Sức mạnh tâm hồn của người nghệ sĩ

Văn nghệ sĩ là một bộ phận của đội ngũ trí thức Việt Nam, lực lượng nòng cốt trong sáng tạo và truyền bá văn hóa. Không chỉ tác phẩm mà cả lối sống, phát ngôn, hành vi ứng xử của nghệ sĩ cũng tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo tầng lớp nhân dân, nhất là đối với lớp trẻ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của văn hoá - văn nghệ (văn hóa, văn học, nghệ thuật) đối với công tác tư tưởng. Văn hóa - văn nghệ có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng dân chúng, hoạt động văn hóa - văn nghệ được xem là “binh chủng đặc biệt”, có sức mạnh độc đáo với "lối đi" riêng. Các sản phẩm văn hoá - văn nghệ có khả năng tác động vào tâm hồn, tình cảm, cảm xúc con người, nuôi dưỡng lòng từ bi, bác ái và giúp công chúng nhận thức đúng đắn các giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.

Sức mạnh tâm hồn của người nghệ sĩ - 1

Hội nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp Xuân Quý Mão 2023.

Thực hiện lời Bác dạy, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng chục ngàn văn nghệ sĩ đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đến với tiền tuyến lớn, lăn lộn trên các chiến trường đầy khói lửa và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, đội ngũ văn nghệ sĩ lại tiếp tục phát huy tài năng sáng tạo, cùng hòa mình vào cuộc sống lao động sản xuất, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu có nhiều tác phẩm xuất sắc, xứng với tầm vóc đất nước.   

Nhiều nghệ sĩ lớn đã khắc tên tuổi vào chiều dài lịch sử đất nước như nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương, Trà Giang, Lâm Tới, Đặng Thái Sơn, Nguyễn Hải Ninh, Trương Phụng Hảo (Phùng Há), Lệ Thủy, Thu Hiền, Quý Dương, Trung Kiên v.v…mà cuộc đời, sự nghiệp và thái độ ứng xử trước công chúng của mỗi nghệ sĩ luôn nhận được sự tôn trọng, yêu mến của đồng nghiệp và người hâm mộ.

Thực tiễn đã chứng minh, một bộ phim hay, một vở kịch hấp dẫn, một bài hát xúc động, một hình ảnh sâu sắc… có sức lay động lòng người, có thể chinh phục và xây dựng những giá trị tinh thần tốt hơn hàng ngàn lời kêu gọi, hô hào suông. Vì vậy, phát huy vai trò của các nghệ sĩ cũng như các tác phẩm nghệ thuật trong việc xây dựng, củng cố và đưa các hệ giá trị của đất nước trong thời kỳ mới thẩm thấu vào cuộc sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước.

Chính vì vậy, quan tâm bồi dưỡng lý tưởng, chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa văn hóa đi sâu vào quần chúng, tác động như một sức mạnh vật chất, biến đổi phong hóa, cải tạo con người; là công cụ sắc bén trong đấu tranh cách mạng.

“Văn hoá, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”,“Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ thêm Xuân”.

Với vai trò, sứ mệnh văn hóa, đã đặt những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá - văn nghệ lên tầm cao mới trong sự nghiệp cách mạng; đòi hỏi văn hoá nghệ thuật vừa phải khẳng định bản chất nghệ thuật, chức năng thẩm mỹ vươn tới cái đẹp nhưng vừa phải mang tính chiến đấu với thói hư, tật xấu trong xã hội để lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống đến công chúng.

Có những nghệ sĩ mà tên tuổi, sự nghiệp của họ được gắn liền với dấu ấn đặc biệt, khó quên trong lòng khán giả bởi những giá trị tinh thần to lớn được thể hiện qua những tác phẩm để đời như NSND Trà Giang trong phim "Vĩ tuyến 17, ngày và đêm", NSND Lâm Tới trong phim "Cánh đồng hoang", NSND Thế Anh trong phim "Nổi gió", "Mối tình đầu", nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan trong phim "Biệt động Sài Gòn", "Người về từ đồng cói" , NSND Hoàng Việt với "Tình Ca", NSND Thanh Hoa với "Tàu anh qua núi"..vv…

Hoạt động nghệ thuật có tính đặc thù, đòi hỏi sự sáng tạo của người nghệ sĩ, cùng với đó là tính tương tác rất cao giữa nghệ sĩ và khán giả, bởi công chúng chính là đối tượng mà nghệ thuật hướng đến. Từ đó, tầm ảnh hưởng của người nghệ sĩ đến công chúng rất lớn, đặt ra vấn đề quan trọng về văn hóa ứng xử của người nghệ sĩ trước công chúng. Nhà văn Sê khốp đã từng nói rằng: "Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà văn nhân đạo từ trong cốt tủy".

Nghệ sĩ càng nổi tiếng thì số lượng người hâm mộ càng lớn, tầm ảnh hưởng xã hội càng sâu rộng. Đó vừa là vinh dự vừa là áp lực không nhỏ trong việc giữ gìn hình ảnh, đặt ra trách nhiệm lớn lao cho văn nghệ sĩ. Văn hóa ứng xử nói lên tầm vóc của người nghệ sĩ, phản chiếu nhân cách của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ có cách ứng xử khôn khéo là người có trí tuệ lẫn kĩ năng sống, được khán giả yêu thương, tôn trọng, học tập; từ đó lan tỏa những ý nghĩa tốt đẹp, văn minh cho xã hội. Hơn thế nữa, người nghệ sĩ phải là người có lăng kính chính trị sâu sắc, xác định đúng đắn trách nhiệm đối với xã hội, đối với Tổ quốc, từ đó nêu cao tinh thần gương mẫu trong lối sống, trong đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái, lệch lạc, có chính kiến cá nhân chuẩn mực, tránh để các phần tử cơ hội lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc.

Nhưng trong thực tế, không phải tất cả các văn nghệ sĩ đều có nhận thức đúng đắn, có đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ đời thường. Đã có một bộ phận không nhỏ văn nghệ sĩ đã bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc dẫn đến tha hóa về tư tưởng chính trị, tư duy lệch lạc, chống lại đường lối của Đảng, đi ngược với lợi ích quốc gia, dân tộc. Sự lệch lạc trong nhận thức, hành xử của các văn nghệ sĩ sẽ tạo dựng nênlên những sản phẩm không chuẩn mực, làm sai lệch, thậm chí đảo lộn, nhiễu loạn giá trị thẩm mỹ và nhân văn trong đời sống văn học, nghệ thuật cũng như việc bồi đắp, định hướng những chuẩn mực trong cuộc sống, rất tai hại với lớp trẻ và làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sĩ.

Một bộ phận không nhỏ nghệ sĩ, người đẹp, ca sĩ còn dùng danh tiếng của mình để quảng cáo sản phẩm. Trang cá nhân của nhiều nghệ sĩ được biến thành nơi bán hàng, quảng cáo sản phẩm giảm cân, dưỡng da, dưỡng tóc, phẫu thuật thẩm mỹ,.. với những lời cam kết chất lượng "chắc như đinh đóng cột" trong khi chất lượng không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm chứng. Chỉ đến khi bị điều tra và các nghệ sĩ phải lên tiếng xin lỗi dư luận thì người tiêu dùng mới “té ngửa” về chất lượng sản phẩm, cũng là lúc "tiền mất, tật mang"!

Gây bức xúc dư luận nhất, có lẽ phải kể đến lùm xùm của việc làm từ thiện của một số nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn với công chúng. Người hâm mộ gửi tiền ủng hộ, phần vì thương cảm với đồng bào đang gặp khó khăn, phần vì tin vào thần tượng của mình. Tuy nhiên, sự giả dối, thiếu minh bạch, thiếu nhân đạo của những nghệ sĩ kêu gọi tài trợ, trong phút chốc đã làm đổ vỡ niềm tin của người hâm mộ; uy tín, hình ảnh của người nghệ sĩ cũng bị méo mó nhanh chóng và rất khó tạo lại được hình ảnh tốt đẹp như cũ.

Trong dân gian vẫn truyền miệng những câu nói miệt thị về giới nghệ sĩ, kiểu như "xướng ca vô loài", "giường bệnh xá, má văn công, mông bộ đội"; bắt nguồn từ lối sống thiếu lành mạnh, thiếu thủy chung và những vụ việc bê bối, gây tai tiếng về tình ái của một số ít nghệ sĩ đã tạo nên những hiệu ứng không tốt trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến nền tảng gia đình trong lớp trẻ, gây bất bình trong dân chúng. Vì thế, sự vấp váp của bất cứ nghệ sĩ nào, nhất là những nghệ sĩ nổi tiếng, đều sẽ bất lợi chung cho hình ảnh của giới nghệ sĩ. Sự thận trọng trước công chúng là rất cần thiết, và nhiều trường hợp phải "viện" đến "thần kinh thép".

Bên cạnh đó, tính ghen ghét, đố kỵ trong hoạt động nghệ thuật của một số ít nghệ sĩ, dẫn đến công luận đánh giá sai và coi thường giới hoạt động nghệ thuật.

Hành vi ứng xử sẽ phản ánh trí huệ và nhân tâm (tầm) của người nghệ sĩ. Vì vậy nếu như các nghệ sĩ xây dựng cho mình được một hình ảnh đẹp với lối sống lành mạnh và phong cách chuẩn mực sẽ tạo ra một sức hút cũng như sự lan tỏa đặc biệt về những điều tốt đẹp trong xã hội.

Để văn nghệ sĩ thực sự phát huy được hết tài năng sáng tạo, có nhiều tác phẩm đỉnh cao, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà nói riêng và góp phần thiết thực vào việc xây dựng nền tảng tinh thần xã hội, phát triển toàn diện trí tuệ, nhân cách người Việt Nam nói chung, luôn cần đến sự quan tâm, cổ vũ của các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương trong việc giải quyết các cơ chế chính sách đãi ngộ đặc thù đối với văn nghệ sĩ, đời sống của văn nghệ sĩ; tạo môi trường thông thoáng lành mạnh về nguồn tài chính, không gian thể hiện tác phẩm để phục vụ có hiệu quả nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, lãnh đạo quản lý văn học, nghệ thuật cũng cần nỗ lực, chủ động nhiệt huyết trong việc đề xuất các chủ trương, chính sách cụ thể đối với văn nghệ sĩ cũng như định hướng, dự báo xu thế phát triển nền văn học nghệ thuật nhằm phát huy tốt nhất khả năng lao động sáng tạo, cống hiến của các văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để những tác phẩm thực sự có giá trị tư tưởng đến với công chúng; xây dựng uy tín nghề nghiệp, nâng cao vị thế của văn hóa nghệ thuật và hình ảnh người nghệ sĩ vì nhân dân phục vụ.

Lao động nghệ thuật, thực chất là hoạt động thẩm mỹ, nhằm sáng tạo các giá trị thẩm mỹ, qua đó mà cải tạo thế giới và cải tạo chính bản thân mình. Nhà văn Goorki đã từng nói: "Bản chất con người là nghệ sĩ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người đều muốn đưa cái đẹp vào cuộc sống của mình".

Ivan Petrovich Paplốp, là một nhà sinh lý học, tâm lý học, thầy thuốc người Nga, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Peterburg đã viết rằng: "Cuộc sống chỉ rõ có hai loại người: Nghệ sĩ và các nhà tư tưởng. Giữa họ có ranh giới rõ rệt. Nghệ sĩ nắm bắt thực tại cả khối nguyên vẹn, không chia cắt. Các nhà tư tưởng thì mổ xẻ… và sau đó dần dần lắp ghép chúng lại và cố gắng làm chúng sống lại" (I.P.Paplôp, toàn tập, sđd, tr.283).

Như thế, cả nghệ sĩ và nhà tư tưởng đều mô tả cái sống của hiện thực bằng hai cách tiếp cận: một, từ ngoài vào, là của nghệ sĩ; hai, từ trong ra, là của nhà tư tưởng. Cái sống sinh động là sự hòa quyện giữa cái đẹp bên ngoài và cái đẹp bên trong, giữa hình tượng và bản sắc. Từ đặc trưng là hòa cái đẹp vào đời sống sinh động, mơn mởn tươi xanh của hình tượng, nghệ thuật có sức truyền cảm mạnh mẽ, không gì hơn được, tới con người về điều thiện, về tấm lòng nhân ái và cao thượng, về quan hệ bình đẳng giữa con người với con người.

Sức mạnh tâm hồn của người nghệ sĩ - 2

Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021 đề cập việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam; "xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc". Khi văn hóa được xem là nền tảng tinh thần, động lực phát triển bền vững đất nước, thì càng cần phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, càng phải thúc đẩy nền nghệ thuật nước nhà phát triển. Để làm được như vậy, tài năng và phẩm chất của người nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng.

Vì vậy, hành vi ứng xử văn minh, chuẩn mực đạo đức phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, trên cơ sở quy định của Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật của Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch đòi hỏi người nghệ sĩ phải thường xuyên trau dồi kiến thức, bản lĩnh, gìn giữ được những nét đẹp văn hóa để xứng đáng là người của công chúng, từ đó, hiệu quả lan tỏa các tác phẩm nghệ thuật càng có thêm giá trị./.

Nguyễn Thị Minh Nguyệt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T