Nghệ thuật điêu khắc đá ở lăng Vũ Hồng Lượng - Hưng Yên

Hưng Yên là vùng đất giàu truyền thống với nhiều di tích lịch sử chứa nhiều giá trị văn hóa và nghệ thuật. Làng Phù Ủng thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên hiện còn lưu giữ một lăng mộ với tên lăng Quốc công Vũ Hồng Lượng, là vị quan dưới triều Hậu Lê. Lăng mộ nằm trong cụm di tích đền Phù Ủng (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi), đây cũng là nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão. Nghệ thuật điêu khắc đá tại lăng Vũ Hồng Lượng ghi dấu trình độ thẩm mỹ của nghệ nhân xưa, khẳng định phong cách nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt Nam ở thế kỷ XVII còn lưu giữ tới ngày nay.

Lăng mộ Vũ Hồng Lượng: thuộc làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Vũ Hồng Lượng là người làng,  Phù Ủng, nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Vũ Hồng Lượng làm quan dưới triều Hậu Lê. Sinh thời ông có công đức tu sửa đền thờ Phạm Ngũ Lão và đặt ra lệ để dân làng thờ cúng.

Lăng Vũ Hồng Lượng khởi dựng năm Canh Tý - 1660, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 thời Lê Thần Tông. Công trình này chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, trang trí bằng đá: Hai nhà bia được chạm khắc cầu kỳỹ những hoa văn, họa tiết, phù điêu hình người, linh thú....

Đặc biệt là hệ thống tượng người, tượng linh thú và tượng thú đặt ở nhiều vị trí trong lăng mộ. Với mặt bằng hình vuông với đường linh đạo kéo dài từ cổng vào khu mộ tạo thành kiểu mặt bằng không gian khu hành lễ - khu vực được cho là quan trọng nhất của lăng mộ, gắn với ý nghĩa nghinh đón, tưởng niệm, nơi gặp gỡ của thế giới nhân gian với thế giới linh hồn của người chết.

 Nghệ thuật điêu khắc đá ở lăng Vũ Hồng Lượng - Hưng Yên - 1

Sơ đồ mặt bằng lăng Vũ Hồng Lượng

Lăng Vũ Hồng Lượng có 02 cặp tượng người (mỗi cặp được thể hiện 02 hình tượng người hoàn thiện), 02 tượng nghê, 02 tượng lân và 02 tượng chó. Chất liệu đá được lựa chọn khi xây dựng và làm tượng lăng mộ là chất liệu bền chắc và linh thiêng. Trước sự đòi hỏi về tính bền vững của công trình lăng mộ ngoài trời, người xưa đã lựa chọn đá làm chất liệu chính để kiến tạo nên những quần thể gồm kiến trúc, tượng/điêu khắc, hiện vật và chạm khắc trên các hạng mục bằng đá là tăng ý nghĩa biểu tượng riêng và tính linh thiêng: Những tượng đá trong lăng mộ ở khu vực châu thổ Bắc Bộ hiện nay hầu hết được sử dụng các chất liệu dùng từ nguồn vật liệu có sẵn ở địa phương, một số lăng mộ do nằm xa vùng núi nên được vận chuyển từ nơi khác về như đá sa thạch,  đôi khi sử dụng cả chất liệu đá ong, nhưng rất hiếm gặp.

Nghệ thuật điêu khắc đá ở lăng Vũ Hồng Lượng - Hưng Yên - 2

Tượng chó đá.

Về điêu khắc tượng tròn, ở: Ở lăng Vũ Hồng Lượng có 01 cặp tượng chó gắn với bên trong cổng lăng, đặt ở vị trí hai bên lối đi vào, có chiều cao 68 và 80 cm, chiều rộng 38 và 45 cm. Những tượng chó này thường được đặt ngoài cổng với hướng nhìn ra ngoài cổng lăng, đặc điểm này thể hiện vai trò canh giữ, bảo vệ giống như chức năng của loài chó thực ở ngoài đời.

Tượng nghê ở lăng Vũ Hồng Lượng được tạo tác khá mạch lạc giữa các phần thân, cổ và đầu. Tỉ lệ giữa các phần cũng hài hòa thanh thoát. Các chi tiếttiêt như tai, mắt, miệng, râu bờm, đuôi, sống lưng… không quá rườm rà. Khối tượng căng khỏe và hình tượng được thiêng hóa những chi tiết mang tính trang trí với biểu tượng như mây lưỡi lửa, bờm xoắn…

Tượng nghê ở lăng Vũ Hồng Lượng có đặc điểm: Bố cục nhỏ nhắn, kiểu dáng tương đối giống với kiểu dáng tượng chó ngồi với hai chân trước chống thẳng, hai chân sau cuộn khép chặt vào khối bụng. Trên bề mặt khối bố cục xuất hiện các hình thức hoa văn, họa tiết, mô típ trang trí như đao mác, vân mây gắn liền với cấu trúc các khớp của bốn chi. Trên thân có nhiều phần có khối bề mặt để trống thể hiện lớp bề mặt da thịt nở căng tròn của thân hình.

Ở cặp tượng sấu trong lăng Vũ Hồng Lượng thể hiện hình thức bố cục trang trí với mục đích tạo điểm nhấn ở đầu và xương sống, bố chi, đuôi. Với đặc điểm của một loài linh thú có khối đuôi dài tương đương với thân, nên nghệ thuật trang trí được thể hiện trên khối đuôi với nhiều nét song song uốn lượn hình sóng nước. Giống như tượng lân, tượng sấu cũng chỉ được trang trí với mật độ họa tiết hoa văn vừa phải trên bề mặt khối thân. Chủ yếu vẫn là các mô típ hoa văn hình vânăn xoắn ốc gắn với khối đầu, hai bên hàm, đặc biệt là hai dải vân xoắn ốc đăng đối nhau qua hai bên sống lưng thành một trang trí liền mạch với dưới sự liên kết của 04 cụm hoa văn lưỡi lửa hình đao mác có hướng bay từ bốn chi về phía sống lưng.

Nghệ thuật điêu khắc đá ở lăng Vũ Hồng Lượng - Hưng Yên - 3

Tượng Sấu đá

Về phù điêu: tại lăng Vũ Hồng Lượng chạm khắc nhiều đề tài là con vật quen thuộc trong dân gian: cá, chim, rùa, ếch, ba ba, uyên ương/gà… Trang trí trên thành lan can và bia là những đề tài về rồng, phượng, phù điêu người đội chữ, tạo ra nghệ thuật chạm khắc riêng biệt có ở lăng Vũ Hồng Lượng. Thông qua ngôn ngữ, hình thức của nghệ thuật bố cục cho ta thấy một mạch chuyển động về hình thể, đường nét tổng thể cũng như đường nét chi tiết tạo thành hệ thống bố cục chặt chẽ cả về hình thức và nội dung.

Tổng thể chung về bố cục, phù điêu cũng có nguyên tắc chung, chịu sự ảnh hưởng, quy định của kiến trúc. Các bức chạm thường được bố cục theo chiều thẳng đứng hoặc chiều ngang của các khối đá, các họa tiết được lặp lại đăng đối, liên hoàn đôi khi cũng có tính phù điêu cầu kỳ như hình chạm người đội chữ. Sự sắp đặt bố cục cũng phong phú, có khi là bố cục hình tròn, hình sin, hình gấp khúc, lượn sóng, đôi khi lại cắt ngang nhau. Nội dung đề tài ở đây không mang tính phê phán xã hội mà chỉ đơn giản bộc lộ quan điểm, mong muốn tô điểm cho ngôi nhà của người chết ở thế giới bên kia. Bằng kỹ thuật chạm khắc tỉ mỉ, tinh tế theo nhiều dạng thức bố cục, xuất hiện những phù điêu chạm nổi, hình khối sinh động.

Nghệ thuật điêu khắc đá ở lăng Vũ Hồng Lượng - Hưng Yên - 4

Hình người đội chữ

Trong cả chiều dài lịch sử hình thành, phát triển và đi đến định hình phong cách tượng lăng mộ ở thời Lê Trung Hưng, hệ thống tượng tròn và phù điêu đã chứa đựng nhiều phẩm chất nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu, giúp người đời sau tìm thấy những ý tứ được người xưa gửi gắm, đặc biệt là quan niệm về thân phận con người, sự sống, cái chết và sự bất tử sau khi chết. Dù không đủ căn cứ để minh chứng cụ thể cho từng ý nghĩa ước lệ đó trên tượng, hay trên các đồ án trang trí nhưng qua sự hiện hữu đồng bộ, gắn kết giữa kiến trúc, điêu khắc, tượng lăng mộ, trang trí vài môi cảnh thực tế ngoài trời. Nghệ thuật điêu khắc lăng mộ Vũ Hồng Lượng tại Ân Thi -– Hưng Yên được cho là một sự tái hiện lại, mô phỏng lại khá chân thực bối cảnh không gian khi chủ nhân còn sống.

Kết luận

Điêu khắc tượng tròn và phù điêu tại lăng mộ Vũ Hồng Lượng được tạo hình và sử dụng các mô típ trang trí gắn với sự linh thiêng như hình mây và các đao mác, vân xoắn. Chính điều ấy đã tạo cho các con thú linh sự bay bổng và tương đồng với ý nghĩa và quyền năng của chúng. Các phù điêu được chạm khắc với nhiều đề tài làm đa dạng cho không gian thờ cúng của lăng mộ. Những hoa văn, mô típ, giải cấu trúc trang trí như tham gia vào việc lưu giữ những giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử đương thời, phục vụ linh hồn chủ nhân dưới mộ.

Nghệ thuật điêu khắc tượng tròn đặt trong lăng mộ Vũ Hồng Lượng đã có những đóng góp to lớn vào việc định hình giá trị nghệ thuật điêu khắc tượng tròn bằng đá, hiện vật mỹ thuật bằng đá vào kho tàng nghệ thuật điêu khắc cổ truyền dân tộc của người Việt. Nghệ thuật lăng mộ nói chung, nghệ thuật tượng lăng mộ Vũ Hồng Lượng mang nét tiêu biểu cho kiểu thức lăng mộ ở Đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XVII17, đó là khối lượng lớn các tác phẩm tượng tròn bằng đá có phong cách tạo hình đặc thù và rõ nét. Chúng không giống bất cứ loại hình tượng tròn nào trong những di sản Phật giáo hay đình làng….

Nghệ thuật điêu khắc lăng mộ Quận công Vũ Hồng Lượng được tạo tác chủ yếu bằng chất liệu đá. Hệ thống tượng người, tượng linh thú, tượng thú trong không gian kiến trúc lăng mộ đã thể hiện những thế mạnh về dạng chất liệu có tính bền vững, được tạo tác ở trình độ kỹ thuật khá cao. Phản ánh thẩm mỹ tạo tượng đá trong dân gian đương thời đã đạt đến trình độ nhất định trong phong cách tạo tượng tròn gắn với lăng mộ ngoài trời. Trong bối cảnh chung của nền nghệ thuật tượng cổ của người Việt, loại hình nghệ thuật tượng lăng mộ Vũ Hồng Lượng mang phong cách chạm khắc đá của thế kỷ 17 ở Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, quê hương Hưng Yên nói riêng, khẳng định được vị thế và giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt còn lưu giữ đến nay./.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Tạo (2008), Một số đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc đá truyền thống ở Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa.

2. Chu Quang Trứ (2002), Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Xuân (2011), Tượng trong lăng mộ vùng châu thổ Bắc Bộ (TK XVII - XIX), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Viện bảo tồn di tích, Hà Nội

4. Nguyễn Thị Xuân (2011), Tượng trong lăng mộ vùng châu thổ Bắc Bộ (TK XVII - XIX), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Viện bảo tồn di tích, Hà Nội, tr. 40

ThS. Vũ Thị Kim Ngân - ThS. Trần Thanh Tùng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.