, tài hoa của các nghệ nhân, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp cùng Công ty TNHH Việt Mốt tổ chức trưng bày với chủ đề “Quà tặng của nhân gian”.