Đọc sách “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận thực tiễn Nghệ thuật”

Tôi được nhà văn – PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện tặng mấy tập sách, trong đó, tôi tâm đắc và đọc kỹ cuốn “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật” của anh. Đây là cuốn sách có giá trị để đời của một cây bút lý luận mác xít, hàn lâm.

Sự quý giá của cuốn sách là tác giả đã dày công tổng hợp, chắt lọc lấy tinh hoa từ hàng trăm cuốn sách, tư liệu đã đọc và trải nghiệm của bản thân hơn bảy thập niên, trong đó có hơn nửa thế kỷ nghiên cứu lý luận văn học. Cuốn sách có “giá trị để đời” theo như tác giả bộc bạch và mong ước bởi ý nghĩa giá trị lâu dài với những người đã đọc và thấu hiểu. Với nền văn hóa văn nghệ nước nhà, tác giả có 23 năm làm “Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam” từ Thư ký tòa soạn, Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập (2006 - 2020) nên cuốn sách còn mang tính chất tổng kết, định hướng sự nghiệp xây dựng và phát triển cho nền Văn hóa Việt Nam hiện đại, dân tộc, dân chủ và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là trong giai đoạn cách mạng kỹ thuật công nghệ 4.0 hiện nay.

Đọc sách “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận thực tiễn Nghệ thuật” - 1

Bìa cuốn sách “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật”.

Cuốn sách Chuyên khảo này do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2020, gồm 360 trang in khổ 14,5 x 20,5 cm. tác giả đã dành toàn bộ tâm huyết, trí tuệ cho đứa con tinh thần này. Tác phẩm gồm hai phần chính.

Phần thứ nhất: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam -  sự nhất quán và phát triển (Chuyên luận) chiếm gần 180 trang sách là phần lý luận mang ý nghĩa nền tảng được trình bày bằng ngôn ngữ hàn lâm như một công trình khoa học thể hiện tư duy thực chứng, tổng hợp, phân tích mạch lạc qua việc trình bày lịch sử đường lối văn hóa văn nghệ (VHVN) của Đảng từ trước cho đến nay, thấy được giá trị lý luận, thực tiễn, chỉ đạo thực tiễn, định hướng sự phát triển văn hóa nghệ thuật (VHNT) của Đảng ta.

Lần đầu tiên Chuyên luận đã khảo sát, tuyển chọn, đưa ra một tập hợp hệ thống các tư liệu văn bản gốc thuộc đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đã công bố và hiện diện trong gần tám mươi năm qua. Nhà văn trình bày rất rõ ràng và thuyết phục những thành tựu của Đường lối về mặt lý luận, làm giàu thêm kho tàng lý luận mác xít về VHNT đồng thời cụ thể hóa mặt hiệu quả thực tiễn của Đường lối ấy.

Đọc sách “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận thực tiễn Nghệ thuật” - 2

Tác giả Nguyễn Ngọc Thiện

Phần thứ hai: Tiểu luận & Phê bình, với dung lượng 160 trang, tập hợp những bài viết hầu hết đã được phát biểu tham luận tại các Hội thảo khoa học hay đăng trên các báo chí chuyên ngành: Lý luận - phê bình VHNT, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học của Hội đồng Lý luận - phê bình VHNT Trung ương. Những tham luận và bài viết này thể hiện rõ được quan điểm, ý kiến mới mẻ, chặt chẽ, sắc sảo của của một cây bút giàu kinh nghiệm.

Phần này gồm 17 bài viết: về tư tưởng văn nghệ của Hồ Chí Minh; vai trò của lý luận - phê bình chuyên nghiệp; đội ngũ viết lý luận phê bình, đấu tranh chống những lệch lạc sai trái về quan điểm văn hóa văn nghệ; về tác phẩm của GS.VS Hoàng Trinh; về Tư tưởng và phong cách nhà văn của GS.TS Trần Đăng Suyền. Các bài về báo chí văn nghệ như: sự quản lý, nâng cao chất lượng chuyên nghiệp của báo chí văn nghệ; phần trả lời phỏng vấn đồng nghiệp làm nghiên cứu khoa học đề tài cấp Bộ; về thể loại hồi ký văn học; về các tác phẩm mới xuất bản của Vũ Mão, của họa sĩ Năng Hiển - Zuy Nhất và những hồi ký kỷ niệm nhà lãnh đạo Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, về cái nôi tác giả được trao truyền tri thức, chắp cánh ước mơ là ngôi trường THPT Trần Phú 3 (Vĩnh Yên). Đây là những bài viết cô đọng, mang tính ứng dụng đường lối VHNN của Đảng vào thực tiễn văn nghệ rõ rệt nhằm cụ thể hóa những quan điểm lý luận ở những vấn đề quan trọng, qua những nhân vật đại diện mang ý nghĩa tiêu biểu.

Hai phần của cuốn sách tuy trình bày độc lập nhưng có sự nhất quán, giữa chúng có mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, làm rõ về nhau và cùng làm sáng tỏ đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Trong hai phần, tác giả bài viết này nhận thấy phần thứ hai biểu hiện rõ phong cách tiểu luận - phê bình của PGS.TS  Nguyễn Ngọc Thiện có sự kết hợp hài hòa giữa lý luận với thực tiễn vừa khái quát sâu sắc lại vừa cụ thể, thiết thực với sự đa dạng của những vấn đề trọng tâm và những nhân vật có ý nghĩa điển hình.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện là nhà nghiên cứu lý luận mác xít kỳ cựu đã nghiên cứu đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản trong tiến trình gần 80 năm qua, kể từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943). Với góc nhìn xã hội - lịch sử biện chứng, nhà văn đã cho người đọc thấy rõ tiến trình vận động nhất quán, liên tục phát triển của đường lối ấy được vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn đời sống văn hóa văn nghệ Việt Nam.

Các bài viết phần này là biểu hiện cụ thể và sinh động của việc vận dụng cụ thể đường lối ấy. Nghĩa là cây bút giàu trải nghiệm Nguyễn Ngọc Thiện không chỉ nói suông mà nói đi đôi với làm. Bài mở đầu phần II viết về tư tưởng văn nghệ của Bác Hồ, tác giả đã thâu tóm, chắt lọc được cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh và chọn được một nhan đề rất đắt giá, lấy ngay những ý văn thể hiện tập trung và cô đọng nhất ý kiến, quan điểm của Bác làm nhan đề cho bài viết của mình: Văn hóa, nghệ thuật cần “vào sâu trong tâm lý quốc dân”, “soi đường cho quốc dân đi” (trang 187).

Tiểu luận đã khẳng định: “Rõ ràng, tác động của văn hóa, văn nghệ phải tập trung nhằm vào đối tượng then chốt là con người, thâm nhập vào đời sống bên trong của nó, tức nền tảng tâm lý, tinh thần, tư tưởng của họ - những phương diện cơ bản cấu thành nhân cách, tư cách con người. Bởi khi nào óc có nghĩ, tâm có động, có biến chuyển, có sự xui khiến theo cái thật, cái tốt và cái đẹp thì sự hành xử của người đó mới có thể đạt tới đích và có ích như mong muốn.

Tiến trình từ tư duy đến hành động, hay như từ sự đúc kết của thành ngữ dân gian “Óc nghĩ, miệng nói, tay làm” đã cho thấy quá trình biện chứng của nhận thức từ tư duy trừu tượng đến hiệu quả trong hành động và thực tiễn như thế nào” (trang 191). Nếu như ở đoạn văn trên, nhà văn đã thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn nghệ thì ở phần sau của bài viết, tác giả chỉ rõ phương hướng cần đạt tới của mỗi nhà văn: “Tóm lại, vấn đề xây dựng điển hình các nhân vật tích cực, con người mới xuất hiện trong các tầng lớp xã hội hiện nay (công nhân, nông dân, chiến sĩ lực lượng vũ trang và an ninh nhân dân, trí thức, nhà doanh nghiệp…) như những tấm gương điển hình chính diện để mọi người học tập và noi theo, luôn luôn là một đòi hỏi cấp bách đối với sáng tạo nghệ thuật để góp vào việc xây dựng nhân cách con người trong xã hội ngày nay” (trang 191).

Đọc sách “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận thực tiễn Nghệ thuật” - 3

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nhà văn không quên chỉ ra những hạn chế cần khắc phục của nền văn nghệ nước nhà còn“thiếu vắng những tác phẩm tầm cỡ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng”. Những ý kiến trên là định hướng, nguồn ánh sáng soi đường để các tác giả đương đại phấn đấu thực hiện. Hay trong bài viết “Tính chuyên nghiệp của phê bình văn học nghệ thuật và nhà phê bình chuyên nghiệp” - tham luận tại Hội thảo khoa học do Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức tại thành phố Vĩnh Yên tháng 12 năm 2019 - tác giả đã có sự tổng hợp, khái quát, nhấn mạnh những đóng góp thiết thực của hai cây bút phê bình VHNT tiên phong, những người có vai trò khai nền đặt móng cho ngành lý luận phê bình văn học Việt Nam hiện đại là Thiếu Sơn và Hoài Thanh.

Tôi rất thích thú ý kiến của học giả Thiếu Sơn về phê bình văn học mà tác giả đã chắt lọc được như sau:“Phê bình văn học là một thể văn của nhà chuyên môn; nhà phê bình là loại người đọc đặc biệt - đọc giùm cho người khác. Nhà phê bình là người có vai trò trọng yếu, đứng giữa tác giả và công chúng, giúp tác phẩm đến với công chúng và công chúng hiểu được những ý nghĩa tiềm tàng chứa đựng trong văn bản tác phẩm…

Nhà phê bình “chỉ cho người ta thấy nghĩa lý của câu chuyện, chỗ dụng ý của tác giả, cái nghệ thuật của người làm và cái văn thể của cuốn sách” (trang 196). Mặc dù ý kiến này được ra đời cách đây trên nửa thế kỷ nhưng sự đúng đắn và chính xác của nó đến nay vẫn nguyên giá trị. Đặc biệt, nhà văn Thiếu Sơn cũng lưu ý các nhà phê bình “phải sáng suốt và có tấm lòng rộng rãi, không kỳ thị, bất công trong yêu ghét. Cần nhận ra những đặc sắc, hương vị riêng của mỗi tác phẩm, sự khác nhau của mỗi nhà văn” (trang 196). Ý kiến này nói đến chức năng rất đặc thù của người làm phê bình văn học, chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể, cái đích hướng tới với người cầm bút, từng câu, từng ý đều chuẩn xác, quả là một quan niệm rất tiến bộ so với đương thời và cả hiện nay.

Bên cạnh đó, nhà văn cũng đã nêu lên đóng góp của nhà phê bình Hoài Thanh trong bài báo ngắn “Phê bình văn” năm 1935 “có ý kiến xác đáng, với những khía cạnh trùng hợp với ý kiến của Thiếu Sơn, mà ngày nay đọc lại, liên hệ với thực trạng phê bình nghệ thuật hôm nay chúng ta không khỏi giật mình!” (trang 197).

Qua những bài viết của các nhà phê bình VHNT tiên phong Thiếu Sơn và Hoài Thanh, tác giả Nguyễn Ngọc Thiện đã tổng hợp lại ý kiến về phê bình VHNT theo quan điểm của Đảng, những yêu cầu mới đối với công tác phê bình trong việc xây dựng nền văn nghệ dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên xã hội chủ nghĩa. PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã hệ thống hóa các văn kiện của Đảng, các bài phát biểu của những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là văn bản Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh viết và cuối cùng đi đến kết luận: “Muốn phê bình văn nghệ được tốt phải có người phê bình tốt”.

Đến thời kỳ Đổi mới, một văn kiện thể hiện tập trung, sâu sắc những quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng về VHNT là Chỉ thị 52-CT/TW ngày 8/6/1086 của Ban Bí thư Trung ương“Về đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình VHNT” (NXB Chính trị quốc gia H.2001, tr33-37). Tác giả cuốn sách cũng đã có cái nhìn rất toàn diện khi chỉ ra: “Trong Chỉ thị, Đảng đã nhận ra những thiếu sót và nhược điểm trong một thời gian dài của phê bình VHNT là sự thiếu nhạy cảm với những vấn đề mới… Còn sơ lược, một chiều nhiều lúc khen chê không chính xác” (trang 203).

Ngay sau đó tác giả đề cập tới Nghị quyết 23-NQ/TW 5 khóa 8 ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” và Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa IX “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (trang 205).

Từ việc nghiên cứu thấu đáo những văn kiện trên đây của Đảng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã mạnh dạn đưa ra những kiến nghị cụ thể: “Chú trọng thường xuyên duy trì, nhắc nhở nhau ứng xử văn hóa, tôn trọng bản lĩnh, cá tính nghệ thuật độc đáo của nghệ sĩ, đối thoại, trao đổi dân chủ, tự do trong phê bình vì sự nghiệp xây dựng nền VHNT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Khẩn trương giúp đỡ tạo điều kiện cho Hội những người làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình của từng chuyên ngành VHNT…” (trang 207). Đó là những suy nghĩ đầy tâm huyết của một nhà nghiên cứu giàu bản lĩnh, kiến thức uyên thâm luôn suy nghĩ thấu đáo từ sự kết hợp hài hòa giữa lý luận đường lối văn nghệ của Đảng với thực tiễn tình hình văn nghệ ở nước ta.

Cuốn sách Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Thiện là công trình có giá trị nhiều mặt cả lý luận và thực tiễn ở một giai đoạn lịch sử đáng nhớ trong việc triển khai, thực hiện đường lối văn nghệ của Đảng. Công trình sáng tạo này đã tổng kết một đời nghiên cứu lý luận của GS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, thể hiện sự chiêm nghiệm về cuộc đời, con người, về một số khía cạnh của văn hóa, văn nghệ, báo chí văn nghệ mà phải có sự từng trải, tâm huyết mới làm được./.

Nguyễn Thị Thiện

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày