Hoa hậu nhiều để làm gì?
Hồi trước, người ta vẫn hỏi nhau theo trend “Tiền nhiều để làm gì?”, thì những ngày vừa qua, câu hỏi “Hoa hậu nhiều để làm gì?”, trở nên nóng bỏng. Ý nghĩa xã hội mờ nhạt, người đẹp đăng quang sau đó làm gì hay mất hút ra sao, không ai biết… Chỉ có những ồn ào mua bán giải, kiện tụng mãi không dứt.
Trang Facebook cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 và một số trang tin điện tử không mấy uy tín vừa có bài giới thiệu bà Q.H.L. đoạt vương miện cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt. Trên đó có những lời tâng bốc ngút trời: “Tân hoa hậu là người bản lĩnh, tài giỏi vì xuất thân gia cảnh khó khăn nhưng cô vẫn xây dựng nên cơ đồ với sự nghiệp vững chắc trong tay… Chỉ bấy nhiêu thôi đủ thấy nhan sắc rực rỡ như lão hóa ngược của bà L. tỏa sáng trong đêm chung kết”.
Đêm chung kết Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 khép lại với nhiều kiện cáo, lùm xùmVậy mà, chỉ sau vài ngày nhận vương miện, chính bà L. gửi đơn lên Bộ TT-TT, Bộ VH-TT-DL, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tố cáo rằng đây là cuộc thi có dấu hiệu tổ chức không phép, lừa đảo thí sinh với số tiền hàng tỷ đồng.
Theo bà L., mỗi thí sinh tham gia cuộc thi đều phải đóng 18 triệu đồng chi phí đăng ký và đóng thêm tùy danh hiệu muốn “đầu tư”. Mức giá có thể thỏa thuận cho các vị trí á hậu, hoa hậu.
Bà L. đã chuyển khoản 800 triệu đồng và nhiều khoản khác như làm từ thiện hay chi phí phát sinh với tổng cộng lên đến tiền tỷ. Mức giá các giải phụ, mỗi giải 50 triệu đồng. Điều đáng nói, cuộc thi chỉ có 40 thí sinh nhưng ngoài danh hiệu hoa hậu còn “cơ cấu” trao giải cho 3 á hậu, 1 hoa hậu áo dài, 1 nữ hoàng, khoảng 20 giải phụ khác.
Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định không tham mưu và cấp phép cho cuộc thi nào có tên Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 và đề nghị Thanh tra Bộ VH-TT-DL kiểm tra, xác minh thông tin để xử lý sai phạm.
Thật ra, việc đâm đơn kiện, phanh phui chuyện mua giải hoa hậu không hề mới, bởi tình trạng tổ chức tràn lan các cuộc thi nhan sắc. Các cuộc thi người đẹp “ao làng” được tổ chức ở các tỉnh, thành trong nước hay nước ngoài đều chung một công thức “tiền nào danh hiệu đó”.
Cuộc thi Người đẹp Du lịch Quảng Bình bị tước danh hiệu vì làm mất uy tín cuộc thi cũng khiến công chúng ngán ngẩm với muôn kiểu hoa hậu, nữ hoàng, hoa khôi…
Chị Nguyễn Hải Yến (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) bày tỏ: “Thỉnh thoảng đọc thông tin cuộc thi nhan sắc nào đó, chuyện bên lề mà cười ra nước mắt. Nghe cái tên rất quy mô và danh tiếng toàn thế giới rồi kiện tụng, phơi bày mọi thứ trong bẽ bàng”.
Anh Trần Văn Thanh (42 tuổi, ngụ quận 9, TPHCM) lắc đầu: “Tôi không hiểu tại sao có quá nhiều cuộc thi hoa hậu, hoa khôi đến vậy để làm gì? Rút cuộc đó là sống ảo, danh vọng ảo, chỉ có tiền mất là thật”.
Vàng thau lẫn lộnNgoài các cuộc thi hoa hậu uy tín hàng năm vẫn được tổ chức như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ và Miss World Việt Nam…, thời gian qua có rất nhiều cuộc thi được tổ chức nghe rất “sang” như: Hoa hậu Trang sức Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới, Hoa hậu Phu nhân thế giới người Việt, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới người Việt, Hoa hậu Quý bà Việt Nam thế giới... Quá nhiều cuộc thi mang danh nghĩa “thế giới” được tổ chức qua loa trong nước và cuộc thi hoa khôi liên quan đến giới doanh nhân, vùng miền.
Nghị định số 144/2020/NĐ sắp có hiệu lực, thay thế Nghị định 79, quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn từ ngày 1-2-2021 hiện đang có nhiều quy định “cởi trói” cho các cuộc thi sắc đẹp. Cụ thể sẽ không còn hạn chế số lượng các cuộc thi sắc đẹp được cấp phép hàng năm, dồn phân cấp về cho địa phương; các thí sinh thi người đẹp, hoa hậu quốc tế sẽ không cần danh hiệu trong nước để không còn chuyện thi “chui” như trước đây. Điều này vừa có mặt tích cực nhưng cũng dấy lên không ít lo ngại liệu các cuộc thi người đẹp có loạn hơn nữa không.
Bà Phạm Kim Dung, Phó ban Tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, nhận định: “Cấp phép một cuộc thi còn kiểm soát rất chặt chẽ, nhưng cấp phép quá nhiều cuộc thi thì khó có thể kiểm soát sát nổi, dễ sinh tiêu cực. Những cuộc thi nhỏ không đủ ngân sách tổ chức, dễ xảy ra việc mua bán giải, tổ chức lèo tèo không xứng tầm, lựa chọn người không đủ tiêu chuẩn nhan sắc và trí tuệ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến những cuộc thi nghiêm túc, bởi ai cũng được chọn hoa hậu đều đội vương miện, cuối cùng công chúng sẽ không biết ai mới là hoa hậu đại diện quốc gia. Tôi nghĩ ngoài vài cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia chính, không nên mở rộng quá nhiều, chỉ nên có thêm những cuộc thi hoa khôi, người đẹp để danh hiệu không nhập nhằng”.
Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TPHCM, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Áo dài đầu tiên vào năm 1989, cho rằng, những sửa đổi trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật thường tạo thuận lợi cho đơn vị, cá nhân tham gia tổ chức. Tuy nhiên, tạo thuận lợi không có nghĩa là tạo lỗ hổng quản lý, không ngăn ngừa được những tiêu cực vốn dĩ luôn chờ sẵn.
“Tổ chức các cuộc thi hoa hậu thì tùy nhu cầu, cầu như thế nào cung như thế ấy. Vấn đề là vai trò của nhà nước, các đơn vị quản lý phải được nâng cao. Phải đưa ra những quy định thật chặt chẽ đối với các đơn vị tổ chức, buộc họ phải tuân thủ các quy định của nhà nước, xây dựng thể lệ phù hợp gửi đến các cơ quan địa phương có thẩm quyền. Hồ sơ cũng phải do nhà nước quy định. Khi mở rộng đối tượng tham gia cũng đồng thời trao cho những đơn vị ấy trách nhiệm rất cao về chất lượng văn hóa, tuân thủ pháp luật…”, bà Nguyễn Thế Thanh nói.
Theo bà Nguyễn Thế Thanh, hoa hậu nào có lối suy nghĩ rằng chỉ cần có sắc đẹp, có tiền sẽ mua hết mọi điều thì đó là sai lầm. Hoa hậu làm gì sau đó thì chính họ phải trả lời. Khi mang một danh hiệu trên người, không phải là dùng đi kiếm tiền, kiếm đại gia, làm tiếp tân cho những buổi giao lưu quan trọng… mà là dùng ảnh hưởng sắc đẹp, văn hóa, trình độ mình có để làm đại sứ các hoạt động bảo vệ môi trường, thiện nguyện giúp đỡ người nghèo, lo cho trẻ em đến trường. Thậm chí là quảng bá nét đẹp văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài, nếu không biết làm gì thì đừng đi thi hoa hậu”.
Bình luận