Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết

Văn học dân gian là bầu sữa ngọt lành, là dòng suối mát trong nuôi dưỡng và tắm mát tâm hồn người Việt từ bao đời. Những lời ca dao, những câu chuyện kể… sẽ sống mãi trong trái tim mỗi người. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử văn học dân gian đã khẳng định sức sống của mình trước sự băng hoại của thời gian. Văn học dân gian không chỉ có vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần của người Việt Nam mà nó còn đóng vai trò không thể thay thế trong nền văn học dân tộc.

Văn học dân gian là nền tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học dân tộc. Văn học viết chịu ảnh hưởng văn học dân gian về nhiều phương diện, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật. Khi nói đến vai trò làm nền của văn học dân gian trong lịch sử văn học dân tộc, chúng ta dễ nghĩ ngay đến bộ phận văn học dân gian ra đời có thể nói là cùng với sự ra đời của lịch sử dân tộc và tồn tại, phát triển trong một thời gian dài trước khi có văn học viết. Văn học dân  bao gồm các thể loại chủ yếu như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ca dao, dân ca, tục ngữ…. được quần chúng nhân dân lao động sáng tác và lưu truyền bằng miệng từ đời này sang đời khác.

Sự tác động, ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học viết được thể hiện qua tiến trình lịch sử văn học (chiều lịch đại) và biểu hiện cụ thể, đậm nét ở các tác giả, tác phẩm văn học (chiều đồng đại).

Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết - 1

Ảnh minh họa truyện cổ tích Tấm Cám

Tuỳ từng thời kì lịch sử mà mức độ ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học viết có sự khác nhau. Ở giai đoạn đầu của văn học viết, dấu ấn và sự ảnh hưởng của văn học dân gian chưa đậm nét bởi văn học  viết thời kì này chịu ảnh hưởng chủ yếu từ văn học Trung Quốc, nhưng từ khoảng thế kỉ XIV, thế kỉ XV đến nay văn học dân gian được nhận thức sâu sắc và đóng vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ tới văn học viết.

Trong cuốn Giáo trình Văn học dân gian, tác giả nhận định: “Văn học dân gian là cội nguồn, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng nền văn học dân tộc Việt Nam. Nhiều thể loại văn học viết được xây dựng và phát triển dựa trên sự kế thừa các thể loại văn học dân gian. Nhiều tác phẩm , nhiều hình tượng do văn học dân gian tạo nên là nguồn cảm hứng , là thi liệu , văn liệu của văn học viết. Nhiều nhà thơ , nhà văn lớn của dân tộc ( Nguyễn Trãi , Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương , Phan Bội Châu , Hồ Chí Minh,….) đã tiếp thu có kết quả văn học dân gian để sáng tạo nên những tác phẩm văn chương ưu tú”. (GS. TS Vũ Tuấn Anh (Chủ biên), Giáo trình văn học dân gian, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016).

Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết - 2

Bìa sách Giáo trình văn học dân gian

Như vậy, giữa văn học dân gian và văn học thành văn có mối quan hệ máu thịt gắn bó trong suốt tiến trình phát triển của văn học dân tộc Việt Nam từ thời trung đại sang thời hiện đại. Văn học dân gian chính là nền tảng của văn học viết và có tác động lớn đến sự hình thành và phát triển của văn học viết, là nguồn cảm hứng dồi dào, tiếp thêm chất liệu và cảm hứng sáng tạo cho văn học viết. 

Về phương diện nội dung, văn học dân gian cung cấp cho các nhà văn, nhà thơ của mọi thời đại những quan niệm xã hội, đạo đức của nhân dân lao động, của các dân tộc. Ngoài ra, nó còn cung cấp những tri thức hữu ích về tự nhiên xã hội, góp phần quan trọng về sự hình thành nhân cách con người. Nó bảo tồn, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: truyền thống yêu nước, lạc quan yêu đời, tinh thần hướng thiện, trọng nhân nghĩa, giàu tình thương,...

Biểu hiện rõ nhất là ở đề tài, nguồn cảm hứng, tư tưởng nhân ái, tình cảm lạc quan, yêu đời, tình yêu thiên nhiên, đất nước, tình yêu con người,... Văn học dân gian như một ngọn nguồn trong lành đem đến cho văn học viết những cảm hứng về dân tộc và bản sắc Việt Nam, về những người anh hùng, nhân hậu được tiếp nối từ truyền thống nhân, trí, dũng trong văn học dân gian. Tình yêu của người Việt thấm đỏ như duyên trầu cau, thủy chung trong Sọ Dừa, đậm đà trong ca dao tục ngữ đã khơi nguồn truyền chảy như một mạch nước ngầm nhuần thấm trong văn học viết như “Chinh phụ ngâm”, “Truyện Kiều”…

Văn học dân gian đã trở thành chất liệu của văn học viết, sự ảnh hưởng tác động của văn học dân gian đã để lại những dấu ấn đậm nét trong văn học viết (các tác giả đưa tục ngữ, thành ngữ, ca dao vào tác phẩm của mình, tiêu biểu như “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, “Bốn lối vào nhà cười” của Hồ Anh Thái….)

Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết - 3

Ảnh minh họa

Về phương diện nghệ thuật, văn học dân gian cung cấp cho các nhà văn, nhà thơ một kho tàng các truyền thống nghệ thuật dân tộc, từ ngôn ngữ đến các hình thức thơ ca, các phương pháp xây dựng nhân vật, hình ảnh, cách nói, các biện pháp tu từ, thể loại, chất liệu dân gian,... Sức hút và sự thành công của “Truyện Kiều” có một phần không nhỏ ở biệt tài vận dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao của bậc đại thi hào. Truyện Kiều vận dụng khẩu ngữ, ngoa ngữ, thành ngữ, tục ngữ; trong đó thành ngữ được vận dụng nhiều nhất.

Chẳng hạn như: “Thiên nhai hải giác” thành “Chân trời góc bể”; “Hồng diệp xích thằng” thành “Lá thắm chỉ hồng”; “Bình địa ba đào” trong câu “Gặp cơn bình địa ba đào/ Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em”; “Bạc như vôi” trong câu “Phận sao phận bạc như vôi/ Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”; “Ma đưa lối”, “Quỉ đưa đường” trong câu “Ma đưa lối quỷ đưa đường/ Lại tìm những chốn đoạn đường mà đi”…

Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết - 4

Tranh minh họa Kim Trọng gặp Thúy Kiều.

Trong tác phẩm này, Nguyễn Du cũng rất thành công trong việc sử dụng thể thơ lục bát của dân tộc. Ngoài “Truyện Kiều”, nhiều tác phẩm văn học viết khác cũng được sử dụng thể thơ dân tộc này như truyện thơ “Lục Vân Tiên” (Nguyễn Đình Chiểu), hay thơ “Lỡ bước sang ngang” (Nguyễn Bính), .... Bên cạnh những thể loại trên, còn có nhiều thể loại văn học viết được xây dựng và phát triển dựa trên sự kế thừa và phát triển các thể loại văn học dân gian.

“Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm cũng là một trong những tác phẩm có sự thể hiện nhuầm thấm các giá trị văn hoá dân gian. Đi dọc chương thơ “Đất Nước” ta bắt gặp rất nhiều những câu thơ chịu ảnh hưởng của văn học dân gian, từ ca dao, cổ tích đến tục ngữ, truyền thuyết, cổ tích hay phung tục, lối sống ông cha…

Ví dụ như câu thơ: “Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn” gợi đến tục ăn trầu và truyện cổ tích “Trầu cau” đậm đà tình nghĩa thuỷ chung, gợi đến những câu ca dao mang nét đẹp văn hoá, phong tục Việt Nam: “miếng trầu lầ đầu câu chuyện”, “Miếng trầu nên duyên nhà người”…. hay như câu thơ: “Đất nước lớn lên khi dân mình trồng tre mà đánh giặc” khơi gợi trong chúng ta lòng tự hào về người anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, giữ gìn sự bình yên cho quê hương, đất nước.

Câu thơ: “Cha mẹ thương nhau bằng gường cay muối mặn” lại gợi nhớ về câu ca dao thủa nào: “Tay nâng chén muối, đĩa vừng/Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”, truyền thống đạo lí hướng về cuội nguồn, tổ tiên của người Việt Nam được thể hiện thật sâu sắc, thấm thía: “Hàng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ”, đó là ngày mùng 10/3 với những nén hương trầm thơm ngát cùng tư thế “cúi đầu” trĩu nặng sự thành kính, ngưỡng vọng về tổ tiên. Dấu ấn văn học dân gian trong đề tài, cảm hứng sáng tác…, sự kế thừa văn hóa dân gian trong ngôn ngữ và thể loại văn học và sự tiếp nối của văn hóa dân gian trong các biểu tượng văn hóa, đã khẳng định được sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ” đối với sáng tác văn học dân tộc.

Trong những sáng tác của rất nhiều nhà văn, nhà thơ trung đại và hiện đại, người ta đều có thể tìm thấy dấu ấn của thi pháp văn học dân gian. Có thể nói văn học dân gian là nền tảng của sự phát triển, kết tinh của nền văn học dân tộc. Chính vì vậy, các sáng tác của các nhà thơ, nhà văn ưu tú có sức sống lâu bền và thấm sâu trong lòng người đọc thì đều có sự vận dụng, chịu ảnh hưởng của văn học dân gian trong sáng tác của mình. Ta có thể kể tới các nhà thơ nhà văn lớn từ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn…

Cội nguồn văn hoá, văn học dân gian không chỉ thấy ở những nhà thơ truyền thống mà cũng đã ảnh hưởng đậm nét và đi vào thơ của những nhà thơ trẻ đương đại. Ở cấp độ ngôn từ mang đậm màu sắc dân dã, thể thơ dân gian cả việc các tác giả đã biết vận dụng  linh hoạt vốn hiểu biết văn học dân gian vào trong các sáng tác của mình ở nhiều cấp độ và phạm vi khác nhau. Dấu ấn của văn học dân gian thế giới và dân tộc in đậm trong các sáng tác của nữ thi sĩ trẻ như: Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư…

Nhiều tác phẩm văn học dân gian như truyện cổ tích, thành ngữ, tục ngữ xuất hiện rất nhiều trong thơ họ: “Chuyện Tấm dịu hiền/Mẹ chỉ kể đến đoạn cô lấy chồng hoàng tử/Sẽ kể cho con/Thạch Sanh gan dạ bắn đại bàng cứu công chúa/Về Trương Chi xấu trai nhưng giọng hát tuyệt vời/Có tài, được biệt đãi, đâu chỉ công chúa mê, sẽ có chìa khóa mở đến nhiều cánh cửa/Về chú Gióng lên ba, ăn bảy nong cơm ba nong cà, lớn phổng thành dũng sĩ, cưỡi ngựa sắt, nhổ tre đằng ngà, diệt giặc xong,Gióng lên núi Sóc cưỡi ngựa về trời, đâu màng công trạng vinh hoa phú quý(…)/Về Mị Châu lấy Trọng Thủy, nhưng không u mê đến mức phản bội vua cha, mất Âu Lạc cho Triệu Đà/Về Mị Nương sẽ lấy Sơn Tinh để không có chiến tranh, ngập lụt (Kể chuyện cho con), “Đàn rùa đá cõng bia, trẫm xuống hồ Văn ngàn ngàn câu hỏi/Sĩ phu chen chúc đất kinh kỳ, bỏ quên Cổ Loa sạt lở?/Thần Kim Quy khóc với tượng cụt đầu/Cụ Rùa trong tủ kính đền Ngọc Sơn nằm khóc thương đồng loại đang nổi lên tuyệt vọng giữa lòng hồ Hoàn Gươm/Miệng phải thở, rùa không ngậm thanh gươm năm trăm năm trước” (Thành phố cổ), …

Trong văn học hiện nay ta thấy có hiện tượng văn học viết viết lại tác phẩm văn học dân gian, hiện đại hóa văn học dân gian để chuyển tải một nội dung mới, phản ánh hiện thực thời hiện đại hôm nay. Ví dụ như Nguyễn Huy Thiệp với tác phẩm “Trương Chi”, Y Ban với “Âu Cơ”….

Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết - 5

Ảnh minh họa

Trong quá trình phát triển, hai bộ phận văn học dân gian và văn học viết luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Văn học dân gian là nền tảng cho văn học viết tiếp thu, luôn đóng vai trò ngọn nguồn, cội rễ cung cấp cho văn học viết nguồn cảm hứng và thi liệu dồi dào. Trái lại, văn học viết có tác động trở lại làm văn học dân gian thêm phong phú, đa dạng. Tuy vậy tác động của văn học viết đối với văn học dân gian là không rõ nét, chỉ ở một số trường hợp không đáng kể (như thơ ca dân gian vận dụng cách sử dụng từ ngữ Hán Việt, điển cố điển tích… từ văn học viết)

Như vậy, mối quan hệ  giữa văn học dân gian và văn học viết phần nhiều là ảnh hưởng, tác động theo chiều thuận “chủ yếu là mối quan hệ ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học viết”. Văn học dân gian vừa làm nền cho văn học dân tộc vừa có mối quan hệ chặt chẽ và tác động mạnh mẽ đến văn học viết trên cả hai phương diện nội dung và hình thức.

Đúng như lời của M. Goocki “Một nhà văn không biết đến văn học dân gian là một nhà văn tồi”, phải chăng  quy luật tất yếu của sáng tác văn học muốn có sức sống lâu bền và thấm sâu trong lòng người đọc thì các nghệ sĩ cần phải kế thừa tinh hoa văn hoá dân tộc, tiếp thu sáng tạo từ mạch nguồn văn hoá, văn học dân gian? Và thực tế đã chứng minh, cứ mỗi lần cảm thấy đuối sức trên con đường sáng tạo, những tác giả của văn học viết lại quay trở về với nguồn cội dân gian như chàng Đan-tê bám vào đất mẹ Gai-a để tiếp cho mình thêm sức mạnh. Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương rồi sau này là Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Duy, Bùi Chí Vinh, Đồng Đức Bốn… đều ít nhiều quay về với “mảnh hồn làng” dân gian (chữ dùng của Tế Hanh) để hút chất nhụy tinh túy làm nên những bông hồng vàng nghệ thuật. 

Dương Hoài Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.