Thủ đô Hà Nội có nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm?

Ngày 31/7/2023, tại Hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội báo cáo, trong giai đoạn 2023-2025 thành phố có quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Thông tin này phát ra, lập tức thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội với nhiều ý kiến trái chiều. Vậy, Thủ đô Hà Nội có nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm để làm mất đi một địa danh được coi là “hồn thiêng sông núi”?...

Theo nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH XIII ngày 25/5/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khoá XIII quy định đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp quận phải có diện tích tự nhiên 35 km2  trở  lên và quy mô dân số 150.000 người trở lên. Quận Hoàn Kiếm (18 phường) thuộc Thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên 5,347 km2, số dân là 212.921 người (tính đến ngày 31/12/2022).

Trong khi đó, quận Ba Đình (14 phường) diện tích tự nhiên 9,21 km2, dân số 226.315 người; quận Đống Đa (21 phường) diện tích tự nhiên 9,95 km2, dân số 400.100 người và quận Hai Bà Trưng diện tích tự nhiên 9,2 km2, dân số khoảng 304.300 người.

Thủ đô Hà Nội có nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm? - 1

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Hà Nội, phía tây giáp quận Đống Đa, phía tây bắc giáp quận Ba Đình và Đống Đa, phía nam giáp quận Hai Bà Trưng, dọc từ phía bắc xuống phía nam là sông Hồng. 

Theo quy định của nghị quyết số 35/2023/UBTVQH XV của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XV thì giai đoạn 2023-2030 ĐVHC cấp huyện (quận) đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn ĐVHC và phân loại ĐVHC thì phải sắp xếp. Như vậy, 3 quận nội thành là Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không phải sắp xếp. Riêng quận Hoàn Kiếm diện tích tự nhiên chỉ đạt 15% tiêu chuẩn ĐVHC cấp quận nên thuộc diện phải sắp xếp như ông Chủ tịch UBND Thành phố nêu ra là có cơ sở.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là khâu rà soát, đối chiếu với 2 tiêu chí. Việc sắp xếp còn do UBND thành phố phải xây dựng phương án cụ thể, thông qua Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét để trình ra Chính phủ, Chính phủ trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Mặt khác, Nghị quyết số 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng quy định (tại điểm 4, Điều 2) nêu một nguyên tắc: “Chú trọng, cân nhắc kĩ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hoá, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội”.

Tại Điều 3 của Nghị quyết 35 cũng nhấn mạnh các trường hợp không bắt buộc sắp xếp ĐVHC, như: “Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành và ổn định từ sau năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào”. Ngoài ra, còn có quy định “Trường hợp khác do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ” đồng thời “tôn trọng ý kiến của đa số cử tri”,v.v…

Quận Hoàn Kiếm thuộc Thủ đô ra đời sớm nhất từ khi hình thành Thăng Long - Hà Nội, là một ĐVHC đầu tiên của Thủ đô trong suốt hàng nghìn năm, nhất là từ năm 1945 luôn ổn định, không bị xáo trộn. Từ tháng 6/1981 cả 4 “khu” nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) được đổi tên là “quận”.

Hoàn Kiếm là quận điển hình về tính đặc thù với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến. Quận có 190 di tích lịch sử, văn hoá, nổi tiếng là quần thể Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - Tháp Rùa, Nhà thờ lớn, đền Bà Kiệu, đền Bạch Mã, chùa Quán Sứ, chùa Báo Ân, tháp Bảo Thiên, Ô Quan Chưởng, Nhà tù Hoả Lò, Bưu điện Hà Nội, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (19/8), Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Tượng đài Lý Thái Tổ, Chợ Đồng Xuân, 36 phố phường với các phố hàng, nghề đa dạng,v.v…

Thủ đô Hà Nội có nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm? - 2

Hồ Gươm hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm là một danh thắng đẹp nằm ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hồ Gươm còn gắn liền với Sự tích Hồ Gươm. Ngoài ra, hồ còn gắn liền với các công trình kiến trúc nổi tiếng khác như: Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Đài Nghiên, Tháp Bút…

Thủ đô Hà Nội có nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm? - 3

Nhà thờ Lớn được xây dựng vào năm 1884 và khánh thành đúng dịp Lễ Giáng sinh năm 1887. Đây là một trong những công trình kiến trúc phương Tây đầu tiên được xây dựng tại Hà Nội. Trải qua bao năm tháng, Nhà thờ Lớn Hà Nội được ví như "nhân chứng" xuyên 3 thế kỷ, chứng kiến sự “thay da đổi thịt” từng ngày của Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội có nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm? - 4

Chợ Đồng Xuân là khu chợ nằm trong khu vực phố cổ Hà Nội, thuộc địa phận phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. Chợ Đồng Xuân là biểu tượng văn hóa, lịch sử lâu đời của mảnh đất Hà thành xưa.

Thủ đô Hà Nội có nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm? - 5

Tượng đài Vua Lý Thái Tổ được đặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ, đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, trung tâm Thủ đô Hà Nội. Tượng đài là một công trình kiến trúc văn hoá đẹp, nhằm tôn vinh Vua Lý Thái Tổ (974 - 1028), người có công khai sáng kinh thành Thăng Long.

Quận Hoàn Kiếm là trung tâm Chính trị - Hành chính, trung tâm Thương mại - Du lịch của Thủ đô, nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hoá quan trọng của thành phố. Xét về lịch sử, văn hoá, truyền thống và góc độ tâm linh thì quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính đặc biệt, có giá trị không gian đô thị, kết tinh những tinh hoa văn hoá, lịch sử, hội tụ nhân tài, ý chí tỏa sáng về truyền thống văn hoá nghìn năm Thăng Long - Hà Nội cổ kính và hiện đại,v.v... với đầy đủ yếu tố đặc thù. Bởi vậy, nguyện vọng của đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước nên giữ nguyên ĐVHC quận Hoàn Kiếm của Thủ đô mà không sáp nhập, chia tách.

Kim Phú Hà

Tin liên quan

Tin mới nhất